Theo TCYTTG, du lịch y tế là người dân của một nước hành trình qua biên giới đến các nước khác với mong muốn tiếp cận một số loại hình chăm sóc và điều trị tiên tiến. Các loại hình chăm sóc và điều trị này bao gồm đủ các chuyên khoa, nhưng phổ biến nhất vẫn là chăm sóc nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật chương trình và điều trị hỗ trợ sinh sản. Du lịch y tế được dự báo sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu trong thập niên tới. Ngay tại Mỹ, người dân của quốc gia này đã sử dụng số lượng đáng kể các dịch vụ chăm sóc y tế ở nước ngoài, kể cả các loại phẫu thuật can thiệp khẩn cấp và phẫu thuật chương trình. Đánh giá nguyên nhân làm cho du lịch y tế tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, các chuyên gia nhận định phần lớn là do sự phát triển nhanh của công nghệ y tế, do chi phí đi lại giảm và tác động của quảng cáo nhằm thu hút bệnh nhân. Các chuyên gia về du lịch y tế của TCYTTG đã phân biệt du lịch y tế thành 2 nhóm: (1) Du lịch sức khoẻ (Medical tourism) nghĩa là đi du lịch kết hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đi du lịch kết hợp với làm thẩm mỹ chăm sóc sắc đẹp, hoặc đi du lịch kết hợp với làm các thủ thuật không thiết yếu (không phải để chữa bệnh) khác; (2) Đi nước ngoài chữa bệnh (Medical travel), nghĩa là đi nước ngoài với mục đích chính là điều trị bệnh với mong muốn duy trì chất lượng cuộc sống. Những lợi ích tiềm năng của du lịch y tế mà các ngành y tế các nước đang khai thác để cạnh tranh khách hàng chính là: chất lượng chăm sóc, giảm chi phí điều trị và giảm thời gian chờ đợi. Ngoài ra, phát triển du lịch y tế còn làm tăng khả năng tiếp cận một số phương pháp điều trị cho cộng đồng dân cư tại địa phương, người dân địa phương được tiếp cận các cơ sở y tế với cơ sở hạ tầng tốt hơn . Ví dụ, ở Ấn Độ, từ khi đẩy mạnh du lịch y tế, một số bệnh viện đã có bộ mặt mới để phù hợp cho khách du lịch y tế với các dịch vụ chăm sóc được cải thiện cho cả bệnh nhân địa phương. Tại Panama và Thái Lan, các bệnh viện của 2 quốc gia này cũng phát triển các dịch vụ nhằm thu hút bệnh nhân đến từ nước ngoài, nhưng cũng tạo ra những cơ sở mới cho người dân địa phương. Như vậy, một môi trường cạnh tranh về dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã giúp kiểm soát chi tiêu y tế và tăng khả năng tiếp cận cho người dân, đối với các nước phát triển, du lịch y tế có thể dẫn đến việc giảm nhẹ chi phí cho y tế. Theo TCYTTG, phát triển du lịch y tế chỉ thật sự có ý nghĩa khi hệ thống y tế của nước sở tại cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ y tế không chỉ cho khách du lịch mà còn cho cả người dân địa phương. Tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương có thể bị ảnh hưởng bất lợi nếu nhân viên y tế của các cơ sở y tế dành thời gian chủ yếu của họ để điều trị cho người nước ngoài hơn là cho người dân của cộng đồng địa phương, vấn đề đạo đức sẽ được đặt ra ở các quốc gia khi mà người dân địa phương không có khả năng tiếp cận các dịch chăm sóc y tế cơ bản do không có khả năng chi trả. Do đó, triển khai hoạt động du lịch y tế cần phải nghiên cứu kỹ về các rủi ro tiềm tàng và lợi ích thu được của nó để có các lựa chọn phù hợp. Một vấn đề quan trọng và đáng được quan tâm đó là du lịch y tế cũng có những rủi ro tiềm ẩn của nó đối với khách du lịch. Nếu không may các biến chứng điều trị xảy ra, các chi phí phát sinh thêm là khó tránh khỏi, nhưng thường là các công ty bảo hiểm không sẵn sàng chi trả các chi phí này. Du lịch y tế có những yếu tố bất lợi cho khách du lịch đối với ai có cơ địa yếu, không có nơi ở thân thiện, thiếu sự hỗ trợ xã hội, không quen thuộc với ngôn ngữ địa phương hoặc ngôn ngữ quốc tế. Ngày nay, khách du lịch y tế thường theo chiều người dân của các nước có thu nhập cao đi đến các nước có thu nhập trung bình để chữa bệnh, tương ứng với hiện tượng này chính là sự khác biệt về các chuẩn mực trong thực hành lâm sàng. Do đó, việc các bệnh viện của các nước đang phát triển phấn đấu đạt chuẩn quốc tế không chỉ ở cơ sở hạ tầng mà quan trọng hơn đó là chuẩn chất lượng bệnh viện là một yêu cầu chính đáng. Một vấn đề khác cũng cần quan tâm đó là dữ liệu về du lịch y tế của một quốc gia. Nhận định về số liệu báo cáo hiệu quả của hoạt động du lịch y tế, hiện nay vẫn chưa có nguồn dữ liệu chính thức và đáng tin cậy, mỗi quốc gia có cách thu thập dữ liệu khác nhau. Ví dụ, Singapore thu thập dữ liệu về du lịch y tế bằng cách phát phiếu thăm dò ý kiến tại sân bay đối với những du khách đã đến với mục đích chính là được chăm sóc y tế. Thái Lan báo cáo trên 1,5 hàng triệu du khách y tế hàng năm, nhưng ước tính chỉ có một phần ba được dành riêng cho việc điều trị y tế, họ lấy cả dữ liệu người nước ngoài được chăm sóc y tế tại bệnh viện, kể cả những người nước ngoài không phải thuộc diện đi du lịch y tế, số liệu ước tính được xem là du lịch y tế bao gồm cả những du khách đến với các liệu pháp chăm sóc sắc đẹp, sử dụng các khu nghỉ mát và spa. Tại Hungary, một quốc gia thường được miêu tả là một trong những trung tâm du lịch y tế ở châu Âu với tới 1,8 triệu du khách du lịch y tế mỗi năm, nhưng phần lớn du khách trong số đó là du lịch trong ngày về chăm sóc sức khỏe hoặc chăm sóc nha khoa. Dữ liệu có sẵn cho các quốc gia và khu vực khác nhau cho thấy sự tập trung nổi bật vào các quốc gia châu Á, bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Việc xây dựng nguồn dữ liệu rõ ràng về du lịch y tế là rất cần thiết, nguồn dữ liệu này sẽ là chứng cớ khoa học và thực tiễn để xây dựng chính sách về du lịch y tế của một quốc gia. SỞ Y TẾ TP.HCM Trang nguồn: Medinet