SỞ Y TẾ 10 kỹ thuật điều trị chuyên sâu được triển khai thành công tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố trong năm 2019 - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 25/12/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Giải trình tự các gen HLA với hệ thống giải trình tự thế hệ mới tại BV Truyền máu Huyết học TP.HCM

    Dưới đây là 10 kỹ thuật điều trị chuyên sâu tiêu biểu đã triển khai thành công tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố:

    1 “Sử dụng trí tuệ nhân tạo của Robot Modus V Synaptive trong phẫu thuật thần kinh” tại Bệnh viện Nhân dân 115

    Sau gần 3 năm chuẩn bị, ngày 15/02/2019, Bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai thành công phẫu thuật u não bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive, đánh dấu bước đi lịch sử của bệnh viện nói riêng và của Ngành Y tế Việt Nam nói chung đối với sự phát triển của châu lục theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0: sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Tính đến nay, bệnh viện đã tiếp tục triển khai phẫu thuật Robot Modus V Synaptive thành công cho 10 trường hợp bệnh lý u não và u tủy sống.

    Hệ thống Robot Modus V Synaptive là hệ thống robot tiên tiến, hiện đại nhất trong phẫu thuật thần kinh hiện nay, chỉ mới xuất hiện đầu tiên từ tháng 4/2015 (thế hệ 1), tháng 12/2015 (thế hệ 2) tại Milwaukee, Mỹ. Lần lượt sau đó vào tháng 7/2017 tại Thụy Sĩ, tháng 4/2018 tại Michigan, tháng 5/2018 tại New York, tháng 3/2019 tại London. Như vậy, Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên của Châu Á triển khai thành công hệ thống Robot Modus V Synaptive, trước cả Vương quốc Anh. Báo cáo đánh giá tổng kết tại Hội nghị Ngoại thần kinh Asean và toàn quốc vào ngày 6/11/2019 cho thấy phẫu thuật Robot Modus V Synaptive là an toàn, hiệu quả, chưa gặp biến chứng sau mổ, người bệnh có chất lượng cuộc sống sau mổ tốt, bảo tồn được các chức năng thần kinh quan trọng. Dựa vào các ưu điểm chính của hệ thống Robot Modus V Synaptive như: (1) cho phép nhìn thấy tương quan giữa tổn thương và các bó dẫn truyền thần kinh; (2) cho phép nhìn thấy các vị trí mà nếu mổ bằng vi phẫu không thể thực hiện được; (3) tự động di chuyển theo dụng cụ mổ; (4) tự động chỉnh nét (auto focus); (5) tương tác giọng nói, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ triển khai hệ thống Robot Modus V Synaptive trong phẫu thuật thức tỉnh (awake surgery - không cần gây mê toàn thân), xuất huyết não tự phát và các bệnh lý thần kinh khác.

    2 “Phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson” tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

    Để điều trị các bệnh lý rối loạn vận động như bệnh Parkinson, run vô căn, loạn trương lực cơ kháng trị bằng phẫu thuật, năm 2011, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã cử các bác sĩ ngoại thần kinh, thần kinh - tâm thần đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại Pháp, Úc, Thái Lan và mời chuyên gia nước ngoài Gs Jean Paul Nguyen (Đại học Nantes – Cộng hòa Pháp) đến bệnh viện giảng dạy, phẫu thuật, chuyển giao kỹ thuật.

    Tháng 04/2019, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chính thức được Sở Y tế phê duyệt kỹ thuật. Tính đến nay đã có 28 người bệnh bị bệnh Parkinson, run vô căn, loạn trương lực được điều trị thành công bằng kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu tại BV Nguyễn Tri Phương.

    3 “Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị suy hô hấp tuần hoàn ở trẻ em” tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 1

    Xuất phát từ nhu cầu cứu sống các bệnh nhi suy hô hấp, suy tim cấp nguy kịch thất bại với các biện pháp hồi sức chuyên sâu như lọc máu liên tục, thở máy HFO, vận mạch…Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai thành công kỹ thuật “Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal Membrane Oxygenation ECMO)”. Đây là một kỹ thuật chuyên sâu, không chỉ cần trang bị máy ECMO hiện đại mà còn có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, tim mạch, ngoại khoa phối hợp với nhau. Triển khai thành công kỹ thuật này tại 2 bệnh viện chuyên khoa Nhi đã mở ra triển vọng mới trong cứu sống những trẻ em bị viêm cơ tim tối cấp vốn có nguy cơ tử vong cao trong nhiều năm qua.

    Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu tiên phía Nam triển khai kỹ thuật ECMO, tính đến thời điểm hiện nay, sau hơn 18 tháng, bệnh viện đã thực hiện cho 13 trường hợp bệnh nhi suy hô hấp tuần hoàn nặng trong đó có 8 trường hợp viêm cơ tim tối cấp, 2 trường hợp hội chứng suy hô hấp tiến triển ARDS, 2 trường hợp suy hô hấp nặng sơ sinh và 1 trường hợp hậu phẫu tim bẩm sinh. Tỷ lệ cứu sống là 9/13 (#70%). Đặc biệt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã thực hiện được kỹ thuật ECMO cho trẻ sơ sinh lần đầu tiên tại khu vực các tỉnh phía Nam, cứu sống được trẻ sơ sinh suy hô hấp nặng do viêm phổi hít phân su, không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường.

    Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, với kỹ thuật ECMO, bệnh viện đã cứu sống được 4 bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp vào viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, thất bại với tất cả các biện pháp hồi sức cấp cứu trước đó, đặc biệt có một trường hợp đã ngừng tim ở bệnh viện tỉnh nhưng được cứu sống ngoạn mục nhờ sự vận dụng rất tốt quy trình báo động đỏ liên viện cũng như triển khai hiệu quả kỹ thuật ECMO.

    4 “Tiêm nội nhãn chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạch (VEGF inhibitors) trong điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sanh non (ROP)” tại Bệnh viện Nhi đồng 1

    Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy mỗi năm có hàng ngàn trẻ sơ sinh mắc bệnh lý võng mạc do sanh non (ROP) cần phải can thiệp điều trị bằng phẫu thuật laser quang đông, một kỹ thuật chuyên sâu về mắt được thực hiện từ hơn 10 năm qua tại Bệnh viện Nhi đồng 1 với Tỷ lệ thành công trên 90%. Tuy vậy, vẫn có không ít trường hợp ROP thể nặng thất bại với phẫu thuật laser quang đông, diễn tiến bong võng mạc, mù lòa.

    Từ cuối năm 2018, với sự chuyển giao kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai thành công kỹ thuật tiêm nội nhãn chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạch (VEGF inhibitors) nhằm can thiệp các trường hợp ROP thể nặng, thất bại với phẫu thuật thuật laser. Tính đến nay, đã có hơn 200 trường hợp được can thiệp bằng kỹ thuật này. Cùng với phẫu thuật laser, kỹ thuật tiêm nội nhãn VEGF inhibitors giúp nâng cao Tỷ lệ điều trị thành công ROP lên đến gần 96%, không có biến chứng nào đáng kể, giúp người bệnh tránh khỏi mù lòa, hòa nhập tốt với cuộc sống. Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện là Trung tâm sàng lọc, điều trị ROP và cũng là nơi duy nhất triển khai kỹ thuật tiêm nội nhãn VEGF inhibitors trong điều trị ROP ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

    5 “Phẫu thuật Hybrid chuyển vị các nhánh động mạch tạng và não – đặt ống ghép nội mạch điều trị phình động mạch chủ bụng trên thận và quai động mạch chủ” tại Bệnh viện Bình Dân

    Phình động mạch chủ (ĐMC) bụng trên thận cũng như quai ĐMC là những bệnh lý nặng, nguy cơ tử vong cao do vỡ túi phình. Đặt ống nội mạch là lựa chọn tối ưu khi điều trị. Tuy nhiên, nếu đặt ống ghép vào các đoạn này sẽ bít các nhánh nói trên. Như vậy cần phải có các ống ghép đặc biệt, được cấu tạo có các nhánh tương xứng. Các ống ghép này có giá thành đắt, thường phải đợi đặt hàng từ nước ngoài.

    Từ tháng 7/2019, Bệnh viện Bình Dân đã bắt đầu triển khai kỹ thuật Hybrid (phối hợp mổ mở và đặt ống ghép) để điều trị các bệnh lý ĐMC phức tạp. Bước đầu tiên là mổ mở, làm cầu nối từ ĐMC bình thường đến các nhánh tạng hoặc não (mở bụng hoặc mở vùng cổ), cột gốc các nhánh này. Như vậy đoạn phình chỉ còn là một ống thẳng, không có nhánh (đã chuyển vị các nhánh). Sau đó, dưới màn hình X quang (DSA), các bác sĩ sẽ đặt một hoặc hai ống ghép nội mạch thẳng vào trong lòng ĐMC, cô lập túi phình (máu chỉ chảy trong lòng ống ghép, nên sẽ không làm vỡ phình). Đây là phương pháp điều trị hiệu quả, ít biến chứng và phù hợp với kinh tế của nước ta.

    6 “Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư họng miệng thanh quản bằng laser” tại Bệnh viện Tai Mũi Họng

    Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư họng miệng – thanh quản bằng laser được thực hiện tại Bệnh viện Tai Mũi Họng từ tháng 6/2018 đến nay. Để triển khai thực hiện kỹ thuật, bệnh viện đã tích cực chuẩn bị trong 2 năm về nhân lực và phương tiện. Bệnh viện đã cử các bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm phẫu thuật nội soi vi phẫu tham dự các khóa tập huấn tại Bệnh viện Mayo Clinic – Hoa Kỳ và đầu tư trang bị hệ thống laser CO2 Acul Pulse, bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi vi phẫu, kính hiển vi phẫu thuật Zeiss. Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu qua đường miệng giúp giảm biến chứng và nâng cao hiệu quả điều trị ung thư họng miệng thanh quản.

    Báo cáo kết quả bước đầu cho thấy 95,6% các khối u họng miệng thanh quản có thể được cắt rộng an toàn và hiệu quả. Tỷ lệ tái phát thấp 4,2%. Thời gian nằm viện sau mổ trung bình là 4,4 ± 1,2 ngày. Chức năng hô hấp và chức năng nuốt được bảo tồn tối đa, không có trường hợp nào phải mở khí quản dự phòng hay đặt ống nuôi ăn. 84/96 (87,5%) người bệnh hài lòng với chất giọng sau phẫu thuật nội soi laser họng miệng - thanh quản. Ngoài ra, phẫu thuật nội soi bằng laser còn có lợi thế về chi phí cũng như hiêu quả nhờ thời gian nằm viện và hồi phục ngắn hơn. Bệnh viện đã xây dựng được quy trình chẩn đoán ung thư họng miệng thanh quản giúp chẩn đoán sớm và chính xác tổn thương ung thư. Bệnh viện Tai mũi họng TP. HCM là bệnh viện đầu tiên tại khu vực phía Nam thực hiện vi phẫu thuật bằng laser điều trị ung thư họng miệng thanh quản thành công, xây dựng quy trình phẫu thuật nội soi điều trị ung thư họng miệng thanh quản bằng laser đảm bảo phẫu thuật hiệu quả, an toàn.

    7 “Phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ Anastomotic Coupler” tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình

    Khi một mạch máu bị tổn thương hay chi bị đứt rời cần nối lại mạch máu nhanh nhất và an toàn nhất để tái lập tuần hoàn một cách ổn định đảm bảo sự sống của mô, nhất là trong trường hợp bị đứt lìa chi. Từ trước đến nay có nhiều phương pháp nối các mạch máu nhỏ, đa số các bệnh viện sử dụng phương pháp nối mạch máu bằng kim chỉ khâu, phương pháp này thường chậm và có thể bị tắc mạch lại do mối khâu không chuẩn xác tùy theo tay nghề của phẫu thuật viên.

    Từ năm 1985, Mỹ đã sản xuất ra bộ nối mạch máu (Anastomotic Coupler). Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy kết quả đều khả quan. Sau gần một năm triển khai thí điểm, tháng 8/2019, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã được Sở Y tế cho phép triển khai chính thức kỹ thuật “Phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ Anastomotic Coupler” để khâu nối động mạch và tĩnh mạch trong các vết thương đứt lìa chi hay kỹ thuật chuyển vạt da tự do. Tính đến thời điểm hiện nay, bệnh viện đã thực hiện được 30 ca, bước đầu đạt được kết quả tốt, cứu sống nhiều chi đứt rời cũng như rút ngắn thời gian cho các ca phẫu thuật phức tạp cần phải nối mạch máu.

    8 “Ứng dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích” tại Bệnh viện Ung Bướu

    Hướng đến hiệu quả điều trị triệt căn hay giảm nhẹ cho người bệnh ung thư, Bệnh viện Ung Bướu đã đầu tư hệ thống phần mềm lập kế hoạch xạ trị thông minh, quản lý người bệnh và tích hợp với hệ thống máy xạ trị hiện đại để điều trị nhiều bệnh lý ung thư.

    Hệ thống phần mềm với những thuật toán tiên tiến có khả năng lập và thực thi tối ưu hóa những kế hoạch xạ trị tiên tiến, kỹ thuật cao, hiện đại (như IMRT, IGRT, VMAT, SBRT, SRS, DIBH…) cho người bệnh ung thư. Những kỹ thuật hiện đại tiên tiến này giúp cho liều xạ tập trung vào khối bướu rất cao; có sự giám sát nghiêm ngặt bề mặt cơ thể của hệ thống quang học (OSMS) với ngưỡng sai số cử động cho phép là 01mm; hạn chế tối đa liều xạ vào những cơ quan lành xung quanh. Người bệnh giảm số lần tia xạ từ 30 – 35 lần xuống còn khoảng 5 – 10 lần xạ, đảm bảo an toàn xạ trị ở mức tối ưu, tiên lượng điều trị hiệu quả cao, ít biến chứng trong quá trình xạ trị. Mới đây, bệnh viện cũng đã triển khai thành công những kỹ thuật xạ trị mới, chuẩn này đối với nhiều bệnh lý ung thư, nhất là ung thư di căn xương, phổi và não.

    9 Xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật NGS” tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học

    Trước đây, để chuẩn bị cho các ca ghép không đồng huyết thống, mẫu DNA của người bệnh cần phải được gửi ra nước ngoài để làm xét nghiệm xác định HLA độ phân giải cao. Việc này gặp nhiều trở ngại về thủ tục gửi mẫu; gây tốn kém về chi phí và thời gian; dẫn đến nguy cơ chậm trễ kế hoạch ghép.

    Từ tháng 10/2019, Bệnh viện Truyền máu Huyết học là bệnh viện đầu tiên trong cả nước đưa xét nghiệm xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing – NGS) vào triển khai thường quy, phục vụ cho hoạt động ghép. Xét nghiệm khuếch đại và giải trình tự 11 loci HLA, bao gồm: HLA-A, -B, -C, -DRB1, -DRB3/4/5, -DQB1, -DPB1, -DQA1 và -DPA1; cho kết quả ở độ phân giải cao. Việc triển khai thường quy kỹ thuật mới và chuyên sâu “Xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật NGS” tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học đã giúp các bác sĩ có một công cụ tốt hơn cho việc tìm người cho phù hợp HLA, nhất là trong các trường hợp ghép haplo và ghép không cùng huyết thống.

    10 “Sử dụng Laser Fotona Ebrium Yag trong hỗ trợ điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức” tại Bệnh viện Hùng Vương

    Tiểu không kiểm soát khi gắng sức xuất hiện ở khoảng 25% phụ nữ trẻ, 44 - 57% phụ nữ trung niên và mãn kinh, và có khoảng 75% phụ nữ từng có ít nhất một lần xuất hiện tình trạng này.

    Hiện nay, tiểu không kiểm soát khi gắng sức có nhiều phương pháp để điều trị; tại Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai thí điểm kỹ thuật sử dụng Laser Fotona Ebrium Yag trong hỗ trợ điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức từ năm 2017 và đã được Bộ Y tế cho phép triển khai chính thức từ tháng 11/2019. Laser Ebrium YAG là thủ thuật xâm lấn tối thiểu được dùng để tăng cường chức năng của mô liên kết bên trong thành âm đạo, cải thiện sự nâng đỡ của sàn chậu và giảm bớt các triệu chứng tiểu không kiểm soát khi gắng sức, làm trẻ hóa âm đạo có thể thay thế các phẫu thuật xâm lấn trong tương lai, mà vẫn cho kết quả tốt và an toàn trong trị liệu.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này