SỞ Y TẾ Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 10/10/18.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Trong thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM đã có nhiều hoạt động từ khảo sát thực trạng hoạt động khám, chữa bệnh của trạm y tế, đến triển khai thí điểm mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế, thí điểm mô hình xã hội hoá phòng khám đa khoa tại trạm y tế, lắng nghe ý kiến của các bác sĩ đang công tác tại trạm y tế và ý kiến của các chuyên gia,… Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm các nước về vai trò của các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu như là “người gác cổng” cho các bệnh viện, trong đó, bác sĩ thực hành tổng quát (GP) và bác sĩ gia đình là 2 loại hình nhân lực y tế không thể thiếu cho các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

    Dưới đây là những định hướng với 7 nhóm giải pháp cần thiết để các trạm y tế trên địa bàn thành phố thật sự trở thành điểm thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh ban đầu, góp phần giảm tải cho các bệnh viện, hướng đến đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân trên địa bàn thành phố:

    (1) Đa dạng hoá các loại hình khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế

    Sở Y tế nhân rộng hiệu quả mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại các trạm y tế nhằm phát huy uy tín, thương hiệu của bệnh viện, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của trạm y tế để thu hút người dân đến khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại trạm y tế. Trong thời gian tới, các trung tâm y tế quận, huyện ngoại thành, vùng ven chọn ít nhất 1 trạm y tế phường, xã trên địa bàn có đông dân cư và ở xa bệnh viện, phối hợp với bệnh viện quận, huyện để triển khai phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện đặt tại trạm y tế. Mô hình này được xem là khoa khám bệnh của bệnh viện nối dài tới trạm y tế, góp gần giảm tải cho khoa khám bệnh chính của bệnh viện và thuận lợi cho người dân.

    Đến nay đã có 03 bệnh viện quận, huyện thành lập 04 phòng khám đa khoa tại trạm y tế gồm: Bệnh viện quận Thủ Đức – Trạm Y tế phường Bình Chiểu và Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh; Bệnh viện quận Tân Phú – Trạm Y tế phường Tây Thạnh và Bệnh viện quận 2 – Trạm Y tế phường Thảo Điền. Đánh giá kết quả ban đầu cho thấy mô hình này đã đạt hiệu quả rõ rệt trong việc thu hút và gia tăng số lượng người bệnh đến với trạm y tế.

    (2) Đảm bảo đủ nguồn lực cho hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế

    Bên cạnh 03 trạm y tế của thành phố được Bộ Y tế chọn triển khai mô hình điểm đổi mới hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, bao gồm: Trạm Y tế xã Thạnh An – huyện Cần Giờ, Trạm Y tế phường Bình Chiểu – quận Thủ Đức và Trạm Y tế phường Tân Quý – quận Tân Phú, Sở Y tế tham mưu UBNDTP bổ sung thêm 21 trạm y tế tham gia triển khai mô hình điểm. Như vậy, mỗi quận, huyện đều có 01 trạm y tế để cùng triển khai mô hình trạm y tế điểm, phù hợp với đặc thù ngành y tế thành phố và đáp ứng quy chuẩn chung của Bộ Y tế.

    Với mô hình này, các trạm y tế sẽ được đầu tư nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng theo quy chuẩn của Bộ Y tế ban hành, bổ sung trang thiết bị thiết yếu từ nguồn kết dư của quỹ khám chữa bệnh BHYT của thành phố, bổ sung danh mục thuốc thiết yếu và danh mục kỹ thuật và phải đảm bảo luân phiên bác sĩ từ Trung tâm y tế và Bệnh viện quận, huyện để mỗi trạm phải có ít nhất 2 bác sĩ. Các bác sĩ tham gia mô hình điểm phải có chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình.

    (3) Không để trạm y tế “đơn lẻ” một mình trong hoạt động khám, chữa bệnh, trạm y tế phải luôn được kết nối với các bệnh viện trong chẩn đoán, điều trị bệnh và chăm sóc người bệnh

    Chú trọng công tác đào tạo, cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng khám, chữa bệnh ban đầu cho các bác sĩ và nhân viên y tế công tác tại trạm y tế. Các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa đầu ngành sẽ chịu trách nhiệm chính và phối hợp với các bệnh viện quận, huyện xây dựng chương trình đào tạo liên tục về khám, chữa bệnh ban đầu các bệnh lý phổ biến, thường gặp tại các phòng khám của bệnh viện, bao gồm các chuyên đề: (a) Bệnh lý nội khoa, ngoại khoa thường gặp, kể cả các bệnh lý nhiễm trùng và các bệnh không lây nhiễm, đọc kết quả ECG, siêu âm, X quang; (b) Bệnh lý sản, phụ khoa thường gặp và quản lý thai; (c) Bệnh lý thường gặp ở trẻ em, sơ sinh; (d) Những quy định pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh, tích hợp trong các chương trình trên. Đa dạng hoá loại hình đào tạo từ các khoá đào tạo tập trung đến đào tạo trực tuyến.

    Hình thành mạng lưới các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác nhau của các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện hỗ trợ hội chẩn và tư vấn trực tuyến khi các bác sĩ công tác tại trạm y tế cần sự hỗ trợ chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị.

    Triển khai kết nối người bệnh sau khi được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện về trạm y tế để tiếp tục chăm sóc, theo dõi; sử dụng công nghệ thông tin để liên thông dữ liệu người bệnh giữa trạm y tế và bệnh viện.

    Mở rộng mô hình báo động đỏ đến trạm y tế trong cấp cứu người bệnh, các bệnh viện quận, huyện và thành phố sẵn sàng tiếp ứng khi có trường hợp bệnh nhân nặng cần cấp cứu chuyên sâu.

    (4) Cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm để trạm y tế phải trở thành “cánh tay nối dài” của bệnh viện tuyến huyện trong hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân trên địa bàn

    Đối với các Trung tâm y tế và Bệnh viện quận, huyện sẽ sáp nhập thành Trung tâm y tế quận, huyện 2 chức năng trong thời gian tới, lãnh đạo Trung tâm phải xem hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế là một trong những hoạt động ưu tiên, đảm bảo luân phiên các bác sĩ của Trung tâm xuống trạm y tế, đảm bảo điều kiện hoạt động và kết nối chặt chẽ về chuyên môn giữa Trung tâm và trạm y tế.

    Đối với các Trung tâm và Bệnh viện quận, huyện chưa sáp nhập (bệnh viện hạng 2 trở lên), Sở Y tế yêu cầu phải có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm và Bệnh viện, quy chế phối hợp tốt thì trạm y tế sẽ thuận lợi hơn trong triển khai các loại hình khám chữa bệnh ban đầu tại trạm, trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Trung tâm và Giám đốc bệnh viện.

    (5) Xây dựng chuẩn thiết yếu về chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, tổ chức đánh giá chất lượng và công khai cho người dân biết

    Số lượt khám tại các bệnh viện quận, huyện và thành phố tiếp tục tăng, người dân được sử dụng quyền liên thông thẻ BHYT để đến khám tại các bệnh viện và các cơ sở y tế tư nhân, cách duy nhất để “cạnh tranh” giữa các cơ sở khám, chữa bệnh cả công lập và tư nhân hiện nay chính là chất lượng phục vụ và chất lượng khám, chữa bệnh. Đã đến lúc cần có tiêu chí chất lượng để phấn đấu và triển khai đánh giá chất lượng hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế, công khai cho người dân biết để chọn lựa nơi khám chữa bệnh ban đầu có chất lượng tốt nhất .

    Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành các bộ tiêu chí chất lượng cho các loại hình cơ sở y tế, Sở Y tế sẽ xây dựng các chuẩn thiết yếu đảm bảo chất lượng hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế trong thời gian tới đây để không ngừng cải tiến chất lượng. Sở Y tế sẽ phổ biến, hướng dẫn và tiến hành đánh giá chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh tại trạm y tế trong năm 2019 và công khai kết quả cho người dân biết để chọn lựa khi có nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu.

    (6) Ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với tất cả các trạm y tế phải được xem là một điều kiện không thể thiếu để tạo niềm tin cho người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế

    Việc Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với trạm y tế phải được xem là một điều kiện không thể thiếu trong nỗ lực thu hút người dân đến với trạm y tế, chứ không nên xem là kết quả của hoạt động khám, chữa bệnh (phải thu hút đông người bệnh đến khám mới được xem xét ký hợp đồng, như đang áp dụng cho các phòng khám tư nhân).

    Sở Y tế có trách nhiệm thúc đẩy các trạm y tế có chức năng khám, chữa bệnh phải đáp ứng những yêu cầu cần thiết cho hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu; thẩm định danh mục kỹ thuật; và thẩm định các trạm y tế có đủ điều kiện để khám, chữa bệnh BHYT.

    (7) Rà soát các trạm y tế có hay không có chức năng khám, chữa bệnh phù hợp với đặc thù của mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh của thành phố

    Ba chức năng của trạm y tế không thể thiếu khi đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đó là: chức năng phòng bệnh; chức năng khám, chữa bệnh ban đầu; và chức năng quản lý sức khoẻ của từng người dân trên địa bàn.

    Do đặc thù của mạng lưới khám, chữa bệnh ban đầu trên địa bàn thành phố, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Y tế sẽ nghiên cứu và đề xuất với lãnh đạo thành phố và lãnh đạo Bộ Y tế những trạm y tế phải có đủ 3 chức năng và những trạm y tế 2 chức năng (không có chức năng khám, chữa bệnh ban đầu) nếu thật sự thấy cần thiết và tránh lãng phí.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này