Mổ bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân Ảnh: Duy Tính Không chỉ làm chủ những kỹ thuật điều trị cao, bệnh viện (BV) ở TP.HCM còn chuyển giao kỹ thuật cho các nước trong khu vực. Điển hình, Robot Da Vinci được BV Bình Dân ứng dụng từ năm 2016, BV Chợ Rẫy ứng dụng năm 2018 trong mổ các bệnh lý liên quan đến ngoại bụng, ung thư. Đến năm 2019, việc mổ bằng robot trở nên thịnh hành nhất và chuyển giao cho cả bác sĩ (BS) nước ngoài. TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, cho biết tính đến cuối năm 2019, BV này đã mổ thành công 858 ca bằng robot điều trị các bệnh lý phức tạp như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, u nang ống mật chủ, u gan, u trung thất… Phẫu thuật này ít xâm lấn, ít mất máu, bệnh nhân hồi phục nhanh, chi phí chỉ bằng 1/2 - 1/5 so với các quốc gia phát triển, ít tai biến. Ca mổ vừa tạo hình khí quản, vừa sử dụng kỹ thuật ECMO cứu bệnh nhân thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy Tháng 11.2019, nhóm BS của BV Bình Dân được mời phẫu thuật hướng dẫn cho BS của BV Philippine General Hospital (BV lớn tại Philippines) mổ robot đầu tiên tại BV này. Đây là dấu ấn nổi bật. Kỹ thuật mổ bằng robot tại BV Bình Dân đạt giải nhất giải thưởng y tế thông minh (giải thưởng thường niên của ngành y tế TP dành cho các ứng dụng khoa học công nghệ tăng cường chất lượng khám, điều trị) và được UBND TP trao tặng bằng khen vào tháng 12.2019. Robot mổ hiện đại nhất Tháng 2.2019, BV Nhân dân 115 gây bất ngờ khi là nơi đầu tiên trong nước thành công với phẫu thuật u não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive. TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết đây là hệ thống robot hiện đại nhất trong phẫu thuật thần kinh hiện nay. Việc ứng dụng robot này đánh dấu bước đi lịch sử của BV nói riêng và của ngành y tế VN nói chung đối với sự phát triển theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chăm sóc sức khỏe người bệnh. Tính đến nay, BV đã phẫu thuật thành công 10 ca bệnh lý u não và u tủy sống bằng hệ thống robot này và giúp BV đoạt giải thưởng y tế thông minh của TP tháng 12.2019. Định hướng phát triển chuyên khoa sâu PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết điểm nhấn của phát triển kỹ thuật y học năm 2019 là các kỹ thuật điều trị cấp cứu chuyên sâu, giúp cứu sống nhiều ca nguy kịch. Phát triển kỹ thuật chuyên sâu không chỉ tập trung ở một vài BV mà có tính lan tỏa ở nhiều BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP. Đây là hướng đi của ngành y tế TP trong nhiều năm qua và tiếp tục trong thời gian tới. Điểm nhấn khác là một số kỹ thuật của các BV TP đã tiếp cận trình độ chuyên sâu của các nước trong khu vực. Điều này là một thực tiễn chứng minh định hướng phát triển y tế TP trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á của lãnh đạo TP là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, tự chủ BV là một yếu tố quan trọng, buộc các nhà quản trị BV phải chọn lựa kỹ thuật để phát triển, đảm bảo sự phát triển chuyên môn kỹ thuật, hạn chế chuyển viện đồng thời tăng thêm giá trị "thương hiệu" của BV. Phát triển kỹ thuật là yếu tố giữ chân nhân viên giỏi trong tình hình hiện nay. Theo ông Thượng, định hướng của Sở Y tế TP rất rõ: Các BV quận, huyện phải phát triển mạnh về các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị cho tất cả các bệnh lý phổ biến. Các BV TP và BV hạng 1 ưu tiên phát triển chuyên sâu, trong đó hồi sức chuyên sâu là yêu cầu đầu tiên được quan tâm trước khi phát triển các kỹ thuật chuyên sâu khác. Các kỹ thuật chuyên sâu đã phát triển tiếp tục phấn đấu được công nhận các chuẩn quốc tế. “Phẫu thuật Robot Modus V Synaptive đến nay được đánh giá là an toàn, hiệu quả, chưa gặp biến chứng sau mổ. Từ tháng 6.1019, BV đã ứng dụng AI Rapid vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối cơ học điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ có hiệu quả đầu tiên tại VN... Đến nay BV đã thực hiện hơn 300 ca, trong đó 135 ca có chỉ định can thiệp cơ học lấy huyết khối não đến sau 6 giờ, trong đó 49% có kết quả tốt (nếu không áp dụng AI Rapid thì chỉ đạt 19%). Với việc ứng dụng các kỹ thuật này, BV Nhân dân 115 đã đạt kỷ lục VN và châu Á về lần đầu tiên ứng dụng”, BS Báu nói. Cứu sống nhiều ca bệnh hiểm Tháng 8.2019, BV Chấn thương chỉnh hình triển khai "phẫu thuật vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ - Anastomotic Coupler” để khâu nối động mạch và tĩnh mạch trong các vết thương đứt lìa chi hay kỹ thuật chuyển vạt da tự do. Đến nay, BV đã thực hiện được 30 ca, bước đầu đạt được kết quả tốt, cứu sống nhiều người bị đứt rời chi, rút ngắn thời gian với ca phẫu thuật phức tạp nối mạch máu. Bệnh viện Nhân dân Gia Định gần đây áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán, điều trị Ảnh: BVCC BS Châu Văn Đính, Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình, cho biết trước đây có nhiều phương pháp nối các mạch máu nhỏ, đa số các BV sử dụng phương pháp nối mạch máu bằng kim chỉ khâu. Phương pháp này chậm và có thể bị tắc mạch do mối khâu không chuẩn xác tùy theo tay nghề của phẫu thuật viên. Năm 2019, BV Chợ Rẫy là đơn vị tiên phong trong thực hiện ứng dụng kỹ thuật ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation, tức trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể) để cứu sống các bệnh nhân suy hô hấp, suy tim cấp nguy kịch thất bại với biện pháp chữa trị trước đây. Tháng 11.2019, BV Chợ Rẫy đã cứu sống nữ bệnh nhân 19 tuổi bị di chứng hẹp khí quản, khó thở sau trị bệnh lao. Theo BS Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực BV Chợ Rẫy, đây là ca bệnh khá hiếm, trước đây điều trị không hiệu quả. Cũng trong năm 2019, BV Từ Dũ áp dụng kỹ thuật EXIT, còn gọi là kỹ thuật điều trị trong khi sanh bên ngoài tử cung, là kỹ thuật chuyên sâu được áp dụng khi thai bị chèn ép đường thở do các khối u bẩm sinh vùng hầu họng. Lãnh đạo BV Từ Dũ cho biết trước đây nhiều bé bị chèn ép đường thở sau sinh, BS chưa kịp trở tay thì bé tím tái, tử vong. Kỹ thuật EXIT ra đời giúp cứu được các bé gặp tình huống này. Tính đến nay, có 3 trẻ mắc phải tình huống trên đã được BV Từ Dũ phối hợp với BV Nhi đồng 1 cứu sống thành công. BV Nhân dân Gia Định là BV đầu tiên của TP ứng dụng siêu âm trong lòng mạch (IVUS). Từ tháng 11.2019 đến nay, BV đã thực hiện thành công 11 ca. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm để khảo sát, đánh giá các cấu trúc của mạch máu, giúp BS đánh giá được tình trạng, cấu trúc của mạch máu. IVUS được sử dụng như một công cụ hỗ trợ trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về mạch máu, đặc biệt là bệnh lý động mạch vành. Còn tại BV Truyền máu huyết học, trước đây, để chuẩn bị cho ca ghép tế bào gốc trị bệnh mà không đồng huyết thống, phải gửi mẫu DNA ra nước ngoài làm xét nghiệm xác định HLA (xác định mô của người hiến có tương thích với người nhận không). Từ tháng 10.2019, BV này là nơi đầu tiên trong nước đưa xét nghiệm xác định HLA độ phân giải cao bằng kỹ thuật giải trình tự gien thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) vào triển khai thường quy, phục vụ cho hoạt động ghép tế bào gốc. DUY TÍNH Nguồn tin : Báo THANH NIÊN Online Xem thêm...