Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health Day) được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 hàng năm do Liên đoàn Sức khoẻ Tâm thần Thế giới thành lập vào đầu những năm 90, với mục tiêu tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và nâng cao dịch vụ phòng ngừa, điều trị các bệnh tâm thần. Năm 2023, WHO nhấn mạnh ”sức khỏe tâm thần là quyền phổ quát của mỗi con người” (Mental health is a universal human right). Dù họ là ai và ở bất kể đâu đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe tâm thần, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi các rủi ro, được chăm sóc sức khỏe cũng như quyền tự do, độc lập và hòa nhập vào cộng đồng. Thực hiện kế hoạch số 4295/KH-UBND ngày 06/09/2023 về chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành y tế đang triển khai một chuỗi hoạt động mang tính đồng bộ nhằm đạt mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân và chuyên môn hóa mạng lưới nhân viên y tế, người hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần; tạo môi trường để người dân tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe tâm thần của mình, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng cao chất lượng sống của người dân Thành phố. Nội dung bao gồm từ các hoạt động dự phòng, tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho các nhóm đối tượng khác nhau; đến các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tâm thần tại các cơ sở y tế trong thời gian tới. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường bao gồm 1 bệnh viện chuyên khoa tâm thần, 4 bệnh viện đa khoa, 03 bệnh viện chuyên khoa nhi có khoa tâm thần và 22 trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai phòng khám tâm thần ngoại trú với khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần. Mô hình “Cấp cứu trầm cảm”, hoạt động phối hợp giữa Trung tâm Cấp cứu 115 với Bệnh viện Tâm Thần Thành phố nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh có biểu hiện trầm cảm nặng để đưa người bệnh đến cơ sở điều trị chuyên khoa; rất nhiều bệnh nhân có ý định tự sát đã được chăm sóc, điều trị kịp thời. Mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng, nhân viên y tế tại tuyến cơ sở tiếp tục được tập huấn xử trí các vấn đề cấp cứu tâm thần. Trong năm 2023, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) đã tích hợp vào chương trình Quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở (Chương trình WHO-PEN) với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của WHO. Các bác sĩ của 43 trạm y tế và 10 trung tâm y tế và HCDC đã được tham dự khóa đào tạo “Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tuyến y tế cơ sở”. Các chuyên gia của bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1, BV Tâm thần thành phố đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn cho các học viên về phát hiện, chẩn đoán và điều trị quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc hỗ trợ không chỉ bao gồm nâng cao năng lực mà còn hỗ trợ nhằm tháo gỡ các rào cản giúp cán bộ y tế tuyến cơ sở có thể thực hiện cung cấp các dịch vụ từ phát hiện, điều trị và quản lý một số RLTT phổ biến ngay tại các trung tâm y tế, trạm y tế và cộng đồng một cách có hệ thống và bền vững. Buổi tập huấn thực tế chẩn đoán, điều trị, quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến - Khóa đào tạo “Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tuyến y tế cơ sở”, tháng 7 - 9/2023. Trong 03 tháng cuối năm 2023, Ngành Y tế Thành phố tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WHO và chuyên gia của Tổ chức BasicNeeds triển khai thí điểm mô hình phát hiện và quản lý trầm cảm vừa và nhẹ dựa vào cộng đồng bằng giải pháp không dùng thuốc với thông điệp “Trầm cảm có thể điều trị được - Đừng để quá muộn”. Theo đó, WHO sẽ hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, cộng tác viên y tế để phát hiện, điều trị và quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến, bao gồm rối loạn trầm cảm và lo âu tại các trạm y tế và cộng đồng.Tiếp đến sẽ tiến hành sàng lọc tìm ra những người trầm cảm vừa và nhẹ để tổ chức tư vấn nhóm tại cộng đồng. Sau khi thí điểm tại 05 trạm y tế trên địa bàn TP HCM, SYT sẽ tổng kết kinh nghiệm và huy động nguồn lực của thành phố để triển khai mở rộng ra các TYT còn lại trong năm 2024. Ngoài ra, việc tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho các nhóm đối tượng khác nhau cũng được triển khai. Đối với nhóm người cao tuổi, ngành y tế đã lồng ghép khám, tầm soát phát hiện các vấn đề rối loạn phát triển liên quan sức khoẻ tâm thần cho người cao tuổi trong chương trình triển khai thí điểm khám sức khoẻ, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả đợt khám sức khỏe cho người từ 60 tuổi trở lên được triển khai trong tháng 8/2023 vừa qua đã ghi nhận có đến 420 người có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng (chiếm tỷ lệ 3,05%), và phát hiện 295 người có dấu hiệu lo âu từ nhẹ đến nặng (chiếm tỷ lệ 2,14%). Những trường hợp phát hiện có vấn đề về tâm thần sẽ được khám phân loại tại các BV /TTYT Quận huyện, người bệnh được chuyển điều trị BV chuyên khoa trong trường hợp nặng, được đưa vào chương trình Quản lý và điều trị rối loạn trầm cảm không dùng thuốc dựa vào cộng đồng tại tuyến cơ sở. Đối với nhân viên y tế, Sở Y tế đang triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế (NVYT) trên địa bàn Thành phố theo Kế hoạch số 385/KH-SYT ngày 18/01/2023. Một số hoạt động chính bao gồm xây dựng các tài liệu truyền thông về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế, cách tự phát hiện và hướng dẫn cách để được tham vấn điều trị; thành lập các phòng tư vấn sức khỏe tâm thần và mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho NVYT, trong đó mỗi bệnh viện sẽ có 1 - 2 nhân viên phụ trách (từ phòng công tác xã hội hoặc phòng điều dưỡng) được tập huấn đào tạo; tổ chức đào tạo cho lãnh đạo cơ sở y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho NVYT; tổ chức các lớp thiền tâm lý trị liệu…. Trong đó có một số hoạt động có sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Family Health International (FHI360). Đối với học sinh, sinh viên, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội thảo khoa học cùng các chuyên gia tâm lý của các trường Đại học để xây dựng kế hoạch dự phòng tầm soát, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần học đường; thống nhất nội dung khám sức khỏe có bổ sung tầm soát các vấn đề sức khoẻ tâm thần cho học sinh trong đầu năm và chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu khám sức khỏe của học sinh; đề xuất bổ sung chuyên viên tâm lý học đường tại các trường học và các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh có kỹ năng tham vấn, phát hiện các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần, kỹ năng nhận diện được trường hợp khẩn cấp, trường hợp cần điều trị; phòng ngừa và ứng phó với trẻ có ý định tự sát. Các hoạt động dự phòng tầm soát, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho người mẹ trong giai đoạn mang thai và hậu sản, cho các nhóm người yếu thế (trẻ em mồ côi, người lang thang, cơ nhỡ …) cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới. Sở Y tế tiếp tục chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế, các viện, trường đại học, tổ chức nghề nghiệp trong nước và thế giới để nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố, nhằm mục tiêu thực hiện bảo vệ sức khỏe tâm thần như một quyền phổ quát mà mọi người đều có được. SỞ Y TẾ TP.HCM Adblock test (Why?) Xem thêm...