VNCDC TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA VỚI PHỤ NỮ MANG THAI

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi Cục Y tế Dự phòng, 17/1/20.

  1. Cục Y tế Dự phòng

    Cục Y tế Dự phòng Bệnh viện Quận 4
    • 1/6

    Đã được thích:
    27
    Điểm thành tích:
    1
    Uống rượu, bia trong khi mang thai có thể gây ra rất nhiều hậu quả đối với sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có những quy định quan trọng để bảo vệ phụ nữ mang thai khỏi tác hại của rượu bia.

    Rượu, bia là chất kích thích, có thể gây nghiện và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Theo các nghiên cứu, việc uống rượu, bia gây ra những tổn thương nghiêm trọng nhất trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ uống rượu, bia tại bất cứ thời điểm nào lúc mang thai cũng có thể gây hại cho thai nhi. Cho dù là một cốc bia, một ly rượu, đồ uống pha chế hay kể cả là một ly rượu vang cũng đều chứa cồn và nó có ảnh hưởng không tốt cho thai nhi. Nếu phụ nữ đang cố gắng mang thai thì không nên uống rượu, bia hay bất kỳ loại đồ uống có cồn nào khác.

    Khi một phụ nữ mang thai uống rượu, bia, một phần rượu sẽ dễ dàng đi qua nhau thai và vào cơ thể thai nhi. “Bà bầu” uống rượu cũng đồng nghĩa với việc em bé trong bụng uống rượu. Tuy nhiên, quá trình đào thải ra bên ngoài của thai nhi sẽ mất nhiều thời gian hơn. Nếu mẹ chỉ “say rượu” vài giờ thì thai nhi có thể “li bì” đến vài ngày. Một lượng cồn lớn tích tụ trong cơ thể thai nhi sẽ ngăn cản thai nhi hấp thụ đủ dinh dưỡng và lượng oxy cần thiết để hình thành nên các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, nếu phụ nữ uống rượu, bia khi mang thai thì thai nhi có thể bị tổn thương và ảnh hưởng xấu tới sự hình thành, phát triển, nhất là trong 3 tháng đầu.

    Một hậu quả nghiêm trọng của việc uống rượu, bia khi mang thai là gây ra hội chứng rối loạn do nhiễm độc rượu bào thai (Fetal alcohol spectrum disorders - FASD). Đây là căn bệnh gây hệ lụy suốt đời, khiến thai nhi kém phát triển (ngay từ trong tử cung, sau khi sinh, hoặc cả hai), các đặc điểm trên khuôn mặt bất thường, dị tật tim và tổn thương hệ thần kinh trung ương. Những em bé bị mắc hội chứng FASD cũng có thể có đầu và não nhỏ bất thường, các khuyết tật bẩm sinh khác, đặc biệt là tim và cột sống.

    Ngoài ra, dù không uống nhiều, nhưng phụ nữ mang thai uống thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ. Do thói quen sử dụng rượu bia hằng ngày, kể cả trong thời gian mang thai, nhiều bà mẹ đã tự hại chính đứa con của mình. Khoa học đã chứng minh việc uống rượu, bia trong khi mang thai sẽ tạo ra một môi trường vô cùng độc hại cho thai nhi. Khi con phải sống và phát triển trong môi trường có chất cồn, cơ thể non yếu của trẻ sẽ không thể chống chọi lại với điều này. Chính vì thế đã có rất nhiều trường hợp thai bị tác động dẫn đến sảy thai, thai chết lưu do bia, rượu gây ra.
    Không có một giới hạn an toàn nào cho việc uống bia, rượu trong thời gian mang thai của bạn. Đây là nhận định của David Garry, Phó giáo tại Đại học Y khoa Albert Einstein. Ông cũng cho biết uống rượu, bia với bất kỳ liều lượng nào và ở bất kỳ thời điểm nào trong khi mang thai cũng đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

    Đó là chưa kể đến việc, bà mẹ mang thai uống rượu, bia cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình. Chất cồn sẽ khiến mẹ say xỉn, mệt mỏi, đau đầu, gây rối loạn về thể chất, tinh thần và mắc các bệnh mạn tính. Đặc biệt, nếu uống thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động trí não, gây mất tập trung, buồn ngủ, không tỉnh táo… Hệ tiêu hóa cũng gặp rắc rối, gây các bệnh về đường ruột, dạ dày…

    Nhiều chị em không biết mình mang thai nên lỡ uống 1 ít rượu trong 3 tháng đầu. Câu hỏi đặt ra là như vậy có tác hại gì không? Trong thực tế không có ngưỡng nào là an toàn bởi vì việc dung nạp và nguy cơ do uống rượu, bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chỉ lỡ uống 1 ít rượu trong 3 tháng đầu thì các bà mẹ cũng không cần quá lo lắng. Hãy dừng lại ngay vì bất cứ lý do gì. Còn nếu không biết có thai nên lỡ uống quá nhiều rượu thì các bà mẹ tốt nhất nên gặp bác sỹ để được tư vấn, kiểm tra sàng lọc. Đặc biệt, theo dõi thường xuyên để phát hiện dị tật (nếu có) và xử trí kịp thời. Dị tật bẩm sinh liên quan đến rượu là hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Nhưng quan trọng nhất, đó là chị em khi mang thai cần dừng ngay việc uống rượu, bia, càng sớm càng tốt cho thai nhi.

    Không chỉ phụ nữ sử dụng rượu bia mới bị ảnh hưởng cả mẹ và con, nếu người chồng uống rượu khi vợ mang thai cũng gây những ảnh hưởng nhất định về tâm lý của vợ. Người vợ có thể cảm thấy không thoải mái (bởi mùi rượu, hoặc những hành động khó chịu của chồng khi say rượu…)./.

    Các triệu chứng của hội chứng nhiễm độc rượu bào thai (FASD)

    [​IMG]

    Do hội chứng này gây ra rất nhiều vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần nên các triệu chứng cũng rất đa dạng, từ nhẹ cho tới nặng, bao gồm:

    • Đầu nhỏ

    • Môi trên mỏng đôi khi bị chẻ, khoảng cách giữa các mắt nhỏ và các bất thường khác trên khuôn mặt

    • Chiều cao và cân nặng dưới mức trung bình

    • Tăng động, thiếu tập trung; Kém phối hợp vận động

    • Chậm phát triển trí tuệ và gặp phải những vấn đề về tư duy, ngôn ngữ, chuyển động và các kỹ năng xã hội

    • Khả năng đánh giá yếu kém

    • Gặp phải các vấn đề về thị giác, thính giác

    • Khuyết tật khả năng học tập và trí tuệ

    • Các bệnh tim mạch

    • Dị tật tiết niệu

    • Dị tật chi và ngón tay, ngón chân

    • Dễ thay đổi tâm trạng


    Ban quản lý trang thông tin điện tử, Cục Y tế dự phòng


    Xem trang nguồn: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này