Đến nay, cơ bản các quận huyện đã chủ động thành lập từng khu cách ly riêng, sẵn sàng chăm sóc đối tượng cách ly nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tăng cường giám sát, cách ly Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, đến chiều 17-2, hiện trên địa bàn thành phố có 24 trường hợp đang được cách ly tại Bệnh viện dã chiến (huyện Củ Chi). Tổng số người được cách ly tại các điểm cách ly tập trung của quận huyện là 51 trường hợp (trong đó có 28 người hết thời gian theo dõi, còn 23 người đang tiếp tục được theo dõi). Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.928 người; hiện đã có 2.091 người hết thời gian theo dõi, còn 837 người đang tiếp tục được theo dõi. Tất cả các trường hợp được cách ly theo dõi đều chưa phát hiện dấu hiệu mắc bệnh. Hiện đã có 20 quận huyện hoàn thành thiết lập cơ sở cách ly tập trung, có khả năng tiếp nhận cách ly theo dõi cho hơn 570 người; gồm các quận 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và 5 huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh. Khu cách ly tập trung phòng chống Covid-19 tại quận 11. Ảnh: HOÀNG HÙNG Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, việc giám sát người tự cách ly không được đi khỏi nơi cư trú như nhà ở, khách sạn thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương, còn cơ quan y tế chỉ thực hiện vai trò giám sát về y tế. Ngành y tế sẽ cập nhật danh sách những người tự cách ly về quận huyện, phường xã. Chính quyền địa phương bố trí nhân sự theo dõi và giám sát họ. Cơ quan y tế phường xã sẽ đến nơi ở của người tự cách ly để đo nhiệt độ hàng ngày, nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh. Đối tượng cách ly bao gồm những người sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh (sau đây gọi tắt là 2 trường hợp nêu trên); cùng làm việc với 2 trường hợp nêu trên; cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với 2 trường hợp nêu trên. Những người có tiếp xúc gần trong vòng 2m với 2 trường hợp nêu trên; ngồi cùng hàng hoặc trước sau 2 hàng ghế trên cùng một chuyến xe, toa tàu, máy bay với 2 trường hợp nêu trên. Bên cạnh đó, những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) cũng phải cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. “Những người cách ly tại các khu cách ly sẽ được nhân viên y tế thăm khám 2 lần/ngày. Việc tiếp tục theo dõi hay kéo dài thời gian giám sát phụ thuộc vào sức khỏe người bị cách ly. “Những người tự cách ly sau 14 ngày nếu không có dấu hiệu phát hiện bệnh sẽ được đi lại như bình thường”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin Không để người cách ly ra khỏi khu vực cách ly Mới đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở y tế về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh. Công văn nêu rõ, để quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh trên, giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; giám đốc sở y tế, y tế ngành nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh theo 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định), thu dung cách ly và quản lý chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế được phân công theo đúng quy định của các địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc quản lý tất cả các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định). Cơ sở y tế cần kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh; tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế. Trước thông tin nhiều người dân lo ngại khi người trong đối tượng cách ly bỏ trốn, hoặc tự ý ra khỏi khu vực cách ly, luật sư Trần Duy Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng. Ngoài mức phạt cho hành vi không khai báo bệnh, mức độ nặng hơn nữa là hành vi che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác. Khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Trong trường hợp người bệnh từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, theo Điều 10 của Nghị định 176/2013. Huy động điều dưỡng các bệnh viện tham gia phòng chống Covid-19 Ngày 17-2, Sở Y tế TPHCM cho biết vừa nhận được công văn của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế về việc đề nghị bổ sung nhân sự, phương tiện phục vụ công tác phòng chống Covid-19. Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện Răng Hàm Mặt TP, Tai Mũi Họng, Phạm Ngọc Thạch, Y học cổ truyền, Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình, Da liễu, Mắt, Truyền máu Huyết học, Ung bướu, Tâm thần, Viện Tim, Viện Y dược học dân tộc và Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp mỗi đơn vị cử 3 điều dưỡng hỗ trợ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế làm công tác hỗ trợ chuyển viện, chăm sóc, hướng dẫn hành khách trong khi chờ chuyển viện giám sát, cách ly theo quy định. Thời gian mỗi ngày trực 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, từ nay đến khi hết dịch Covid-19. Các điều dưỡng tham gia chống dịch được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định hiện hành. THÀNH SƠN THÀNH AN Nguồn tin : Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG Online Xem thêm...