SỞ Y TẾ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã đóng góp những bằng chứng khoa học quan trọng cho thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 21/1/21.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Trước hết, phải kể đến công trình “The natural history and transmission potential of asymptomatic SARS-CoV-2 infection” được đăng trên Tạp chí Clinical Infectious Diseases, 2020 Jun 4;71(10):2679–87. Để khảo sát diễn tiến lây bệnh của CVID-19, nhóm nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt đới cùng với các chuyên gia của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford Anh Quốc (Oxford University Clinical Research Unit – gọi tắt là OUCRU) tìm hiểu sự hiện diện của chủng mới virus Corona trên người nhập cảnh từ vùng có dịch COVID-19 được tiến hành trong giai đoạn TP. Hồ Chí Minh tiến hành cách ly xét nghiệm COVID cho tất cả những người nhập cảnh. Có khoảng 14.000 trường hợp được tiến hành xét nghiệm RT-PCR tại phòng xét nghiệm của BVBNĐ. Tất cả các trường hợp cách ly điều trị tại BV BNĐ, BV Dã chiến Củ Chi & BV Điều trị COVID Cần Giờ được mời tham gia vào nghiên cứu. Kết quả cho thấy có 43% trong số ca nhiễm SARS-CoV-2 là không có triệu chứng. Điều quan trọng là SARS-CoV-2 có thể phát hiện trong nước bọt của bệnh nhân có triệu chứng cũng như ở những người nhiễm không có triệu chứng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases - tạp chí của Hội Truyền Nhiễm Hoa Kỳ, có chỉ số ảnh hưởng IF=8.313. hạng 3/93 tạp chí chuyên ngành truyền nhiễm của thế giới (nhóm Q1).


    Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên trên thế giới cho thấy khả năng lây truyền SARS-CoV-2 ở người không có triệu chứng. Kết quả nghiên cứu này góp phần làm thay đổi quan điểm của WHO lúc bấy giờ về khả năng lây nhiễm ở những người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng, đồng thời cho thấy khuyến cáo đeo khẩu trang để phòng ngừa lây lân cho mọi người là phù hợp. Công trình nghiên cứu này đã được Chính phủ Anh 2 lần sử dụng làm tài liệu nguồn về COVID-19 (GOV.UK), được Diễn đàn kinh tế thế giới chọn là 1 trong 3 sự kiện khoa học của tuần 2 tháng 6/2020, và được chọn làm podcast của tạp chí Nature.


    Kế đến, không thể không nhắc đến công trình nghiên cứu về ứng dụng kỹ thuật giả mã trình tự gen thế hệ mới (metagenomics) vào chẩn đoán xác định tác nhân gây nhiễm trùng hô hấp và giải mã bộ gene SARS-CoV-2. Công trình nghiên cứu có tên là “SARS-CoV-2 and co-infections detection in nasopharyngeal throat swabs of COVID-19 patients by metagenomics”, được đăng trên tạp chí Journal of Infection, 2020 Aug;81(2):e175-e177- tạp chí của Hội Truyền Nhiễm của Anh Quốc, có chỉ số ảnh hưởng IF=4.972 (nhóm Q1). Ý nghĩa của nghiên cứu này khẳng định vai trò của kỹ thuật giả mã trình tự gen thế hệ mới trong chẩn đoán đồng thời nhiều tác nhân gây bệnh hô hấp; cho phép giải mã bộ gene SARS-CoV-2 nhằm tìm hiểu sự tiến hóa và đa dạng di truyền. Nhóm cũng đã áp dụng kỹ thuật này giải mã 57 bộ gene (tính đến 30/12/2020) từ các bệnh nhân đang điều trị tại TP. Hồ Chí Minh và chưa phát hiện biến chủng B.1.1.7 của Anh Quốc. Phương pháp metagenomics cho phép phát hiện được tác nhân gây bệnh mới, có tầm quan trọng đối với chương trình ứng phó với sự trỗi dậy của bệnh nhiễm trùng mới của TPHCM.


    Tiếp theo là công trình nghiên cứu tìm hiểu sự kiện siêu lây nhiễm tại một bar ở TP. Hồ Chí Minh liên quan bệnh nhân 91 có tên là “Superspreading Event of SARS-CoV-2 Infection at a Bar, Ho Chi Minh City, Vietnam”, kết quả nghiên cứu được công bố trên Emerging Infectious Disease - tạp chí của CDC Hoa Kỳ, có chỉ số ảnh hưởng IF=7.42, xếp thứ 1 trong số các tạp chí Open Access và 4 về truyền nhiễm của thế giới (nhóm Q1). Giải mã được 11 bộ gene của SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân; xác định được hai chuỗi lây truyền xuất phát từ các ca bệnh không có triệu chứng. Ý nghĩa của nghiên cứu này là cũng cố thêm bằng chứng về viêc lây nhiễm ở những người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng cũng như nguy cơ siêu lây nhiễm ở môi trường thông khí kém (quầy bar). Bài báo này đã 1 lần được sử dụng làm tài liệu nguồn về COVID-19 của Chính phủ Anh (GOV.UK).


    Đặc biệt, một công trình nghiên cứu nhằm tìm hiểu mức độ phơi nhiễm với SARS-CoV-2 ở các nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM – bệnh viện tuyến đầu trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh COVID-19 ở khu vực phía Nam thật sự có ý nghĩa khoa học và giúp cho nhân viên y tế an tâm khi tuân thủ đúng quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn. Có 408 nhân viên y tế công tác tại các vị trí khác nhau được mời tham gia vào khảo sát này, trong đó bao gồm tất cả 97 nhân viên trực tiếp chăm sóc lâm sàng cho bệnh nhân COVID-19 và tất cả 34 nhân viên nghiệm xử lý mẫu hô hấp từ bệnh nhân COVID-19. Tất cả 100% nhân viên y tế được khảo sát đều âm tính với kháng thể kháng nucleocapsid protein của SARS-CoV-2. Kết quả nghiên cứu này cho thấy trong quá trình tiếp cận với nguồn lây COVID-19 nhân viên y tế có thể được bảo vệ an toàn khi tuân thủ đúng các quy tắc kiểm soát nhiễm khuẩn mà Việt Nam và BVBNĐ đang áp dụng. Kết quả được công bố trên Journal of Infection, 2020 Nov 19;82(1) với tên công trình nghiên cứu là “Absence of SARS-CoV-2 antibodies in health care workers of a tertiary referral hospital for COVID-19 in southern Vietnam”.


    Ngoài ra, BV Bệnh Nhiệt đới còn có công trình nghiên cứu khảo sát về đáp ứng miễn dịch, tìm hiểu mức độ kéo dài của đáp ứng miễn dịch thể dịch trong nhiễm trùng SARS-CoV-2 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ ở người Việt Nam. Công trình có tên là “Long-Term Humoral Immune Response in Persons with Asymptomatic or Mild SARS-CoV-2 Infection, Vietnam”, được đăng vào tháng 2/2021 trên tạp chí Emerging Infectious Disease – một tạp chí có uy tín của CDC Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy 100% bệnh nhân có kháng thể kháng SARS-CoV-2 vào tuần 4-7 trở đi; kháng thể trung hòa SARS-CoV-2 vẫn duy trì ở mức cao sau 18-30 tuần. Ý nghĩa khoa học của nghiên cứu chứng minh đáp ứng miễn dịch thể dịch trong nhiễm trùng SARS-CoV-2 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ vẫn xảy ra và thời gian tồn tại của kháng thể trung hòa SARS-CoV-2 kéo dài hơn 6 tháng có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19.


    Được biết, năm 2020 BV Bệnh nhiệt đới – OUCRU nằm trong top 10 viện khoa học chỉ số nghiên cứu khoa học cao nhất tại Việt Nam theo Nature Index. Sở Y tế ghi nhận và trân trọng với những công trình nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế của BV Bệnh Nhiệt đới trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2020, những công trình nghiên cứu về COVID-19 đã khẳng định tính chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực bệnh nhiễm trùng của các y, bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới. Đây là kết quả của một quá trình hợp tác lâu dài giữa BV Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford Anh Quốc (Oxford University Clinical Research Unit –OUCRU). Sở Y tế khuyến khích BV Bệnh Nhiệt đới sớm thành lập đơn vị Nghiên cứu khoa học của bệnh viện làm đối tác xứng tầm với OUCRU để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của bệnh viện ngày càng mạnh hơn, kết quả nghiên cứu tác động tích cực trên hoạt động lâm sàng của bệnh viện.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này