Trong hành trình mang thai, đặc biệt khoảng thời gian khó khăn, anh T. - chồng chị L. - luôn đồng hành, sát cánh, tiếp thêm sức mạnh cho vợ - Ảnh: XUÂN MAI Sáng 8-1, gặp sản phụ D.D.L. (26 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) sau 4 ngày bào thai trong bụng chị đã được ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 can thiệp thông tim thành công vì thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng, tâm trạng và sức khỏe của chị đều rất tốt, tự đi lại bình thường, ăn uống ngon miệng. Đáng mừng hơn, tình trạng em bé trong bụng chị L. cũng đã ổn định, tiến triển tốt, thỉnh thoảng còn máy bụng (cử động) đùa nghịch. Dự kiến khoảng một tháng nữa, em bé này sẽ chào đời. Quyết đoán, khóc và run nhiều trong cuộc mổ Dù bận rộn, hơn 8h, đích thân bác sĩ Trần Ngọc Hải - giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - đã tranh thủ đến thăm, trao hoa, tặng quà cho sản phụ L. và cho biết chị sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Sau 4 ngày em bé trong bụng được thông tim thành công, chị L. vẫn không thôi xúc động khi nhớ lại khoảng thời gian từ lúc hay tin dữ, đến lúc quyết tâm, không do dự phương án cứu con được bác sĩ tư vấn, cho đến khi bước vào phòng mổ, và vỡ òa cảm xúc khi nghe bác sĩ thông báo ca mổ thành công tuyệt đối. Trên bụng chị L. hiện chỉ có 2 vết kim rất nhỏ, nhìn rất kỹ mới thấy. Đây là vị trí các bác sĩ đã đưa kim xuyên thành tử cung và tới nhiều vị trí khác, trước khi đến quả tim của bào thai nhỏ như quả dâu tây để thông van tim thành công. Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tim bào thai cho chị L. thành công - Ảnh: Bệnh viện cung cấp Nhắc về thời điểm được đẩy vào phòng mổ, chị L. rơi nước mắt và nở nụ cười tươi, kể: "Các bác sĩ động viên tôi rất nhiều và cho tôi đeo tai nghe để nghe nhạc trong lúc mổ. Vì được gây tê nên tôi tỉnh táo, biết được mọi thứ xung quanh. Lúc này, người tôi run rất nhiều, không phải vì sợ mà lo cho con. Tôi khóc. Bác sĩ khuyên tôi giữ bình tĩnh, động viên tôi không khóc vì không tốt cho ca mổ và em bé. Tôi tự động viên mình phải cố lên và sau đó được bác sĩ tiêm một liều an thần nên một lúc sau rơi vào giấc ngủ. Khi tôi vừa tỉnh dậy thì nghe các bác sĩ vỗ tay. Bác sĩ Giang của Bệnh viện Nhi đồng 1 bước đến gần tôi nói ca mổ thành công tuyệt đối. Tôi vỡ òa cảm xúc". Sau hơn 40 phút "cân não", tập trung cao độ đưa đường kim xuyên tử cung đến thành bụng chị L., tiếp tục đến bào thai, trái tim bào thai; ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã "sửa chữa" trái tim dị tật nặng ấy trở nên lành lặn, bình thường một cách ngoạn mục. Ngoài hành lang, anh T. - chồng chị L., lòng nóng như lửa đốt, trông từng giây nhận được thông báo kết quả cuộc mổ. Anh T. được bác sĩ gọi điện thông báo khi chị L. đã được đẩy tới phòng gây mê hồi sức. "Tôi mừng quá. Con được cứu sống, có trái tim khỏe. Tôi gọi điện thông báo về cho gia đình ngay lập tức", anh T. hạnh phúc chia sẻ. Hiện em bé trong bụng chị L. bước sang tuần thứ 33, khỏe mạnh, phát triển tốt sau can thiệp thông tim vào ngày 4-1 vừa qua - Ảnh: XUÂN MAI Mở ra một hành trình mới nhiều điều tốt đẹp Sờ lên bụng mà bên trong đó là một em bé có quả tim khỏe mạnh bình thường, chị L. nhắc đến công sức lớn lao của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ đã cứu sống con. "Tôi không biết nói lời cảm ơn như thế nào để xứng đáng với những gì bác sĩ đã cứu sống con mình. Sau này khi con sinh ra, tôi sẽ kể điều này cho con", chị L. nói và mong muốn kỹ thuật này được áp dụng nhiều hơn cho những sản phụ có con bị dị tật tim bẩm sinh được can thiệp ngay từ bào thai như mình. Hành trình cứu chữa em bé trong bụng bị dị tật bẩm sinh nặng đã khép lại, mở ra hành trình mới với bao hy vọng tốt đẹp. "Mong con được sinh ra đủ tháng đủ ngày và khỏe mạnh. Sau xuất viện, vợ chồng tôi cũng lưu lại TP.HCM để tiện tới lui Bệnh viện Từ Dũ tái khám, và chọn nơi đây là nơi sinh em bé", chị L. bộc bạch. Kỹ thuật mới nhưng vẫn kiên định thực hiện Chị L. cho biết thêm, trong suốt thai kỳ, chị và bào thai đều khỏe. Đến lúc em bé ở tuần thai thứ 26, bác sĩ bệnh viện tại TP Đà Nẵng thông báo con bị dị tật tim bẩm sinh. Sau đó, hai vợ chồng tiếp tục đến một bệnh viện khác trên địa bàn thì biết con bị dị tật bẩm sinh rất nặng, nên đã chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ theo dõi và tư vấn tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Khi bác sĩ tư vấn phương án thông van tim cho con ngay trong bụng mẹ, vợ chồng chị L. không chút do dự vì tin tưởng hoàn toàn vào tay nghề bác sĩ. Chị L. cũng tự tìm kiếm thông tin, tài liệu và biết được kỹ thuật này chưa bao giờ được thực hiện tại Việt Nam, nhưng vẫn kiên định thực hiện. Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín - phó trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 - thông tin ca thông tim bào thai này là ca đầu tiên ở Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Kỹ thuật thông tim bào thai chỉ phát triển trong 5 năm trở lại đây và hiện trên thế giới mới có một số nơi như Brazil, Ba Lan... thực hiện thành công. Ông kỳ vọng thế hệ bác sĩ trẻ sẽ cứu được nhiều trẻ bị tật bẩm sinh nặng ngay từ bào thai, giúp giảm gánh nặng y tế, chi phí điều trị, thời gian và mang lại thêm hạnh phúc cho nhiều gia đình. Xuân Mai Nguồn tin : Tuổi trẻ Online Adblock test (Why?) Xem thêm...