SỞ Y TẾ Kháng thể sốt xuất huyết Dengue giúp cơ thể chống lại SARS-CoV-2 ? - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 24/9/20.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Tại Brasil

    Một nghiên cứu mới phân tích sự bùng phát coronavirus ở Brazil đã tìm thấy mối liên hệ giữa sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và các đợt bùng phát sốt xuất huyết trong quá khứ cho thấy những bệnh nhân đã mắc bệnh sốt xuất huyết có thể đã có một mức độ miễn dịch nào đó để chống lại COVID-19. Công trình nghiên cứu “Computational modelling predicts that Dengue virus antibodies can bind to SARS-CoV-2 receptor binding sites: Is pre-exposure to dengue virus protective against COVID-19 severity?” được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Đại học São Paulo ở Brazil và Đại học Duke, Mỹ.


    Công trình nghiên cứu chưa được công bố này do Giáo sư Miguel Nicolelis - Đại học Duke thực hiện, đã so sánh sự phân bố địa lý của các ca nhiễm SARS-CoV-2 với sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết vào năm 2019 và 2020. Tác giả nhận thấy những nơi có tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn và số ca mắc tăng chậm hơn là những nơi đã từng bùng phát dịch sốt xuất huyết dữ dội trong năm nay hoặc năm trước. Brazil có tổng số ca mắc COVID-19 cao thứ ba thế giới với hơn 4,4 triệu ca, chỉ sau Mỹ và Ấn Độ. Ở các bang như Paraná, Santa Catarina, Rio Grande do Sul, Mato Grosso do Sul và Minas Gerais, với tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết cao vào năm trước và đầu năm nay, dịch COVID-19 mất nhiều thời gian hơn để đạt mức độ lây truyền trong cộng đồng cao nếu so sánh với các bang như Amapá, Maranhão và Pará là những bang có ít ca sốt xuất huyết hơn. Nhóm nghiên cứu nhận thấy mối quan hệ tương tự giữa bùng phát bệnh sốt xuất huyết và sự lây lan COVID-19 chậm hơn ở các khu vực khác của Châu Mỹ Latinh, cũng như Châu Á và các đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.


    Phát hiện này làm tăng khả năng hấp dẫn về phản ứng chéo miễn dịch giữa các type huyết thanh Flavivirus của bệnh sốt xuất huyết và SARS-CoV-2. Nếu giả thuyết này được chứng minh là đúng có nghĩa là mắc sốt xuất huyết hoặc chủng ngừa vắc-xin sốt xuất huyết có thể giúp cơ thể tạo ra một mức độ miễn dịch nào đó chống lại SARS-CoV-2. Một kết quả đặc biệt thú vị bởi các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng những người có kháng thể sốt xuất huyết trong máu có thể dương tính giả với kháng thể COVID-19 ngay cả khi họ chưa bao giờ bị nhiễm COVID-19. Điều này chỉ ra một tương tác miễn dịch học giữa hai loại virus mà không ai có thể ngờ tới, bởi vì hai loại virus này thuộc các họ hoàn toàn khác nhau, điều này cần có các nghiên cứu sâu hơn để chứng minh mối liên hệ đặc biệt này.


    Tại Ấn Độ

    Vào tháng 6, một nhóm nghiên cứu đến từ Viện Sinh học Hóa học Ấn Độ do Subhajit Biswas dẫn đầu, đã trở thành người đầu tiên đề xuất rằng kháng thể sốt xuất huyết có thể liên kết với SARS-CoV-2. Đầu tiên, họ thực hiện một nghiên cứu cho thấy kháng thể sốt xuất huyết có thể làm gián đoạn quá trình quan trọng để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người. Trong một nghiên cứu khác cũng được đăng vào tháng tiếp theo trên medRxiv, nhóm nghiên cứu tuyên bố rằng các mẫu huyết thanh có kháng thể sốt xuất huyết đôi khi có thể cho kết quả dương tính giả khi xét nghiệm tìm kháng thể SARS-CoV-2. Cả hai bài báo vẫn chưa được đánh giá ngang hàng đều cho rằng kháng thể sốt xuất huyết có thể phản ứng chéo với protein từ SARS-CoV-2 để làm gián đoạn sự lây nhiễm. Họ cũng gợi ý rằng vắc-xin sốt xuất huyết có thể tạo ra một số mức độ miễn dịch chống lại nhiễm virus SARS-CoV-2, cho đến khi có một giải pháp thay thế tốt hơn.


    Tại Israel

    Một nhóm nghiên cứu từ Israel đã thực hiện một công trình nghiên cứu tương tự và cho thấy rằng bệnh nhân mắc COVID-19 có thể cho xét nghiệm dương tính với kháng thể sốt xuất huyết và ngược lại. Nghiên cứu đã được công bố vào tháng 08/2020 với tiêu đề “Potential antigenic cross-reactivity between SARS-CoV-2 and Dengue viruses” đăng trên Tạp chí “Clinical Infectious Diseases” và đã được đánh giá ngang hàng (peer riew).


    Sử dụng xét nghiệm nhanh sốt xuất huyết (dengue lateral-flow rapid test), nhóm nghiên cứu phát hiện có 12 trường hợp dương tính trong số 55 người mắc COVID-19 (chiếm 21,8%), so với nhóm đối chứng gồm 70 người khỏe mạnh thì không có trường hợp nào dương tính với sốt xuất huyết (P = 2,5E-5). Trong số 12 ca dương tính với sốt xuất huyết, có 9 trường hợp IgM, 2 trường hợp IgG và một trường hợp cả IgM và IgG. Trong số 95 mẫu thu được từ những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết trước tháng 9/2019, huyết thanh SARS-CoV-2 nhắm vào protein S dương tính ở 21 trường hợp (22%) (16 IgA, 5 IgG) so với 4 dương tính trong 102 trường hợp của nhóm đối chứng (4%) (P = 1,6E-4). Qua nghiên cứu này nhóm tác giả đã chỉ ra khả năng phản ứng chéo giữa virus Dengue và SARS-CoV-2, điều này có thể dẫn đến huyết thanh Dengue dương tính giả ở bệnh nhân COVID-19 và ngược lại.



    Tại Singapore

    Với tiêu đề “Covert COVID-19 and false-positive dengue serology in Singapore” đăng trên Tạp chí Lancet, Published:March 04, 2020, các tác giả mô tả hai bệnh nhân ở Singapore có kết quả dương tính giả từ xét nghiệm huyết thanh nhanh trong chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết, cả hai người này sau đó được xác nhận mắc hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng do nhiễm SARS-CoV-2. Nhóm tác giả kết luận bệnh sốt xuất huyết Dengue và bệnh COVID-19 rất khó phân biệt vì chúng có chung các đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm.


    (Tài liệu tham khảo: “Computational modelling predicts that Dengue virus antibodies can bind to SARS-CoV-2 receptor binding sites: Is pre-exposure to dengue virus protective against COVID-19 severity?” (đang chờ đánh giá ngang hàng đăng trên https://osf.io/dutx4/); “Potential antigenic cross-reactivity between SARS-CoV-2 and Dengue viruses” đăng trên Tạp chí Clinical Infectious Diseases, 14 August 2020); “Covert COVID-19 and false-positive dengue serology in Singapore” đăng trên Tạp chí Lancet, Published:March 04, 2020)

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này