Vận chuyển cấp cứu người bệnh trên mặt đất: Có 3 loại xe cứu thương để vận chuyển cấp cứu người bệnh: 1) Xe cấp cứu cơ bản (basic life-support ambulance): là xe cấp cứu có nhân viên cấp cứu đi theo xe và được trang bị những dụng cụ, phương tiện theo dõi người bệnh thích hợp để vận chuyển người bệnh trong tình trạng không nguy hiểm đến tính mạng, khi cần có thể cung cấp các dịch vụ cấp cứu cơ bản. 2) Xe cấp cứu nâng cao (advanced life-support ambulance): là xe cấp cứu có thể cung cấp các dịch vụ cấp cứu nâng cao như đặt nội khí quản, theo dõi nhịp tim, khử rung tim, truyền dịch hoặc truyền thuốc vận mạch, được thực hiện bởi nhân viên cấp cứu đi theo xe đã được đào tạo cấp cứu ngoài bệnh viện để vận chuyển người bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. 3) Xe hồi sức di động MICU (Mobile Intensive Care Units): là những phương tiện cấp cứu chuyên dụng, trên xe được trang bị đầy đủ các dụng cụ và trang thiết bị cấp cứu cần thiết cùng với nhân viên cấp cứu để chuyển những bệnh nhân nặng và thường được sự phố hợp với các đội hồi sức chuyên nghiệp tại một số nước. Đã có dữ liệu khoa học ủng hộ sử dụng loại hình MICU vì làm giảm tỷ lệ các biến cố bất lợi nguy hiểm trong quá trình vận chuyển người bệnh và cải thiện tỷ lệ tử vong. Vận chuyển cấp cứu người bệnh bằng đường hàng không: Việc sử dụng phương tiện vận tải hàng không đang gia tăng ở các nước phát triển vì lợi thế của việc vận chuyển một cách nhanh chóng cùng với đội ngủ chăm sóc y tế chuyên biệt. Tiên lượng ở những bệnh nhân bị chấn thương nặng, nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ cấp đã được cải thiện nhờ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp một cách nhanh chóng bằng các phương tiện vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không. Có 2 loại phương tiện vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không: 1) Máy bay phản lực cấp cứu: thường được sử dụng để vận chuyển bệnh nhân nặng giữa các bệnh viện với khoảng cách xa, thường trên 240 km. Đây là phương thức vận chuyển nhanh hơn với việc cung cấp cabin điều áp và ít tiếng ồn và ít độ rung hơn. Phương tiện này có thể vận chuyển người bệnh nặng đi khắp các quốc gia hoặc châu lục. Bất lợi chính là yêu cầu phải có phương tiện vận chuyển cấp cứu mặt đất bổ sung đảm bảo việc vận chuyển giữa bệnh viện và cơ sở hàng không. 2) Trực thăng cấp cứu: có thể được sử dụng cho quãng đường di chuyển ngắn hơn, khoảng 80 km. Với trực thăng cấp cứu, bệnh nhân có thể được vận chuyển trực tiếp đến bệnh viện – nơi tiếp nhận có cơ sở hạ tầng bãi đáp trực thăng. Loại hình này không yêu cầu phải có phương tiện vận chuyển cấp cứu mặt đất bổ sung. Tuy nhiên, không gian can thiệp nhỏ hơn với tiếng ồn và độ rung lớn hơn trong quá trình vận chuyển bệnh nhân. Theo hướng dẫn của Y tế Hàng không của Mỹ, vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không được chỉ định khi vận chuyển trên mặt đất không khả thi do các yếu tố như thời gian vận chuyển, khoảng cách vận chuyển và mức độ chăm sóc cần thiết trong quá trình vận chuyển. Những bệnh nhân có nhiều khả năng được hưởng lợi từ vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không là: - Bệnh nhân chấn thương nặng với vết thương xuyên thấu ngực, chấn thương đa cơ quan, chấn thương dập nát, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người lớn trên 55 tuổi có dấu hiệu sinh tồn không ổn định. - Bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp cần làm thủ thuật tái thông nối mạch gấp, chèn ép tim có tổn thương huyết động, sốc tim cần bơm bóng chèn trong động mạch chủ hoặc các dụng cụ hỗ trợ khác. - Bệnh nhân được ghép tạng - Những bệnh nhân nội khoa hoặc phẫu thuật có nguy cơ cao mắc bệnh nặng, như những bệnh nhân đang dùng thuốc vận mạch cao, chế độ thông khí đặc biệt, cần điều trị oxy cao áp hoặc với các trường hợp cấp cứu ngoại khoa như bóc tách động mạch chủ với tổn thương huyết động. Vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không có thể không khả thi trong điều kiện thời tiết xấu, bệnh nhân không hợp tác, tràn khí màng phổi chưa được can thiệp điều trị, chấn thương mắt, bệnh nhân mới được phẫu thuật bụng gần đây, có nguy cơ tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp, chấn thương mặt nặng và giảm ý thức, tất cả những bệnh nhân này đều có thể trở nặng đột ngột trong quá trình vận chuyển bằng đường hàng không. (Tài liệu tham khảo: “Inter-hospital and intra-hospital patient transfer: Recent concepts”, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/) SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...