SỞ Y TẾ Thu hút và giữ chân nhân viên y tế công tác tại vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 10/7/18.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Nguồn nhân lực y tế đầy đủ về số lượng và có chất lượng là điều kiện không thể thiếu để đạt được độ bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, một trong những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Về phân bổ số lượng nhân viên y tế, TCYTTG đã khuyến cáo là mỗi quốc gia phấn đấu đạt ngưỡng 4.45 nhân viên y tế (bao gồm cả bác sĩ, y tá và hộ sinh) cho 1.000 dân để có thể đáp ứng các mục tiêu SDGs vào năm 2030.



    Bản đồ phân bố những vùng đang thiếu nhân lực y tế nghiêm trọng trên toàn cầu

    Năm 2010, trước tình hình thiếu hụt nhân viên y tế công tác tại vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa của nhiều quốc gia, căn cứ vào các bằng chứng thực tiễn, TCYTTG đã đưa ra các khuyến cáo để cải thiện sức hấp dẫn và duy trì số lượng nhân viên y tế ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Có 4 nhóm hoạt động được khuyến cáo để thu hút và giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác ở vùng sâu vùng xa bao gồm: (A) Giáo dục và đào tạo nhân viên y tế; (B) Quy định chuyên môn và pháp lý về công tác y tế tại vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa; (C) Chế độ, chính sách ưu đãi về tài chính; (D) Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và hỗ trợ sinh hoạt cá nhân. Dưới đây là các khuyến cáo cụ thể của TCYTTG:

    (A) Khuyến cáo về giáo dục và đào tạo nhân viên y tế cho vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa:

    1. Sử dụng chính sách đào tạo theo địa chỉ, cho phép học sinh vùng nông thôn có thể theo học các chương trình đào tạo khác nhau của các trường y tế, điều này sẽ tăng khả năng sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ quay về các vùng nông thôn để thực hành.

    2. Chọn các trường y tế, cơ sở thực hành bác sĩ gia đình ở bên ngoài thủ đô và các thành phố lớn, khi sinh viên tốt nghiệp có nhiều khả năng làm việc ở vùng nông thôn.

    3. Cho sinh viên trải nghiệm ở cộng đồng và luân phiên thực hành lâm sàng tại các cơ sở y tế ở khu vực nông thôn có thể gây ảnh hưởng tích cực đến việc thu hút nhân viên y tế sau khi tốt nghiệp sẽ đến công tác tại vùng nông thôn.

    4. Thay đổi chương trình đào tạo đại học và sau đại học đảm bảo có tích hợp các chủ đề về y tế vùng nông thôn nhằm nâng cao năng lực cho nhân viên y tế có khả năng làm việc ở các vùng nông thôn, từ đó tăng sự hài lòng với công việc và duy trì công việc của họ.

    5. Thiết kế chương trình đào tạo liên tục và phát triển chuyên môn đáp ứng nhu cầu của nhân viên y tế vùng nông thôn, có thể truy cập thông tin từ nơi họ sống và làm việc, để hỗ trợ việc duy trì công việc.

    (B) Khuyến cáo về các quy định chuyên môn và pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên y tế công tác tại vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa:

    1. Điều chỉnh tăng phạm vi thực hành cho nhân viên y tế công tác ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa để tăng khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc, tăng sự hài lòng cho nhân viên an tâm công tác.

    2. Giới thiệu các loại hình nhân viên y tế khác nhau cùng với chương trình đào tạo và điều tiết phù hợp với hành nghề ở vùng nông thôn, giúp tăng số lượng nhân viên y tế hành nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

    3. Đảm bảo các yêu cầu về dịch vụ y tế bắt buộc ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa kèm theo sự hỗ trợ thích hợp, giúp tăng cường tuyển dụng và tiếp tục duy trì số lượng nhân viên y tế.

    4. Cung cấp học bổng, trợ cấp giáo dục hoặc trợ cấp khác với các thỏa thuận về công tác tại vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa.

    (C) Khuyến cáo về chế độ, chính sách ưu đãi về tài chính để tạo sự an tâm công tác cho nhân viên y tế:

    1. Kết hợp các ưu đãi tài chính bền vững, như trợ cấp khó khăn, trợ cấp nhà ở, giao thông miễn phí, các kỳ nghỉ có lương,...

    (D) Khuyến cáo hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và hỗ trợ cá nhân cho nhân viên y tế công tác tại vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa:

    1. Cải thiện điều kiện sống cho nhân viên y tế và gia đình của họ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ (vệ sinh, điện, viễn thông, trường học, …), những yếu tố này có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định chọn nơi công tác và gắn bó lâu dài với cơ sở y tế .

    2. Cung cấp một môi trường làm việc tốt và an toàn, bao gồm trang thiết bị và vật tư thích hợp, giám sát và tư vấn hỗ trợ.

    3. Thực hiện các hoạt động hỗ trợ chuyên môn giữa nhân viên y tế tuyến trên và nhân viên y tế ở những vùng khó khăn, sử dụng y tế từ xa hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế ở vùng sâu vùng xa.

    4. Xây dựng và triển khai các chương trình phát triển chuyên môn nghiệp vụ từ xa để nhân viên y tế không nhất thiết phải rời khỏi khu vực nông thôn.

    5. Hỗ trợ phát triển mạng lưới chuyên môn, hiệp hội y tế nông thôn, tạp chí y tế nông thôn ... để nâng cao tinh thần và giảm cảm giác cách ly khỏi môi trường chuyên nghiệp.

    6. Áp dụng các biện pháp công nhận như ngày y tế nông thôn, giải thưởng và danh hiệu y tế nông thôn ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để nâng cao trình độ làm việc ở nông thôn, tạo điều kiện cải thiện động lực nội tại và góp phần duy trì lao động y tế nông thôn.

    Câu hỏi đặt ra: sau khi TCYTTG ra các khuyến cáo, thực tế tình hình thiếu nhân lực y tế tại vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa đang diễn ra như thế nào tại các nước trong khu vực?

    Để trả lời cho câu hỏi này, nhóm tác giả, gồm Liu X, Zhu A and Tang S, đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu “Thu hút và giữ chân nhân viên y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu vùng nông thôn khu vực Châu Á Thái Bình Dương” nhằm đánh giá thực tế so với các khuyến cáo của TCYTTG về thu hút và giữ chân nhân viên y tế ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, đề tài nghiên cứu được thực hiện tại các nước thuộc khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

    Như chúng ta biết, các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương có đặc điểm kinh tế và xã hội khá độc đáo, bao gồm cả các quốc gia đông dân nhất, như Trung Quốc và Ấn Độ, và các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, như Tokelau và Niue. Nhiều nước trong khu vực đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, hệ thống y tế của các nước này có những thay đổi đáng kể về cải cách tài chính y tế và phát triển hệ thống y tế tư nhân. Theo các tác giả, việc phân bố là nhân viên y tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Đa số nhân viên y tế có xu hướng tập trung ở khu vực thành thị, khiến thiếu nhiều nhân viên y tế ở vùng sâu, vùng xa. Sự mất cân bằng này càng nghiêm trọng hơn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ví dụ, ở Ấn Độ năm 2015, tỷ lệ phân bổ bác sĩ là 1/2.000 dân ở khu vực thành thị, ngược lại ở khu vực nông thôn chỉ là 1/20.000. Sự phân bố mất cân xứng này dẫn đến tình trạng cung ứng không đủ các dịch vụ y tế cần thiết và ảnh hưởng tiêu cực lên tình trạng sức khoẻ của người dân, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.

    Các tác giả của công trình nghiên cứu đã dựa trên các dữ liệu sẵn có của các công trình nghiên cứu của mỗi nước và xem xét tài liệu phân tích có hệ thống về các can thiệp đang được áp dụng để thu hút và giữ chân nhân viên y tế ở vùng sâu vùng xa của các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, các chuyên gia còn phỏng vấn trực tiếp các nhà hoạch định chính sách, quản lý sức khỏe, chuyên gia học tập và nhân viên y tế nông thôn. Trong số các dữ liệu sẵn có của các quốc gia, các công trình nghiên cứu chi tiết tại Campuchia, Trung QuốcViệt Nam đã được lựa chọn trên cơ sở đại diện cho tình hình phát triển kinh tế xã hội.

    Kết quả của công trình nghiên cứu này đã được Văn phòng của TCYTTG khu vực Đông Nam Châu Á chính thức công bố trên tập san “Policy Brief, Vol. 5 No. 1, 2018” với tiêu đề “Attraction and Retention of Rural Primary Health-care Workers in the Asia Pacific Region”. Từ kết quả của công trình nghiên cứu này, một lần nữa, TCYTTG đã đưa ra những khuyến cáo khi xây dựng kế hoạch để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công tác tại vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa như sau:

    1) Khi cần tăng cường lực lượng lao động y tế ở nông thôn, cần phải tiến hành phân tích có hệ thống khi xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và lượng giá hiệu quả của các can thiệp, bao gồm cả phân tích các yếu tố có liên quan như khả năng kinh tế, khả năng chấp nhận về văn hoá và xã hội, và các yếu tố khác có liên quan đến hệ thống y tế.

    2) Vai trò chủ động của chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch thu hút và giữ chân nhân viên y tế tại địa phương là rất quan trọng, nhằm đảm bảo yêu cầu và ưu tiên của địa phương, bao gồm điều kiện sống và điều kiện làm việc, cơ hội đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên y tế.

    3) Các giải pháp để thu hút và giữ chân nhân viên y tế ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa không nên thực hiện riêng rẻ. Các giải pháp này cần được tích hợp vào cải cách hệ thống y tế, bao gồm cải cách điều kiện làm việc và cải cách công tác quản trị. Hơn nữa, cần chú trọng nhiều hơn nữa vào phát triển lãnh đạo, hoạt động giám sát hỗ trợ, đảm bảo an toàn và phúc lợi của nhân viên y tế và tiếp tục đầu tư phát triển chuyên môn để nâng cao hiệu quả công việc của nhân viên.

    4) Công cụ giám sát và đánh giá (Monitoring and Evaluation - M&E) cần được đưa vào kế hoạch tổng thể để theo dõi tiến độ, xác định các thách thức mới và đánh giá tính hiệu quả của các can thiệp. Các chỉ số hiệu quả công việc/sản phẩm đầu ra nên được đưa vào M&E, bao gồm số lượng nhân viên y tế về công tác tại địa phương, thời gian tồn tại các dịch vụ y tế tại địa phương và tỷ lệ nhân viên y tế còn lại ở địa phương sau một thời gian nhất định. Ngoài ra, M&E cũng nên đặc biệt chú ý đến bối cảnh địa phương và ảnh hưởng của nó đối với việc thực hiện và hiệu quả của can thiệp.

    5) Mặc dù bối cảnh kinh tế, xã hội khác nhau giữa mỗi quốc gia, nhưng việc học tập và chia sẽ kinh nghiệm lẫn nhau về xây dựng chính sách và năng lực thu hút và giữ chân nhân viên y tế công tác tại vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa giữa các quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương là rất cần thiết và hữu ích.

    SỞ Y TẾ TP.HCM



    Trang nguồn: Medinet
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này