Sáng ngày 28/03/2019, lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp các bệnh viện đầu ngành về Sản khoa (Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân Gia định) và các bệnh viện đầu ngành về Nhi khoa (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố) tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến chuyên đề về sản khoa – nhi sơ sinh cho các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố. Trong những năm qua, 5 bệnh viện đầu ngành về sản và nhi của TPHCM là Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng thành phố cần tiếp tục phối hợp hỗ trợ các BV tuyến dưới và BV tư nhân trong những trường hợp nguy cấp nhằm giảm thiểu sự cố tử vong trong lĩnh vực sản-nhi, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em trên địa bàn. Bên cạnh đó, các bệnh viện chuyên khoa sản cũng nhận được sự hỗ trợ chuyên môn kịp thời của các bệnh viện đa khoa tuyến cuối trên địa bàn thành phố như BV Nhân dân Gia định, BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, BV Bình dân đã cứu sống nhiều trường hợp biến chứng thai kỳ và biến chứng sản khoa cần có sự phối hợp của các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác như hồi sức, ngoại khoa. Ngoài ra, trong năm 2018, khoa Hồi sức sơ sinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho hồi sức chuyên sâu sơ sinh, trang bị lồng ấp chuyên dụng để chuyển bé sơ sinh từ các bệnh viện Sản đảm bảo tối đa an toàn trên đường chuyển. Cùng với BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, BV Nhi đồng Thành phố đã chủ động ký kết với Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương trong phối hợp chẩn đoán ngay trong giai đoạn mang thai và can thiệp điều trị các dị tật bẩm sinh ngay sau khi sinh. Cụ thể, chỉ trong 2 tháng (1-2/2019), BV Nhi đồng TPHCM đã phối hợp sản - nhi toàn diện với BV Từ Dũ và BV Hùng Vương thực hiện hơn 500 ca hội chẩn trước sinh và tiếp nhận hơn 100 trường hợp trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý bẩm sinh, như: tim mạch, thoát vị hoành, viêm phúc mạc, hở thành bụng... chỉ vài giờ sau khi chào đời. Sự phối hợp này đã cứu sống nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh hiểm nghèo tưởng như không thể qua khỏi, tỷ lệ tử vong giảm còn khoảng 10%. Nâng cao năng lực quản lý thai và khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ em tại các trạm y tế cũng được các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành triển khai hiệu quả với các khoá đào tạo liên tục dành riêng cho các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế như các khoá đào tạo về quản lý thai và cấp cứu sản khoa do BV Từ Dũ và BV Hùng Vương đảm trách, các khoá đào tạo về cấp cứu Nhi khoa cơ bản do các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố đảm trách. Ngoài ra, Hội đồng chất lượng Sở Y tế cũng đã ban hành khuyến cáo an toàn trong Sản khoa nhằm hướng dẫn cho các cơ sở y tế chủ động rà soát và củng cố các hoạt động đảm bảo an toàn trong Sản khoa. Phát huy những thành quả đạt được và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, trong thời gian tới, Sở Y tế yêu cầu công tác chỉ đạo tuyến Sản và Nhi sơ sinh cần tập trung vào những hoạt động thiết thực sau: (1) Tăng cường phối hợp Sản – Nhi sơ sinh tại các bệnh viện, tăng cường phối hợp giữa các BV chuyên khoa Sản, chuyên khoa Nhi và các BV đa khoa đầu ngành trong điều trị các bệnh lý nặng và phức tạp ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bên cạnh phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, các bệnh viện chuyên khoa tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực hồi sức sản và hồi sức sơ sinh hướng đến tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. (2) Các BV chuyên khoa Sản và Nhi đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến huyện theo địa bàn đã được SYT phân công, Mở rộng phạm vi, đối tượng chỉ đạo tuyến bao gồm tất cả các cơ sở KCB tư nhân có chuyên khoa Sản và Nhi, kể cả các phòng khám có bác sĩ nước ngoài. Tăng cường giám sát tuân thủ phác đồ điều trị, danh mục kỹ thuật và phối hợp Sở Y tế, Phòng y tế quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định pháp luật trong KCB chuyên khoa Sản và Nhi. (3) Đa dạng hoá các loại hình đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn trong thực hành KCB liên quan đến chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Khuyến khích các bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo từ xa và hội chẩn từ xa, triển khai hiệu quả ứng dụng “apps hội chẩn” theo kế hoạch của Sở Y tế dành cho các bác sĩ đang công tác tại trạm y tế nhằm tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế, tạo niềm tin cho người dân đến KCB ban đầu tại trạm. (4) Thành lập ngân hàng sữa mẹ tại các BV sản khoa tuyến cuối, trước mắt đưa ngân hàng sữa mẹ của BV Từ Dũ chính thức đi vào hoạt động (tháng 4/2019). Phát triển thêm các đơn vị tầm soát và điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non tại các bệnh viện chuyên khoa Sản và chuyên khoa Nhi. (5) Triển khai phần mềm báo cáo số liệu KCB liên quan đến bà mẹ và trẻ sơ sinh, tất cả các cơ sở KCB có trách nhiệm báo cáo đầy đủ theo quy định. Định kỳ hàng năm, các BV tuyến cuối về Sản và Nhi luân phiên tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến về Sản và Nhi sơ sinh, đối tượng tham dự là tất cả các cơ sở công lập và tư nhân có chăm sóc bệnh nhân Sản và Nhi. SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...