SỞ Y TẾ Làm gì để kiểu hành nghề “vẽ bệnh” không còn “đất sống” ? - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 30/5/20.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Thanh tra Sở Y tế đang thanh, kiểm tra một cơ sở khám, chữa bệnh

    Thuật ngữ “vẽ bệnh” chưa có trong từ điển Việt Nam, nhưng khi nói ra ai cũng hiểu hàm ý của nó, đó là hành vi của một số người lợi dụng sự phó thác của người bệnh cho các thầy thuốc trong lúc khám, chữa bệnh để “vẽ” ra một số bệnh không có thật, hoặc nếu có bệnh thì “vẽ” ra các biến chứng nguy hiểm cần phải can thiệp điều trị ngay với những kỹ thuật điều trị có giá cả cao ngất, chưa nói đến chất lượng điều trị. Điều này đã gây nên sự phẫn nộ ngay trong đội ngũ nhân viên y tế vì nó đã thách thức truyền thống đạo đức của ngành Y.


    Có thể khẳng định đây là một hiện tượng không phổ biến, chỉ xảy ra ở một số rất ít cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân nhưng cứ tái diễn sau mỗi lần cơ quan quản lý đã xử phạt, ngay cả mức cao nhất. Dư luận càng bức xúc hơn khi hiện tượng này chỉ tập trung vào một số ít phòng khám có yếu tố nước ngoài, chủ yếu là các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc.


    Câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở Y tế và các Phòng Y tế quận, huyện đã làm gì để chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật khi hành nghề khám, chữa bệnh ?



    Phải có công cụ và giải pháp để người dân dễ dàng phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh của bất cứ một cơ sở hành nghề nào, trong đó các phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài, cụ thể là có bác sĩ Trung Quốc hành nghề thường được báo đài phản ánh và từng bị Thanh tra Sở xử phạt theo luật định. Đây là một vấn đề cấp bách xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, vì trong công tác quản lý nhà nước của ngành y tế trong thực tế thường bị rơi vào thế bị động, các thông tin phản ánh trên báo đài thường là những vụ việc đã xảy ra ở những thời điểm trước đó, các cơ sở vi phạm khi biết có thông tin phản ánh sẽ lập tức thay đổi hiện trường, che dấu dữ liệu,… nên công tác thanh, kiểm tra gặp không ít khó khăn.


    Vừa qua, Sở Y tế đã chính thức ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến” (cài đặt trên điện thoại thông minh), đây là một công cụ giúp người dân dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh. Đồng thời, Sở Y tế cũng ban hành quy trình phản ứng nhanh khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh qua tổng đài 1022 của thành phố, các thông tin phản ánh về y tế sẽ được chuyển về các cơ quan quản lý nhà nước về y tế và các cơ sở y tế có liên quan. Có thể nói đây là những sản phẩm thiết thực, thể hiện sự quyết tâm cao của các cán bộ công chức đang tham gia công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ người dân. Với những ứng dụng này, bước đầu Thanh tra Sở Y tế đã kịp thời nắm bắt các phản ánh về hành vi vi phạm và kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, Sở Y tế kêu gọi người dân hưởng ứng cài đặt những ứng dụng này trên điện thoại để dễ dàng phản ánh thông tin đến Sở Y tế.


    Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì mức xử lý có đủ sức răn đe chưa và có giải pháp nào để công khai kết quả xử lý để người dân biết ?



    Bất cứ một hành vi cố tình vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng trên sức khoẻ người dân đều phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Đó là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Sở Y tế đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Qua thực tiễn của công tác thanh, kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để đủ sức răn đe đối với các hành vi cố tình vi phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị sửa đổi luật khám, chữa bệnh liên quan đến các quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ trong nước và cả người nước ngoài theo xu thế chung trên thế giới, cũng như các hình thức tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn và vĩnh viễn.


    Cần có thêm kênh thông tin để công khai kết quả thanh, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân và tổ chức trong hành nghề khám, chữa bệnh cho người dân biết đã được Sở Y tế nghiên cứu triển khai trong thời gian qua. Hiện nay, bên cạnh việc công khai kết quả xử lý các vi phạm của các cá nhân và tổ chức khám, chữa bệnh trên trang tin điện tử của Thanh tra Sở Y tế (nằm trong Cổng thông tin của Sở Y tế), Sở Y tế còn chủ động gửi tin nhắn đến người dân về kết quả xử lý các vi phạm qua ứng dụng “Tra cứu KCB” (cài đặt trên điện thoại thông minh) của Sở Y tế. Sở Y tế kêu gọi người dân hãy cài đặt ứng dụng “Tra cứu KCB” trên điện thoại vì ứng dụng này mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong chăm sóc sức khoẻ, ứng dụng sẽ giúp người dân dễ dàng tra cứu nơi khám bệnh theo triệu chứng, đồng thời qua tra cứu sẽ biết được điểm chất lượng của các phòng khám để chọn lựa, đặc biệt, người dân sẽ nhận được tin nhắn của Sở Y tế thông báo kết quả xử lý các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh vi phạm pháp luật, cũng như những tin nhắn quan trọng có liên quan đến quyền của người bệnh (hoàn toàn miễn phí).


    Tuy nhiên, có một thực trạng đang thách thức các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế tại các địa phương đó là các công ty (nhà đầu tư các phòng khám đa khoa tư nhân) sau khi bị xử lý vi phạm hành chính và phạt bổ sung là tạm đình chỉ hoạt động từ 4, 5… tháng thì công ty lại tuyên bố giải thể phòng khám, nhưng ngay sau đó, một công ty mới lại được thành lập và xin cấp phép đầu tư mở lại một phòng khám đa khoa khác cũng vẫn với đội ngũ quản lý và nhân viên y tế đã hành nghề của phòng khám trước đó, thậm chí hoạt động ở ngay tại địa điểm đó với tên gọi hoàn toàn mới.



    Đây là thực trạng đã được Thanh tra Sở và Phòng Quản lý dịch vụ y tế ghi nhận. Các phòng khám mới này được thành lập không trái quy định pháp luật hiện hành, nhưng lãnh đạo Sở Y tế vẫn yêu cầu các phòng chức năng, nhất là Thanh tra Sở và các Phòng Y tế quận, huyện phải đặc biệt quan tâm giám sát có trọng điểm hoạt động của những phòng khám này. Nếu tiếp tục cố tình vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả đình chỉ hoạt động có thời hạn. Nếu tái vi phạm thì tiếp tục đề xuất xử lý hành vi tái vi phạm ở mức cao nhất, nói cách khác, cơ quan quản lý phải chọn giải pháp “chạy đua đường dài”, không được phép nản chí.


    Về lâu dài, Sở Y tế kiến nghị cần có biện pháp xử lý mạnh hơn mang tính răn đe, giống như hình thức bấm lỗ bằng lái xe trong lĩnh vực giao thông trước đây, nếu cứ cố tình vi phạm khi hành nghề ở cùng một bác sĩ, cùng một cơ sở khám, chữa bệnh thì cơ quan quản lý nhà nước được phép “bấm lỗ” chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động cho đến lúc phải thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn.


    Vì sao vẫn có người bệnh tìm đến các phòng khám vốn đã bị phản ánh và xử lý trước đó ? Có phải vì các bệnh viện công lập và tư nhân chưa cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đáp ứng nhu cầu của khách hàng như các phòng khám này ?



    Đây cũng là một ý kiến cần được phân tích. Điểm lại những hành vi vi phạm của các phòng khám đa khoa tư nhân được dư luận phản ánh trong nhiều năm qua thường rơi vào các bệnh lý “khó nói”, tâm lý ngại đến các cơ sở y tế uy tín nhưng đông người, thời gian chờ lâu, thủ tục hành chính phức tạp hơn,… cũng là một lý do cần được quan tâm. Các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa công lập và tư nhân của thành phố đều có cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ liên quan đến sinh sản, da liễu, nam khoa,… Hiện nay, các bệnh viện chuyên khoa như Bình dân, Da liễu,… đã có các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đối với nhóm bệnh lý này với các thủ tục đăng ký đơn giản và kín đáo. Sở Y tế khuyến khích các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tiếp tục nghiên cứu triển khai các loại hình khám, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các loại bệnh lý này đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.


    Giải pháp nào là mang tính triệt để hướng đến nguyên nhân gốc rễ và không còn tạo ra kẻ hở để tồn tại kiểu hành nghề lợi dụng người bệnh để “vẽ bệnh” ?



    Như vậy, qua phân tích trên, để kiểu hành nghề “vẽ bệnh” không còn “đất sống” đòi hỏi sự quyết tâm và cùng hành động từ người dân (người sử dụng các dịch vụ y tế) cho đến nhiều cơ quan chức năng có liên quan, cụ thể là:


    - Người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế cần phản ánh ngay đến cơ quan chịu trách nhiệm quản lý (Sở Y tế, Phòng Y tế quận, huyện) khi phát hiện hoặc nghi ngờ người hành nghề khám, chữa bệnh có các hành vi “vẽ bệnh”. Người dân có thể phản ánh bằng nhiều hình thức khác nhau, Sở Y tế khuyến khích người dân nên cài đặt ứng dụng “Y tế trực tuyến” để dễ dàng phản ánh.


    - Cơ quan quản lý nhà nước (Sở Y tế, Phòng Y tế trực thuộc UBND quận, huyện) phải có các giải pháp chủ động phát hiện và vận hành có hiệu quả “Quy trình phản ứng nhanh trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực y tế” nhằm kịp thời xử lý nghiêm minh đủ sức răn đe các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở khám, chữa bệnh tìm mọi cách để thu tiền từ người bệnh. Phát huy hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa Sở Y tế với các Sở, ngành có liên quan, với UNND quận, huyện, và Công an thành phố trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.


    - Các cơ sở y tế công lập, nhất là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành trên địa bàn thành phố chủ động báo cáo Sở Y tế khi phát hiện các sự cố y khoa liên quan đến các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại các phòng khám tư nhân, đồng thời tiếp tục phối hợp với các phòng chức năng của Sở Y tế cử các chuyên gia tham gia các đoàn kiểm tra thực tế theo quy trình phản ứng nhanh của Sở Y tế.

    - Các cơ quan báo chí tiếp tục ghi nhận và phản ánh công khai để người dân biết, đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết cho cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.


    - Bổ sung, chỉnh sửa các quy định pháp luật liên quan đến mức xử phạt đảm bảo đủ sức răn đe các hành vi lợi dụng sức khoẻ người bệnh để trục lợi, hành vi hành nghề quá năng lực chuyên môn cho phép gây tai biến. Kiến nghị sớm bổ sung và sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến cấp, tước chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ trong nước và cả bác sĩ nước ngoài theo xu thế phát triển chung của hệ thống y tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này