SỞ Y TẾ Chuẩn thiết yếu đối với hoạt động của phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 30/8/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Trong những năm qua, nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, bảo đảm an toàn người bệnh, Sở Y tế đã ban hành chuẩn thiết yếu và tiêu chí đánh giá chất lượng áp dụng cho phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tiến hành các đợt đánh giá chất lượng với phòng khám đa khoa, chuyên khoa thẩm mỹ, đồng thời công bố kết quả đánh giá chất lượng của các phòng khám trên Cổng thông tin điện tử Ngành Y tế để người dân biết và chọn lựa khi có nhu cầu.


    Cùng với hai loại hình trên, các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt phát triển khá nhanh trên địa bàn thành phố và chuyên ngành Răng Hàm Mặt đã được chọn tham gia loại hình du lịch y tế trên địa bàn thành phố. Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng đa dạng của người dân thành phố, khu vực phía Nam và khách du lịch trong và ngoài nước, Sở Y tế phối hợp Hội Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và xây dựng “Chuẩn thiết yếu đối với hoạt động của phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” gồm 10 chuẩn thiết yếu dựa trên các văn bản pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Ngành Y tế. Đây là tài liệu thiết thực giúp các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt chủ động rà soát, củng cố và không ngừng cải tiến chất lượng đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật và an toàn người bệnh, hướng đến sự hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ được cung ứng tại các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt.


    Sở Y tế ban hành “Chuẩn thiết yếu đối với hoạt động của phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đến các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt để tổ chức triển khai thực hiện. Căn cứ trên chuẩn thiết yếu này, trong thời gian sắp tới, Sở Y tế sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá và công khai kết quả để người dân biết và chọn lựa.


    Dưới đây là toàn bộ nội dung chuẩn thiết yếu đối với hoạt động của các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt trên địa bàn thành phố:



    1. Phòng khám chỉ hoạt động sau khi được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và phê duyệt danh mục kỹ thuật. Biển hiệu của phòng khám phải đúng quy cách và đầy đủ nội dung theo quy định, bao gồm: tên cơ sở phải đúng tên được ghi trên giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; địa chỉ; số điện thoại; thời gian làm việc; số giấy phép hoạt động. Nội dung quảng cáo về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên các phương tiện thông tin truyền thông phải được Sở Y tế xác nhận.



    2. Tất cả nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với phạm vi chuyên môn phù hợp. Nhân sự tham gia hoạt động tại phòng khám phải thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề với Sở Y tế. Trường hợp phòng khám có hợp đồng với nhân viên y tế hiện là nhân viên cơ hữu của đơn vị y tế khác phải có văn bản của người đứng đầu đơn vị cho phép làm việc ngoài giờ. Các nhân viên khác như trợ thủ nha khoa, điều dưỡng nha khoa, kỹ thuật viên phục hình răng phải có chứng chỉ, chứng nhận đào tạo phù hợp.



    3. Nếu có khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài, bác sĩ phải được cấp giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc có người phiên dịch theo quy định pháp luật. Nếu bác sĩ người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám, phải có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề phù hợp do Bộ Y tế cấp và được cấp giấy chứng nhận sử dụng thành thạo tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc có người phiên dịch theo quy định pháp luật.



    4. Tất cả danh mục kỹ thuật thực hiện tại phòng khám phải được Sở Y tế phê duyệt. Trong quá trình hoạt động, nếu có nhu cầu bổ sung thêm kỹ thuật hoặc thay đổi nhân sự thực hiện kỹ thuật, người phụ trách phòng khám phải thực hiện hồ sơ, thủ tục và gửi về Sở Y tế để được phê duyệt trước khi triển khai. Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt, căn cứ theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành răng hàm mặt của Bộ Y tế, phòng khám phải xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp điều kiện thực tiễn của phòng khám. Nhân viên y tế phải thành thạo và tuân thủ quy trình kỹ thuật đang áp dụng.



    5. Phải lập hồ sơ bệnh án ngoại trú cho mỗi người bệnh đến khám và điều trị theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án phải đầy đủ thành phần và lưu trữ theo đúng quy định, khuyến khích phòng khám số hóa hồ sơ bệnh án, có kế hoạch và lộ trình xây dựng và triển khai bệnh án điện tử. Bác sĩ điều trị phải trực tiếp tư vấn cho người bệnh về chỉ định và các phương pháp điều trị, các nguy cơ tai biến có thể xảy ra để người bệnh biết rõ và chọn lựa. Nội dung tư vấn phải được thể hiện trong hồ sơ bệnh án. Mọi trường hợp thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa phải có giấy cam kết đồng ý của người bệnh theo quy định.



    6. Chỉ định thuốc phải phù hợp với hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc phác đồ điều trị của các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối. Đơn thuốc ghi đầy đủ thông tin; tuân thủ các quy định về kê đơn thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần; không được kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.



    7. Phải đảm bảo có đủ các dụng cụ y tế và cơ số thuốc cấp cứu chuyên khoa, thuốc cấp cứu phản vệ; nhân viên y tế phải được tập huấn và thành thạo nguyên tắc dự phòng chẩn đoán và xử trí phản vệ; bác sĩ, điều dưỡng, trợ thủ nha khoa được tập huấn về hồi sức cấp cứu cơ bản. Đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn người bệnh trong phẫu thuật và thủ thuật. Đánh giá toàn diện tình trạng người bệnh trước khi chỉ định phẫu thuật, thủ thuật, khi phát hiện người bệnh có bệnh lý nội khoa, tình trạng có thai, khuyết tật trong răng hàm mặt…cần giới thiệu người bệnh khám chuyên khoa trước khi quyết định can thiệp. Trường hợp người bệnh đột ngột rơi vào tình trạng nguy kịch, phải khẩn trương thực hiện cấp cứu người bệnh, đồng thời gọi ngay số 115 hoặc gọi bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.



    8. Trang thiết bị y tế, vật tư y tế sử dụng tại phòng khám phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được phép lưu hành tại Việt Nam, có đầy đủ hướng dẫn sử dụng, bảo đảm luôn trong tình trạng sử dụng tốt. Người sử dụng trang thiết bị y tế được tập huấn và nắm vững kiến thức, kỹ năng sử dụng, phải đảm bảo an toàn người bệnh trong sử dụng trang thiết bị y tế theo khuyến cáo của Sở Y tế. Vật liệu cấy ghép sử dụng cho người bệnh phải được công khai và lưu tem sản phẩm vào hồ sơ bệnh án. Phòng khám phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng các vật tư y tế, các vật phẩm phục hồi răng trong điều trị cho người bệnh.



    9. Tuân thủ quy định về quản lý chất thải y tế: thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn y tế; cần có hệ thống xử lý chất thải lỏng hoạt động thường xuyên và các chỉ tiêu đầu ra của nước thải đạt quy chuẩn về môi trường. Tuân thủ quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn: áp dụng các quy trình cơ bản về vệ sinh tay; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; vệ sinh môi trường; khử khuẩn, tiệt khuẩn đối với dụng cụ, thiết bị y tế; tiêm an toàn; phòng ngừa và xử lý các trường hợp rủi ro, phơi nhiễm với nguồn bệnh nguy hiểm hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn cao; kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng điều trị, phòng thủ thuật, labo phục hình răng (nếu có).



    10. Xây dựng cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện kê khai giá theo quy định; công khai, minh bạch giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: bảng giá được trình bày rõ ràng, niêm yết ở vị trí dễ thấy và thuận tiện cho người bệnh tra cứu tại phòng khám; đăng tải đầy đủ thông tin về giá tất cả các dịch vụ trên trang tin điện tử của phòng khám (nếu có).

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này