SỞ Y TẾ Gánh nặng bệnh tật và nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em: sinh non - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 2/10/18.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Dưới đây là cảnh báo của TCYTTG về tình hình trẻ sinh non trên toàn cầu (1/2018):

    Sinh non được định nghĩa là trẻ sinh ra còn sống trước 37 tuần mang thai, mức độ non tháng của trẻ sơ sinh được chia thành: cực non (dưới 28 tuần), rất non (28 đến 32 tuần), sinh non và sinh non muộn (32 đến 37 tuần). Nguyên nhân phổ biến của sinh non bao gồm đa thai, nhiễm trùng và các bệnh mạn tính như tiểu đường và cao huyết áp; tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân. Hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cơ chế sinh non sẽ thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp để ngăn ngừa sinh non.

    Tình hình trẻ sinh non trên thế giới :

    Ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sơ sinh được sinh non mỗi năm, chiếm tỷ lệ hơn 1/10 tổng số trẻ sơ sinh, tỷ lệ sinh non còn khuynh hướng gia tăng theo thời gian. Trên toàn cầu, sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi, hàng năm có khoảng 1 triệu trường hợp trẻ sơ sinh sinh non tử vong do các biến chứng của sinh non. Nhiều trẻ sinh non phải đối mặt với khuyết tật suốt đời, kể cả trong học tập và các vấn đề về thị giác và thính giác.

    Sự mất cân đối rõ rệt trong tỷ lệ sống còn của trẻ sinh non trên toàn thế giới. Ở những quốc gia có thu nhập thấp, một nửa số trẻ sinh ra dưới 32 tuần chết vì thiếu khả năng triển khai các can thiệp mang tính hiệu quả - chi phí trong chăm sóc cho trẻ sinh non như: giữ ấm, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và các chăm sóc cơ bản trong điều trị nhiễm trùng và hỗ trợ hô hấp cho trẻ sinh non. Ở các nước có thu nhập cao, hầu như tất cả trẻ sinh non này đều được cứu sống. Việc sử dụng các công nghệ điều trị dưới chuẩn tại các cơ sở y tế tại các nước thu nhập trung bình đang làm tăng gánh nặng bệnh tật ở trẻ em sống sót trong giai đoạn sơ sinh.

    Mặc dù có hơn 60% trường hợp sinh non xảy ra ở Châu Phi và Nam Á, tuy nhiên, sinh non thực sự là một vấn đề đáng quan tâm trên toàn cầu. Ở các nước thu nhập thấp, trung bình, tỷ lệ sinh non là 12%, còn các nước thu nhập cao là 9%. Trong cùng một quốc gia, gia đình nghèo bao giờ cũng có nguy cơ sinh non cao hơn.

    10 quốc gia có số lượng trẻ sinh non nhiều nhất: Ấn Độ (3.519.100), Trung Quốc (1.172.300), Nigeria (773.600), Pakistan (748.100), Indonesia (675.700), Mỹ (517.400), Bangladesh (424.100), Philippines: 348.900, Cộng hòa Dân chủ Congo: 341.400, Braxin: 279.300

    10 quốc gia có tỷ lệ sinh non cao nhất (trên 100 ca sinh sống): Malawi (18.1), Comoros (16,7), Congo (16,7), Zimbabwe (16,6), Guinea (16,5), Mozambique (16,4), Gabon (16,3), Pakistan (15,8), Indonesia (15,5), Mauritania (15,4).

    Có một sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sự sống còn của trẻ sinh non tùy thuộc vào nơi trẻ được sinh ra. Hơn 90% trẻ sinh cực non (dưới 28 tuần) ở các nước thu nhập thấp chết trong vòng vài ngày đầu đời; nhưng tỷ lệ này chưa tới 10% ở những nước có thu nhập cao.

    Giải pháp phòng ngừa và chăm sóc trẻ sinh non:

    Không nên lên kế hoạch sanh mổ chủ động trước 39 tuần tuổi thai, trừ khi có chỉ định vì lý do chuyên môn.

    Hơn 3/4 trẻ sinh non có thể được cứu sống bằng những phương pháp chăm sóc mang hiệu quả - chi phí như: chăm sóc thiết yếu trong lúc sinh và giai đoạn hậu sản cho cả mẹ và trẻ sơ sinh, tiêm steroid trước sinh cho phụ nữ có thai (phòng ngừa nguy cơ sinh non và tăng cường chức năng phổi của trẻ sơ sinh nếu được sinh ra), chăm sóc kangaroo (được mẹ mang theo với da tiếp xúc với da và bú mẹ thường xuyên) và kháng sinh để điều trị nhiễm trùng sơ sinh. Chăm sóc liên tục và hiệu quả của nữ hộ sinh đã chứng minh là làm giảm nguy cơ sinh non khoảng 24%.

    Ngăn ngừa tử vong và biến chứng sinh non bắt đầu với một thai kỳ khỏe mạnh. Chăm sóc chất lượng trước, giữa và trong khi mang thai sẽ đảm bảo tất cả phụ nữ có trải nghiệm mang thai theo chiều hướng tích cực. Các hướng dẫn chăm sóc tiền sản của TCYTTG bao gồm các biện pháp can thiệp chính để giúp ngăn ngừa sinh non, như tư vấn về chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng tối ưu, và ngưng sử dụng thuốc lá và chất gây nghiện; siêu âm để giúp xác định tuổi thai và phát hiện đa thai; tối thiểu 8 lần khám thai trong suốt thai kỳ để xác định và quản lý các yếu tố nguy cơ của thai kỳ. Tiếp cận tốt hơn với các biện pháp tránh thai cũng có thể giúp giảm sinh non.

    Dưới đây là các giải pháp can thiệp phòng ngừa và chăm sóc trẻ sinh non dựa trên cơ sở y học chứng cứ theo khuyến cáo của TCYTTG (file đính kèm).

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Tìm kiếm theo từ khóa :TCYTTG

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này