Dưới đây là tóm lược các chứng cứ khoa học về các yếu tố tác động lên kết quả sức khoẻ của cá thể và cộng đồng qua chuyên đề “Health at a Glance 2017”, 1/2018, OECD. Đặc điểm sinh học và các dịch vụ y tế sẵn có không đủ để giải thích sự khác biệt về sức khỏe của từng cá thể trong một cộng đồng. Chứng cứ khoa học ngày càng tăng đã chứng minh rằng sức khỏe của một cá thể cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác bên cạnh chăm sóc y tế nhận được (Marmot và Wilkinson, 2006; WHO, 2008). Một số yếu tố này vẫn có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hệ thống y tế, thông qua các biện pháp phòng ngừa và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, các yếu tố quyết định liên quan đến lựa chọn lối sống là rất quan trọng. Các yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ như hút thuốc lá, rượu và chế độ ăn uống không lành mạnh, và ngược lại các hoạt động tốt cho sức khỏe như hoạt động thể chất. Các yếu tố xã hội rộng hơn có tác động đến sức khỏe đóng vai trò quan trọng. Các điều kiện về thu nhập, giáo dục, làm việc và sinh hoạt đều là những yếu tố quan trọng. Có đủ thu nhập cho phép mọi người mua hàng hóa và dịch vụ thiết yếu để duy trì hoặc cải thiện sức khỏe, chẳng hạn như thực phẩm dinh dưỡng và nơi ở; nhưng có thu nhập cao hơn cũng có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ do phải làm việc dài hơn và căng thẳng hơn (Fuchs, 2004). Người có học thức hơn, thường cũng có thu nhập khá hơn, có thể nhận được thông tin tốt hơn về các hoạt động tìm kiếm sức khỏe (Mackenbach và cộng sự, 2008). Tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc kém ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần, và một số nghề nhất định có nguy cơ bị chấn thương nặng hơn (Bassanini và Caroli, 2014), sống trong một môi trường không hợp vệ sinh, không an toàn hoặc ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh hoặc tử vong (Gibson và cộng sự, 2011; Deguen và Zmirou-Navier, 2010). Các yếu tố xã hội mang tính quyết định đối với sức khỏe thường liên kết chặt chẽ với nhau. Ví dụ, một người được giáo dục tốt hơn thì thường cũng có thu nhập tốt hơn, sống trong môi trường lành mạnh hơn và ít có khả năng hút thuốc hơn. Hơn nữa, một số nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt lớn về thu nhập không chỉ gây ra sự bất bình đẳng về sức khỏe, mà còn có thể gây bất lợi cho sức khoẻ dân số (Pickett và Wilkinson, 2015). Hơn nữa, thực tế của các nước phát triển (các nước thuộc tổ chức OECD) cho thấy, mặc dù đã đạt được độ phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, nhưng tại các nước này các cá nhân từ các nhóm thiệt thòi nhất trong xã hội thường có xu hướng tiếp cận rất khó khăn với các dịch vụ y tế. Một số cá nhân có thể không biết hoặc không muốn sử dụng các dịch vụ y tế có sẵn cho họ. Các khoản đồng thanh toán và các khoản thanh toán trực tiếp khác của người sử dụng dịch vụ y tế mà không có cơ chế miễn trừ hiệu quả sẽ ảnh hưởng không cân xứng đến người nghèo (OECD, 2014, 2015a). Nhìn chung, chi tiêu cho y tế, thu nhập và giáo dục có tác động đáng kể đến sức khỏe dân số (Berger và Messer, 2002; OECD, 2010; Heijink và cộng sự, 2013; Moreno- Serra và Smith, 2015); các yếu tố ô nhiễm môi trường và lối sống (đặc biệt là hút thuốc và uống rượu) thường có tác dụng xấu đến sức khoẻ (Shaw, 2005; Blázquez-Fernádez và cộng sự, 2013). Một số ít công trình nghiên cứu đã kết hợp các biến phản ánh tình trạng thất nghiệp, danh mục nghề nghiệp hoặc bất bình đẳng thu nhập, và khi được đưa vào, chúng có nhiều kết quả khác nhau (Or, 2000; Lin, 2009). Các công trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng chi tiêu cho y tế và thu nhập thường có tác động mạnh hơn đến việc giảm tỷ lệ tử vong đối với những bệnh lý có thể có thể phòng tránh được và giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh hơn là làm tăng tuổi thọ của dân số (Heijink và cộng sự, 2013; Nixon và Ulmann, 2006). Các yếu tố động cũng đóng vai trò quan trọng, ví dụ, suy thoái kinh tế tạm thời đã cho thấy nhiều ảnh hưởng khác nhau đến kết quả sức khỏe, làm xấu đi sức khỏe tâm thần nhưng cũng có khả năng làm giảm tỷ lệ tử vong chung do tử vong do tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường giảm (Ruhm, 2012; Van Gool và Pearson, 2014; Laliotis và cộng sự, 2016). SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...