Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay với 429.429 ca, nâng tổng số trường hợp mắc lên tới 41.522.725 ca và 1.136.904 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 217 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 30.935.026 và còn 9.450.795 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 74.213 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 227.409 trường hợp tử vong trong tổng số 8.584.850 ca nhiễm. Tiếp theo là Ấn Độ hiện ghi nhận 7.708.947 ca nhiễm và 116.681 trường hợp tử vong. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi ngày 20/10 cho biết, chính phủ nước này đang làm việc khẩn trương để đảm bảo việc cung cấp vắc-xin cho toàn bộ người dân vào thời điểm thích hợp. Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil với 5.300.649 ca nhiễm (155.459 trường hợp tử vong) đã phê duyệt mua 46 triệu liều CoronaVac - vaccine COVID-19 do Công ty Sinovac Biotech phát triển để đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Châu Âu đã trở thành tâm dịch mới của thế giới với số ca COVID-19 tăng bình quân 140.000 ca nhiễm mới/ngày trong tuần vừa qua. Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có số ca nhiễm COVID-19 trên 1 triệu, mặc dù làn sóng dịch bệnh mới chưa rơi vào tình trạng nghiêm trọng như thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, nhưng các nhân viên chăm sóc y tế cảnh báo rằng, làn sóng dịch mới một lần nữa có thể khiến hệ thống y tế quá tải. Các ca mắc mới cũng được xác nhận mức tăng cao kỷ lục ở Pháp, Anh, Đức, Cộng hòa Séc, Italy và Ba Lan. Tại khu vực ASEAN, Indonesia với 373.109 trường hợp mắc (12.857 trường hợp tử vong) là quốc gia dẫn đầu khu vực về tổng số trường hợp mắc và số bệnh nhân tử vong do đại dịch. Tiếp theo là Philippines với tổng số 363.888 ca nhiễm (6.783 trường hợp tử vong) hiện áp đặt các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh đến ngày 31/10. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 28 ca tử vong và 57.941 trường hợp nhiễm, quốc gia này đang có kế hoạch áp dụng xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại các lễ cưới và các hội nghị doanh nghiệp nhằm nỗ lực nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế. - Ngày 22/10/2020 là ngày thứ 50 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trong ngày, ghi nhận 04 ca (+) mới, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, đây là các công dân Việt Nam từ Angola nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN8 ngày 20/10/2020, trong đó: + 02 trường hợp đầu tiên (cư trú tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) được cách ly tại Trung đoàn 833, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh ngay sau khi nhập cảnh và hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. + Trường hợp thứ 3 (cư trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) và trường hợp thứ 4 (cư trú tại TP. Hồ Chí Minh) được cách ly tại Trung đoàn 831, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang ngay sau khi nhập cảnh và hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. - Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.148 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 491 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19: 1. Chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến ngày 23/10/2020 giữa Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống dịch COVID-19 trong mùa đông năm 2020 và mùa xuân năm 2021. 2. Tiếp tục tổng hợp ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia và một số Ủy ban nhân dân về dự thảo Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. 3. Tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly y tế trong cộng đồng và tại gia đình. 4. Tăng cường giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở cách ly, việc giám sát y tế đủ 14 ngày đối với người nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung. 5. Chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với Bộ, ngành liên quan giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam và tăng cường giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, y tế cơ sở trong công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời và theo dõi sau cách ly. 6. Tiếp tục phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. Cục Y tế dự phòng tiếp tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, đăng trên website Bộ Y tế (moh.gov.vn) và Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn). Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Xem trang nguồn: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế