SỞ Y TẾ Tài liệu tham khảo dành cho Giám đốc bệnh viện: “Tackling Wasteful Spending on Health” - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 28/7/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    Các nghiên cứu và điều tra cho thấy: tại Mỹ, lãng phí chiếm hơn 20% tổng chi tiêu cho sức khoẻ, với giới hạn trên lên gần 50%; tại Úc, gần 1/3 tổng chi phí y tế ở Úc có thể bị coi là lãng phí; tại Hà Lan, ước tính 20% ngân sách dành cho các bệnh viện có thể được tiết kiệm bằng cách giảm sử dụng quá mức và tăng cường tích hợp chăm sóc.



    Năm 2008, tranh luận lần đầu tiên về lãng phí trong chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe đã diễn ra, nhưng chủ yếu tập trung phân tích lãng phí của hệ thống chăm sóc sức khoẻ tại Mỹ, hoặc sau đó là phân tích lãng phí của các hệ thống y tế khác nhưng vẫn chưa cung cấp một định nghĩa đơn giản về lãng phí trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ cũng như chưa đưa ra cách phân loại nhất quán về các hoạt động gây lãng phí. Hơn nữa, cũng chưa có một đồng thuận nào của các chuyên gia y tế về mức độ lãng phí và hệ quả liên quan của nó.



    Năm 2017, lần đầu tiên, các chuyên gia y tế thuộc các nước trong nhóm các nước OECD đã thống nhất định nghĩa và trình bày 3 loại lãng phí chính trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ của hệ thống y tế các nước nhằm hướng đến các chính sách để giải quyết tình trạng lãng phí, góp phần hạn chế chi tiêu cho y tế có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Dưới đây là tóm lược phần tổng quan của tài liệu:



    Định nghĩa lãng phí trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ:



    - Cung cấp các dịch vụ hoặc các quy trình chăm sóc gây nguy hiểm hoặc là không mang lại lợi ích cho người bệnh;

    - Chi phí chăm sóc có thể thấp hơn bằng cách chọn lựa các phương pháp thay thế có chi phí rẻ hơn nhưng mang lại cùng lợi ích hoặc thậm chí tốt hơn cho người bệnh.



    3 nhóm lãng phí chính trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, bao gồm:



    1) Lãng phí trong hoạt động lâm sàng: đó là các trường hợp khi người bệnh không được chăm sóc đúng. Lãng phí này xảy ra khi có các tai biến có thể phòng ngừa được, các sự cố này là do lỗi của nhân viên y tế, do quyết định dưới mức tối ưu và do các yếu tố về tổ chức, nhất là sự phối hợp kém giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, lãng phí trong hoạt động lâm sàng còn bao gồm chăm sóc không hiệu quả và không phù hợp, được gọi là chăm sóc mang lại giá trị thấp, chủ yếu do ra quyết định dưới mức tối ưu và được khuyến khích kém. Ngoài ra, lãng phí cũng xảy ra trong hoạt động lâm sàng khi có sự trùng lắp không cần thiết của các dịch vụ.



    2) Lãng phí trong hoạt động vận hành: xảy ra khi việc chăm sóc có thể được tạo ra bằng cách sử dụng ít tài nguyên hơn mà vẫn duy trì các lợi ích cho người bệnh. Ví dụ: giá dịch vụ có thể thấp hơn do các đầu vào được mua rẻ hơn nhưng vẫn có lợi cho người bệnh thay vì mua loại có giá cao hơn; hoặc cung ứng đầu vào dư thừa sau đó phải bị loại bỏ do không được sử dụng. Loại lãng phí này chủ yếu liên quan đến các nhà quản lý và phản ánh tổ chức và phối hợp kém.



    3) Lãng phí trong hoạt động quản trị: lãng phí liên quan đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên không vì mục đích đóng góp cho chăm sóc bệnh nhân, bao gồm hai loại lãng phí riêng biệt. Đầu tiên là lãng phí hành chính, có thể diễn ra từ cấp vi mô (người quản lý) đến cấp vĩ mô (cơ quan quản lý), trong đó tổ chức và phối hợp kém là động lực chính gây ra lãng phí. Thứ hai, gian lận, lạm dụng và tham nhũng, chuyển hướng các nguồn lực từ việc theo đuổi các mục tiêu của hệ thống chăm sóc sức khỏe, đây là nhóm tuy không phổ biến nhưng cũng gây ra lãng phí không nhỏ.



    [​IMG]

    3 nhóm lãng phí chính trong hệ thống y tế



    4 nguyên nhân chính gây lãng phí trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ:



    Nguyên nhân 1: Do không biết hoặc nhận thức không đúng (do not know better), thiếu hụt kiến thức, không quan tâm đến rủi ro, dẫn đến các quyết định dưới mức tối ưu, sai sót và sai lệch so với thực tiễn tốt nhất có thể có được.



    Nguyên nhân 2: Do không thể làm tốt hơn (cannot do better), nguyên nhân chính là hệ thống được tổ chức và quản lý kém và phối hợp yếu.



    Trong hai nguyên nhân đầu tiên này, phần lớn, lãng phí là không chủ ý, đã cố gắng hết sức nhưng kết quả không tối ưu như mong muốn.



    Nguyên nhân 3: Biết và có thể làm tốt hơn, nhưng do các khuyến khích kinh tế và tài chính được sắp xếp không đúng với các mục tiêu của hệ thống (ví dụ, khi các bác sĩ lâm sàng được trả tiền để cung cấp dịch vụ bất kể các dịch vụ có làm tăng giá trị hay không).



    Nguyên nhân 4: Lãng phí có chủ ý, với mục đích duy nhất là phục vụ lợi ích cá nhân, liên quan đến gian lận và tham nhũng.



    4 chính sách mang tính đòn bẩy để giải quyết tình trạng lãng phí trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ:



    1) Khuyến khích kinh tế và tài chính gây ảnh hưởng đến hành vi của người bệnh, bác sĩ lâm sàng hoặc nhà quản lý; ưu đãi kém là nguyên nhân gốc rễ của hành vi gây lãng phí.



    2) Các chính sách làm thay đổi hành vi và hỗ trợ thông tin: bao gồm giáo dục, thuyết phục và đào tạo giúp giải quyết các rào cản đối với các quyết định tối ưu.



    3) Thay đổi về tổ chức, bao gồm các chính sách điều chỉnh vị trí, vai trò, số lượng, phối hợp và các công cụ có sẵn để hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể của các bên liên quan khác nhau.



    4) Ban hành các quy định pháp lý bắt buộc để thay đổi hành vi, thay đổi tổ chức hoặc thông tin.



    Hiện nay, các bệnh viện công lập đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là tự chủ tài chính và phương thức giao dự toán chi BHYT, trước tình hình này, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng để tạo dựng niềm tin và thu hút người bệnh, còn một hoạt động không kém phần quan trọng đó là giảm lãng phí trong hoạt động khám, chữa bệnh. Tài liệu này giúp cho các nhà quản lý bệnh viện có thêm thông tin khoa học và thực tiễn về các giải pháp chống lãng phí, tiết kiệm kinh phí hoạt động.

    Tài liệu đính kèm

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này