VNCDC BẢN TIN CẬP NHẬT DỊCH BỆNH COVID-19 (Ngày 05/01/2021)

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi Cục Y tế Dự phòng, 11/1/21.

  1. Cục Y tế Dự phòng

    Cục Y tế Dự phòng Bệnh viện Quận 4
    • 1/6

    Đã được thích:
    27
    Điểm thành tích:
    1
    Thế giới hiện ghi nhận 86.179.034 ca mắc và 1.862.388 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 61.136.142 và còn 23.180.504 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 108.004 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia có số mắc cao nhất thế giới với 21.353.051 trường hợp mắc và 362.123 trường hợp tử vong. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 10.357.569 ca nhiễm (149.886 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Brazil với 196.591 trường hợp tử vong trong số 7.754.560 ca nhiễm, ngày nay thông báo đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên dương tính với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh.
    Tại châu Âu, Anh bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa mới, toàn bộ cửa hàng không thiết yếu và cơ sở tiếp đón khách sẽ phải dừng hoạt động. Trường tiểu học và trung học sẽ đóng cửa từ ngày 05/01, chỉ tiếp nhận học sinh dễ tổn thương hoặc con của những lao động thiết yếu trong xã hội. Chính phủ Đức và chính quyền 16 bang đã nhất trí gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 31/01 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đức đã phải áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt đợt 2 từ ngày 16/12/2020 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, theo đó các trường học, cửa hàng, nhà hàng và quán rượu phải đóng cửa. Tương tự, Chính phủ Áo cũng quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm một tuần cho đến ngày 24/01, theo đó các nhà hàng và cửa hàng bán đồ không thiết yếu tiếp tục phải đóng cửa. Quyết định này được đưa ra sau khi các đảng phái đối lập phong tỏa một dự luật cho phép những người có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 có thể đi ra ngoài để tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao, mua các mặt hàng không thiết yếu hay đi cắt tóc, một tuần trước khi kết thúc lệnh phong tỏa vào ngày 24/01. Thủ tướng Đan Mạch đã gia hạn thời gian phong toả thêm 2 tuần, kéo dài tới 17/01/2021 nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút corona. Chính phủ Pháp đã quyết định mở rộng giờ giới nghiêm từ ngày 02/01/2021. Cụ thể, giờ giới nghiêm có thể sẽ bắt đầu từ 18h cho đến 6h sáng hôm sau thay vì bắt đầu từ 20 giờ theo quy định hiện tại. Dự kiến biện pháp này sẽ áp dụng tại 20 tỉnh, nằm tại các vùng có tình hình dịch phức tạp nhất nước Pháp. Trong khi đó tại Bỉ, Chính phủ đã nghiêm cấm tổ chức các bữa tiệc đoàn viên lớn cuối năm trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ ba.
    Tại Đông Nam Á, Chính quyền thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã quyết định đóng cửa các trường học trong vòng 2 tuần, tạm thời đóng cửa các viện dưỡng lão, phòng tập thể thao, quán bar và các quán massage trong khi Campuchia tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh giáp biên giới với Thái Lan sau khi phát hiện hàng loạt lao động Campuchia từ Thái Lan trở về bị nhiễm COVID-19.
    Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 779.548 trường hợp mắc (23.109 trường hợp tử vong) đã lên kế hoạch tăng 30% công suất giường bệnh chữa trị COVID-19 ở cả các bệnh viện công lẫn các bệnh viện tư trên khắp đất nước nhằm ứng phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm COVID-19. Tiếp theo là Philippines với tổng số 479.693 ca nhiễm (9.321 trường hợp tử vong); đã ra thông báo sẽ cấm nhập cảnh từ 20 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm những hành khách đến từ Nhật Bản, Úc, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Iceland, Ireland, Israel, Italy, Liban, Hà Lan, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Theo đó lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 30/12 đến ngày 15/01/2021, áp dụng với cả hành khách nước ngoài và công dân Philippines về nước. Myanmar là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 2.744 ca tử vong và 126.935 ca mắc, đã quyết định sẽ mở rộng các hạn chế xã hội cho đến ngày 31/01/2021.
    Tại Việt Nam, ngày 05/01/2021 là ngày thứ 35 liên tiếp không ghi nhận ca cộng đồng mới. Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 07 ca mới được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hà Nội (2), TP. Hồ Chí Minh (1), Bến Tre (1) và Hải Dương (3), cụ thể:
    - Hà Nội ghi nhận 02 ca mắc mới là công dân Việt NamN, liên quan chuyến bay VN415 từ Mỹ nhập cảnh sân bay Nội Bài ngày 20/12/2020.
    - TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 01 ca nhập cảnh là chuyên gia người Anh, liên quan chuyến bay EK392 từ UAE nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 02/01/2021.
    - Bến Tre ghi nhận 01 ca nhập cảnh là công dân Việt Nam, liên quan chuyến bay VJ2527 từ Philippines nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 21/12/2020.
    - Hải Dương ghi nhận 03 ca nhập cảnh là công dân VN, liên quan chuyến bay VN311 từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Vân Đồn ngày 29/12/2020.
    Đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.504 trường hợp mắc (trong đó có 844 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
    Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
    - Bộ Y tế tổ chức huấn luyện, diễn tập tình huống đảm bảo công tác y tế cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
    - Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống COVID-19, đặc biệt là các điều kiện trước khi nhập cảnh (Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy khai bao y tế...), việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh (bao gồm khu cách ly trong, ngoài quân đội có thu phí) tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo việc xét nghiệm đúng số lượng, thời gian, đối tượng.
    - Tiếp tục tăng cường triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (Bluezone, khai báo y tế tự nguyện NCOVI, khai báo y tế bắt buộc - tokhaiyte.vn, Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19...) để kiểm soát các trường hợp tiếp xúc và tăng cường truy vết, khoanh vùng chống dịch.
    - Chỉ đạo tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện cách ly; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm để dịch COVID-19 xâm nhập, lây nhiễm trong cơ sở cách ly và ra cộng đồng.
    - Tăng cường thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.
    - Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.

    Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam


    Xem trang nguồn: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này