SỞ Y TẾ Cứu sống Việt kiều Mỹ ngưng tim ngưng thở 3 lần bằng kỹ thuật 'gấu ngủ đông' - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 25/10/18.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Ông T. đang được áp dụng phương pháp “gấu ngủ đông” tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

    Ảnh: Bệnh viện cung cấp

    Được cứu nhờ “gấu ngủ đông”

    Trước khi theo máy bay về Mỹ, vợ ông T. đã gửi lời cảm ơn đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã tận tình cứu chữa chồng bà, không để lại di chứng não, giúp ông có thể quay lại cuộc sống bình thường và tiếp tục công việc dạy học.

    Bà cũng chia sẻ sẽ về nước làm báo cáo gửi cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) Mỹ gợi ý địa chỉ cấp cứu ngưng tim, ngưng thở là Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong trường hợp khách du lịch ở Việt Nam.

    Đây là một trường hợp được xem là kỳ tích bởi hi vọng cứu sống bệnh nhân rất mong manh.

    Theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trước đó, ông T. (54 tuổi, Việt kiều Mỹ) đang chạy thể dục buổi sáng, bất ngờ đau ngực dữ dội, khó thở, ngã quỵ ra đường.

    Ông được đưa vào Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

    Ngay lập tức, ê kíp cấp cứu hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân đồng thời khởi động quy trình báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau khi hồi sức tim phổi 30 phút và sốc điện trên 10 lần, bệnh nhân mới bắt đầu hồi phục tuần hoàn.

    Hội chẩn liên viện xác định được bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tối cấp, cần can thiệp tái thông mạch vành. Bốn nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức cùng máy móc hồi sức đã theo bệnh nhân lên xe cấp cứu, sẵn sàng can thiệp nếu xảy ra tình huống xấu nhất trong quãng đường 13 km chuyển bệnh.

    Phía Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng lập tức thiết lập báo động đỏ nội viện, chờ bệnh nhân sẵn ngoài cửa. Tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” khi bệnh nhân liên tục ngưng tim ngưng thở khi vừa tới cổng bệnh viện và trong khi thực hiện tái thông mạch vành.

    Não bệnh nhân đã bị thiếu máu quá lâu nên các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, gọi là "gấu ngủ đông".

    Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định: Kỹ thuật này giúp hạ thân nhiệt từ 37 độ C xuống còn 33 độ C trong vòng 24 giờ liên tục, giảm được sự chuyển hóa. Từ đó sẽ giúp cứu được tế bào não, giúp người bệnh giảm nguy cơ sống thực vật hoặc di chứng não do ngưng tim ngưng thở kéo dài thường gặp.

    Cách đây không lâu, một bệnh nhân 58 tuổi sống ở TP.HCM cũng đã được cứu sống ngoạn mục, hồi phục suy tim, tri giác tốt sau khi được sử dụng kỹ thuật “gấu ngủ đông”.

    Đầu tư vì lợi ích bệnh nhân

    Lý giải máy hạ thân nhiệt còn gọi là “gấu ngủ đông”, bác sĩ Ân cho biết: Hạ thân nhiệt để giảm nhu cầu ô xy và chuyển hóa cơ thể tương tự như cơ chế “gấu ngủ đông” tự nhiên nên phương pháp này còn được gọi như vậy.

    Kỹ thuật này đã được ứng dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật... và trong những năm gần đây đã được các nước châu Á lân cận Việt Nam thực hiện như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về hạ thân nhiệt và hầu hết đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phục hồi chức năng não sau ngừng tim.

    Chàng trai đột ngột ngưng thở, hôn mê được cứu sống nhờ 'ngủ đông'

    Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là nơi đầu tiên thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt qua catheter nội mạch. Bệnh viện Nhân dân Gia Định là nơi đầu tiên ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện kỹ thuật này.

    Từ khi được Sở Y tế TP.HCM cho phép, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã áp dụng trên 5 bệnh nhân. Trong đó, có 3 bệnh nhân ngừng tim do bệnh mạch vành, 1 bệnh nhân ngừng tim do thắt cổ, một bệnh nhân ngừng tim do bệnh lý hô hấp.

    Bác sĩ Ân cho biết thêm, hạ thân nhiệt có thể thực hiện bằng cách không xâm lấn như bọc áo khoác làm lạnh (bao phủ bề mặt) và cách xâm lấn qua catheter nội mạch.

    “Cách bao phủ bề mặt dễ thực hiện, chi phí rẻ nhưng khó hạ nhanh thân nhiệt và không kiểm soát được nhiệt độ mong muốn một cách chính xác vì dựa vào ướp lạnh bệnh nhân từ bên ngoài. Cách nội mạch kiểm soát rất nhanh và chính xác nhiệt độ qua một catheter đặt vào tĩnh mạch đùi bệnh nhân (làm lạnh từ bên trong). Đó là sự ưu việt của kỹ thuật hạ thân nhiệt qua catheter nội mạch, được thực hiện trên các bệnh nhân ngừng tim do nhiều loại bệnh lý khác nhau, thực hiện nhiều và hiệu quả nhất là ngừng tim ngoại viện do nhồi máu cơ tim, rung thất”, bác sĩ Ân giải thích.

    Khi tiến hành hạ thân nhiệt, có 3 giai đoạn: giai đoạn đầu nhanh chóng đưa thân nhiệt bệnh nhân từ 37 độ C xuống 33 độ C (thường khoảng 3-4 giờ), kế tiếp giữ bệnh nhân ở nhiệt độ 33 độ C trong 24 giờ kế tiếp, kế đến là làm ấm bệnh nhân với tốc độ 0,25 độ/giờ đến 37 độ C (khoảng 16 giờ).

    Trước khi được hạ thân nhiệt, bệnh nhân ngừng tim phải được tích cực hồi sức “từ cõi chết trở về”, phải điều trị bệnh lý làm bệnh nhân ngừng tim và phải hạ thân nhiệt trong vòng 6 giờ kể từ lúc ngừng tim.

    Theo các bác sĩ máy hạ thân nhiệt nội mạch có chi phí lớn và chi phí dụng cụ thực hiện cho từng bệnh nhân cũng tương đối cao, chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. Tuy nhiên, vì sự hồi phục não của bệnh nhân sau ngừng tim, giúp họ có thêm cơ hội sống có ý thức và nâng cao chuyên môn trong khu vực, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã quyết định chọn đầu tư máy hạ thân nhiệt nội mạch.

    Hiện bệnh viện chỉ thu lại tiền các vật tư (các catheter) dùng cho bệnh nhân, chứ chưa thu tiền công thực hiện và khấu hao máy. Các bệnh nhân không khả năng chi trả, bệnh viện còn chính sách miễn giảm.


    Sau khi được cấp cứu “gấu ngủ đông”, bệnh nhân T. đã được cơ quan Bảo hiểm y tế Mỹ điều bác sĩ và chuyên cơ đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định kiểm tra sức khỏe. Mặc dù đang đặt nội khí quản không nói được nhưng ông T. vô cùng tỉnh táo và làm theo mọi yêu cầu của bác sĩ Mỹ như giơ tay lên, giơ chân lên, hạ chân xuống.


    Trao đổi với đội ngũ bác sĩ Việt Nam ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ phía Mỹ đánh giá xử trí cấp cứu tốt của bệnh viện đã giúp ông T. hồi phục sức khỏe và không để lại di chứng.


    Ông T. đã được hộ tống trở về Mỹ tiếp tục chăm sóc. Khi đáp máy bay và đến được Bệnh viện Đại học Washington (Mỹ), vợ ông T. đã nhắn tin cho các bác sĩ Việt Nam thông báo chuyến bay không có trở ngại, sức khỏe của chồng bà đang hồi phục tốt và hiện đang điều trị ở bệnh viện này của Mỹ.



    VIÊN AN

    Nguồn tin : Báo THANH NIÊN

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này