SỞ Y TẾ 37 sản phẩm “Y tế thông minh” của Ngành Y tế TPHCM năm 2019 - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 12/11/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Vào đầu năm 2019, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động đợt bình chọn Giải thưởng chất lượng khám, chữa bệnh lần thứ hai với chuyên đề “Y tế thông minh”. Hưởng ứng đợt bình chọn này đã có 38 đơn vị tham gia, trong đó ngoài các bệnh viện công lập của thành phố, còn có các bệnh viện Bộ, Ngành và bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố tham gia với tổng cộng 94 sản phẩm.


    Sau vòng đánh giá sơ tuyển qua hồ sơ đăng ký tham dự, Hội đồng bình chọn đã chọn ra 37 sản phẩm để được đánh giá hiệu quả thực tế tại các đơn vị, từ đó chọn ra những sản phẩm tiêu biểu nhất để giới thiệu nhân rộng, đồng thời là cơ sở để Hội đồng bình chọn xếp hạng và trao Giải thưởng, trong đó có 33 sản phẩm sẽ được bình chọn xếp hạng (riêng 4 sản phẩm của Sở Y tế không tham gia bình chọn xếp hạng). Sở Y tế trân trọng giới thiệu 37 sản phẩm sáng tạo đến người dân và đến tất cả bệnh viện trên địa bàn thành phố với mong muốn thúc đẩy hơn nữa tinh thần học hỏi, chia sẽ kinh nghiệm lẫn nhau trên lộ trình xây dựng Y tế thông minh của Ngành Y tế thành phố.


    Có thể nói 37 sản phẩm đã bao phủ 34 lĩnh vực khác nhau của toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện (có 4 sản phẩm cùng 1 lĩnh vực về báo cáo sự cố), và có thể tạm chia 37 sản phẩm thành 3 nhóm: (1) Nhóm sản phẩm tạo thêm các tiện ích phục vụ người dân, (2) Nhóm sản phẩm hỗ trợ cho nhân viên y tế trong hoạt động chuyên môn, (3) Nhóm sản phẩm cung cấp những công cụ thiết thực cho cán bộ y tế làm công tác quản lý bệnh viện.


    NHÓM SẢN PHẨM TẠO THÊM CÁC TIỆN ÍCH PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN:


    1 Ứng dụng tra cứu nơi khám bệnh trên điện thoại thông minh – Sở Y tế TP.HCM

    Từ trước đến nay, khi có nhu cầu đi khám bệnh, thông thường người dân sẽ đến các bệnh viện đã quen thuộc hoặc qua giới thiệu của người khác. Ngày nay, với ứng dụng “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh trên điện thoại thông minh” của Sở Y tế TP.HCM, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với triệu chứng đang có, khoảng cách từ nhà, bệnh viện hay phòng khám được đánh giá chất lượng tốt, khám trong giờ hay ngoài giờ,… thậm chí có thể tham khảo giá khám dịch vụ, thời gian chờ khám. Đó là những gì mà Sở Y tế cùng với tất cả các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn thành phố mong muốn cung cấp thêm một tiện ích thiết thực cho người dân thành phố và cả người dân khu vực phía Nam.


    2 Đăng ký khám bệnh trực tuyến và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
    Với hệ sinh thái mang thương hiệu “Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM”, điểm đáng được ghi nhận đầu tiên chính là hệ thống đăng ký khám bệnh trực tuyến đã giải quyết cho hơn 30% số lượt người bệnh đăng ký khám tại nhà (thời điểm cách đây 1 năm là 15%) và dự báo con số này sẽ tăng dần theo thời gian. Để có được kết quả như hiện nay, yếu tố mang tính quyết định chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý với áp dụng công nghệ phù hợp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa 3 “nhà”: lãnh đạo bệnh viện, chuyên gia CNTT và lãnh đạo khoa Khám bệnh và các khoa khác của bệnh viện. Với hệ thống này bệnh viện tạo ra cho người bệnh các kênh tiếp cận khác nhau: qua ứng dụng trên điện thoại thông minh (app mobile) và qua các ki-ốt được đặt tại khoa Khám bệnh, và qua trang tin điện tử của bệnh viện. Ngoài các kênh đăng ký khám bệnh trực tuyến, bệnh viện còn mở các kênh đăng ký khác như: đăng ký qua tổng đài điện thoại (call center), và mới đây là đăng ký tái khám ngay tại phòng khám.


    3 Thân thiện hóa giọng đọc của máy khi gọi tên người bệnh – Bệnh viện Quận 1

    Bước vào khu vực phòng khám của BV quận 1 thật dễ chịu khi nghe tiếng gọi tên người bệnh vào phòng khám hoặc nhận thuốc BHYT với giọng đọc rõ ràng, nhẹ nhàng. Hình ảnh này trái ngược với một số bệnh viện khi nhiều nhân viên y tế ở các bộ phận khác nhau cùng sử dụng loa gọi người bệnh với nhiều âm hưởng và cường độ khác nhau gây cảm giác không có sự thân thiện và mệt mỏi thêm cho người bệnh. Đó là kết quả mang tính sáng tạo của BV Quận 1, do không đủ nguồn lực để trang bị hệ thống màn hình lớn ở nhiều nơi để thông báo thứ tự khám bệnh cho người bệnh tại mỗi phòng khám, nhưng không để tình trạng sử dụng loa ở mỗi bộ phận khác nhau gây ra khó chịu cho người nghe, cả người bệnh và nhân viên bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện đặt hàng cho phòng CNTT của bệnh viện nghiên cứu có giải pháp.


    4 Ki-ốt hỗ trợ người bệnh tra cứu thông tin khám, chữa bệnh – Bệnh viện Quận 2

    Sử dụng công cụ giúp ra cứu thông tin về các dịch vụ của bệnh viện bằng hệ thống ki-ốt với màn hình chạm, sử dụng thiết bị Raspberry Pi có giá thành thấp nhưng đã tạo thêm kênh thông tin hữu ích đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Với sản phẩm này, người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Quận 2 khi có nhu cầu tra cứu các thông tin cần thiết liên quan đến các dịch vụ cung ứng của bệnh viện thì chỉ cần đến “hỏi” ki-ốt các nội dung cần tra cứu. Ki-ốt sẽ trả lời các yêu cầu của người bệnh bằng những hình ảnh về vị trí của các khoa, phòng trong bệnh viện cũng như cung cấp đầy đủ các thông tin về giá dịch vụ kỹ thuật mà mình cần thực hiện.


    5 Hệ thống điều phối hàng đợi người bệnh – Bệnh viện Bình Dân

    Người bệnh khi đến khám bệnh tại Bệnh viện Bình Dân có thể chủ động lựa chọn trình tự thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh sau khi được bác sĩ khám và chỉ định bằng cách dựa vào gợi ý từ “Hệ thống điều phối thông minh hỗ trợ người bệnh ngoại trú”. Hệ thống điều phối thông minh liên tục cập nhật số lượt chờ theo thời gian thực tại các nơi làm xét nghiệm, căn cứ vào thông báo này, người bệnh biết được khu vực nào có số lượt đang chờ thấp nhất để chủ động đến làm trước. Hoạt động này đã góp phần rút ngắn thời gian khám bệnh, giúp cải thiện trải nghiệm của người bệnh theo chiều hướng tích cực khi đến khám bệnh tại Bệnh viện Bình Dân.


    6 Phần mềm để người bệnh cùng kiểm tra thông tin trước mổ - Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận

    Với sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin này, Bệnh viện Mỹ Đức – Phú Nhuận đã giải toả nỗi lo nguy cơ nhầm lẫn bệnh nhân trong phẫu thuật, đồng thời giúp thân nhân người bệnh hài lòng hơn khi liên tục được cập nhật thông tin về tình hình người bệnh từ lúc chuẩn bị phẫu thuật cho đến khi phẫu thuật xong. Điều đáng ghi nhận tính sáng tạo của sản phẩm này đó là: (1) Người bệnh sẽ được tự kiểm tra lại thông tin hành chính của chính mình ngay tại phòng mổ - ở thời điểm trước khi được gây mê và phẫu thuật, hoạt động này được thực hiện bổ sung thêm ngoài việc nhân viên bệnh viện ở các khoa, phòng phải tuân thủ quy trình kiểm tra, đối chiếu thông tin bệnh nhân theo quy định; (2) Thân nhân của người bệnh bớt trạng thái lo lắng khi được bệnh viện liên tục cập nhật thông tin theo thời gian thực về cuộc mổ của bệnh nhân, từ giai đoạn bắt đầu đưa vào phòng mổ, bắt đầu gây mê và phẫu thuật cho đến khi mổ xong, chuyển sang phòng hồi sức sau mổ cho đến khi bệnh nhân ổn định và gặp lại thân nhân.


    7 Ứng dụng thực tế ảo tăng cường trong giới thiệu thuốc và vị thuốc y học cổ truyền – Viện Y Dược học Dân tộc

    Người bệnh, học viên, nhân viên của bệnh viện khi cần tìm hiểu hình dạng của lọ thuốc, cách sử dụng, công dụng của các vị thuốc và thuốc y học cổ truyền,… chỉ cần đến màn hình và chạm vào tên thuốc cần tìm hiểu thì hình ảnh thật của lọ thuốc, dược liệu cũng như những thông tin cần biết sẽ hiện lên màn hình. Đây là sáng tạo đáng ghi nhận của Viện Y Dược học dân tộc bằng cách sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR. Với sản phẩm này, người cần tìm kiếm thông tin sẽ có cảm nhận như thật mà không cần sản phẩm thật! Các thông tin về thuốc, vị thuốc y học cổ truyền được hiển thị trên giao diện phần mềm cùng hình ảnh sản phẩm được xem trên nhiều góc nhìn khác nhau.


    8 Các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ “Vườn ươm sáng tạo” của bệnh viện – Bệnh viện Quân dân Y miền Đông

    Đến với Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông chắc rằng các nhà quản lý bệnh viện đều ngạc nhiên và thích thú với các sản phẩm phục vụ người bệnh mang hàm lượng công nghệ cao. Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng tất cả các sản phẩm này đều do chính các chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia tự động hoá của bệnh viện tự nghiên cứu và sản xuất, phục vụ người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện. “Hệ thống quan trắc nhà vệ sinh” là một ứng dụng giúp cho công tác giám sát, đánh giá mức độ ô nhiễm của nhà vệ sinh, Giám đốc bệnh viện ngồi trong phòng làm việc nhưng biết được nhà vệ sinh nào đang “bốc mùi”. “Robot lau sàn nhà vệ sinh” là sản phẩm sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ IoT, Robot có thể liên kết với “Hệ thống quan trắc nhà vệ sinh” để tự động hóa việc lau dọn nhà vệ sinh, khi nhận được thông báo nhà vệ sinh bẩn thì Robot lau sàn sẽ tự động thực hiện việc lau dọn. Sản phẩm “Hệ thống gọi số thứ tự cầm tay không dây” dựa trên nền tảng IoT và sử dụng sóng RF với tần số dân dụng 2.4GHz có bán kính phủ rộng từ 300-500m (có thể lên đến 2000m), người bệnh sẽ nhận biết tín hiệu đến lượt khám khi thiết bị rung lên (tác động xúc giác), đèn nháy (tác động thị giác) và tiếng bíp (tác động thính giác), và còn nhiều sản phẩm sáng tạo khác do chính “Vườn ươm sáng tạo” của bệnh viện làm ra để phục vụ người bệnh.


    9 Ứng dụng SMS trong quản lý từ xa bệnh đái tháo đường thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

    Bất cứ người phụ nữ khi mang thai không may khi mắc chứng bệnh “đái tháo đường thai kỳ” đều rất lo lắng và thường xuyên phải đến các bệnh viện chuyên khoa Sản để được kiểm tra đường huyết và tư vấn của bác sĩ. Đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không những cho bà mẹ (như tăng nguy cơ sẩy thai, sanh non, cao huyết áo tiền sản giật và sản giật) mà còn cho thai nhi (như tăng tỉ lệ dị tật thai, rối loạn tăng trưởng, thai chết lưu đột ngột; bé sơ sinh dễ bị suy hô hấp…). Việc quản lý đái tháo đường thai kỳ cho các thai phụ thực sự cần thiết vì không chỉ đảm bảo sức khỏe bà mẹ mà còn làm giảm biến chứng chu sinh, sơ sinh. Tại Bệnh viện Hùng Vương, ứng dụng SMS trong quản lý đái tháo đường thai kỳ từ xa đã mở ra hướng tiếp cận mới giúp người bệnh cảm nhận luôn có các bác sĩ Sản khoa bên cạnh cho dù đang ở rất xa bệnh viện, quan trọng hơn là sản phụ luôn được nhắc thử đường huyết tại nhà đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và nhận được ngay tư vấn phản hồi của bác sĩ qua tin nhắn trên điện thoại di động.


    10 Mô hình “bệnh viện số” - Bệnh viện quận Thủ Đức

    Toàn bộ quy trình khám bệnh ngoại trú đã được số hoá và bệnh viện đã triển khai bệnh án điển tử tại 100% các khoa lâm sàng. Với bệnh án điện tử, bệnh viện thuận lợi hơn trong triển khai giám sát tuân thủ phác đồ điều trị ngoại trú cùng hệ thống nhắc, cảnh báo kê đơn, chỉ định cận lâm sàng hỗ trợ bác sĩ ra quyết định. Mỗi chẩn đoán (theo mã ICD) sẽ giới hạn lại phạm vi chỉ định cận lâm sàng, hoặc kê đơn thuốc đảm bảo các chỉ định cận lâm sàng hoặc thuốc sử dụng nằm trong phác đồ điều trị. Người bệnh đi khám bệnh không cần phải mang theo hồ sơ, toa thuốc do các bác sĩ có thể dễ dàng theo dõi lịch sử khám chữa bệnh có trên phần mềm ứng dụng. Người dân có thể chủ động lựa chọn nhiều hình thức đăng ký khám bệnh như: đăng ký tại quầy nhận bệnh được nhân viên quét trực tiếp mã QRcode trên thẻ BHYT giúp hoàn tất thủ tục nhanh chóng thay vì nhập thông tin bằng tay vào phần mềm; ki-ốt tự đăng ký dành cho người bệnh tái khám hoặc mạn tính có sử dụng thẻ BHYT; đăng ký qua website hoặc app trên điện thoại thông minh để đặt khám & thanh toán không dùng tiền mặt dành cho người bệnh thu phí, lựa chọn loại hình dịch vụ và cả cho người bệnh có sử dụng thẻ BHYT (phiên bản Android và iOS). Người bệnh có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt qua QRpay hoặc hóa đơn bằng máy POS, ví điện tử MoMo, thẻ ATM nội địa có kích hoạt Internet Banking (thanh toán trực tuyến) hoặc Master Card, Visa, JCB.


    11 Cổng dịch vụ công trực tuyến của Ngành Y tế thành phố - Sở Y tế TP.HCM

    Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố về việc tăng cường ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, từ tháng 10-2016, Sở Y tế đã triển khai 21 thủ tục trên Cổng dịch vụ công chung của toàn thành phố. Tuy nhiên, do đặc thù riêng của Ngành Y tế, Cổng dịch vụ công chung của thành phố chưa cho phép bổ sung thêm các tùy biến để nhập các dữ liệu mang tính chất đặc thù riêng của ngành theo quy định nên tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Được sự chấp thuận của UBND thành phố, Sở Y tế đã xây dựng “Cổng dịch vụ công trực tuyến của Ngành Y tế thành phố” và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2019. Cổng dịch vụ công trực tuyến Ngành Y tế TPHCM do Sở Y tế TPHCM xây dựng chính thức vận hành tại địa chỉ https://dichvucong.medinet.org.vn, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến đối với 56 thủ tục hành chính mức độ 3,4 trong lĩnh vực y và lĩnh vực dược, mỹ phẩm một cách nhanh chóng. Khi truy cập vào Cổng, người dân và doanh nghiệp sẽ được cung cấp đầy đủ các thông tin chi tiết về thủ tục, quy trình thực hiện, thông tin cơ bản cũng như tải các mẫu biểu đính kèm yêu cầu của thủ tục để thực hiện điền thông tin đăng ký. Nếu như tỷ lệ sử dụng dịch công trực tuyến trước đây rất thấp, chỉ dưới 20%, thì hiện nay, với Cổng dịch vụ công trực tuyến của Ngành Y tế, tỷ lệ này đã tăng trên 80%.


    NHÓM SẢN PHẨM HỖ TRỢ CHO NHÂN VIÊN Y TẾ TRONG HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN:



    12 Ứng dụng teleconsultation để kết nối bác sĩ chăm sóc ban đầu tại trạm y tế với bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến cuối – Sở Y tế TP.HCM

    Từ trước đến nay, nếu như các bác sĩ công tác tại bệnh viện sẽ mời hội chẩn khi gặp một trường hợp bệnh khó, còn các bác sĩ ở trạm y tế thì không thể hội chẩn được chỉ còn cách giới thiệu người bệnh lên các bệnh viện tuyến trên khi gặp một số khó khăn về chuyên môn hoặc người bệnh không tin bác sĩ và muốn được giới thiệu đi khám chuyên khoa tại các bệnh viện. Không để các bác sĩ ở trạm y tế bị thiệt thòi khi phải “đơn lẻ” một mình trong công tác khám, chữa bệnh, từ năm 2018, Sở Y tế đã triển khai thử nghiệm ứng dụng “teleconsultation” để kết nối bác sĩ chăm sóc ban đầu tại trạm y tế với bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến cuối để được tư vấn chuyên môn khi cần. Với ứng dụng này, không những “kết nối 2” giữa bác sĩ của trạm y tế và bác sĩ tuyến trên, mà còn “kết nối 3”, cả bác sĩ trạm y tế, người bệnh và bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện tuyến trên, nhờ đó mà người bệnh rất tin tưởng, không còn yêu cầu được giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên để được bác sĩ chuyên khoa khám.


    13 Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi: robot da Vinci – Bệnh viện Bình Dân

    Bệnh viện Bình Dân ngày nay đã được thế giới biết đến như một hiện tượng thực tiễn trả lời cho cuộc tranh luận của các chuyên gia y tế về việc một nước đang phát triển có nên triển khai phẫu thuật robot hay không? Trong khoảng thời gian chưa đến 3 năm, ê-kíp phẫu thuật robot của Bệnh viện Bình Dân đã phẫu thuật thành công cho 850 trường hợp về niệu khoa, ngoại tổng quát. Bên cạnh đó, các chuyên gia phẫu thuật của Bệnh viện Bình Dân không chỉ tham gia hỗ trợ chuyển giao công nghệ phẫu thuật robot cho các bệnh viện trong nước mà còn được các bệnh viện trong khu vực đánh giá cao và mời sang hỗ trợ kỹ thuật. Mới đây, tháng 10/2019, ê-kíp phẫu thuật robot của Bệnh viện Bình Dân đã được mời sang Bệnh viện Philippine General Hospital (bệnh viện lớn nhất tại thủ đô Manila - Phillipines) để hướng dẫn các bác sĩ Phillipines thực hiện trường hợp phẫu thuật robot đầu tiên tại nước này. Cho đến nay, Bệnh viện Bình Dân đã có 18 ê-kip phẫu thuật robot được đào tạo tại các trung tâm huấn luyện phẫu thuật robot tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore... và chính thức được công nhận. Rất nhiều các trường hơp bệnh khó đã được phẫu thuật thành công với sự trợ giúp của hệ thống robot phẫu thuật với nhiều loại bệnh lý khác nhau như phẫu thuật các khối u tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, cắt gan, cắt phổi, cắt u trung thất, cắt tử cung, phẫu thuật lồng ngực, u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, teo đường mật, bắc cầu động mạch vành, chỉnh sửa van tim...


    14 Ứng dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích – Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

    Nếu như trước đây người bệnh bị ung thư vùng đầu cổ phải xạ trị 30-35 lần, thì ngày nay, với các trang thiết bị hiện đại và nhất là ứng dụng phần mềm sử dụng thuật toán tiên tiến để lập kế hoạch xạ trị số lần xạ trị rút ngắn lại chỉ còn 5-6 lần. Sau thời gian mạnh dạn đầu tư và học tập thành thạo sử dụng phần mềm ứng dụng này, hiện nay các bác sĩ của Bệnh viện Ung Bướu đã tiếp cận quy trình tiên tiến ngang bằng các nước phát triển trên thế giới trong chẩn đoán và định vị chính xác khối u và lên kế hoạch điều trị xạ trị trúng đích. Với phần mềm này, các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI, PET-CT được tích hợp vào phần mềm và chuyển thành một dữ liệu duy nhất, từ đó giúp cho bác sĩ tiến hành xác định chính xác thể tích và vị trí khối u, và giúp lựa chọn liều xạ trị phù hợp trên từng bệnh nhân đồng thời giảm thiểu tối đa liều xạ đi vào mô lành (trước đây nếu không có phần mềm này bác sỹ phải tiến hành đọc phim CT, MRI, PET-CT bằng tay, đồng thời vẽ bướu trên phần mềm lập kế hoạch cũ, do đó điều trị chưa đạt hiệu quả cao).


    15 Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiếp cận Y học cá thể trong điều trị ung thư – Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

    Cùng mắc một loại bệnh ung thư, cùng nhận một phác đồ điều trị giống nhau nhưng kết quả điều trị khác nhau giữa các bệnh nhân. Để giải quyết cho thách thức này, lần đầu tiên, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã ứng dụng phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tiếp cận Y học cá thể để điều trị bệnh ung thư nhằm lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất cho mỗi cá thể (cùng mắc một loại bệnh ung thư) tuỳ theo đặc điểm riêng biệt của mỗi bệnh nhân về triệu chứng, xét nghiệm, di truyền học. Điều đáng ghi nhận là việc ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo “IBM Watson for Oncology” đã giúp cho BV Ung Bướu có thêm một “hội đồng tư vấn chuyên môn” thứ 2 (hội đồng thứ nhất là các chuyên gia lâm sàng của bệnh viện). Trong thời gian tới, Bệnh viện Ung Bướu đã có ý tưởng và kế hoạch hình thành “Phòng hội chẩn 2 hội đồng chuyên gia” cùng làm việc với nhau để tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp khó, những trường hợp đáp ứng không tốt với phác đồ điều trị của bệnh viện, trong đó hội đồng các chuyên gia của bệnh viện sẽ “cùng làm việc” với hội đồng trí tuệ nhân tạo “IBM Watson for Oncology”.


    16 Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật ngoại thần kinh: robot Modus V Synaptive – Bệnh viện Nhân dân 115

    Có thể nói các bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối của thành phố đang tạo ra những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, góp phần đặt những nền móng vững chắc để xây dựng “Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực các nước Đông Nam Á” theo định hướng của UBND Thành phố. Nếu như trong lĩnh vực ngoại tổng quát đã có robot da Vinci (Bệnh viện Bình Dân) thì trong lĩnh vực ngoại thần kinh có robot Modus V Synaptive của Bệnh viện Nhân dân 115. Cho đến nay, bệnh viện đã triển khai phẫu thuật robot Modus V Synaptive thành công cho 10 trường hợp bệnh lý u não và u tủy sống. Báo cáo đánh giá tổng kết tại hội nghị khoa học cho thấy phẫu thuật bằng hệ thống robot Modus V Synaptive rất an toàn, hiệu quả, chưa gặp biến chứng sau mổ, người bệnh có chất lượng cuôc sống sau mổ tốt hơn nhiều so với phẫu thuật truyền thống, bảo tồn được các chức năng thần kinh quan trọng. Thành công bước đầu này cho thấy quyết tâm đầu tư nguồn lực để triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo đỉnh cao trong phẫu thuật ngoại thần kinh “robot Modus V Synaptive” là hướng đi đúng theo định hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 mà đỉnh cao là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân của một bệnh viện đa chuyên khoa đầu ngành của thành phố, trong đó chuyên khoa ngoại thần kinh đã được bệnh viện xác định là một trong những chuyên khoa mũi nhọn. Với robot Modus V Synaptive, phẫu thuật cắt khối u nhỏ nằm sâu trong não mà không để lại các di chứng đã trở thành hiện thực tại Bệnh viện Nhân dân 115.


    17 Hệ thống nhắc kê đơn cho bác sĩ Nhi khoa – Bệnh viện Nhi Đồng 1

    Trong hoạt động khám và kê đơn thuốc cho người bệnh, một trong những mối quan tâm lớn nhất của lãnh đạo bệnh viện và bác sĩ kê đơn là làm sao đảm bảo kê đơn thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý, tránh được những sai sót đáng tiếc do các lỗi dễ xảy ra trong quá trình kê đơn. Các lỗi thường hay gặp như: kê đơn thuốc có chống chỉ định, có tương tác thuốc hoăc tác dụng phụ, kê đơn cùng lúc nhiều thuốc cùng hoạt chất, kê đơn không tuân thủ phác đồ điều trị. Trong lĩnh vực Nhi khoa, mối quan tâm đó lại càng lớn hơn khi mà ngoài những sai sót có thể gặp tương tự ở người lớn, ở trẻ em còn có nhiều yếu tố nguy cơ đặc thù theo từng độ tuổi khi kê đơn như liều thuốc tính theo cân nặng, chống chỉ định dùng thuốc theo từng lứa tuổi, dạng bào chế không phù hợp,…Những năm gần đây, lỗi do kê đơn tại BV Nhi Đồng 1 đã giảm đáng kể, đó là kết quả của việc triển khai hiệu quả ứng dụng phần mềm nhắc kê đơn do chính Bệnh viện Nhi Đồng 1 xây dựng và hoàn thiện dần qua nhiều năm. Điểm nổi bật của “Hệ thống nhắc kê đơn cho bác sĩ Nhi khoa” chính là vận dụng nguyên lý “Máy học” (Machine learning) vào phần mềm cảnh báo, trong đó các chuyên gia công nghệ thông tin của bệnh viện đã vận dụng nguồn dữ liệu lớn về kê đơn thuốc sẵn có của chính các bác sĩ của bệnh viện trong nhiều năm để tích hợp thêm nội dung nhắc các bác sĩ kê đơn về tần suất kê đơn một loại thuốc nào đó cho một bệnh lý cụ thể nào đó. Theo đó, khi bác sĩ kê một loại thuốc và được phần mềm thống kê cảnh báo là “chưa có ai kê cho bệnh lý này trước đó” thì bác sĩ phải xem lại có phù hợp không hay đã gỏ nhầm thuốc.


    18 Hệ thống cảnh báo nguy cơ dinh dưỡng để can thiệp sớm – Bệnh viện Chợ Rẫy

    Với quy mô số lượng bệnh nhân nội trú lớn nhất khu vực phía Nam, và qua khảo sát tình trạng bệnh nhân bị suy dinh dưỡng tại bệnh viện cho thấy có đến 43% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, trong đó: bệnh mạn tính 30-50%, bệnh ICU 65%, bệnh lý ngoại khoa 35-55%,… do đó, việc chủ động phát hiện và can thiệp sớm đối với những bệnh nhân có nguy cơ dinh dưỡng thật sự là một thách thức không nhỏ đối với Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sản phẩm ứng dụng CNTT “Hệ thống cảnh báo nguy cơ dinh dưỡng để can thiệp sớm" thực tế đã chứng minh đây thật sự là giải pháp hiệu quả, đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại BV Chợ Rẫy trong thời gian qua. Sáng kiến cảnh báo đỏ, cảnh báo vàng, cảnh báo xanh tương ứng với tình trạng dinh dưỡng của người bệnh cũng đáng được ghi nhận và giới thiệu nhân rộng. Với những dữ liệu lâm sàng liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân do nhân viên y tế của các khoa lâm sàng nhập vào, phần mềm sẽ tự động cảnh báo tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân ở mức báo động đỏ - cần được các chuyên gia dinh dưỡng can thiệp dinh dưỡng tích cực ngay, báo động vàng - cần được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn các chế độ dinh dưỡng phù hợp, báo động xanh – bình thường, chưa cần can thiệp ngay.


    19 Trang tin điện tử tra cứu thông tin sử dụng thuốc: eMedHTD - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

    Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới sử dụng công cụ chạy trên nền tảng web với mã nguồn mở để tạo ra một công cụ hỗ trợ cho các thầy thuốc dễ dàng tra cứu các thông tin liên quan đến công tác điều trị, đó là trang tin điện tử eMedHTD. Điểm đáng được ghi nhận và góp phần tăng giá trị của sản phẩm đó là sự phối hợp và phân công trách nhiệm của cả 2 nhóm: (1) nhóm các chuyên gia về công nghệ, (2) nhóm các chuyên gia phụ trách về nội dung chuyên môn. Theo đó, các chuyên gia CNTT của bệnh viện đã sử dụng mã nguồn mở để xây dựng thành công cụ chạy trên nền tảng web, công cụ này đã được đưa vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 10/2018, từ đó đến nay, liên tục được cập nhật, chỉnh sửa về giao diện cho thân thiện và dễ sử dụng. Các chuyên gia của các hội đồng chuyên môn chịu trách nhiệm về nội dung thông tin luôn được cập nhật mới nhất, đảm bảo tính chính xác. Ngoài ra, toàn bộ nội dung chuyên môn đã được các hội đồng có liên quan tham mưu cho Giám đốc bệnh viện ban hành.


    20 Ứng dụng công nghệ làm tăng thêm giá trị của hệ thống xét nghiệm – Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

    Khi đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố, nếu quan sát kỹ sẽ thấy 2 hình ảnh “lạ mắt”: (1) Hình ảnh người điều dưỡng chỉ bỏ ống chứa mẫu bệnh phẩm vào đường ống vận chuyển mẫu bệnh phẩm đến khoa xét nghiệm mà giữ lại phiếu chỉ định của bác sĩ (không gửi kèm theo mẫu bệnh phẩm), và (2) Hình ảnh thông báo “bệnh nhân … đã có kết quả xét nghiệm” xuất hiện trên màn hình thông báo thứ tự danh sách người bệnh chờ khám và cả trên màn hình máy tính của bác sĩ để người bệnh được ưu tiên vào phòng khám. Những hình ảnh này đang diễn ra trên thực tế hàng ngày và cũng là hình ảnh minh chứng cho giá trị tăng thêm khi sử dụng các dịch vụ xét nghiệm tại bệnh viện này.Bệnh viện lấy nguyên tắc 1 code cho 1 phiếu chỉ định, quy trình này đã rút ngắn nhiều công đoạn trong quy trình xét nghiệm trước đây, chính những công đoạn này cũng là nguyên nhân gây nhầm lẫn trong xét nghiệm và tốn nhiều thời gian. Các giao tiếp trong suốt quy trình xét nghiệm từ lúc bác sĩ cho chỉ định, điều dưỡng lấy mẫu bệnh phẩm, tiếp nhận mẫu bệnh phẩm tại phòng xét nghiệm, đưa mẫu bệnh phẩm vào máy xét nghiệm thực hiện cho đến trả kết quả xét nghiệm, tất cả đều giao tiếp bằng 1 code duy nhất gắn liền với phiếu chỉ định của bác sĩ. Với mô hình “Khu tiếp nhận mẫu bệnh phẩm trung tâm”, tất cả bệnh phẩm khi được bỏ vào đường ống ở các trạm đầu cuối đặt tại các khoa lâm sàng đều được vận chuyển hướng đến trạm trung tâm trước khi tiếp tục được vận chuyển đến các khoa xét nghiệm để thực hiện. Tại trạm trung tâm, nhân viên xét nghiệm nhanh chóng phân loại mẫu bệnh phẩm (bằng kiểm tra code), chia sẽ mẫu bệnh phẩm (khi cần, tuỳ theo chỉ định của bác sĩ) giúp tiết kiệm được mẫu bệnh phẩm trong một lần chỉ định, sau đó tiếp tục cho mẫu vào đường ống để được vận chuyển đến đúng khoa xét nghiệm thực hiện. Mô hình này đã giúp cho bệnh viện tiết kiệm được nguồn nhân lực tiếp nhận mẫu tại mỗi khoa xét nghiệm.


    21 Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn bệnh viện – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

    Nỗi lo lắng của các bác sĩ khi tiếp nhận bệnh nhân suy hô hấp nặng hoặc ngưng thở trong lúc khoa không còn máy thở (do tất cả máy thở của khoa đang được sử dụng cho bệnh nhân khác) là hiện tượng không phải hiếm gặp ở các bệnh viện tuyến cuối của thành phố, khi đó chỉ còn cách gọi điện thoại đến các khoa khác (được trang bị máy thở) để mượn hoặc chuyển người bệnh đến nhưng không phải lúc nào cũng được đáp ứng. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nỗi lo lắng này đã được giải toả khi bệnh viện chính thức triển khai sản phẩm “Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn bệnh viện”. Tận dụng hạ tầng CNTT sẵn có của bệnh viện, các chuyên gia CNTT đã thiết lập nên hạ tầng cho IoT của bệnh viện, từ đó các máy thở sẽ được định danh và truyền thông tin tình trạng hoạt động qua mạng wifi của bệnh viện. Các chuyên gia CNTT của bệnh viện đã sử dụng con chip có tên là “esp8266”, là dòng chip tích hợp wifi 2.4Ghz, để thực hiện ghi nhận công suất điện tiêu thụ của mỗi máy thở và kết nối dữ liệu này với hệ thống wifi của bệnh viện. Vị trí của mỗi máy thở được xác định thông qua vị trí “access point” đã được xác định. Dữ liệu về công suất điện tiêu thụ sẽ được ghi nhận vào “server database”, nhờ đó biết được chính xác tình trạng hoạt động của máy thở. Với sản phẩm này, lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã phân quyền cho các bác sĩ trưởng khoa chủ động giải quyết cho “mượn” máy thở lẫn nhau khi khoa hết máy thở giúp cho công tác cấp cứu người bệnh luôn được kịp thời.


    NHÓM SẢN PHẨM CUNG CẤP NHỮNG CÔNG CỤ THIẾT THỰC CHO CÁN BỘ Y TẾ LÀM CÔNG TÁC QUẢN LÝ BỆNH VIỆN:



    22 Giải pháp điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện – Trung tâm Cấp cứu 115

    Với quyết tâm rút ngắn thời gian tiếp cận và nâng cao khả năng cứu sống người bệnh, bên cạnh hoạt động mở rộng mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh, triển khai thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh, Trung tâm Cấp cứu 115 đã tìm tòi, nghiên cứu và triển khai thử nghiệm mô hình “Hệ thống điều hành cấp cứu thông minh”. Nhận được cuộc gọi 115 của người dân, nhân viên điều phối của Trung tâm Cấp cứu vừa ghi nhận các thông tin cần thiết và nhìn vào màn hình xác định vị trí người gọi, sau đó quan sát xem xe cứu thương của trạm Cấp cứu vệ tinh ở gần người bị nạn nhất đang ở trạng thái nào, nếu xe đang ở trạng thái nghỉ thì chuyển ngay thông tin đến trạm đó để tổ cấp cứu đi cấp cứu người bệnh. Nếu xe cứu thương có tín hiệu đang ở trạng thái bận hoặc tín hiệu cho biết đang có tình trạng tắc nghẽn giao thông, nhân viên điều phối sẽ chọn trạm cấp cứu khác ở gần đó. Đó là kết quả thử nghiệm trên thực tế cho giải pháp điều hành thông minh của Trung tâm Cấp cứu 115 đối với mạng lưới cấp cứu ngoại viện của thành phố. Với những tiện ích trên qua thử nghiệm, hệ điều hành thông minh đã cho thấy các bác sĩ và chuyên viên cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 và các trạm vệ tinh sẽ chủ động hơn trong công tác cấp cứu, hoạt động hiệu quả trong kết nối đa chiều, chắc chắn rằng hệ thống điều hành thông minh này sẽ giúp ích cho người dân tốt hơn trong công tác cấp cứu ngoài bệnh viện khi chính thức được triển khai trong thời gian tới.


    23 Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện: “Code grey” – Bệnh viện Nhân dân Gia Định

    Với việc triển khai hiệu quả hệ thống phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện, có tên là “Code grey”, thời gian qua, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã tự tin và luôn ở thế chủ động, kịp thời ngăn chặn các nhóm người quá khích, có hành vi gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện. Kích hoạt “Code grey” bằng cách gọi điện thoại bàn với số “9” hoặc “333” đến tổng đài của bệnh viện và nói “báo động code grey mức độ 1, 2 hoặc 3 tại khoa….”. Nhân viên trực tổng đài bệnh viện khi nhận được cuộc gọi thì lập tức xác định loại thông tin khẩn cấp, xác định nhân viên chịu trách nhiệm giải quyết, sau đó chuyển thông tin qua nền tảng web đến tổng đài thuê bao bên ngoài, tại đây thông tin báo động khẩn cấp sẽ được chuyển đồng loạt đến tất cả các điện thoại di động của các cá nhân thuộc các bộ phận khác nhau trong bệnh viện được phân công chịu trách nhiệm giải quyết sự cố về an ninh, trật tự. Thông tin được thông báo đến các điện thoại di động bằng giọng đọc của máy “Có báo động code grey, mức độ 1,2,3 tại khoa…”. Toàn bộ quy trình xử lý thông tin chỉ diễn ra chưa đến 1 phút. Tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, ngoài Code grey, hệ thống “Auto Call” của bệnh viện còn có “Code blue” dành cho hỗ trợ khẩn cấp ngưng tim, ngưng thở, “Code red” dành cho hỗ trợ khẩn cấp cháy nổ, và “Báo động đỏ” dành cho hỗ trợ khẩn cấp khi có bệnh nhân nguy kịch. Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện mang tên “Code grey” tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã phát huy hiệu quả thật sự, xứng đáng được giới thiệu nhân rộng cho tất cả bệnh viện trong thành phố và trên cả nước.


    24 Hệ thống ki-ốt khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh – Sở Y tế TP.HCM

    Làm thế nào để lãnh đạo bệnh viện biết được ý kiến không hài lòng của người bệnh để chủ động tìm nguyên nhân và có giải pháp để cải tiến hoặc khắc phục ? Làm thế nào để Sở Y tế biết được thực trạng chung về phản ánh không hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện để làm căn cứ cho kế hoạch hoạt động hàng năm của Ngành Y tế ? Xuất phát từ những thách thức đó, từ giữa năm 2017, Sở Y tế TP.HCM chính thức triển khai hệ thống khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh đặt tại khoa khám bệnh của 53 bệnh viện công lập trực thuộc. Khi đến khám bệnh tại các bệnh viện, nếu có vấn đề gì cảm thấy “khó chịu” về các dịch vụ phục vụ người bệnh như gửi xe, nhà vệ sinh, các dịch vụ tiện ích, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế, an ninh trật tự của bệnh viện cho đến tất cả các khâu của quy trình khám bệnh thì người bệnh có thể dễ dàng góp ý và phản ánh đến lãnh đạo bệnh viện và Sở Y tế thông qua ki-ốt “Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh” được lắp đặt tại tất cả bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố. Đây là kênh thông tin quan trọng cho hoạt động quản lý chất lượng bệnh xuất phát từ góc nhìn của người bệnh và thân nhân người bệnh liên quan đến quá trình cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập.


    25 Phần mềm quản lý sử dụng kháng sinh hạn chế - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

    Hình ảnh lãnh đạo và tất cả cán bộ chủ chốt của bệnh viện cùng nghe báo cáo và phân tích tình hình sử dụng các kháng sinh thuộc nhóm hạn chế sử dụng theo quy định đã trở nên quen thuộc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh hạn chế đã giúp cho công tác quản lý bệnh viện nói chung và công tác quản lý sử dụng thuốc của bệnh viện ngày càng đi vào thực chất và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Thực hiện nghiêm chiến lược phòng chống kháng thuốc, quy trình hội chẩn chỉ định kháng sinh hạn chế được triển khai từ tháng 5/2016, tuy nhiên việc vận hành hệ thống gặp nhiều khó khăn khi bác sĩ điều trị phải điền thông tin yêu cầu kháng sinh theo mẫu và chuyển phiếu đó đến các bộ phận có liên quan để xem xét thẩm định theo quy trình, thời gian hoàn thành này quy trình này thường phải mất 2 ngày làm việc nên sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân. Từ thực tế nêu trên, lãnh đạo bệnh viện đã đặt hàng với Ban quản lý kháng sinh của bệnh viện phối hợp với Phòng Công nghệ thông tin nghiên cứu và xây dựng quy trình “Hội chẩn kháng sinh online” nhằm rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt cho phép sử dụng kháng sinh hạn chế, đồng thời giảm bớt thủ tục giấy tờ. Điều đáng ghi nhận là các chuyên gia CNTT của bệnh viện đã xây dựng phần mềm với khả năng tương tác cao và hỗ trợ các bác sĩ điều trị bằng cách kết nối với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS). Dựa vào các kết quả cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm vi sinh), phần mềm hỗ trợ cho các bác sĩ điều trị và các bác sĩ thuộc Ban quản lý kháng sinh ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.


    26 Ứng dụng IoT trong quản lý kho thuốc thông minh – Bệnh viện Nhi Đồng 1

    Lo lắng là một tâm trạng chung thường thấy ở các trưởng khoa Dược của bệnh viện khi được hỏi có thật sự an tâm trong công tác quản lý kho thuốc bệnh viện hay không bởi với phương thức cổ điển trong việc theo dõi sự biến động các thông số môi trường (như nhiệt độ, độ ẩm) hay tình trạng hoạt động ổn định của các tủ lạnh trữ thuốc thì rất khó trả lời là thật sự an tâm. Sự biến động của các thông số này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc, nhưng với phương thức cổ điển như trên thì khó có thể bắt gặp kịp thời những thời điểm bị biến động. Khi ngồi quan sát hoạt động quản lý kho lưu trữ thuốc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, sẽ không còn thấy hình ảnh quản lý kho thuốc quen thuộc thường gặp tại nhiều bệnh viện như: mỗi ngày 2 lần nhân viên quản lý kho đi xem và ghi chép nhiệt độ vào “phiếu theo dõi nhiệt độ, độ ẩm”, vẽ bằng tay biểu đồ các thông số theo dõi được, cũng không còn hình ảnh cả ê kíp trực bao gồm bảo vệ, dược sĩ và điều dưỡng vào kho để kiểm tra các thông số của các tủ lạnh lưu trữ thuốc trong giờ hành chánh và giờ trực. Với giải pháp “Ứng dụng IoT trong quản lý kho thuốc thông minh”, những hình ảnh quen thuộc trên đã được thay thế bằng hình ảnh “lạ mắt” đó là người quản lý kho dễ dàng theo dõi sát các thông số quản lý kho bằng điện thoại thông minh.


    27 Phần mềm đấu thầu thuốc – Bệnh viện Nhi Đồng 1

    Khi được hỏi về những lo lắng khi tham gia làm thành viên của các tổ đấu thầu mua sắm thuốc thì câu trả lời gần như giống nhau cho dù cá nhân đó đang công tác ở bệnh viện nào, đó là sự không thống nhất các dữ liệu đấu thầu do lỗi đánh máy ở các giai đoạn nhập liệu (tên thuốc, tên nhà thầu, giá dự thầu, đánh giá các tiêu chí…), tốn nhiều công sức và thời gian thực hiện các biểu mẫu đấu thầu theo quy định, gặp khó khăn không ít trong việc thống kê, tổng hợp, báo cáo kết quả… vì các thao tác thủ công này vẫn tiềm ẩn nguy cơ sai sót, không khách quan khi thực hiện chấm điểm, đối chiếu “thủ công”, khó khăn trong việc lưu trữ và truy xuất hồ sơ, dữ liệu đấu thầu… Riêng cán bộ, viên chức tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, gần 3 năm nay cảm giác thấy tự tin hơn kể từ khi bệnh viện xây dựng và triển khai “Phần mềm đấu thầu thuốc”. Chính nhờ số hóa tất cả các công đoạn trong quy trình đấu thầu đã giúp thống nhất toàn bộ dữ liệu của từng sản phẩm của các nhà thầu tham dự, từ giai đoạn phát hành danh mục thuốc đấu thầu, nộp hồ sơ dự thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, đến báo cáo kết quả… Số hoá toàn bộ quy trình đấu thầu đã loại bỏ được các sai sót do lỗi đánh máy, nhập liệu nhiều lần, nhờ số hóa mà việc thực hiện toàn bộ 36 biểu mẫu báo cáo, thống kê theo quy định đấu thầu hiện hành được thực hiện rất dễ dàng, chính xác và tiết kiệm nhiều thời gian. Các chuyên gia CNTT đã vận dụng nguyên lý “Máy học” và “Hệ chuyên gia” để tạo ra một công cụ cung cấp thông tin tham khảo dựa trên việc “học tập” và truy xuất thống kê từ kho “dữ liệu lớn” (big data) có được qua nhiều năm đấu thầu của bệnh viện. Chính nhờ các công cụ này đã giúp cho tổ thẩm định có thể dễ dàng tham khảo và định hướng các thuốc cần phải thẩm định, đồng thời lãnh đạo bệnh viện cũng dễ dàng giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ chuyên gia, tổ thẩm định đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định.


    28 Ki-ốt để người bệnh chấm điểm bác sĩ - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

    Tại mỗi phòng khám của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đều được trang bị một ki-ốt với màn hình chạm được kết nối mạng thông tin của bệnh viện, sau khi được bác sĩ khám xong, người bệnh sẽ được bệnh viện mời “chấm điểm” bác sĩ bằng cách chạm vào số sao theo mỗi câu hỏi. Kết quả chấm điểm của bệnh nhân sẽ được bệnh viện tổng hợp hàng tháng và được xem là một kênh thông tin để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của bác sĩ. Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, trung bình mỗi tháng có hơn 30 lượt “chấm điểm” cho mỗi bác sĩ ngồi tại phòng khám. Hoạt động này thật sự đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ và hành động của các bác sĩ, theo nhận định ban đầu của lãnh đạo bệnh viện, sản phẩm khi đưa vào hoạt động đã làm: (1) tăng sự trải nghiệm tích cực và sự hài lòng của người bệnh; (2) giúp cho nhân viên có thói quen tự giác làm việc một cách chuẩn mực, luôn có cảm giác được giám sát; (3) giúp nhà quản lý bệnh viện có thêm kênh thông tin quan trọng từ phía người bệnh để đánh giá hiệu quả công việc của bác sĩ và giúp bệnh viện không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ cung cấp.


    29 Ứng dụng camera thông minh giám sát rửa tay – Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM

    Nếu hỏi bất kỳ một trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn của các bệnh viện về khó khăn nhất thường gặp trong hoạt động giám sát sự tuân thủ quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện thì câu trả lời phổ biến nhất chính là hoạt động giám sát rửa tay của nhân viên y tế. Vì hoạt động rửa tay của nhân viên y tế diễn ra 24/7, việc các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn đi đến các khoa để giám sát đột xuất cũng không thể bao phủ và phản ánh đúng thực trạng. Xuất phát từ thách thức này, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học đã có giải pháp mang tính khả thi cao đó là ứng dụng camera thông minh để giám sát việc tuân thủ quy định rửa tay của nhân viên. Với ý tưởng này, các chuyên gia CNTT của bệnh viện phối hợp với Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Truyền máu – Huyết học đã triển khai thử nghiệm lắp đặt camera thông minh vào các thiết bị rửa tay sẵn có của bệnh viện. Tính năng nhận diện khuôn mặt nhân viên khi đến ấn lọ dung dịch sát trùng tay nhanh là công cụ hữu ích cung cấp dữ liệu theo thời gian thực về số lần rửa tay của nhân viên đó. Phần mềm sẽ tự động thống kê số lần rửa tay của mỗi nhân viên, mỗi khoa lâm sàng theo thời gian hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Tuy còn trong thời gian thử nghiệm ở một khoa lâm sàng, điều đáng ghi nhận đối với sản phẩm này chính là: (1) Giúp cho các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn biết được mức độ tuân thủ rửa tay của từng nhân viên, cũng như dễ dàng so sánh giữa các khoa, phòng trong bệnh viện; (2) Lợi ích vô hình khác chính là tác động lên suy nghĩ và nhận thức của nhân viên theo chiều hướng tích cực vì biết bệnh viện đang theo dõi rửa tay 24/7.


    30 Số hóa quy trình pha chế thuốc giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh - Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM

    Một con số khá ấn tượng của Bệnh viện Truyền máu – Huyết học (TMHH) khi bệnh viện cho biết đã tiết kiệm được chi phí sử dụng thuốc tương đương 8,8 tỉ đồng khi áp dụng phần mềm chuyên dùng cho quy trình pha chế thuốc tập trung chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm. Từ 01/07/2018, bệh viện bắt đầu triển khai phần mềm quản lý bệnh viện MQSoft HIS. Trên nền tảng của hệ thống thông tin bệnh viện này, bệnh viện đã tích hợp phần mềm chuyên dùng cho pha chế thuốc tập trung nhằm tối ưu hóa hoạt động pha chế thuốc tập trung vừa đảm bảo cung ứng thuốc theo yêu cầu của các khoa lâm sàng, đồng thời tính toán chia thuốc cho người bệnh của các khoa có cùng chỉ định nhận được lượng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định và cùng sử dụng trên một lọ thuốc để lượng thuốc dư cần hủy chiếm thấp nhất ở tại một thời điểm. Vì hầu hết thuốc đặc trị của chuyên khoa huyết học có giá thành cao nên việc hạn chế lượng thuốc thừa phải huỷ theo từng bệnh nhân sẽ giúp tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc nói chung sẽ rất lớn. Thực tiễn của bệnh viện đã chứng minh, chỉ trong vòng chưa đến một năm, với việc áp dụng phần mềm chuyên dụng trong tổng hợp và phân chia thuốc khi pha chế thuốc tập trung đã tiết kiệm được một khoản chi phí tương đương 8,8 tỉ đồng cho xã hội nói chung, cụ thể là người bệnh và quỹ BHYT (vì bệnh viện cũng không hưởng được nguồn tiết kiệm này). Đây là nỗ lực rất đáng được ghi nhận và giới thiệu nhân rộng đến các bệnh viện khác.


    31 Phần mềm quản lý quy trình SOP – Bệnh viện Nhân dân 115

    Mọi hoạt động của bệnh viện đều được các quy định pháp lý quy định. Để các quy định đó trở thành những hoạt động thường quy hàng ngày của mỗi nhân viên y tế đòi hỏi các bệnh viện phải chuẩn hoá thành các quy trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi bệnh viện. Một thực tế hay gặp tại nhiều bệnh viện đó là làm thế nào để bổ sung, cập nhật những quy định mới vào các quy trình hiện có, làm thế nào để nhân viên các khoa, phòng dễ dàng truy cập thông tin về các quy trình hoạt động khi cần. Bệnh viện Nhân Dân 115 là một trong những bệnh viện đã có giải pháp cho những vấn đề này với phần mềm có tên là “Quản lý quy trình SOP”. Được xây dựng trên nền tảng web, phần mềm đã giúp cho bệnh viện quản lý được: số lượng quy trình ban hành trong toàn bệnh viện; số lượng quy trình ban hành của mỗi khoa phòng; số lượng quy trình ban hành mới, ban hành lại; số lượng quy trình đang soạn thảo, chỉnh sửa; chiết suất báo cáo. Đặc biệt là khi bệnh viện ban hành một quy trình mới, các khoa, phòng có thể tiếp cận được chi tiết nội dung của quy trình nhanh chóng. Phần mềm còn có chức năng tìm kiếm các quy trình đã được ban hành trước đó. Phần mềm này cho phép người dùng xây dựng quy trình mà không cần phải xây dựng trên các phần mềm văn phòng phổ biến như hiện nay như Microsoft Word, Excel, Visio,… Ngoài ra, một tiện ích thiết thực khác của ứng dụng này đó là mỗi khi cần cập nhật và chỉnh sửa một nội dung của quy trình này thì phần mềm tự động cập nhật và chỉnh sửa trên các quy trình khác có cùng nội dung tương ứng.


    32 Phần mềm giám sát tuân thủ an toàn người bệnh trong phẫu thuật - Bệnh viện Nhi Đồng 1

    Có thể nói giám sát sự tuân thủ các quy định và quy trình an toàn phẫu thuật là một trong những hoạt động khó khăn nhất của các phòng Quản lý chất lượng (QLCL) tại nhiều bệnh viện, do quy trình này liên quan trực tiếp đến nhiều bộ phận và khoa, phòng khác nhau, nhiều loại hình nhân viên y tế khác nhau, được thực hiện trong nhiều môi trường làm việc khác nhau. Từ khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể là số hoá toàn bộ quy trình an toàn phẫu thuật, hoạt động giám sát sự tuân thủ quy trình an toàn người bệnh trong phẫu thuật của các chuyên gia QLCL tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trở nên thuận lợi hơn và tự tin hơn, góp phần hạn chế thấp nhất các sai sót do nhầm lẫn trong phẫu thuật. Để làm được điều này, Phòng QLCL của bệnh viện đã chủ động phối hợp với phòng KHTH và phòng CNTT thiết lập hệ thống số hoá hoàn chỉnh nhằm vừa hỗ trợ cho người thực hiện, vừa làm công cụ giám sát cho nhà quản lý về an toàn phẫu thuật. Bệnh viện đã số hoá toàn bộ hoạt động liên quan phẫu thuật – thủ thuật xâm lấn từ khâu hội chẩn chỉ định, kế hoạch phẫu thuật, bảng kiểm đánh giá người bệnh trước phẫu thuật, xếp phòng mổ, bảng kiểm phòng mổ kiểm tra tính sẵn sàng của phòng mổ, bảng kiểm 3 đúng quanh phẫu thuật, tường trình phẫu thuật.


    33, 34, 35, 36 Nhóm sản phẩm báo cáo sự cố - Bệnh viện Bình Dân, Nhân dân 115, Hùng Vương, Hoàn Mỹ Sài Gòn

    Trong 37 sản phẩm vào Vòng 2 của đợt bình chọn Giải thưởng Y tế thông minh năm 2019 do Sở Y tế TP.HCM phát động, chủ đề của các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin của các bệnh viện rất đa dạng và phong phú, rất đáng được giới thiệu và nhân rộng vì những lợi ích rất thiết thực đã mang lại cho người bệnh và cho cả bệnh viện. Riêng chủ đề báo cáo sự cố, có đến 4 sản phẩm của 4 bệnh viện khác nhau, đó là Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bình Dân, Nhân Dân 115 và Hùng Vương. Mỗi sản phẩm đều thể hiện quyết tâm của các bệnh viện trong việc tạo ra các công cụ thuận lợi cho nhân viên y tế báo cáo sự cố, và cho cả các chuyên gia quản lý sự cố của bệnh viện, chính các công cụ này sẽ làm chuyển đổi nhận thức theo hướng tích cực của nhân viên y tế, góp phần xây dựng văn hoá an toàn người bệnh tại các bệnh viện.


    Sản phẩm “HM115” của Bệnh viên Hoàn Mỹ Sài Gòn: Với mục đích “Tạo môi trường thuận lợi để tất cả nhân viên báo cáo các sự cố đã xảy ra, suýt xẩy ra” và “Nhanh chóng tiếp nhận và xử lý sự cố, theo dõi, quản trị các kế hoạch” để tạo “Bản tin”, bệnh viện đã triển khai nhiều phương pháp nhằm khuyến khích tự nguyện báo cáo. Với “HM115” cho phép nhân viên báo cáo “ẩn danh” và thực hiện công tác vô cùng đơn giản bằng “1 thao tác” và có thể thu thập hình ảnh minh họađể làm chứng cứ cùng với các tính năng: Báo cáo sự cố; Phân tích nguyên nhân; Kế hoạch khắc phục; Theo dõi sự cố; Phân tích biểu đồ; Xuất báo cáo file excel – ppt; Phản hồi – chat với báo cáo viên; Đánh giá của báo cáo viên; Bản tin an toàn y tế; phần mềm còn tích hợp các tính năng phân tích thông minh từ dữ liệu báo cáo như 5Why, Fishbone, PDCA.


    Sản phẩm “Dr5-STAR” áp dụng tại Bệnh viện Nhân Dân 115: được bệnh viện Nhân Dân 115 áp dụng từ những năng 2017, đây là sản phẩm của nhóm “Dr5” phối hợp với bệnh viện triển khai thực hiện, ngoài ra sản phẩm cũng được triển khai ở một số bệnh viện tỉnh, thành khác. “Dr5-STAR” cũng thực hiện các tính năng “Báo cáo sự cố” như sản phẩm “HM115” của bệnh viện Hoàn Mỹ, thực hiện các tính năng nhận báo cáo, thống kê và có công cụ phân tích 5Why, Fishbone, PDCA, tuy nhiên các công cụ phân tích này chưa phân tích được nhóm gây ra nguyên nhân sự cố, mà chỉ liệt kê danh sách các sự cố. Công cụ báo cáo cho phép ghi nhận hình ảnh và nội dung của sự cố.


    Sản phẩm “Phần mềm quản lý sự cố, sai sót, rủi ro – BDH” của Bệnh viện Bình Dân: Đây là sản phẩm được các chuyên gia công nghệ thông tin và phòng Quản lý chất lượng bệnh viện phối hợp thực hiện. Phần mềm thực hiện được các tính năng báo cáo, thống kê và phân loại sự cố, nhắc khi có báo cáo. Tuy nhiên chưa có những tính năng giúp phân tích nguyên nhân sự cố, cũng như cho có biểu đồ so sánh các nhóm sự cố. Về công nghệ thì phần mềm dùng ứng dụng truyền thống (Desktop application) chưa có giao diện trên web hay ứng dụng mobile, tuy nhiên giao diện ứng dụng rất thân thiện và dễ dùng.


    Sản phẩm “Phần mềm quản lý báo cáo sự cố - IRS” (Incident Reports System) của Bệnh viện Hùng Vương: Sản phẩm này có nội dung và hàm lượng chuyên môn khá cao, ngoài bộ tiêu chí phân loại và đánh giá theo thông tư 43, bệnh viện còn có bộ tiêu chí và chuẩn hóa bộ dữ liệu đánh giá tham khảo từ TCYTTG. Điều đặc biệt của sản phẩm này là do chuyên gia công nghệ thông tin của bệnh viện thuộc phòng Quản lý chất lượng tự nghiên cứu và xây dựng nên, do đó tính phù hợp và mức tiện dụng của phần mềm rất cao, ngoài các tính năng báo cáo, thống kê phần mềm còn hệ thống phân tích các số liệu phong phú. Đây là công cụ hỗ trợ tích cực cho phòng Quản lý chất lượng bệnh viện trong công tác quản lý báo cáo sự cố. Phần mềm được xây dựng toàn bộ trên các công cụ mã nguồn mở, các giao diện ứng dụng trên web và thiết bị di động.


    37 Giải pháp thay thế CPU truyền thống bằng Raspberry Pi giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường – Bệnh viện Nhi Đồng 1

    Đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu quan sát kỹ bàn làm việc của các bác sĩ thì ngoài màn hình vi tính quen thuộc sẽ không thấy những “cục” CPU truyền thống đặt ở đâu, thay vào đó sẽ thấy một “vật thể nhỏ lạ mắt” cỡ bao thuốc lá có một bo mạch điện tử bên trong. Thiết bị nhỏ gọn này có tên là Raspberry Pi, thiết bị này đã tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ khi đầu tư cho hệ thống máy tính để bàn cho tất cả các khoa, phòng trong toàn bệnh viện. Với giá chỉ gần 2 triệu đồng, trong khi giá trung bình của mỗi CPU là 8 triệu đồng. Ngoài ra, Raspberry Pi hoạt động theo cơ chế ảo hóa máy chủ bằng phần mềm mã nguồn mở có tên là “Proxmox” nên hoàn toàn không phải tốn thêm kinh phí để mua phần mềm bản quyền như một số hệ thống khác. Với hệ thống máy tính để bàn hơn 600 máy, bệnh viện đã tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, do thiết bị Raspberry Pi tiêu thụ điện năng rất thấp so với các CPU truyền thống, nếu như mỗi CPU khi sử dụng sẽ tiêu thụ hết 150 - 200w điện/giờ, thì mỗi thiết bị Raspberry Pi chỉ tiêu thụ hết 4w điện/giờ, như vậy thiết bị này sẽ tiết kiệm gần 40 lần tiêu thụ điện năng so với CPU. Thực tế tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ khi thay thế CPU bằng Raspberry Pi, hàng năm bệnh viện đã tiết kiệm thêm một khoản 168 triệu tiền điện sử dụng cho các máy tính. Ngoài ra, việc thay thế các CPU bằng thiết bị Raspberry Pi còn giúp bệnh viện thực hiện công tác bảo vệ môi trường tốt hơn vì các thiết bị nhỏ gọn này không gây ra tiếng ồn và không sinh nhiệt như các CPU cổ điển, nhất là khối lượng rác thải phát sinh từ các thiết bị vi tính của bệnh viện đã giảm đi một khối lượng đáng kể.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này