SỞ Y TẾ Nỗ lực cải thiện cung ứng dịch vụ công trong công tác khám bệnh, chữa bệnh hướng đến nâng cao sự hài lòng của người dân - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 31/10/20.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Trong những năm qua, Ngành Y tế luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố, không ngừng được đầu tư phát triển cả về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Trên tinh thần đó, các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh đã không ngừng nâng cao năng lực, triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu bao phủ mô hình bệnh tật, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân thành phố và người dân khu vực phía Nam.


    Tổng số lượt khám, chữa bệnh của thành phố luôn ở mức cao và có xu hướng tăng dần mỗi năm, riêng năm 2019, tổng lượt khám trên địa bàn thành phố đã vượt con số 50 triệu lượt, cao nhất trong 10 năm qua. Với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động trong công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân”, trong những năm qua, ngành y tế Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp mang tính sáng tạo nhằm không ngừng cải tiến chất lượng khám bệnh chữa bệnh và nâng cao sự hài lòng của người dân, cụ thể là:


    Từ tháng 3/2020, Sở Y tế đã chính thức ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến” (cài đặt trên điện thoại thông minh), trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”, có thể nói đây là một công cụ hữu ích giúp người dân dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh. Hiện đã có trên 100 phản ánh do người dân gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước là Thanh tra Sở Y tế thông qua ứng dụng này. Các phản ánh sau khi được Thanh tra Sở Y tế tiếp nhận xử lý (không quá 2 ngày sau khi nhận được thông tin phản ánh) sẽ công khai kết quả xử lý cho người dân biết.


    Trước đó, từ tháng 5/2017, Sở Y tế chính thức triển khai hệ thống ki-ốt khảo sát không hài lòng đặt tại khoa khám bệnh của các bệnh viện, hoạt động này giúp cho các bệnh viện chủ động nắm bắt những ý kiến không hài lòng của người bệnh ngoại trú sau khi đến khám bệnh tại các bệnh viện, từ đó chủ động tìm nguyên nhân và có giải pháp cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh. Điều đáng ghi nhận là sau hơn 3 năm triển khai, ý kiến không hài lòng của người bệnh đã giảm rõ rệt ở tất cả 15 nội dung được khảo sát.



    Bên cạnh khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh ngoại trú, Sở Y tế đã nghiên cứu thử nghiệm và chính thức triển khai hoạt động khảo sát trải nghiệm người bệnh nội trú kể từ tháng 4/2019. Khảo sát này giúp lãnh đạo các bệnh viện chủ động nắm bắt những trải nghiệm không tốt, những trải nghiệm tiêu cực của người bệnh và thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện, giúp bệnh viện chủ động tìm nguyên nhân và có giải pháp phù hợp để kịp thời chấn chỉnh hướng đến làm tăng sự hài lòng của người bệnh nội trú.


    Một hoạt động thiết thực khác của Ngành Y tế thành phố xuất phát từ việc nắm bắt được mong đợi chính đáng của người dân về việc cần có một kênh thông tin chính thống giúp người dân tìm ra nơi khám, chữa bệnh phù hợp, kể từ tháng 8/2019, Ngành y tế thành phố chính thức ra mắt ứng dụng có tên gọi “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh”. Có thể nói đây là một sản phẩm của sự đồng thuận và quyết tâm cao với sự tham gia của tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại thông minh giúp cho người dân dễ dàng tìm kiếm nơi khám, chữa bệnh phù hợp với các triệu chứng và các nhu cầu riêng của từng người như: loại hình dịch vụ KCB, ngày giờ khám thuận tiện, cơ sở KCB gần nơi cư trú ,... và người dân có thể nhận xét và đánh giá cơ sở y tế một cách dễ dàng sau khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.


    Một hoạt động không thể không nhắc đến trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân thành phố đó là phát triển mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh bao phủ địa bàn thành phố. Sau hơn 05 năm triển khai, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã có 34 trạm cấp cứu vệ tinh hoạt động, số cuộc gọi cấp cứu đã tăng hơn 3 lần so với trước đây chứng tỏ người dân đã bắt đầu tin tưởng vào hệ thống cấp cứu 115 của thành phố. Cùng với các trạm cấp cứu vệ tinh, vào tháng 11/2018, mô hình xe cấp cứu hai bánh ra mắt đã phát huy tác dụng và nhận được sự đánh giá cao của người dân, đặc biệt là người cao tuổi, cư ngụ tại các khu dân cư có hẻm nhỏ xe cứu thương khó có thể tiếp cận được.


    Bên cạnh đó, Ngành y tế thành phố đã khởi động lộ trình chuyển đổi trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, năm 2019 đã có 24 trạm y tế điểm của 24 quận huyện được ưu tiên phân bổ nguồn lực để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Đặc biệt, bằng ứng dụng CNTT, Sở Y tế chính thức triển khai hoạt động kết nối bác sĩ của trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố để được tư vấn, hội chẩn từ xa, góp phần mang lại niềm tin cho người dân quay trở lại với trạm y tế, hạn chế chuyển viện lên các bệnh viện thành phố, về lâu dài sẽ góp phần giảm tải cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên.


    Trong năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Ủy ban nhân dân TP.HCM về tăng cường quyết liệt các biện pháp bảo vệ người bệnh có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, Ngành y tế thành phố đã triển khai hoạt động khám, chữa bệnh tại nhà đối với người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính không lây, đồng thời tăng cường kết nối giữa các bác sĩ KCB tại nhà với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện tuyến cuối để hội chẩn và tư vấn chuyên môn từ xa. Đến thời điểm hiện tại, đã có 52 cơ sở khám, chữa bệnh đã đăng ký triển khai hoạt động khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi.


    Mới đây, Bệnh viện Từ Dũ là bệnh viện thứ 4 của TPHCM chính thức triển khai khám chữa bệnh từ xa theo đề án “Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025” của Bộ Y tế, trước đó là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi đồng 1. Với hệ thống telemedicine hiện đại, có thể khẳng định đây là một công cụ thiết thực giúp lấp đầy khoảng trống về năng lực chuyên môn giữa các cơ sở y tế với nhau, nhất là các cơ sở y tế ở vùng xa vùng sâu, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm chuyển tuyến khi chưa thật cần thiết. Việc hình thành “2 hội đồng tư vấn” tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố, trong đó 1 hội đồng là các chuyên gia đầu ngành và 1 hội đồng là “trí tuệ nhân tạo” chắc chắn sẽ làm tăng giá trị cho hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.


    Cuối cùng, một hoạt động rất đặc biệt không thể không nhắc đến đó là báo động đỏ liên viện, được Ngành Y tế chính thức triển khai từ năm 2016: quy trình “Báo động đỏ” đã trở thành quy trình chuẩn mực được áp dụng rộng khắp cả nước, cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch, là điểm nhấn trong công tác khám chữa bệnh của ngành y tế thành phố trong nhiều năm qua. Quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các khoa phòng trong bệnh viện và giữa các bệnh viện với nhau – bỏ qua những bước mang tính thủ tục hành chánh trong công tác khám, chữa bệnh - nhằm tập trung cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch cần sự phối hợp can thiệp của nhiều chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Khởi nguồn từ TPHCM, từ tháng 11/2016, Bộ Y tế đã chính thức bổ sung quy trình “Báo động đỏ nội viện và liên viện” vào Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam.


    Theo kết quả điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế - giáo dục năm 2019 của Viện Nghiên cứu và phát triển, chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế trên địa bàn thành phố là 80,30%. Chỉ số này phần nào đã phản ánh những nỗ lực của toàn ngành Y tế thành phố bước đầu đã tạo dựng niềm tin cho người dân, đồng thời cũng là cảnh báo để toàn ngành y tế cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng sự mong đợi của người dân trong thời gian tiếp theo.


    (Tham luận của Sở Y tế TPHCM tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Chương trình hành động số 18-CtrHĐ/TU của Thành uỷ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020. Và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030)

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này