SỞ Y TẾ Phát triển y tế: Chọn công nghệ cao hay công nghệ thích hợp ? - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 10/3/24.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP) là một minh hoạ rõ nét về áp dụng công nghệ thích hợp trong chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh và trẻ em mắc bệnh viêm phổi đã được các bệnh viện Nhi khoa vận dụng hiệu quả từ những năm thập niên 90 cho đến nay


    Ngày nay, thuật ngữ “công nghệ cao” thường được nhắc đến khi bàn về phát triển hệ thống y tế. Công nghệ cao trong y tế đề cập đến việc sử dụng các thiết bị y tế tiên tiến, được tích hợp thêm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, khoa học máy tính,… giúp cải thiện rõ rệt chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh. Có nhiều loại thiết bị công nghệ cao được sử dụng trong lĩnh vực y tế, điển hình về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực y tế như: Máy chụp cộng hưởng từ (MRI, - Magnetic Resonance Imaging) sử dụng từ trường để tạo ra hình ảnh cắt lớp của cơ thể, giúp chẩn đoán các bệnh thuộc hệ thần kinh, cơ xương khớp, ung thư, tim mạch, sản khoa và nhiều bệnh lý khác; Máy quét CT (Computed Tomography) sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh cắt lớp của cơ thể, hỗ trợ trong chẩn đoán và theo dõi nhiều bệnh lý khác nhau như ung thư, chấn thương bên trong đầu, hệ thống xương và cơ quan nội tạng; tình trạng chảy máu trong do tai nạn hoặc nguyên nhân khác, các vấn đề mạch máu và tim như bệnh động mạch vành, chứng phình động mạch,...; Hệ thống phẫu thuật robot (Robotic Surgery Systems) giúp các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật với độ chính xác cao hơn và ít xâm lấn hơn đến các cơ quan khác trong cơ thể; Các thiết bị theo dõi sức khỏe có thể đeo trên cơ thể (Wearable Health Monitors) để theo dõi dấu hiệu y tế như nhịp tim, áp lực máu, và hoạt động thể chất; In 3D trong lĩnh vực y tế (3D Printing in Healthcare) được sử dụng để tạo ra mô hình cơ thể, cung cấp các bộ phận hoặc thiết bị y tế tùy chỉnh và phức tạp hơn,… Điều dễ thấy là giá thành của các thiết bị, các dịch vụ kỹ thuật thuộc nhóm công nghệ cao này là rất cao, không phải hệ thống y tế nào cũng tiếp cận được.


    Còn thuật ngữ “công nghệ học thích hợp” hay “kỹ thuật học thích hợp” trong lĩnh vực y tế ít được nhắc đến hơn nếu so với nhóm công nghệ cao, thuật ngữ này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Đông Địa Trung hải (Eastern Mediterranean) chính thức đề cập đến với chuyên đề “Appropriate health technology” nhằm khuyến cáo hệ thống y tế các nước cần quan tâm và vận dụng phù hợp tại thời điểm cách nay đã hơn 27 năm về trước (August 1997). Điều chắc chắn rằng, vào thời điểm lúc bấy giờ sự phát triển công nghệ và các kỹ thuật mới trong lĩnh vực y tế đã có nhiều bước tiến đáng kể so với khoảng thời gian trước đó, nhưng điều khó thể tránh khỏi chính là chi phí y tế tăng vọt và số người thụ hưởng những kỹ thuật mới cũng bị hạn chế, có lẽ đây là lý do chính mà TCYTTG đã ra khuyến cáo này.


    Theo TCYTTG, công nghệ y tế (health technology) là tập hợp các kỹ thuật, thuốc, thiết bị y tế và các quy trình được nhân viên y tế sử dụng để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Công nghệ thích hợp (appropriate technology) là sự thích ứng của công nghệ với hoàn cảnh và điều kiện của từng địa phương, những kiến thức và kỹ năng cần có để sử dụng công nghệ đó có thể chấp nhận được đối với những người sử dụng dịch vụ kỹ thuật và người thực hiện. Theo định nghĩa này, công nghệ thích hợp phải có giá cả phải chăng, nhưng không có nghĩa là công nghệ thô sơ, công nghệ đơn giản. Chi phí cho việc ứng dụng công nghệ cần được xem xét trong bối cảnh lợi ích tổng thể và kết quả mong đợi về lâu dài. Công nghệ thích hợp còn bao hàm cả việc tương tác hiệu quả giữa người sử dụng dịch vụ và người thực hiện, cũng như việc kiểm soát giữa chi phí và lợi ích lâm sàng.


    Ngoài ra, TCYTTG còn nhấn mạnh khi quyết định lựa chọn một công nghệ mới, tính thích hợp còn thể hiện ở việc sự tiếp cận của người dân với công nghệ này có đảm bảo tính bình đẳng cho tất cả mọi người hay công nghệ này chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, TCYTTG khuyến cáo cần ưu tiên nguồn lực cho các công nghệ mới giúp cải thiện hiệu quả đối với các dịch vụ y tế công cộng.


    Chất lượng của công nghệ là một phần không thể thiếu khi bàn đến công nghệ thích hợp, TCYTTG khuyến cáo các nước đang phát triển nên tránh lãng phí nguồn tài nguyên khi mua các thiết bị y tế không đạt tiêu chuẩn, lỗi thời, được tân trang không đúng cách. Trách nhiệm của hệ thống y tế còn bảo vệ người tiêu dùng khỏi công nghệ không an toàn, kém hiệu quả. Chất lượng của công nghệ y tế cũng phải được đánh giá trên cơ sở nhu cầu của người bệnh và nhu cầu của nhân viên y tế chứ không phải dựa trên tính mới và phức tạp của công nghệ.


    Hiện nay, toàn Ngành y tế Thành phố đang ra sức và nỗ lực phát triển đồng bộ 04 nhóm hoạt động trọng tâm, bao gồm: (1) Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh; (2) Củng cố y tế cơ sở, triển khai hiệu quả y tế cộng đồng; (3) Phát triển hoạt động cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp; (4) Phát triển y tế chuyên sâu, điều này càng đòi hỏi những nhà lãnh đạo, quản lý y tế phải vận dụng linh hoạt và hợp lý giữa “kỹ thuật y tế thích hợp” và “kỹ thuật y tế chuyên sâu” nhằm mang lại các kết quả tốt nhất với chi phí hợp lý nhất.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Adblock test (Why?)

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này