SỞ Y TẾ Nhân viên y tế đang bị “hội chứng burn-out” - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 2/9/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    Đó là cảnh báo của TCYTTG qua chuyên đề “Health workforce burn-out” được đăng trên Tạp chí “Bulletin of the World Health Organization” (Volume 97, Number 9, tháng 9/2019). Theo TCYTTG, nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế đang gây căng thẳng chưa từng thấy đối với các hệ thống y tế của nhiều nước trên thế giới, trong đó nhân viên y tế đang chịu một sức ép rất lớn. Nhiều người đang bị “hội chứng burn-out”, điều này sẽ tước đi nguồn tài nguyên quan trọng nhất của hệ thống y tế của bất kỳ một quốc gia nào, đó là nhân viên y tế.


    Theo Phân loại bệnh quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới, những người bị “hội chứng burn-out” thường cảm thấy bị kiệt sức, cảm thấy hoài nghi về công việc của chính họ, và hiệu quả công việc giảm hẳn, hậu quả là khiến bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm. Cho đến nay, không rõ đã có bao nhiêu người làm việc trong ngành y tế trên toàn thế giới bị hội chứng này, vì hầu hết các nghiên cứu được thực hiện ở các nước thu có nhập cao. Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Y học Nghề nghiệp Quốc tế đã ước tính tỷ lệ mắc “hội chứng burn-out” của 30 quốc gia theo mức thu nhập, tỷ lệ bị hội chứng “burn-out” nằm trong khoảng từ 17,2% (Nhật Bản) và 32% (Canada).


    Về nguyên nhân, được nhắc đến đầu tiên là khối lượng công việc của nhân viên y tế tăng rõ rệt tương đồng với mục tiêu gia tăng tỷ lệ bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, trong đó có sự gia tăng rõ rệt số lượng bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính không lây, nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là điều trị các bệnh về cơ xương khớp, sức khỏe tâm thần và các bệnh không lây nhiễm khác như ung thư và bệnh tim. Khối lượng công việc tăng, nhu cầu chăm sóc phức tạp hơn và kỳ vọng của người bệnh cao hơn là những nguyên nhân phổ biến của “hội chứng burn-out” ở nhân viên y tế.


    Một ví dụ điển hình, vào năm 2009, Trung Quốc đã chính thức cam kết đạt được bao phủ chăm sóc y tế toàn dân cho 1,4 tỷ người và trong 10 năm qua, các cơ sở y tế đã tiến gần đến mục tiêu này với độ bao phủ dịch vụ chăm sóc cơ bản đạt hơn 95% dân số. Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ gia tăng kết hợp với sự gia tăng mạnh mẽ số lượt khám và nhập viện điều trị nội trú. Theo Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc, từ năm 1995 đến 2015, số lượt khám ngoại trú tại Trung Quốc đã tăng 100%. Tỷ lệ nhập viện vào các cơ sở y tế công lập tăng gần 300%. Trong khi đó, số lượng bác sĩ được cấp phép trên khắp Trung Quốc chỉ tăng 58%. Trung Quốc hiện có khoảng 1,9 bác sĩ/1000 dân so với mức trung bình là 3,4 bác sĩ/1.000 dân tại các quốc gia có thu nhập cao. Sự chênh lệch giữa năng lực của nhân viên y tế và nhu cầu của người bệnh đã dẫn đến một lực lượng lao động bị quá tải, thời gian chờ đợi của người bệnh tăng lên và chất lượng cung ứng dịch vụ thấp hơn so với mong đợi của người bệnh. “Burn-out” không chỉ liên quan đến sức khỏe của bác sĩ, mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh. Ở Trung Quốc, những bệnh nhân bất đồng đã bắt đầu tấn công nhân viên y tế. Theo các chuyên gia, bạo lực của người nhà người bệnh và “hội chứng burn-out” của nhân viên y tế là hai mặt của một vấn đề. “Hội chứng burn-out” góp phần dễ gây nên bạo lực tại nơi làm việc, sau đó bạo lực tại nơi làm việc góp phần làm nhân viên y tế bị “hội chứng burn-out” trầm trọng hơn. Những tác hại do “hội chứng burn-out” không chỉ giới hạn ở việc chăm sóc dưới mức tối ưu và sự không hài lòng của người bệnh, nó còn liên quan đến sự nghỉ việc của nhân viên y tế và doanh thu của bệnh viện, làm mất chức năng tổ chức, làm giảm hiệu quả của tổ chức.


    Một số quốc gia thu nhập thấp và trung bình đang thực hiện các chương trình phòng ngừa hoặc giảm thiểu “hội chứng burn-out” ở nhân viên y tế. Tại Togo, Bộ Y tế và Vệ sinh Công cộng đã làm việc với TCYTTG và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các giải pháp để tránh bị “hội chứng burn-out” bên cạnh các nguy cơ nghề nghiệp khá cao như nguy cơ nhiễm trùng và làm việc ở môi trường nhiệt độ cao. Các yếu tố tâm lý xã hội có thể dẫn đến “hội chứng burn-out”đang được đánh giá tại 10 địa điểm được chọn làm thí điểm. Mỗi địa điểm có một nhà tâm lý học nghề nghiệp và một điều dưỡng để giúp phát hiện “hội chứng burn-out” và xây dựng một chiến lược để ngăn chặn, dự án chỉ mới bắt đầu nên còn quá sớm để đánh giá tác động. Tại Sri Lanka, Bộ Y tế đang bắt đầu với một chương trình sức khỏe, an toàn và phúc lợi nghề nghiệp cho nhân viên y tế trong năm nay.


    Tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã hợp tác với ILO và TCYTTG sử dụng một công cụ cải thiện chất lượng cho các cơ sở y tế được gọi là “HealthWISE”, công cụ này khuyến khích các nhà quản lý và nhân viên y tế hợp tác để cải thiện điều kiện làm việc của họ. Mục đích của “HealthWISE” là giúp phát triển tầm nhìn và kế hoạch chiến lược, tập hợp các phần riêng biệt của một cơ sở y tế và xem chúng như là các thành phần của một tổng thể. Theo cách này, các thay đổi đối với một đơn vị hoặc khu vực có tính đến các hậu quả có thể xảy ra, tốt hay xấu đối với tất cả các đơn vị hoặc khu vực khác.


    [​IMG]

    “HealthWISE” giúp phát triển tầm nhìn và kế hoạch chiến lược cho các nhà quản lý bệnh viện nhằm cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên y tế (WHO, ILO)


    Đã có quá nhiều sự tập trung vào cá nhân trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến “hội chứng burn-out”, và đã đến lúc phải nhìn nhận nó từ quan điểm của hệ thống y tế. Coi “hội chứng burn-out” là một triệu chứng của điều kiện làm việc kém trong ngành y tế, đảm bảo các điều kiện làm việc tốt trong trong lĩnh vực y tế là ưu tiên hàng đầu. TCYTTG và ILO đang hợp tác để kích thích các quốc gia cố gắng phát triển các chương trình quốc gia để bảo vệ sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên y tế.


    Công cụ cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên y tế: “HealthWISE” (File đính kèm)

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này