VNCDC Bản tin cập nhật dịch bệnh Covid-19 (Ngày 25/9/2020)

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi Cục Y tế Dự phòng, 26/9/20.

  1. Cục Y tế Dự phòng

    Cục Y tế Dự phòng Bệnh viện Quận 4
    • 1/6

    Đã được thích:
    27
    Điểm thành tích:
    1
    Đến nay, thế giới ghi nhận 32.441.896 trường hợp mắc, 988.197 trường hợp tử vong COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 23.948.020 và còn 7.505.679 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 62.362 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.
    Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 207.538 trường hợp tử vong trong tổng số 7.185.516 ca nhiễm. Tiếp theo là Ấn Độ hiện ghi nhận 5.818.570 ca nhiễm và 92.317 trường hợp tử vong - đã thông báo mở cửa trở lại ngôi đền Taj Mahal tại thành phố Agra nhằm thu hút khách du lịch bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil với 4.659.909 ca nhiễm (139.883 trường hợp tử vong).
    Khu vực Châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran với 436.319 trường hợp mắc (25.015 trường hợp tử vong), tiếp theo là Bangladesh ghi nhận 356.767 trường hợp mắc với tỷ lệ tử vong khoảng 1,4% (5.093 trường hợp tử vong).
    Tại khu vực ASEAN, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang nóng lên ở Philippines với tổng số 299.361 ca nhiễm (5.196 trường hợp tử vong), hiện thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người. Tiếp theo là Indonesia với 266.845 trường hợp mắc (10.218 trường hợp tử vong). Singapore, vùng dịch đứng thứ ba khu vực ghi nhận 57.665 trường hợp mắc và 27 trường hợp tử vong.
    Trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 gia tăng, một số nước đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch: Tại Thái Lan, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của chính phủ đã đề nghị gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm một tháng cho tới hết tháng 10; CCSA cho rằng việc tiếp tục gia hạn sắc lệnh nói trên là cần thiết nhằm đảm bảo sự hợp tác và hoạt động nhanh hơn trong việc chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19 của các cơ quan chính phủ, lưu ý đến sự gia tăng của các ca lây nhiễm ở nước láng giềng Myanmar. Israel đã buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc do số ca mắc COVID-19 không ngừng tăng mỗi ngày; lệnh phong tỏa dự kiến có hiệu lực từ ngày 25/9 và kéo dài ít nhất đến buổi tối ngày lễ Simhat Torah của người Hồi giáo, tức ngày 10/10. Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun thông báo chính phủ sẽ không cho phép tổ chức các cuộc diễu hành dưới mọi hình thức tại trung tâm thành phố Seoul nhân dịp Quốc khánh nước này (3/10). Italy cũng đang đối mặt tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại; chính quyền vùng Campania, bao gồm thành phố Naples, đã ban hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 24/9 nhằm ngăn chặn tình trạng này.
    Tại Việt Nam, Ngày 25/9/2020, không ghi nhận trường hợp mắc mới, đây là ngày thứ 23 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.069 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 412 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
    Từ ngày 23/7/2020 đến nay cả nước ghi nhận 551 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01).
    Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương. Cả nước đã qua 23 ngày liên tiếp không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
    Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
    1. Tổ chức, triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Công điện 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020).
    2. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam làm việc trên 14 ngày theo Hướng dẫn ban hành kèm theo công văn số 4995/BYT-DP ngày 20/9/2020.
    3. Tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở y tế và phối hợp với các ngành, các địa phương kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam.
    4. Tiếp tục tăng cường đào tạo, tập huấn, diễn tập và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho các tình huống dịch bệnh; tăng cường và mở rộng triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương để nâng cao năng lực cán bộ y tế trong toàn tuyến; tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc xin, tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh COVID-19.
    5. Phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tổ chức nghiêm việc tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế; rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung.
    Cục Y tế dự phòng tiếp tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, đăng trên website Bộ Y tế (moh.gov.vn) và Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn).

    Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam


    Xem trang nguồn: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này