Đến nay, thế giới ghi nhận 37.779.202 trường hợp mắc, 1.081.709 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 216 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 28.367.390 và còn 8.330.103 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 68.772 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 219.695 trường hợp tử vong trong tổng số 7.991.998 ca nhiễm. Tiếp theo là Ấn Độ hiện ghi nhận 7.120.538 ca nhiễm và 109.184 trường hợp tử vong. Tình dịch đang lan rộng tại quốc gia tỷ dân này khi không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thành phố lớn như trung tâm tài chính Mumbai và thủ đô New Delhi mà đã lây lan đến các vùng nông thôn, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều yếu kém. Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil với 5.094.979 ca nhiễm (150.506 trường hợp tử vong). Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mạnh trở lại ở các nước thành viên. Với số ca mắc mới tăng vọt mấy ngày gần đây, nguy cơ tâm dịch COVID-19 quay lại châu Âu đang ngày càng rõ. Nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu tái áp đặt các hạn chế trong nỗ lực kiểm soát dịch bùng phát trở lại, cụ thể: Đức lần đầu trong 70 năm áp giờ giới nghiêm với các hoạt động về đêm tại Berlin nhằm kiềm chế tình trạng lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng; Pháp bắt đầu áp mức cảnh báo tối đa kể từ ngày 10/10, mở đường cho việc áp dụng các biện pháp giới hạn mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan tại các thành phố Lyon, Lille, Grenoble và Saint-Etienne (Paris và Marseille đã có động thái tương tự từ trước đó); Tây Ban Nha - quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai ở châu Âu (sau Nga), đã ban bố lệnh tình trạng khẩn tại vùng thủ đô Madrid trong 15 ngày (tính từ ngày 9/10) nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan; Ba Lan đã siết chặt các biện pháp phòng dịch như bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường. Khu vực Châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran với 500.075 trường hợp mắc (28.544 trường hợp tử vong), tiếp theo là Iraq ghi nhận 402.330 trường hợp mắc với 9.852 trường hợp tử vong. Tại khu vực ASEAN, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang nóng lên ở Philippines với tổng số 342.816 ca nhiễm (6.332 trường hợp tử vong) hiện áp đặt các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh đến ngày 31/10. Tiếp theo là Indonesia với 333.449 trường hợp mắc (11.844 trường hợp tử vong) hiện là quốc gia dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 ca tử vong và 57.880 trường hợp nhiễm, tăng 4 ca. Nước này đang đưa ra các chương trình thí điểm đi lại và kích cầu kinh tế sau khi đã kiềm chế được dịch. - Ngày 12/10/2020 là ngày thứ 40 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trong ngày, ghi nhận 01 ca mới, là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại TP. Hồ Chí Minh, cụ thể: BN1110, nam, 35 tuổi, là chuyên gia quốc tịch Ấn Độ, làm việc tại Vĩnh Phúc. Ngày 6/10, từ Ấn Độ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất, được cách ly ngay tại TP. Hồ Chí Minh (khách sạn). Ngày 10/10, bệnh nhân khởi phát với sốt, đau đầu, kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 11/10 dương tính với vi rút SAR-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 06 ca dương tính tại Đồng Tháp (5), Đồng Nai (1). - Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.110 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 453 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). - Từ 23/7 - 12/10, thực hiện 752.149 xét nghiệm trong tổng số 1.253.381 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch. Từ 23/7 - 12/10, TP. Đà Nẵng đã thực hiện 180.443 xét nghiệm (12/10 xét nghiệm 12 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 132.904 xét nghiệm (đã bao gồm 71.300 mẫu được 4 đơn vị hỗ trợ từ đầu tháng 8) (12/10 xét nghiệm 269 mẫu); TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 146.938 xét nghiệm (12/10 xét nghiệm 412 mẫu). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19: - Tiếp tục xây dựng hoàn thiện Hướng dẫn quy trình nhập cảnh cho hành khách trên chuyến bay thương mại. - Chỉ đạo triển khai tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn; cập nhật thường xuyên việc thực hiện bệnh viện an toàn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế. - Chỉ đạo thực nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triển để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường. - Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; khuyến cáo mạnh mẽ việc cài đặt ứng dụng Bluezone phục vụ truy vết nhanh; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. - Tiếp tục phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. - Phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định. Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Xem trang nguồn: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế