Các chuyên gia tham dự hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm bao gồm: Giáo sư David Hui của Đại học Hồng Kông-Trung Quốc; Phó giáo sư Sophia Archulita, cố vấn cao cấp - Đại học Quốc gia Singapore và Bệnh viện Đại học Quốc gia; Bác sĩ Hyun-Ha Chang của Bệnh viện Đại học Quốc gia Kyungpook ở Daegu, Hàn Quốc; và Giáo sư Yae Jean Kim từ Khoa Truyền nhiễm và Suy giảm miễn dịch tại Trung tâm Y tế Samsung có trụ sở tại Trường Y khoa Đại học Sungkyunkwan ở Seoul, Hàn Quốc. Kinh nghiệm tại Hồng Kông: Tổng cộng có 1.030 trường hợp COVID-19 được xác nhận tại Hồng Kông tính đến ngày 22/4/2020. Nếu như các trường hợp đầu tiên là do nhập cảnh, thì phần lớn các trường hợp sau đó là kết quả của việc lây lan tại địa phương, và gần đây là các công dân Hồng Kông quay trở về từ Châu Âu và Bắc Mỹ. Không có trường hợp nào xảy ra do nhiễm trùng bệnh viện. Để đối phó với đại dịch, Hồng Kông đã thực hiện tăng cường giám sát khách du lịch nước ngoài, với 14 ngày cách ly kiểm dịch và xét nghiệm cho tất cả các khách đến Hồng Kông. Thành phố đã khắc phục tình trạng thiếu thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE) lúc ban đầu và mở rộng năng lực xét nghiệm đến mức tương đương với các nước lớn hơn ở Châu Âu. Hồng Kông vẫn đang trong giai đoạn ngăn chặn, với việc cách ly tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp đã được xác nhận, đóng cửa trường học, cấm tập trung đông người, thực thi giãn cách xã hội và cho công chức làm việc tại nhà. Cho đến nay (tháng 4/2020), chỉ có 4 trường hợp tử vong và chỉ có 27 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp tại các khoa ICU. Thời gian nằm viện trung bình cho bệnh nhân nhập viện là 16 ngày (dao động từ 2 – 53 ngày). Hệ thống bệnh viện tại Hồng Kông đã áp dụng một số bài học từ đại dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002, khi phải đối mặt với tình trạng quá tải tại các bệnh viện do thiếu các phòng cách ly. Tính đến năm 2020, Hồng Không đã có 1.400 giường đặt trong phòng cách ly áp lực âm tại 14 bệnh viện. Các thử nghiệm về Remdesivir và Lopinavir-ritonavir như là phương pháp điều trị tiềm năng cũng đang được triển khai tại các bệnh viện. Kinh nghiệm tại Singapore: Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore là một bệnh viện đại học và là bệnh viện tuyến cuối với 1.200 giường. Mặc dù đã tiếp nhận khoảng 300 trường hợp được xác nhận COVID-19, nhưng chỉ có 10 trường hợp cần được chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, không có trường hợp tử vong nào trong số các trường hợp COVID-19 tại bệnh viện, và chỉ có 11 trường hợp tử vong trên toàn quốc (tháng 4/2020). Kinh nghiệm chính của Singapore là sự chuẩn bị ứng phó khi xảy ra đại dịch và diễn tập thường xuyên về ứng phó với các bệnh truyền nhiễm, kể từ đại dịch SARS năm 2002. Bệnh viện cũng đã nhanh chóng xây dựng các hướng dẫn quản lý trường hợp bệnh và đã chú trọng đáng kể vào việc truyền thông rõ ràng giữa các bác sĩ lâm sàng và giữa các bên có liên quan khác nhau cả trong và ngoài bệnh viện. Kinh nghiệm tại Hàn Quốc: Hàn Quốc đã phát hiện trường hợp COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020. Tính đến ngày 21/4/2020, tổng cộng đã có 10.683 trường hợp được xác nhận với 8.213 ca phục hồi và 237 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong: 2,2%). Quốc gia này đã ngăn chặn thành công sự lây lan vi-rút trong cộng đồng sau một loạt các trường hợp xảy ra ở thành phố Daegu, trong hai tuần trước ngày 21/4, có 57,1% các trường hợp được xác nhận mới là từ người ở nước ngoài về. Các biện pháp kiểm soát đã bao gồm trì hoãn việc bắt đầu năm học trong một tháng, làm xét nghiệm trên diện rộng và theo truy tìm những trường hợp tiếp xúc gần. Tất cả các trường hợp, ngay cả các trường hợp không có triệu chứng có nguy cơ thấp đều được đặt cách ly tại các trung tâm điều trị, nơi được theo dõi các dấu hiệu tiến triển bệnh và chỉ được xuất viện sau hai lần xét nghiệm âm tính cách nhau 24 giờ. Trung tâm y khoa Samsung ở Seoul (Samsung Medical Center in Seoul), với 1.989 giường nội trú đã nhanh chóng chuyển đổi các cơ sở để xử lý nhiều trường hợp bệnh được chuyển đến từ khắp đất nước sau khi hoãn phẫu thuật chương trình. Các biện pháp cụ thể để ngăn ngừa lây nhiễm tại bệnh viện bao gồm: tầm soát thường xuyên và kiểm tra triệu chứng tất cả người vào tòa nhà của bệnh viện bằng cách sử dụng bảng câu hỏi khai báo y tế về các triệu chứng và lịch sử du lịch, yêu cầu mang khẩu trang, khử trùng tay, sử dụng điều khiển giao thông một chiều, và giữ khoảng cách xã hội cho nhân viên. Trong khi đó, Bệnh viện Đại học Quốc gia Kyungpook ở Daegu, 930 giường, ở gần tâm chấn của đợt bùng phát cộng đồng lớn đầu tiên, cũng nhanh chóng tăng quy mô chăm sóc chuyên sâu và thành lập thêm 2 khoa trong vòng năm ngày, ngoài ra, triển khai xét nghiệm nội bộ (PCR) cho tất cả nhân viên và bệnh nhân. Ở cấp quốc gia, dữ liệu người bệnh được chia sẻ nhanh chóng giữa các bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân được chuyển tuyến, trong khi dữ liệu về lịch sử du lịch được tự động cập nhật và chuyển tiếp đến bác sĩ lâm sàng. Trong khi đó, những người được cách ly kiểm dịch tại các trung tâm điều trị có thể sử dụng ứng dụng di động để cập nhật về các triệu chứng của họ. Các hệ thống này được phát triển sau khi dịch MERS-CoV xuất hiện ở Trung Đông (2015). Bài học kinh nghiệm chung: TCYTTG đã tóm tắt một số bài học quan trọng từ ba quốc gia đã có những thành công tương đối của họ trong việc ngăn chặn sự lây truyền vi-rút và giảm thiểu tử vong. Các bài học kinh nghiệm đó là: sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, sàng lọc sớm bệnh nhân nội trú, cách ly sớm các trường hợp, xét nghiệm kịp thời và diện rộng tất cả các trường hợp nghi ngờ và có tiếp xúc với các trường hợp được xác nhận, và chia sẻ dữ liệu nhanh chóng giữa các cơ sở y tế. TCYTTG cũng nhấn mạnh thành công tại các quốc gia này là nhờ sự chuẩn bị tích cực và có sự tích hợp các bài học rút ra từ sự bùng phát của dịch SARS và MERS-CoV trong những năm trước. (Tài liệu tham khảo: “Experiences of hospital management and outbreak control in the context of COVID-19 outbreak and reflections on lessons learned from Hong Kong, Singapore and the Republic of Korea”, WHO) SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...