Thế giới hiện ghi nhận 55.401.045 ca và 1.333.263 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 219 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 38.536.064 và còn 15.531.718 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 99.755 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm ghi nhận ở mức 11.538.280 trường hợp và 252.652 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ ghi nhận 8.874.290 ca nhiễm (130.559 trường hợp tử vong). Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil với 5.876.740 ca nhiễm (166.067 trường hợp tử vong). Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, toàn châu Âu đã ghi nhận tổng cộng hơn 14,16 triệu ca nhiễm và hơn 326.000 ca tử vong. Số ca nhiễm tại Pháp hiện đã tiệm cận mốc 2 triệu, tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua đã giảm một cách đáng kinh ngạc, từ 27.228 ca trong ngày 15/11 xuống chỉ còn 9.406 ca trong ngày 17/11. Tại Đức, sau cuộc họp tham vấn trực tuyến với 16 thủ hiến các bang, Thủ tướng Angela Merkel đã công bố những hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID -19. Chính phủ Đức và các bang đã kêu gọi người dân một lần nữa giảm thiểu đáng kể các liên hệ riêng tư, tránh hoàn toàn các bữa tiệc cho đến Lễ Giáng sinh, người dân Đức chỉ được phép có mặt tại nơi công cộng với thành viên của một hộ gia đình và tối đa người từ hai hộ gia đình, điều này cũng áp dụng đối với trẻ em, thanh thiếu niên. Tuy nhiên, quyết định về các hạn chế mới đối với trường học đã bị hoãn lại. Trước đó, Chính phủ Đức đã đề xuất các biện pháp nghiêm ngặt hơn như bắt buộc học sinh và giáo viên đeo khẩu trang và giảm một nửa sĩ số trong lớp. Khu vực Châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran với 775.121 trường hợp mắc (41.979 trường hợp tử vong), không ghi nhận ca mắc mới so với ngày 16/11. Quốc gia đứng thứ ba tại Châu Á là Iraq ghi nhận 521.542 trường hợp mắc với 11.712 trường hợp tử vong. Sau 10 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 100 ca và có 4 ngày ghi nhận số ca mắc mới trên ngưỡng 200 ca, Hàn Quốc quyết định nâng mức giãn cách xã hội tại khu vực thủ đô Seoul và khu vực lân cận từ mức 1m lên mức 1,5m, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/11. Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 474.455 trường hợp mắc (15.393 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Philippines với tổng số 410.718 ca nhiễm (7.862 trường hợp tử vong). Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 28 ca tử vong và 58.130 trường hợp nhiễm. Ngày 17/11/2020 là ngày thứ 76 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 05 ca nhập cảnh, quốc tịch Việt Nam, được cách ly ngay tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Khánh Hoà. Cụ thể: + BN1284-1285: Ngày 31/10/2020, từ Nga nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được cách ly tại Trung đoàn 814, tỉnh Hòa Bình ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoà Bình lần 01 ngày 01/11/2020 kết quả âm tính, lần 02 ngày 14/11/2020 kết quả nghi ngờ. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 16/11/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình và Viện Vệ sinh Trung ương đều dương tính với SAR-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. + BN1286-1288: Ngày 11/11/2020, từ Nga nhập cảnh sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN5062, được cách ly tại Trung Đoàn 974 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa ngay sau khi nhập cảnh. Ngày 12/11/2020 lấy mẫu lần 1, kết quả xét nghiệm âm tính; ngày 15/11/2020 lấy mẫu lần 2, kết quả xét nghiệm ngày 16/11/2020 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.288 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 631 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19: 1. Chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. 2. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; khuyến cáo mạnh mẽ việc cài đặt ứng dụng Bluezone phục vụ truy vết nhanh; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. 3. Tiếp tục phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. 4. Tiếp tục triển khai “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoanCOVID.vn) nhằm kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn quốc, trước mắt, bản đồ triển khai trong hệ thống các cơ sở y tế và giáo dục sử dụng ứng dụng, cập nhập các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống COVID-19. 5. Phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tổ chức nghiêm việc tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế; rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung. Cục Y tế dự phòng tiếp tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, đăng trên website Bộ Y tế (moh.gov.vn) và Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn). Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Xem trang nguồn: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế