Khi các chương trình tiêm vắc-xin COVID-19 được tiến hành ở nhiều quốc gia, Chính phủ nhiều nước trên toàn thế giới đang xem xét việc phát hành giấy chứng nhận vắc-xin để tạo điều kiện mở cửa lại các nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn bằng cách nới lỏng một số hạn chế đối với các cá nhân đã được tiêm vắc-xin chống lại vi-rút SARS-COV-2. Vấn đề đặt ra là những chứng nhận vắc-xin như vậy là hợp lý chưa? Có khả năng hữu ích không? Và, quan trọng nhất là có công bằng không? Giả định của việc sử dụng giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin COVID-19 là việc tiêm vắc-xin không chỉ bảo vệ con người khỏi mắc bệnh, mà còn làm giảm nguy cơ trở thành người bị nhiễm và lây lan vi-rút. Theo giả định này, các cá nhân đã tiêm vắc-xin có thể tiếp tục các hoạt động đòi hỏi các tương tác xã hội và du lịch quốc tế mà không gây lây truyền SARS-COV-2 đáng kể trong cộng đồng trong nước hoặc lây ra nước ngoài. Trên cơ sở này, Mỹ và Israel đã thay đổi khuyến nghị hành vi cho các cá nhân đã được tiêm phòng. Tại Israel, quốc gia đã triển khai tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 cho hơn một nửa dân số trưởng thành, và đã triển khai giấy chứng nhận vắc-xin, mà quốc gia này đặt tên là “Thẻ xanh” (Green Pass), vào cuối tháng 2 vừa qua. Những người có thẻ xanh có thể đến các địa điểm như nhà hát, phòng hòa nhạc và nhà hàng và quán bar trong nhà – những nơi vẫn bị cấm đối với những ai chưa tiêm vắc-xin, và sẽ được phép du lịch không bị hạn chế đến Hy Lạp, theo thỏa thuận giữa hai nước. Tại Hoa Kỳ, theo các khuyến nghị mới của CDC vừa được công bố vào ngày 8/3 vừa qua, những ai đã tiêm vắc-xin thì được phép tiếp xúc nhau mà không cần đeo khẩu trang và không cần duy trì khoảng cách vật lý, và điều này cũng được áp dụng đối với người chưa tiêm vắc-xin với điều kiện họ thuộc nhóm có nguy cơ thấp bị COVID-19 nặng. Tuy nhiên, tác dụng của việc tiêm vắc-xin làm giảm sự lây truyền SARS-COV-2 trong cộng đồng vẫn chưa được làm sáng tỏ bằng các chứng cứ khoa học. Các báo cáo sơ bộ từ Israel, Anh và Mỹ cho rằng vắc-xin Moderna và Pfizer-BionTech có thể làm giảm sự lây truyền SARS-COV-2 bằng cách làm giảm tải lượng virus đối với người sau tiêm khi bị lây nhiễm hoặc bằng cách phòng ngừa nhiễm trùng không có triệu chứng cũng như phòng ngừa mắc bệnh. Nhưng cho đến khi những dữ liệu này đã được bình duyệt (peer-reviewed) và giá trị công trình được xác nhận, sự không chắc chắn sẽ vẫn tồn tại khi dựa vào giấy chứng nhận vắc-xin để mở cửa lại các nền kinh tế. Trên cơ sở đó, WHO khuyến cáo không nên đưa chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19 để đi du lịch quốc tế. Tuy nhiên, thành lập một nhóm làm việc về Chứng nhận tiêm chủng thông minh (Smart Vaccination Certificate), chủ yếu xác định những chuẩn bảo mật nào mà chứng nhận tiêm vắc-xin cần phải đáp ứng. Bảo mật thông tin cá nhân phải là nền tảng của việc phát triển chứng nhận tiêm vắc-xin, đảm bảo người dùng được bảo vệ khỏi việc sử dụng sai dữ liệu, giả mạo và vi phạm quyền riêng tư dữ liệu cá nhân và dữ liệu sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn còn những cân nhắc khác cần được xem xét. Việc chưa biết về thời gian miễn dịch do vắc-xin tạo ra và nguy cơ xuất hiện các biến thể SARS-CoV-2 mới với khả năng thoát khỏi tác dụng phòng chống của vắc-xin làm dấy lên câu hỏi về thời hạn hiệu lực của chứng nhận vắc-xin và những bằng chứng đảm bảo người sở hữu giấy chứng nhận vẫn miễn dịch với các chủng vi-rút đang lưu hành. Ở góc độ xã hội, việc cấp giấy chứng nhận tiêm vắc-xin nhằm đảm bảo quyền tiếp cận các hoạt động, các địa điểm hoặc du lịch quốc tế chắc chắn sẽ tạo động lực cho việc mở cửa trở lại một số lĩnh vực của nền kinh tế, chẳng hạn như khách sạn, bán lẻ không thiết yếu và du lịch. Tuy nhiên nó cũng có nguy cơ tạo ra phân cấp đối xử trong xã hội, trong đó những người đã được tiêm vắc-xin thì có những đặc quyền, còn người chưa được tiêm vắc-xin thì bị từ chối. Ở những quốc gia mà việc triển khai tiêm vắc-xin đang diễn ra nhanh chóng, sự bất bình đẳng này có thể được giải quyết chỉ trong vài tháng, nhưng ở những nước khác, tình trạng này có thể kéo dài hơn. Và góc độ quốc tế, trong bối cảnh cung ứng vắc-xin COVID-19 còn hạn chế như hiện nay và hiện tượng phân phối vắc-xin không công bằng trên toàn cầu, việc triển khai các chứng nhận tiêm vắc-xin để đi du lịch sẽ tạo điều kiện cho công dân của các quốc gia có thu nhập cao tự do đi lại hơn so với công dân của các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Giữ cân bằng giữa việc hỗ trợ phát triển kinh tế và ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 là thách thức chính đối với các chính phủ trên toàn cầu trong suốt đại dịch COVID-19. Cùng với các nguyên tắc về công bằng và bình đẳng, các quyết định đưa ra phải dựa trên bằng chứng khoa học đáng tin cậy khi quyết định triển khai các chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19. (Tài liệu tham khảo: “Vaccine certificates: does the end justify the means?” – The Lancet, Vol 2, April 2021) SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...