SỞ Y TẾ Bốn bài học từ Trung Quốc về đổi mới hệ thống y tế - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 12/8/18.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Thoạt nhìn, dường như khó có thể tìm ra các bài học hữu ích nào từ hệ thống y tế của Trung Quốc để các nước khác trên thế giới có thể tham khảo trong quá trình đổi mới hệ thống y tế, vì không có một quốc gia nào có sự tương đồng về đặc điểm dân số (hơn 1,3 tỷ người), về diện tích rộng lớn và đa dạng như Trung Quốc.

    Qua nghiên cứu và phân tích quá trình đổi mới hệ thống y tế tại Trung Quốc, các tác giả đã làm đổi suy nghĩ và nhận định trên. Trong đó, một trong những bài học thú vị nhất từ kinh nghiệm của Trung Quốc liên quan đến giá trị của hệ thống y tế đó là xây dựng tính chuyên nghiệp của các bác sĩ và của cả các cơ sở y tế (Medical Professionalism) trong quá trình phát triển và đổi mới.

    Theo các nhà nghiên cứu, có thể nói những thay đổi trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc rất nhanh chóng và sâu sắc, có thể chia thành các giai đoạn sau:

    Giai đoạn 1, bắt đầu từ năm 1949: Trung Quốc xây dựng một hệ thống y tế tương tự như của các nước xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ như như Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhà nước sở hữu và điều hành tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe và sử dụng lực lượng lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Không có bảo hiểm y tế, tất cả các dịch vụ y tế đều miễn phí. Một thành tựu đặc biệt của giai đoạn này là việc sử dụng thành công mạng lưới y tế cộng đồng, để cung cấp các dịch vụ y tế công cộng và y tế cá thể cơ bản ở tuyến xã. Từ năm 1952 đến năm 1982, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh của Trung Quốc đã giảm từ 200/1000 xuống còn 34/1000 trẻ sinh sống, bệnh sán máng ở người già được loại trừ.

    Giai đoạn 2, bắt đầu từ năm 1984: Trung Quốc đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và giảm vai trò của nhà nước trong mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe. Với hướng đi này, ngân sách nhà nước dành cho các bệnh viện giảm đáng kể, và nhiều nhân viên y tế, trong đó có cả các bác sĩ, không còn nhận trợ cấp công. Nhà nước tiếp tục quản lý các bệnh viện công nhưng ít kiểm soát hơn, các bệnh viện bắt đầu chuyển sang hoạt động như các tổ chức phi lợi nhuận khác. Nhiều cơ sở y tế tư nhân ra đời, một số bác sĩ chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư. Các bác sĩ làm việc cho các bệnh viện bắt đầu nhận được các khoản tiền thưởng cao nhờ tăng lợi nhuận của các bệnh viện. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp của bác sĩ khi tham gia hoạt động cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thì gần như không có. Ở giai đoạn này, giai đoạn mà xã hội Trung Quốc đã chuyển đổi từ một xã hội mang đậm ảnh hưởng của Nho giáo (không hình dung ra sự tồn tại của một ngành nghề độc lập và hiện đại như y học) sang chế độ xã hội chủ nghĩa rồi kinh tế thị trường. Thật vậy, trong ngôn ngữ Trung Quốc lúc bấy giờ không có từ "chuyên nghiệp trong y tế” (Medical Professionalism) như các nước phát triển.

    Ở giai đoạn này, phần lớn người dân Trung Quốc không có bảo hiểm y tế, vì nhà nước không cung cấp bảo hiểm và cũng không có công ty bảo hiểm tư nhân nào tồn tại. Cho đến năm 1999, mới có 49% người ở vùng thành thị có bảo hiểm y tế, nhưng trong tổng số 900 triệu nông dân Trung Quốc thì chỉ 7% người dân vùng nông thôn có bảo hiểm y tế. Bù lại, trong giai đoạn này, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường quản lý nhà nước về giá dịch vụ y tế. Để đảm bảo cho người dân tiếp cận với dịch vụ chăm sóc cơ bản, giá tính cho một số dịch vụ bị giới hạn nhất định, nhưng chủ yếu là hạn chế tính chi phí công làm việc của bác sĩ và điều dưỡng, nhưng lại cho phép giá cả hào phóng hơn cho các loại thuốc và dịch vụ kỹ thuật, chẩn đoán hình ảnh. Kết quả là bệnh viện và các bác sĩ tăng cường chỉ định sử dụng thuốc và dịch vụ kỹ thuật cao cấp, làm tăng chi phí chăm sóc, giảm chất lượng và giảm tiếp cận cho người dân không có bảo hiểm y tế. Điều này đã dẫn đến bức xúc của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, thậm chí xảy ra bạo hành tấn công các bác sĩ do người dân bất mãn vì không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đe dọa ổn định xã hội.

    Giai đoạn 3, bắt đầu từ năm 2003: Chính phủ Trung Quốc thực hiện những bước đầu tiên để giảm thiểu sự bất mãn và bức xúc của người dân về việc phải chịu gánh nặng tài chính khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bằng cách triển khai chương trình bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, độ bao phủ chi trả của BHYT còn ở mức khiêm tốn, bao gồm chi trả một số chi phí điều trị trong thời gian nằm viện cho người dân vùng nông thôn. Sự chú trọng chi trả BHYT tập trung vào các dịch vụ y tế tại bệnh viện đã phản ánh thực tế rằng các chi phí điều trị tại bệnh viện rất tốn kém, khiến nhiều người dân lao động lâm vào cảnh nghèo đói sau khi chữa trị tại các bệnh viện. Ở thời điểm này, chính quyền Trung Quốc rất bận tâm với việc làm thế nào giảm bớt gánh nặng tài chính được tạo ra bởi các dịch vụ chăm sóc trong bệnh viện ngày càng tốn kém hơn nhiều, nhưng lại ít quan tâm đến hoạt động quản lý sức khỏe, phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật. Như vậy những cải cách y tế từ năm 2003 là không đủ để cải thiện các vấn đề cơ bản nhất trong chăm sóc sức khỏe người dân tại Trung Quốc.

    Giai đoạn 4, bắt đầu từ năm 2008: Trung Quốc bắt đầu triển khai những cải cách lớn trong cả bảo hiểm y tế và hệ thống cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ để củng cố hệ thống y tế và đảm bảo ổn định xã hội. Trong giai đoạn này, Trung Quốc chính thức từ bỏ thử nghiệm hệ thống chăm sóc sức khỏe chủ yếu dựa trên nguyên tắc của cơ chế thị trường và cam kết cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản giá cả phải chăng cho tất cả người dân Trung Quốc vào năm 2020.

    Đến năm 2012, hệ thống bảo hiểm được chính phủ trợ cấp cung cấp 95 % dân số có bảo hiểm y tế với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu nhưng toàn diện. Trung Quốc cũng đã nỗ lực tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu, bao gồm một mạng lưới phòng khám rộng khắp trên toàn quốc.

    Mặc dù cải cách rộng lớn hệ thống y tế của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình diễn ra kể từ năm 2008, một số vấn đề mới lại phát sinh: (1) Vấn đề đầu tiên là sự phản ứng của các bệnh viện, vốn là những bệnh viện có lợi nhuận, đã chống lại quá trình cải cách hệ thống y tế, kết quả là Trung Quốc lại chấp nhận sử dụng cơ chế thị trường một lần nữa để đáp ứng các yêu cầu này, đến năm 2015, các nhà đầu tư tư nhân đã sở hữu tới 20% các bệnh viện Trung Quốc, gấp đôi trước đó; (2) Vấn đề thứ hai là mất công bình y tế tiếp tục diễn ra giữa các vùng nông thôn nghèo và vùng thành thị giàu có hơn; (3) Vấn đề thứ ba là Trung Quốc phải tiếp tục đấu tranh để tạo ra lực lượng lao động trong lĩnh vực y tế mang tính chuyên nghiệp và có chất lượng cao, đáng tin cậy, vì mặt trái của kinh tế thị trường trong lĩnh vực y tế là một số bác sĩ đặt lợi ích kinh tế của họ trước lợi ích của bệnh nhân.

    Theo các chuyên gia nghiên cứu, mặc dù hệ thống y tế Trung Quốc hiện nay vẫn đang được tiếp tục củng cố và hoàn thiện, nhưng khi điểm qua quá trình phát triển và đổi mới ở nhiều giai đoạn khác nhau đã cung cấp một số bài học hữu ích trong phát triển hệ thống y tế cả với những nước có thu nhập thấp, và cả những nước có thu nhập cao. Cụ thể có 4 bài học như sau:

    (1) Bài học thứ nhất, chính nguồn nhân lực bác sĩ tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu và nhân viên y tế cộng đồng có thể cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của người dân địa phương.

    (2) Bài học thứ hai, một hệ thống y tế phát triển chủ yếu dựa vào cơ chế thị trường để tài trợ và phân phối các dịch vụ y tế khả năng sẽ tạo ra các rủi ro và cần được xem xét cẩn thận. Sự không cân xứng trong thông tin giữa bệnh nhân và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân để lựa chọn dịch vụ cung ứng sức khoẻ, và sự hiểu biết thấp hơn của bệnh nhân có thể được khai thác bởi các bác sĩ lâm sàng vì lợi nhuận. Như vậy, nếu hoạt động với cơ chế thị trường trong hoạt động khám, chữa bệnh, bệnh nhân sẽ dễ bị tổn thương, dễ oán giận, ngờ vực và có thể gây mất ổn định xã hội.

    (3) Bài học thứ ba, phải xây dựng tính chuyên nghiệp của bác sĩ và các cơ sở y tế phải được đẩy mạnh và tiến hành song song khi xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại và hiệu quả. Việc tạo dấu ấn chuyên nghiệp theo các chuẩn mực ngay trong quá trình đào tạo sinh viên y khoa và sự tồn tại của các cơ sở y tế hoạt động chuyên nghiệp theo các chuẩn mực trong cung ứng các dịch vụ y tế chắc chắn sẽ làm giảm bức xúc và tăng hài lòng cho người bệnh và sự công nhận của xã hội.

    (4) Bài học thứ tư, đổi mới bảo hiểm y tế sẽ dễ thực hiện hơn so với đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; và trong đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thì làm thế nào để tăng hiệu quả chăm sóc sức khoẻ ban đầu sẽ mang tính quyết định cho sự thành công.

    Sở Y tế TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này