Đến nay, thế giới ghi nhận 33.328.650 trường hợp mắc, 1.002.669 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 24.647.277 và còn 7.678.704 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 65.009 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 209.453 trường hợp tử vong trong tổng số 7.321.343 ca nhiễm. Tiếp theo là Ấn Độ, quốc gia có số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất thế giới. Cho đến nay, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ chiếm 3/5 tổng số ca nhiễm toàn châu lục hiện ghi nhận 6.074.702 ca nhiễm và 95.574 trường hợp tử vong. Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil với 4.732.309 ca nhiễm (141.776 trường hợp tử vong). Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khu vực châu Âu và cao thứ 4 thế giới là Nga với 1.159.573 ca nhiễm COVID-19, trong đó, số trường hợp tử vong là 20.385. Hiện, Nga đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày gần đây. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 20/6 với 7.867 trường hợp, nghiêm trọng nhất là ở Moscow, nơi có số ca nhiễm cao nhất kể từ cuối tháng 6. Từ 25/9, Thị trưởng thủ đô Moscow đã buộc phải yêu cầu người lớn tuổi ở trong nhà và đề nghị giới chủ cho nhân viên làm việc ở nhà, cảnh báo rằng, việc đồng thời cảm lạnh và nhiễm COVID-19 khi mùa Đông đang tới rất nguy hiểm đối với người có tuổi và những người thể trạng yếu. Khu vực Châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran với 446.448 trường hợp mắc (25.589 trường hợp tử vong), tiếp theo là Bangladesh ghi nhận 359.148 trường hợp mắc với tỷ lệ tử vong khoảng 1,4% (5.161 trường hợp tử vong). Tại Hàn Quốc, ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới COVID-19 ở mức dưới 100 ca trong bối cảnh Seoul tăng cường phòng chống dịch lây lan trước dịp Tết Trung Thu sắp tới (từ ngày 30/9 - 2/10 tới) - thời điểm người dân thường đi lại nhiều và sum họp bên gia đình. Tại khu vực ASEAN, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang nóng lên ở Philippines với tổng số 307.288 ca nhiễm (5.381 trường hợp tử vong), hiện thủ đô Manila và các tỉnh lân cận áp đặt những biện pháp phòng dịch cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người. Tiếp theo là Indonesia với 278.722 trường hợp mắc (10.473 trường hợp tử vong). Singapore, vùng dịch đứng thứ ba khu vực ghi nhận 57.715 trường hợp mắc và 27 trường hợp tử vong. Ngày 28/9/2020 là ngày thứ 26 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Cùng ngày, ghi nhận 03 trường hợp nhập cảnh dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Phú Thọ (2) và Hà Nội (1), các trường hợp này đều là chuyên gia nước ngoài, quốc tịch Đài Loan và Ấn Độ, hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở Đông Anh. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.077 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 420 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Từ ngày 23/7/2020 đến nay cả nước ghi nhận 551 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01). Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương. Cả nước đã qua 25 ngày liên tiếp không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19: - Tổ chức Hội thảo phổ biến các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại Bình Định do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chủ trì. - Chỉ đạo các bệnh viện tăng cường kiểm tra định kỳ việc thực hiện các công việc phòng, chống dịch, báo cáo trực tuyến, cập nhật lên bản đồ chống dịch để qua đó khuyến nghị người dân chỉ nên đến khám, chữa bệnh tại những bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch bệnh. - Chỉ đạo các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động đăng ký khám bệnh qua mạng cho người dân để các cơ sở y tế có sự chuẩn bị trước, trừ những trường hợp cấp cứu; rà soát, siết chặt việc thực hiện phân luồng khám, chữa bệnh trong bệnh viện; hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp xét nghiệm khi nghi nhiễm COVID-19 trong bệnh viện. - Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Công điện 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020). - Tiếp tục phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. - Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nâng cao năng lực cho các địa phương, đơn vị theo các hướng dẫn cập nhật, bổ sung về giải pháp chuyên môn kỹ thuật phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”. - Phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt chú trọng quản lý các đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, các đối tượng nhập cảnh trái phép; đồng thời tiếp tục tổ chức nghiêm việc tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế; rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung. Cục Y tế dự phòng tiếp tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, đăng trên website Bộ Y tế (moh.gov.vn) và Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn). Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Xem trang nguồn: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế