Xuất phát từ những khó khăn trong phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, cụ thể là không kết nối được dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế với nhau (EMR), không kết nối thông tin sức khoẻ của người dân giữa các cơ sở y tế với nhau (EHR), 4 Hội đồng y tế quận (DHB) ở khu vực phía bắc của New Zealand bao gồm: Northland, Waitemata, Auckland và Manuaku Health đã cử mỗi quận 1 thành viên tham gia hội đồng quản trị và thành lập nên một trung tâm mới có tên là “HealthAlliance NZ” chuyên trách về hoạt động công nghệ thông tin của 15 bệnh viện và các cơ sở y tế khác trong khu vực. Tổng cộng hội đồng quản trị gồm 7 người, có tổng cộng 525 nhân viên chuyên trách, chủ yếu chuyên ngành công nghệ thông tin và quản lý dự án, trong đó có một số nhân viên công nghệ thông tin chuyển công tác từ bệnh viện về trung tâm. Trung tâm này hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp tư nhân, đồng thời chịu trách nhiệm trước các DHB về phát triển công nghệ thông tin theo định hướng phát triển của Bộ Y tế, các DHB sẽ ký hợp đồng và cấp kinh phí cho trung tâm, trung tâm sẽ hoạch định chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin cho các bệnh viện và các cơ sở y tế với sự chấp thuận của các DHB, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả hoạt động. Ngoài việc triển khai các ứng dụng như bệnh án điện tử, hồ sơ sức khoẻ điện tử theo hướng kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế, trung tâm “HealthAlliance NZ” còn có 2 hoạt động quan trọng mà trước đây các cơ sở y tế còn gặp khó khăn, đó là: (1) dịch vụ chăm sóc khách hàng, (2) an ninh mạng. Với dịch vụ chăm sóc khách hàng hoạt động 24/7, đối tượng phục vụ là nhân viên y tế. Trung tâm bố trí 27 nhân viên tiếp nhận cuộc gọi hoặc email từ 29.000 nhân viên y tế của 4 DHB khi gặp khó khăn hoặc sự cố liên quan đến sử dụng công nghệ thông tin: đa số sẽ được nhân viên của trung tâm hướng dẫn cách khắc phục ngay qua điện thoại (như quên password, sự cố email,…), một số sẽ được nhân viên trung tâm khắc phục tại chổ. Đây là hoạt động được nhân viên y tế rất hài lòng (trên 90%). Với hoạt động an ninh mạng, đây là hoạt động ít được các bệnh viện và các cơ sở y tế quan tâm và đầu tư trước đó. Với quy mô dân số chiếm 38% cả nước, hơn 20.000 máy vi tính, gần 30.000 nhân viên y tế (những người đang sử dụng công nghệ thông tin), 15 bệnh viện và 360 cơ sở y tế khác, các chuyên gia của “HealthAlliance NZ” nhận định hệ thống y tế của khu vực phía bắc New Zealand luôn ở trong tình trạng nguy cơ bị các “hacker” xâm nhập lấy cắp dữ liệu người bệnh (dữ liệu của một hồ sơ bệnh án đã được “hacker” định giá tương đương 70 USD), làm hư hại các trang thiết bị y tế, làm gián đoạn hoạt động của các bệnh viện,… Trung tâm có một bộ phận chuyên trách về an ninh mạng, triển khai các công nghệ chủ động giám sát, phát hiện, ngăn chặn các “hacker” nhằm tối thiểu hoá sự cố tấn công, phục hồi nhanh, phát triển sức đề kháng của mạng. Cho đến nay, chưa có sự cố lớn nào xảy ra tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trong ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, ngành y tế tại thành phố Auckland hướng đến mô hình “Smart treet” của ngành giao thông để xây dựng bệnh viện thông minh. Hiện nay, thành phố Auckland đã đầu tư mạnh cho ứng dụng kết nối dữ liệu đồng bộ theo thời gian thực các loại hình phương tiện giao thông, phân tích dữ liệu, sử dụng các công cụ như camera thông minh, cảm biến để thông tin cho người dân biết tình hình tắc nghẽn giao thông, chọn lựa phương tiện giao thông phù hợp và tuân thủ luật lệ giao thông. Đây là cách làm hướng đến xây dựng thành phố thông minh để phục vụ người dân mà ngành y tế hoàn toàn có thể học tập và triển khai phù hợp với đặc thù của ngành. Màn hình theo dõi tình hình an ninh mạng trên toàn cầu tại “HealthAlliance NZ” Đoàn cán bộ y tế TP.HCM thăm và làm việc tại Trung tâm công nghệ thông tin y tế thành phố Auckland “HealthAlliance NZ” (03/10/2019) Đoàn cán bộ y tế TP.HCM thăm và làm việc tại Trung tâm công nghệ thông tin giao thông thành phố Auckland “AT” (03/10/2019) SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...