SỞ Y TẾ Bác sĩ và điều dưỡng có bị “hội chứng burnout” khi bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ? - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 30/10/18.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Theo từ điển Oxford, thuật ngữ “burnout” được hiểu là sự suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng (stress). “Hội chứng burnout” xuất hiện ở các thầy thuốc lần đầu tiên được mô tả vào năm 1974 bởi chuyên gia tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger. Đây là một hội chứng liên quan đến công việc rất đặc thù của những người công tác trong ngành y tế, nhất là các bác sĩ – những người trực tiếp tham gia hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và các cơ sở y tế khác. Các chuyên gia tâm lý đã mô tả 3 triệu chứng chính của hội chứng “burnout”: (1) Kiệt sức, là cảm giác thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi do một hoặc nhiều yếu tố trong lĩnh vực về năng lượng, cảm xúc, và tinh thần. Các triệu chứng thể chất hay gặp như đau dạ dày, ruột; (2) Hoài nghi, thấy công việc của họ ngày càng căng thẳng và bực dọc, mất khả năng đồng cảm và kết nối với bệnh nhân, nhân viên và đồng nghiệp, thậm chí hay đổ lỗi, hoặc cảm thấy có lỗi; (3) Giảm hiệu quả công việc, thấy khó tập trung, không lắng nghe và thiếu sự sáng tạo.

    Tại Mỹ, có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng burnout ở nhân viên y tế, trong đó BAĐT luôn được xếp trong nhóm nguyên nhân thường gặp nhất. Việc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử (EMR: Electronic Medical Record) và hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR: Electronic Health Record) đã chứng minh làm tăng hiệu quả tài chính của các dịch vụ y tế, tăng chất lượng chăm sóc và sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra để triển khai thành công BAĐT còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư không nhỏ, quyết tâm, sự kiên trì, nỗ lực bền bỉ của lãnh đạo bệnh viện và sự tuân thủ của nhân viên y tế. Bên cạnh những hiệu quả tích cực mà EMR mang lại, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng BAĐT có thể gây ra những tác dụng không mong muốn đối với nhân viên y tế, trong đó đáng ngại nhất là hội chứng burnout.

    Theo công trình nghiên cứu năm 2014 của tổ chức RAND Corporation, khảo sát 370 nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu và 92 nhà quản lý tại 92 bệnh viện ở thành phố New York đã có những phát hiện rất đáng quan tâm: đối với nhóm bác sĩ sử dụng BAĐT ở mức độ trung bình thì ít hài lòng hơn với công việc của họ (ES -0.35, p=0.03) và có mức độ căng thẳng cao (ES -0.45, p=0.006); đối với nhóm bác sĩ sử dụng BAĐT ở mức độ cao thì có mức không hài lòng với công việc cao hơn (ES -0.39, p=0.01), và liên quan đến việc xuất hiện hội chứng burnout nhiều hơn đáng kể, thậm chí, một số bác sĩ còn có ý định bỏ nghề. Khảo sát cũng ghi nhận ý kiến của các bác sĩ than phiền phải làm việc nhiều giờ hơn vì BAĐT, nhiều người cần phải sử dụng thời gian buổi tối hoặc cuối tuần để hoàn thành công việc hành chính liên quan đến BAĐT. Nhiều bác sĩ than phiền việc phải dành nhiều thời gian hơn với màn hình vi tính đồng nghĩa với việc ít kết nối với bệnh nhân hơn và ít thảo luận hơn với đồng nghiệp hơn. "Chúng tôi ngồi trước máy tính để làm việc, nhập dữ liệu và tương tác với các máy tính cá nhân mà không cần tương tác với nhau", một bác sĩ than thở cách thức mà BAĐT đã làm thay đổi thực hành y học.

    Vậy ở Việt Nam thì như thế nào? Tại TP.HCM, bệnh viện Quận Thủ Đức đã được Bộ Y tế cho phép triển khai thí điểm BAĐT trong những năm qua, và đã chính thức thực hiện BAĐT trong toàn bệnh viện từ đầu năm 2018. Vừa qua, Sở Y tế có thực hiện một khảo sát nhanh ý kiến của các bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Quận Thủ Đức khi thực hiện BAĐT. Có tổng số 124 bác sỹ và điều dưỡng đã tham gia trả lời bảng câu hỏi khảo sát với 27 câu hỏi, dựa trên các nghiên cứu ở Mỹ và các nước Châu Âu.

    Các kết quả khảo sát cho thấy một số thông tin có ý nghĩa khác biệt về mặt thống kê như sau: thời gian trung bình dành cho việc hoàn tất một bệnh án giảm đi rõ rệt khi thực hiện BAĐT (phải mất 30,56 phút đối với HSBA giấy; chỉ mất 18,46 phút đối với BAĐT); nhân viên y tế là nữ cần thời gian dài hơn để thành thạo sử dụng BAĐT so với đồng nghiệp nam (trung bình là 8,65 ngày), sự khác biệt này thì cũng tương tự khi so sánh giữa các bác sĩ và điều dưỡng; đối với những nhân viên y tế có thời gian công tác trên 60 tháng, khả năng thích nghi với BAĐT thấp hơn so với các nhóm còn lại.

    Đặc biệt, có đến 88% những người được phỏng vấn ủng hộ việc sử dụng BAĐT thay cho HSBA giấy trước đây. Tìm hiểu những người vẫn còn ưa thích sử dụng HSBA giấy, đa số nhân viên y tế thuộc nhóm này (chiếm 66,7%) có đặc điểm chung đều là nữ, và là điều dưỡng và có thời gian công tác trên 60 tháng. Đây có lẽ là nhóm đối tượng mà nhà quản lý cần quan tâm để tăng cường đào tạo, tập huấn giúp cho việc sử dụng BAĐT trở nên thân thiện, thuần thục hơn nữa.

    Khảo sát các ý kiến về sự bất tiện, lo ngại khi sử dụng bệnh án điện tử: đa số cho rằng lo ngại nhất khi gặp trục trặc hoặc gián đoạn đường truyền (89,5%), kế đến là lỗi phần mềm (79,8%), ngoài ra còn có ý kiến lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin (68,5%).

    Với những câu hỏi khảo sát về 3 triệu chứng của hội chứng burnout (kiệt sức, hoài nghi và suy giảm hiệu quả công việc) liên quan đến việc sử dụng BAĐT: điều đáng mừng là tỷ lệ không cao, trong đó 12,9% cho rằng có triệu chứng kiệt sức, trong khi biểu hiện hoài nghi và giảm hiệu quả công việc chỉ có 6,45%. Xác suất xảy ra hội chứng burnout trong số những người tham gia khảo sát này là 8,6%, con số này là rất thấp so với các khảo sát tại các bệnh viện khác tại một số nước.

    Những giải pháp giúp nhân viên y tế giảm hoặc bảo vệ không bị hội chứng burnout (theo một nghiên cứu khảo sát tại Mỹ): giải toả bác sĩ khỏi công việc hành chính (54%); cải thiện hệ thống công nghệ thông tin và bệnh án điện tử (46%); tạo dựng văn hoá khoẻ mạnh của tổ chức (21%); thay đổi cách động viên nhân viên (16%); thúc đẩy tình bạn và kết nối xã hội (13%); tìm những việc có ý nghĩa hơn (11%); cho phép không gian sáng tạo (10%); giảm giám sát chỉ số chất lượng (9%); xác định và nhân rộng các mô hình lãnh đạo tích cực (7%). Riêng các bệnh viện đã triển khai BAĐT, các giải pháp mà nhà quản trị bệnh viện cần quan tâm hơn như cải thiện các giao diện cho người dùng, chức năng BAĐT phải phù hợp hơn với công việc của bác sĩ trong các quy trình lâm sàng. Theo nhóm nghiên cứu, có hai giải pháp mang tính chìa khóa để cải thiện tình hình sử dụng BAĐT, đó là xây dựng các hệ thống phần mềm ứng dụng tốt hơn với các công cụ và ứng dụng mới được phát triển; sử dụng BAĐT để phác họa lại công việc, để suy nghĩ về những cách thức mới, để tận dụng lợi thế của công nghệ, chứ không chỉ đơn giản là chạy chương trình vi tính để số hóa các quy trình công việc của hồ sơ bệnh án giấy trước đây một cách cứng ngắt.

    Riêng tại Việt Nam, bên cạnh việc củng cố hạ tầng CNTT để đáp ứng yêu cầu khi triển khai BAĐT và chọn những nhà lập trình BAĐT đáp ứng những mong đợi như trên, tuân thủ những quy định pháp luật, lãnh đạo bệnh viện cần quan tâm nhiều hơn việc hướng dẫn và hỗ trợ cho nhân viên, đặc biệt lưu ý nhân viên y tế có thời gian công tác lâu năm và giới nữ.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này