SỞ Y TẾ Chi tiêu cho y tế và hiệu quả ứng phó với đại dịch COVID-19 - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 13/5/20.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Đại dịch COVID-19 đã tạo nên một sức ép lên các hệ thống y tế của các nước trên toàn thế giới, đã kiểm tra năng lực của hệ thống y tế trong công tác chăm sóc người bệnh và bảo vệ nhân viên y tế tại những thời điểm khủng hoảng nhất. Nhiều nước đã phải triển khai xét nghiệm trên một phạm vi rộng lớn, phải dành chỗ nằm cho bệnh nhân tại các bệnh viện và bảo đảm sẵn sàng các thiết bị y tế quan trọng như máy thở và khẩu trang.

    Nhưng kết quả lại rất khác nhau giữa các nước. Một số quốc gia đã nhanh chóng thực hiện các kế hoạch ứng phó với đại dịch, giúp hạn chế đáng kể sự lây lan. Một số quốc gia không hành động sớm và người bệnh do nhiễm COVID-19 tràn ngập các cơ sở y tế. Trong một số trường hợp, để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, các nước đã có những quyết định cấm đi lại và cách ly xã hội, đã tạo ra sự khác biệt trong việc kiểm soát dịch bệnh.

    Dưới đây là 6 nước được nhóm tác giả so sánh về hiệu quả ứng phó với đại dịch COVID-19 tương ứng với đặc điểm chi tiêu cho y tế của mỗi nước:

    1) Đài Loan – Trung Quốc: Hệ thống thanh toán BHYT đơn giản, đáp ứng COVID-19 hiệu quả



    Đặc điểm chi tiêu cho y tế: Bảo hiểm y tế quốc gia Đài Loan – Trung Quốc là một hệ thống thanh toán đơn (single-payer system), nghĩa là gần như tất cả công dân và người nước ngoài cư trú đều được bảo hiểm bởi một chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ trong thời gian ít nhất 6 tháng. Lợi ích bảo hiểm y tế là toàn diện, bao gồm bảo hiểm cho chăm sóc sức khoẻ ban đầu, các dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, thuốc theo toa, nha khoa và chăm sóc sức khỏe tâm thần.


    Hệ thống thanh toán khám, chữa bệnh được tài trợ chủ yếu bằng thuế quỹ lương (payroll tax) và được bổ sung bằng thuế thuốc lá và xổ số. Tổng cộng chi tiêu cho y tế của Đài Loan chiếm 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017. Có các khoản đồng thanh toán cho mỗi lần khám bác sĩ (giới hạn ở mức 14 đô-la) và các đơn thuốc (giới hạn ở mức 7 đô-la), cũng như chi phí nằm viện, và cũng có mức giới hạn chi phí điều trị. Người dân đi khám bệnh trung bình 15 lần mỗi năm, gần gấp đôi so với các nước phát triển khác, các bệnh viện và phòng khám thường rất đông và nhân viên y tế thường làm việc quá sức.


    Ứng phó với COVID-19: Mặc dù thuộc khu vực đô thị đông dân cư và ở rất gần với Trung Quốc đại lục, nơi đầu tiên xảy ra COVID-19, nhưng cả Đài Loan chỉ có vài trăm trường hợp mắc. Theo các chuyên gia, Đài Loan đã nhanh chóng triển khai kế hoạch ứng phó với dịch bệnh, kế hoạch này đã được hình thành từ sau khi bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003.


    Đài Loan đã sử dụng các công nghệ bao gồm các ứng dụng điện thoại di động theo dõi dữ liệu người dùng và cảm biến nhiệt độ cơ thể để xác định người tiếp xúc gần với nhiễm COVID-19, thực hiện cách ly cưỡng chế và theo dõi nhiệt độ cơ thể. Đài Loan cũng cấm các nhà sản xuất xuất khẩu vật tư y tế và gia tăng sản xuất khẩu trang, triển khai xét nghiệm chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 miễn phí và các bệnh viện được yêu cầu kiểm tra sớm cho bệnh nhân.


    2) Anh: Chính phủ trực tiếp điều hành hệ thống y tế qua NHS, nỗ lực chống dịch bị trì hoãn


    Đặc điểm hệ thống chăm sóc sức khoẻ: Chăm sóc sức khỏe tại nước Anh được chính phủ tài trợ và cung cấp đầy đủ cho gần như tất cả mọi người. Một số phân tích đánh giá cao hoạt động của tổ chức NHS (Dịch vụ y tế quốc gia) đã cho ra nhiều chỉ số mức cao về chăm sóc sức khỏe, bao gồm các chỉ số về chăm sóc dự phòng, công bằng và quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. NHS được thanh toán chủ yếu bằng thuế, cung cấp độ bao phủ toàn diện, bao gồm chăm sóc phòng ngừa, các dịch vụ tại bệnh viện, thuốc và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phần lớn miễn phí; chi phí tự chi trả trung bình khoảng 630 đô la/người trong năm 2017. Khoảng 10% dân số có bảo hiểm tư nhân bổ sung, cho phép tiếp cận nhanh hơn với một số dịch vụ chăm sóc y tế.


    Năm 2018, chi tiêu cho y tế của Anh là 9,8% GDP, thuộc loại thấp nhất trong các nước đã phát triển. Hệ thống y tế đã phải đối mặt với những chỉ trích về việc thiếu kinh phí và chất lượng giảm, đặc biệt là chăm sóc ban đầu. Năng lực của hệ thống y tế cũng là một vấn đề: chỉ có hơn 2 giường bệnh chăm sóc cấp tính cho một nghìn người dân, thấp hơn các quốc gia thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).


    Ứng phó với COVID-19: Mặc dù được xếp hạng cao về khả năng chuẩn bị ứng phó với đại dịch theo Chỉ số an ninh y tế toàn cầu, nhưng khi đại dịch COVID-19 xảy ra nước Anh đã chịu tổn thất nặng nề, là quốc gia triển khai cách ly xã hội muộn nhất, sau nhiều tuần so với các nước ở Châu Âu. Đến giữa tháng 4, nước Anh đã có gần 80.000 trường hợp nhiễm COVID-19, và khoảng 10.000 ca tử vong.


    NHS cho biết sẽ giải phóng hàng chục nghìn giường bệnh bằng cách hoãn các kỹ thuật điều trị không cấp cứu và mua lại các không gian trống tại các bệnh viện tư nhân. Một trung tâm hội nghị ở London cũng nhanh chóng được. chuyển thành bệnh viện dã chiến. Ngoài ra, hàng nghìn nhân viên chăm sóc sức khoẻ ban đầu đã được đào tạo lại để hỗ trợ ứng phó với đại dịch, các bác sĩ chuyên khoa trong các lĩnh vực khác đang được sử dụng lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo thiếu máy thở và các thiết bị phòng hộ. Chính phủ đã nhập một số máy thở, một số từ các lực lượng vũ trang và kêu gọi các công ty sản xuất thêm. Nước Anh đã làm xét nghiệm chẩn đoán cho khoảng 4 người/1.000 dân, so với Hàn Quốc, 9/1.000.


    3) Hàn Quốc: Bảo hiểm Y tế Quốc gia do chính phủ điều hành qua hệ thống y tế công-tư, phản ứng nhanh trong ứng phó với dịch bệnh



    Đặc điểm hệ thống chăm sóc sức khoẻ: Gần như tất cả mọi người ở Hàn Quốc đều được bảo hiểm bởi Chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia do Chính phủ điều hành. Lợi ích của BHYT bao gồm chăm sóc cấp cứu, thuốc và chăm sóc nha khoa. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ yếu được cung cấp thông qua khu vực tư nhân, với hầu hết các cơ sở y tế là tư nhân. Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc không có một hệ thống chăm sóc ban đầu được phát triển tốt.


    Chương trình chăm sóc sức khoẻ của Chính phủ Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc người dân cùng chia sẻ chi phí điều trị, chi phí tự chi trả chiếm khoảng 34% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe, so với mức trung bình của các nước thuộc khối OECD là 20%. Chính phủ duy trì mức trần cho các khoản đồng thanh toán, nhưng bệnh nhân phải thanh toán toàn bộ chi phí cho các dịch vụ không có trong gói lợi ích của BHYT, khiến hầu hết người dân đăng ký thêm các chương trình bảo hiểm tư nhân bổ sung. Điều này đã dẫn đến sự tiếp cận không đồng đều trong chăm sóc sức khoẻ.


    Ứng phó với COVID-19: Sau “cuộc chiến” chống lại sự bùng phát của Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) vào năm 2015, Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào việc chuẩn bị khẩn cấp ứng phó dịch bệnh và giao Bộ Nội vụ và An toàn (Ministry of the Interior and Safety) là điều phối viên chính trong các cuộc khủng hoảng về sức khỏe thay vì thủ tướng hay tổng thống. Hàn Quốc đã có những nỗ lực nhanh chóng để làm phẳng đường cong về số ca mắc và giữ cho tổng số ca tử vong dưới 200 ca. Sau khi trường hợp đầu tiên xuất hiện vào tháng 1, chính phủ đã nhanh chóng triển khai xét nghiệm chẩn đoán miễn phí cho hàng triệu người, người dân chỉ cần ngồi trên xe lái xe đến các trạm dã chiến để làm xét nghiệm nhanh. Chính phủ đã chỉ định các bệnh viện chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 và yêu cầu người dân khi cần chăm sóc sức khoẻ vì các bệnh lý khác thì đến các bệnh viện không được phân công tiếp nhận COVID-19. Hàn Quốc cũng huy động khu vực tư nhân sản xuất vật tư y tế cho sử dụng công cộng.


    4) Úc: Hệ thống y tế “hybrid” với BHYT công kết hợp BHYT tư, nỗ lực không để dịch lan rộng


    Đặc điểm hệ thống chăm sóc sức khoẻ: Đặc điểm nổi bật trong chi tiêu cho y tế tại Úc chính là sự kết hợp của bảo hiểm y tế công và bảo hiểm y tế tư. Chương trình bảo hiểm y tế công, tên là Medicare, được tài trợ bởi chính phủ liên bang. Với hệ thống BHYT này, thường được coi là có giá cả phải chăng, nhưng có sự đánh đổi: các bệnh viện công đã trở nên quá tải, đặc biệt là khi có những khủng hoảng về sức khỏe do dịch bệnh.


    Khoảng một nửa số người Úc cũng mua bảo hiểm tư nhân mà chính phủ liên bang khuyến khích, mặc dù tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 1/5 ở những người có mức thu nhập thấp hơn. Các công ty bảo hiểm tư nhân, bao gồm cả các nhà cung cấp vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, cung cấp bảo hiểm y tế cho các dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, xe cứu thương cũng như chăm sóc tổng quát như dịch vụ nha khoa và chỉnh hình. Năm 2018, chi tiêu cho y tế tại Úc là 9,3% GDP. Người Úc tự chi trả trung bình mỗi năm khoảng 830 đô-la cho y tế (năm 2016).


    Ứng phó với COVID-19: Được xếp hạng cao về khả năng chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh, thực tế cho thấy Úc đã không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, khoảng 6.300 trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 và chỉ dưới 60 trường hợp tử vong (tính đến giữa tháng 2/2020). Chính phủ Úc duy trì các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt ngay cả khi tỷ lệ nhiễm mới dường như đang giảm, vì sợ rằng nếu không có các biện pháp đó, các đơn vị chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện sẽ bị quá tải chỉ trong vài tuần. Hàng chục nghìn giường bệnh và hàng nghìn bác sĩ và điều dưỡng đã được chuyển ra khỏi bệnh viện tư nhân và vào các bệnh viện công để giảm bớt căng thẳng trên hệ thống y tế công. Úc cũng có tỷ lệ xét nghiệm vi-rút bình quân đầu người cao nhất, trung bình 10.000 xét nghiệm mỗi ngày vào cuối tháng 3/2020. Các chuyên gia y tế đã ghi nhận nước Úc có mật độ người dân làm xét nghiệm cao, cùng với các biện pháp cách ly xã hội sớm đã ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng.


    5) Hà Lan: Người dân phải sử dụng BHYT tư nhân, chỉ cách ly xã hội một phần trong phòng chống dịch


    Đặc điểm hệ thống chăm sóc sức khoẻ: Hà Lan quản lý chặt chẽ và bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm y tế từ các nhà cung cấp tư nhân, các công ty BHYT tư nhân là các tổ chức phi lợi nhuận. Tất cả các bệnh viện cũng hoạt động như các tổ chức phi lợi nhuận. Thị trường bị chi phối bởi 4 tập đoàn bảo hiểm, chiếm khoảng 90 phần trăm số người đăng ký.


    Chính phủ chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh, được tài trợ thông qua thuế. Các khoản tài trợ khác đến từ phí bảo hiểm, mỗi công ty bảo hiểm đều có cùng mức giá cho tất cả mọi người bất kể tuổi tác hay tình trạng sức khỏe. Công dân Hà Lan trả phí bảo hiểm tương đối thấp (115 đến 150 đô-la mỗi tháng) và khoản chi phí tự chi trả cho mỗi lần khám chữa bệnh (khoảng 600 đô-la mỗi năm) và chủ lao động cũng đóng góp một phần. Những người có thu nhập thấp hơn nhận được trợ cấp bổ sung và trẻ em hoàn toàn được nhà nước chi trả. Hơn 80% dân số mua bảo hiểm bổ sung, tự nguyện để chi trả các lợi ích khác như chăm sóc nha khoa và mắt. Năm 2018, tổng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại Hà Lan đạt gần 10% GDP. Mặc dù các chuyên gia cảnh báo chi phí y tế đang tăng nhanh hơn tiền lương, nhưng hệ thống này được ca ngợi vì dịch vụ chăm sóc chất lượng cao, dễ tiếp cận.


    Ứng phó với COVID-19: Hà Lan có Viện y tế công cộng quốc gia chịu trách nhiệm tham mưu và hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh. Theo khuyến nghị của Viện, chính phủ đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội vào tháng 3/2020, nhưng không cách ly hoàn toàn, và cho rằng sự lây lan vi-rút có kiểm soát có thể tạo ra khả năng miễn dịch tự nhiên. Đến giữa tháng 4/2020, khoảng 25.000 người ở Hà Lan bị nhiễm bệnh và hơn 2.500 người chết. Mặc dù tốc độ lây truyền dường như chậm lại, các nhà chức trách cảnh báo rằng các bệnh viện, các đơn vị chăm sóc đặc biệt có thể sẽ bị quá tải. Hà Lan đã chọn các địa điểm tư nhân bao gồm phòng hòa nhạc và khách sạn trên cả nước chuyển thành các trung tâm cấp cứu dã chiến để giảm bớt căng thẳng cho các bệnh viện, nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao trong đội ngũ nhân viên y tế. Một số bệnh nhân Hà Lan đã được chăm sóc tại nước Đức cạnh bên. Kể từ ngày 6/4, Hà Lan triển khai xét nghiệm tính theo đầu người đã ngang bằng với Mỹ, nhưng lại thua xa Hàn Quốc.


    6) Mỹ: Hệ thống y tế hỗn hợp công-tư với chi tiêu cho y tế cao nhất, có phản ứng rời rạc với dịch bệnh


    Đặc điểm hệ thống chăm sóc sức khoẻ: Đặc điểm của hệ thống y tế Mỹ là sự pha trộn của các nguồn lực công và tư, là một trong những nước có thu nhập cao duy nhất nhưng không đạt được độ bao phủ BHYT toàn dân, khoảng 8,5% dân số không có BHYT. Đạo luật Chăm sóc với giá cả phải chăng năm 2010 (Affordable Care Act) yêu cầu hầu hết người Mỹ phải có BHYT, nhưng yêu cầu này đã bị chính quyền của Tổng thống Donald J. Trump loại bỏ vào năm 2019.


    Bảo hiểm tư nhân, dựa trên chủ lao động hoặc mua riêng lẻ, chiếm 2/3 dân số, trong khi 1/3 số người còn lại được bảo hiểm bởi các chương trình bảo hiểm công cộng bao gồm các chương trình Medicare, Medicaid và cựu chiến binh. Trợ cấp y tế thường bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm các gia đình có thu nhập thấp và Medicare chi trả cho những người trên 65 tuổi và một số người khuyết tật.


    Người Mỹ chi tiêu nhiều cho chăm sóc sức khỏe và cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào thuộc khối OECD. Trung bình mỗi người dân phải chi trả 10.000 đô-la mỗi năm và gần 17% GDP của Hoa Kỳ đã được chi cho y tế (năm 2018).


    Ứng phó với COVID-19: Sau khi ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 1, Mỹ đã cấm du khách đến Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những tuần tiếp theo, Chính phủ liên bang đã thất bại trong việc thực hiện kế hoạch và để dịch bùng phát rộng hơn. Mặc dù được xếp hạng là nước có chuẩn bị tốt nhất cho đại dịch, nhưng đã không tăng cường năng lực trong các bệnh viện cũng như không tăng cường đáng kể sản xuất vật tư y tế. Một số tiểu bang, chẳng hạn như California, đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội sớm và đã thành công hơn trong việc kiềm chế vi-rút lây lan. Xét nghiệm chẩn đoán ban đầu được thiết kế bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã bị lỗi làm trì hoãn xét nghiệm trên toàn quốc trong nhiều tuần và ngăn các quan chức y tế có một bức tranh chính xác về dịch bệnh lây lan. Đến giữa tháng 4/2020, số trường hợp tử vong và số mắc do COVID-19 tại Mỹ đã ở mức cao nhất trên thế giới. Tổng thống Mỹ đã sử dụng quyền hạn khẩn cấp để buộc các công ty tư nhân sản xuất máy thở cho bệnh nhân và khẩu trang cho nhân viên y tế. Luật pháp tháng 3/2020 tại Mỹ đã cho phép làm xét nghiệm miễn phí cho người dân, nhưng chi phí điều trị lại khác nhau.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này