Chỉ chưa đầy 5 phút, người nhà của anh T.T.T (39 tuổi, quê Tiền Giang) đã hoàn tất các thủ tục thanh toán viện phí tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Tất cả mọi thao tác thanh toán đều được thực hiện ngay trên điện thoại, điều khác xa với trước đây người nhà bệnh nhân phải vật vã chờ đợi hàng tiếng đồng hồ vô cùng mệt mỏi. "Tôi rất bất ngờ với tiện ích này bởi từ nay tôi không còn phải mang quá nhiều tiền mặt trong người, thời gian thanh toán và khám bệnh vì vậy được rút ngắn rất nhiều" - người nhà ông T., chia sẻ. Thường thì mỗi khi vào Bệnh viện Từ Dũ sinh đẻ, người bệnh phải trải qua 4 lần đóng tiền gồm tạm ứng nhập viện, tiền sinh mổ dịch vụ, tiền phòng dịch vụ (nếu đăng ký) và đóng tiền khi xuất viện. Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Ứng dụng này giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, chi phí phát sinh, biên chế và quản lý dòng tiền mặt của bệnh viện - Ảnh: CTV Thế nhưng kể từ năm 2015, bệnh viện phối hợp với Vietinbank thí điểm hình thức thanh toán viện phí bằng thẻ ngân hàng. Điều này theo đánh giá giúp giảm sự chờ đợi khám bệnh, tăng sự hài lòng của người bệnh. Khi đến khám tại khu khám bệnh của bệnh viện, người bệnh sẽ nộp một khoản tiền vào tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng và được cung cấp một thẻ từ (dạng như thẻ ATM, Visa - Master Card) để thanh toán trực tiếp các chi phí y tế mỗi lần phát sinh mà không mất thời gian chờ đợi. Ứng dụng này còn tích hợp với cơ sở dữ liệu của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với công tác tài chính kế toán (bộ phận thu ngân) trong việc thu chi phí và truy xuất dữ liệu tài chính của người bệnh dễ dàng, giúp công tác quản lý tài chính của bệnh viện thuận lợi hơn. Đến nay ngoài hình thức thanh toán này, đơn vị cải tiến chức năng lưu trữ những thông tin chi phí của người bệnh vào thẻ thanh toán để in cho người bệnh khi kết thúc đợt khám bệnh hay điều trị nội trú. Số tiền thanh toán được cập nhật thông báo trên tin nhắn điện thoại - Ảnh: CTV TS Thái Hoài Nam - Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM - cho biết để tiết kiệm chi phí, nhân lực, quản trị hiệu quả từ lâu đơn vị chấp nhận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán qua máy POS, bằng chuyển khoản, trực tuyến, bằng thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán. Đặc biệt từ tháng 5-2019 bệnh viện phối hợp với Vietcombank triển khai hình thức thanh toán mới trên nền tảng Internet Banking (thanh toán hóa đơn) và bằng Mobile Banking (QR Code). Đến nay đã có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện này. "Chỉ cần thao tác đơn giản, người bệnh đã có thể thanh toán ngay viện phí mà không cần phải xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản hóa thủ tục, không phải mang theo tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng" - TS Nam nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ online bà Đinh Thị Liễu - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Y tế TP.HCM), cho biết đang tiến hành rà soát, đánh giá lại các dịch vụ tiện ích trong toán viện phí tại một số bệnh viện trên địa bàn, từ đó có kế hoạch triển khai đồng loạt một cách hiệu quả. Hiện nay ở TP.HCM một số bệnh viện đã áp dụng hình thức thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt như Phạm Ngọc Thạch, Nhi Đồng 1, Từ Dũ, ĐH Y Dược… Theo bà Liễu việc ứng dụng này trước tiên giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, chi phí phát sinh, biên chế nhân viên thu tiền và quản lý dòng tiền mặt của bệnh viện. Đặc biệt bệnh viện sẽ thông thoáng hơn, từ đó giúp giảm bớt sự không hài lòng của người bệnh dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại. Bằng việc ứng dụng công nghệ người nhà bệnh nhân có thể dễ dàng kiểm tra số tiền thanh toán thông qua điện thoại - Ảnh: CTV HOÀNG LỘC Nguồn tin : Báo TUỔI TRẺ Online Xem thêm...