SỞ Y TẾ 10 điểm đáng để suy ngẫm về hệ thống y tế của một quốc gia đã có nhiều đổi mới theo hướng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 4/10/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Tìm hiểu công trình nghiên cứu đánh giá hiệu quả của hệ thống y tế New Zealand của Tổ chức Y tế Thế giới qua chuyên đề “New Zealand Health System Review” (2014) và nhất là qua khoá đào tạo chuyên đề về quản trị y tế tiên tiến của trường AUT do UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức dành cho các lãnh đạo ngành y tế và các bệnh viện thành phố và bệnh viện quận, huyện (học lý thuyết từ 17/9 - 20/9/2019 và đi thực tế từ 29/9 – 6/10/2019), đoàn cán bộ ngành y tế thành phố tham gia khoá đào tạo rút ra những nhận định như sau:


    Về những thành công qua những lần đổi mới hệ thống y tế New Zealand theo đánh giá và nhận định của TCYTTG:


    (1) PHARMAC: được thành lập vào tháng 6/1993 với mục tiêu đảm bảo kết quả sức khỏe người dân tốt nhất từ việc điều trị thuốc bằng nguồn ngân sách nhà nước. Vai trò của PHARMAC không chỉ quản lý ngân sách sử dụng thuốc ở cộng đồng mà còn phải đảm bảo tối ưu sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế; đàm phán giá và các điều khoản để cung cấp thuốc cho bệnh viện. PHARMAC được điều hành bởi chính phủ nhưng hội đồng độc lập chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và thay mặt cho 20 Hội đồng y tế quận về mua và cung cấp dịch vụ y tế. Các công ty dược phẩm đàm phán với PHARMAC về giá cả và các điều kiện tiếp cận khác, khuyến khích cạnh tranh giữa các nhà cung cấp. PHARMAC sử dụng giá tham chiếu cho các thuốc có cùng tác dụng hoặc tương tự, buộc các nhà cung cấp phải đưa ra giá thấp nhất PHARMAC khuyến khích phát triển thuốc generic bằng cách đấu thầu cạnh tranh để giành quyền cung cấp độc quyền, trong một thời gian hạn chế, một khi bằng sáng chế thuốc hết hạn. PHARMAC cũng tham gia vào việc chia sẻ rủi ro, giao dịch đa ngành với các công ty dược phẩm và thỏa thuận đặt ra các khoản chi tiêu hoặc giảm giá, chia sẻ rủi ro với các công ty dược phẩm về khả năng hấp thụ một loại thuốc cụ thể. Kết quả là đã tiết kiệm được một số loại thuốc trong số các chính sách này, với statin hiện chỉ bằng một nửa chi phí so với tại Úc, và giá fluoxetine đã giảm từ 1,92 đô la mỗi viên 20 mg vào năm 1993 xuống còn 0,05 đô la mỗi viên vào năm 2004. Một phân tích gần đây của chính phủ Canada cho thấy giá thuốc generic ở New Zealand chưa bằng 1/4 giá ở Canada và thuốc được cấp bằng sáng chế rẻ hơn 20%. PHARMAC đã tuyên bố tiết kiệm 3,1 triệu đô-la trong năm đầu tiên so với xu hướng trước đó và đã giảm một nửa mức tăng trưởng của chi tiêu thuốc (khoảng 5% một năm). Báo cáo của Kho bạc New Zealand từ năm 1994 đến 2008 , ngân sách thuốc cho cộng đồng tăng với tỷ lệ trung bình hàng năm là 2% (so với 15% trong những năm 1980).



    (2) District Health Board (DHB): Một thay đổi lớn khác đối với hệ thống y tế New Zealand đó là sự ra đời của 20 Hội đồng y tế quận (District Health Board - DHB) chịu trách nhiệm lập kế hoạch và cấp kinh phí hoạt động cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ theo khu vực địa lý, bao gồm cả chăm sóc ban đầu và chăm sóc tại bệnh viện. Các thành viên của hội đồng được bầu từ địa phương và được Bộ Y tế bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Hội đồng Y tế Quốc gia (National Health Board - NHB) được thành lập vào năm 2009 với tư cách là một đơn vị kinh doanh thuộc Bộ Y tế với trách nhiệm cấp ngân sách, theo dõi và lập kế hoạch cho các DHB. Mục đích chính của loại hình tổ chức quản lý nhà nước này là tăng cường sự gắn kết giữa chăm sóc sức khoẻ ban đầu với chăm sóc chuyên khoa tại bệnh viện, các DHB đã xoá bỏ ranh giới rõ rệt giữa các bệnh viện với các tổ chức chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại New Zealand. Mỗi DHB được yêu cầu theo luật phải có 3 tiểu ban quản lý các lĩnh vực hoạt động khác nhau: ủy ban y tế công cộng; ủy ban dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật; và một ủy ban tư vấn bệnh viện. Mỗi ủy ban đều có các thành viên DHB được bầu và bổ nhiệm. Với tái cấu trúc này, hệ thống khám, chữa bệnh tại New Zealand có 2 cấp: (1) khám, chữa bệnh ban đầu (phòng khám GP); (2) khám, chữa bệnh chuyên khoa tại bệnh viện. Chi phí khám, chữa bệnh được nhà nước bao cấp (từ nguồn đóng thuế của người dân), chỉ đóng một phần rất nhỏ tại các phòng khám GP: nếu là người dân tộc Maori hay Pacific và các dân tộc thiểu số khác chỉ đóng 10 đô-la NZ cho mỗi lần khám (kể cả xét nghiệm và cấp phát thuốc), nếu là cư dân NZ khác thì đóng khoản 80 đô-la.


    (3) Primary Health Organization (PHO): Từ năm 2001, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được các tổ chức chăm sóc sức khoẻ ban đầu (PHOs) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, các tổ chức này là các cơ sở y tế tư nhân, được DHB ký hợp đồng và cấp kinh phí hoạt động theo số dân đã đăng ký với họ, sau đó các PHO ký hợp đồng với các bác sĩ chăm sóc ban đầu (GP) và các nhà cung cấp khác để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Bác sĩ GP cũng có thể tính phí đồng thanh toán cho bệnh nhân. Các bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ phẫu thuật tham gia chăm sóc ban đầu tại các phòng khám dựa vào cộng đồng hoặc phòng khám tư nhân hoặc tại các khoa khám bệnh của các bệnh viện. Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa được tuyển dụng bởi các bệnh viện khu vực công, nhưng nhiều người cũng duy trì các thực hành tư nhân của riêng họ (thực hành kép). Các dịch vụ ngoại trú và nội trú tại bệnh viện chủ yếu được cung cấp bởi các bệnh viện công trực thuộc DHB. Người dân không phải chi trả các chi phí điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các bệnh viện công.


    Điển hình là cơ sở y tế tư nhân “Southseas Healthcare”. Đây là một trong những cơ sở tiêu biểu về mô hình các tổ chức chăm sóc sức khoẻ ban đầu lập (PHO: Primary Health Organzations) tại New Zealand do cơ sở y tế tư nhân đảm trách, thay vì các cơ sở y tế công. “Southseas Healthcare” là tên của một cơ sở y tế tư nhân được phép triển khai các hoạt đồng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho cộng đồng dân cư khu vực phía Nam thành phố Auckland, hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. Quản lý và điều hành hoạt động của cơ sở này là một hội đồng quản trị với 8 thành viên, bao gồm 4 bác sĩ, 2 đại diện cho người dân địa phương, 1 quản trị kinh doanh và 1 vị trí khác. Tổng nhân sự của phòng khám này gồm 50 người, trong đó có 15 người cơ hữu công tác tại phòng khám, 35 người là nhân y tế cộng đồng. Hầu hết người đăng ký khám bệnh tại phòng khám này là người dân tộc Maori và Pacific, tất cả người dân sau khi đăng ký chỉ phải đóng một phần chi phí khám, chữa bệnh, chỉ đóng 1 khoản là 10 đô-la NZ (kể cả thuốc và xét nghiệm), còn các cư dân NZ khác phải trả chi phí khoảng 80 đô-la NZ.


    Về những mô hình hoạt động hiệu quả theo nhận định của đoàn cán bộ ngành y tế TP.HCM (sau khoá đào tạo nâng cao năng lực quản trị bệnh viện tại trường AUT):


    (4) Đổi mới đào tạo các chuyên ngành chăm sóc sức khoẻ theo hướng tích hợp: Đây là hướng đi mới của các trường đại học tại New Zealand trong đào tạo nhân viên y tế chuyên ngành sức khoẻ. Thay vì theo kiểu cũ, học viên của các trường điều dưỡng, các trường đào tạo kỹ thuật viên chuyên ngành phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu,… được đào tạo với các chương trình riêng biệt của mỗi trường, thì trường đại học công nghê Auckland (AUT) đã cho ra một loại hình đào tạo thực hành mới, đó là đào tạo các học viên theo các chuyên ngành sức khoẻ khác nhau có nhận thức và có kỹ năng phối hợp với nhau trong chăm sóc người bệnh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mô hình đào tạo tích hợp này cho phép các sinh viên từ các chuyên ngành khác nhau như bệnh bàn chân (podiatry), sức khoẻ răng miệng (oral health), vật lý trị liệu (physiotherapy), điều trị bệnh nghề nghiệp (occupational therapy), chăm sóc điều dưỡng, tham vấn tâm lý (psychology counselling), tâm lý trị liệu (psychotherapy), dinh dưỡng, và giáo dục sức khoẻ (health promotion).... cùng trao đổi, phối hợp, làm việc nhóm với nhau để chọn ra những giải pháp điều trị theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp phù hợp với nhu cầu của từng người bệnh cụ thể. Các bệnh nhân sau khi điều trị ổn các bệnh mạn tính (tiểu đường, tâm phế mạn...) tại bệnh viện hoặc các phòng khám bác sĩ gia đình được giới thiệu đến trung tâm này để được theo dõi chăm sóc sức khoẻ lâu dài.



    (5) Hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện: Mô hình vận hành cấp cứu 111 tại New Zealand tương tự các mô hình cấp cứu 911 của Mỹ và mô hình cấp cứu 999 của Anh, với mô hình này, đội cấp cứu ngoài bệnh viện sẽ trực thuộc trung tâm cứu hộ, cứu nạn (bao gồm cả cứu hoả và an ninh). Nhân viên cấp cứu y tế là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic), điều phối viên (Dispatcher) sử dụng phần mềm AI giúp sàng lọc thông tin để hướng dẫn người thân của người bị nạn cách sơ cấp cứu tại chổ trong khi chờ nhân viên Paramedic đến cấp cứu người bị nạn. Giống như các nước khác, xe cứu thương tại các bệnh viện là xe cứu thương của Trung tâm Cấp cứu, bệnh viện không có xe cứu thương riêng. Khi nhận được cuộc gọi “111” yêu cầu cấp cứu, điều phối viên (dispatcher) của Trung tâm Cấp cứu St. John của New Zealand (St. John là tên của xe cấp cứu ngoài bệnh viện) tiếp nhận cuộc gọi và thực hiện sàng lọc thông tin để đồng thời hướng dẫn người gọi cấp cứu cách sơ cứu nạn nhân tại chổ, và chuyển thông tin cần thiết đã được mã hoá đến trạm cấp cứu gần nơi người bị nạn. Nhận được thông tin từ điều phối viên, đội cấp cứu gồm: xe cứu hoả và nhân viên cứu hoả; xe cứu thương và nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic) đến ngay hiện trường để sơ cấp cứu cho người bị nạn và vận chuyển người bệnh về bệnh viện để điều trị. Nếu tình trạng người bệnh ổn định, không cần sơ cấp cứu trên đường chuyển về bệnh viện thì xe cứu thương màu trắng sẽ vận chuyển người bệnh, nếu tình trạng người bệnh chưa ổn định cần tiếp tục sơ cấp cứu trên đường chuyển thì xe cứu thương màu vàng với đầy đủ thuốc và dụng cụ cấp cứu trên xe



    (6) Giảm tải khoa cấp cứu bằng nguyên tắc “6 giờ”: Tình trạng quá tải bệnh nhân tại các khoa Cấp cứu của các bệnh viện hiện nay đã trở thành vấn đề ưu tiên cần được can thiệp bằng nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu rút ngắn thời gian chờ và thời gian lưu lại tại khoa Cấp cứu cho người bệnh. Nếu như ở nước Anh đưa ra nguyên tắc “4 giờ”, thì tại New Zealand, các Hội đồng Y tế quận đều đang nỗ lực triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu “6 giờ” tại tất cả bệnh viện. Các giải pháp đã được triển khai bao gồm: (1) trường hợp người bệnh cần nhập viện nhưng các khoa chưa thể tiếp nhận sẽ được lưu tại “Đơn vị đánh giá y khoa” (Medical Assesment Unit – MAU) tương đương như phòng lưu bệnh hiện nay tại các bệnh viện ở TP.HCM; (2) hướng dẫn người bệnh không cấp cứu kèm tặng phiếu giảm giá khám bệnh để khuyến khích người bệnh đến khám tại các phòng khám GP theo qui định; (3) tăng kết nối liên lạc giữa bệnh viện – bác sĩ GP – bệnh nhân; (4) triển khai phần mềm đăng ký khám bệnh cấp cứu (Emergency Q) giúp sàng lọc người bệnh trước khi vào cấp cứu; (5) xây dựng văn hoá phân luồng bệnh với khẩu hiệu “Bệnh nhân tai khoa cấp cứu không chỉ là bệnh của khoa cấp cứu mà là bệnh nhân của toàn bộ hệ thống bệnh viện”, tạo văn hoá sẵn sàng tiếp nhận người bệnh của các khoa lâm sàng nếu tình trạng người bệnh đúng chuyên khoa; (6) ký hợp đồng với các nhân viên y tế khác khi cần sẽ tăng cường nhân lực cho khoa cấp cứu để hỗ trợ; (7) liên kết các cuộc hẹn để người bệnh được khám nhiều chuyên khoa cùng lúc (TeleHealth); (8) tăng cường các hoạt động cộng đồng như triển khai “Bệnh viện tại nhà” (Hospital in The Home – HiTH) để chăm sóc người bệnh sau xuất viện, phân công các bác sĩ có kinh nghiệm của bệnh viện phối hợp cùng điều dưỡng địa phương điều trị và chăm sóc cho người bệnh, tăng cường nhân viên cộng đồng để tư vấn cho người bệnh tại nhà trước khi đi khám bệnh. Với những giải pháp trên bệnh viện đã giải quyết khá hiệu quả tình trạng quá tải tại khoa Cấp cứu.



    (7) Mô hình phòng khám đa khoa “Super Clinic”: thay vì thành lập thêm bệnh viện mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, DHB tại Auckland đã cho ra mắt mô hình phòng khám đa khoa có cả phẫu thuật và nằm lại điều trị nội trú sau phẫu thuật. Mô hình “Siêu” phòng khám này có đầy đủ các chuyên khoa, với nguồn nhân lực là các bác sĩ chuyên khoa thay vì là bác sĩ GP. Phòng khám có cả phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối nhưng không phát triển các chuyên khoa phục vụ điều trị các bệnh lý phức tạp khác, những trường hợp này sẽ được chuyển đến các bệnh viện để điều trị. “Siêu” phòng khám này tiếp nhận bệnh nhân do các bác sĩ GP chuyển đến thay vì chuyển đến các bệnh viện. Người dân có quyền chọn lựa khám, chữa bệnh ban đầu tại các phòng khám GP hoặc có thể đến “Siêu phòng khám” này, hoàn toàn miễn phí nếu là công dân New Zealand.



    (8) Đầu tư trang thiết bị có chọn lọc tại các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu: Một đặc điểm khác biệt với Việt Nam đó là các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu chỉ đầu tư cho hạ tầng cơ sở, nhân lực chuyên môn, nhưng không đầu tư cho xét nghiệm, các chẩn đoán hình ảnh khác và không có nhà thuốc. Các hoạt động này sẽ do các cơ sở tư nhân khác đảm trách và được nhà nước chi trả lại các chi phí đã thực hiện cho người bệnh. Hình thức này sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị cho tất cả cơ sở tham gia khám, chữa bệnh ban đầu nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người bệnh.


    (9) Trung tâm CNTT chuyên ngành y tế: Xuất phát từ những khó khăn trong phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, cụ thể là không kết nối được dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế với nhau (EMR), không kết nối thông tin sức khoẻ của người dân giữa các cơ sở y tế với nhau (EHR), 4 Hội đồng y tế quận (DHB) ở khu vực phía bắc của New Zealand bao gồm: Northland, Waitemata, Auckland và Manuaku Health đã cử mỗi quận 1 thành viên tham gia hội đồng quản trị và thành lập nên một trung tâm mới có tên là “HealthAlliance NZ” chuyên trách về hoạt động công nghệ thông tin của 15 bệnh viện và các cơ sở y tế khác trong khu vực. Tổng cộng hội đồng quản trị gồm 7 người, có tổng cộng 525 nhân viên chuyên trách, chủ yếu chuyên ngành công nghệ thông tin và quản lý dự án, trong đó có một số nhân viên công nghệ thông tin chuyển công tác từ bệnh viện về trung tâm. Trung tâm này hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp tư nhân, đồng thời chịu trách nhiệm trước các DHB về phát triển công nghệ thông tin theo định hướng phát triển của Bộ Y tế, các DHB sẽ ký hợp đồng và cấp kinh phí cho trung tâm, trung tâm sẽ hoạch định chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin cho các bệnh viện và các cơ sở y tế với sự chấp thuận của các DHB, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả hoạt động.



    (10) Bảo hiểm tai nạn ACC: New Zealand còn có tổ chức ACC (Accident Compensation Corporation) do chính phủ tài trợ toàn diện để chi trả cho việc điều trị, phục hồi và bồi thường cho những người bị tai nạn và thương tích (không do lỗi cá nhân). Hệ thống y tế tại New Zealand cũng chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật. Bộ Y tế chịu trách nhiệm tài trợ kinh phí các dịch vụ cho những người dưới 65 tuổi, trong khi DHB chịu trách nhiệm tài trợ kinh phí cho những người từ 65 tuổi trở lên.

    Sở Y tế TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này