SỞ Y TẾ Tìm hiểu đặc điểm của hệ thống y tế New Zealand - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 12/9/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    Dưới đây là tóm lược những đặc điểm khá đặc thù của hệ thống y tế New Zealand qua chuyên đề “New Zealand Health System Review” – WHO, 2014:

    Là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), New Zealand là một quốc gia có nền kinh tế ở tầm trung bình với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người khoảng 30.000 đô-la Mỹ (35.000 đô-la New Zealand). Dân số gần 4,5 triệu người trải rộng trên hai hòn đảo chính và các đảo nhỏ khác. Một phần ba dân số cư trú tại Auckland - một thành phố ở phía bắc đảo Bắc. Khoảng một phần tư dân số sống trên đảo Nam rộng lớn hơn. Dân số còn lại phân bố trên nhiều thành phố và thị trấn nhỏ hơn ở khắp đất nước. Điều này tạo ra những thách thức đối với tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Tuổi thọ trung bình năm 2011 là 81,2 tuổi (83 đối với nữ; 79,4 đối với nam). Tuy nhiên, vẫn còn sự bất bình đẳng đáng kể, với tuổi thọ của người dân tộc (Māori và Thái Bình Dương) thấp hơn 10 tuổi so với những người New Zealand khác và tỷ lệ mắc các bệnh khác nhau cũng cao hơn.

    Từ năm 2001, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được điều phối thông qua các tổ chức chăm sóc ban đầu (Primary Health Organisation - PHOs), các tổ chức này nhận được tài trợ vốn theo dân số đã đăng ký với họ. Người dân được tự do đăng ký với một bác sĩ đa khoa (GP) theo sự lựa chọn của họ; sau đó các bác sĩ GP sẽ chọn một tổ chức PHO để tham gia. Người dân cũng có quyền lựa chọn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tuyến thứ hai được BHYT công hoặc tư chi trả , mặc dù điều này có thể bị giới hạn bởi tính sẵn có ở một số khu vực.


    Một thay đổi lớn khác đối với hệ thống y tế New Zealand đó là sự ra đời của 20 Hội đồng y tế quận (District Health Board - DHB) chịu trách nhiệm lập kế hoạch và cấp kinh phí hoạt động cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ theo khu vực địa lý, bao gồm cả chăm sóc ban đầu và chăm sóc tại bệnh viện. Các thành viên của hội đồng được bầu từ địa phương và được Bộ Y tế bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Hội đồng Y tế Quốc gia (National Health Board - NHB) được thành lập vào năm 2009 với tư cách là một đơn vị kinh doanh thuộc Bộ Y tế với trách nhiệm cấp ngân sách, theo dõi và lập kế hoạch cho các DHB.


    Trong những năm qua, hệ thống y tế New Zealand đã trải qua nhiều lần tái cấu trúc, đặc biệt là trong giai đoạn từ cuối những năm 1980 đến 2000. Hệ thống phân phối chăm sóc sức khỏe ngày nay có 20 DHB khu vực (được ban hành theo Đạo luật Dịch vụ Y tế và Khuyết tật Công cộng New Zealand). Mỗi DHB có các đặc điểm của một hệ thống y tế địa phương tích hợp, chịu trách nhiệm về các dịch vụ y tế cho một dân số theo địa bàn địa lý, bệnh viện là một thành phần và được đặt dưới sự quản lý của hệ thống DHB và có quyền tự chủ hạn chế. Hầu hết các DHB đều có Giám đốc điều hành hoặc tương đương, đồng thời cũng là giám đốc điều hành bệnh viện. Bản thân các bệnh viện có một đội ngũ quản lý, và luôn liên kết với DHB triển khai các dịch vụ y tế cho địa phương, vượt ra ngoài bức tường bệnh viện.


    Kể từ năm 1909, các bệnh viện công ở New Zealand đã trải qua nhiều thay đổi trong quản lý. Những năm 1950, hầu hết các bệnh viện thuộc khu vực công đều được tài trợ hoàn toàn và cũng được sở hữu và quản lý bởi Bộ Y tế. Trước những năm 1980, mỗi bệnh viện được quản trị bởi 3 người: một giám đốc điều hành, một giám đốc chuyên môn và một điều dưỡng trưởng. Mô hình quản trị bệnh viện này kết thúc vào năm 1988 khi Uỷ ban y tế vùng AHB (Area Health Board) bắt đầu tiếp quản các bệnh viện công từ năm 1985 đến 1989. Các Uỷ ban y tế vùng (AHB: Area Health Board) chịu trách nhiệm bổ nhiệm giám đốc điều hành bệnh viện, là những người chịu trách nhiệm cho hoạt động hàng ngày của các dịch vụ y tế và chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị. Các AHB chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn trước khi được chuyển đổi thành các tổ chức có tên là “Crown Health Enterprises” (CHE) sau năm 1993. Năm năm sau (1998) các doanh nghiệp này đã được chuyển đổi thành các công phi lợi nhuận có tên là Dịch vụ Y tế và bệnh viện (Hospital and Health Services) theo luật định. Từ năm 2000, các bệnh viện công lập đã được sở hữu và quản lý bởi các DHB.


    Các DHB sở hữu các bệnh viện công lập, và mua các dịch vụ chăm sóc ban đầu, dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật, dịch vụ sức khỏe tâm thần, dịch vụ y tế công cộng và các dịch vụ dựa trên cộng đồng khác từ các nhà cung cấp phù hợp và sẵn có. Mỗi DHB được yêu cầu theo luật phải có 3 tiểu ban quản lý các lĩnh vực hoạt động khác nhau: ủy ban y tế công cộng; ủy ban dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật; và một ủy ban tư vấn bệnh viện. Mỗi ủy ban đều có các thành viên DHB được bầu và bổ nhiệm.


    Đầu những năm 1990, dưới thời CHE, các nhà quản lý có bằng quản trị kinh doanh, có kinh nghiệm ngoài ngành y tế, đã được tuyển dụng để điều hành và quản lý các bệnh viện ở New Zealand, nhưng hiệu quả không đạt được như mong đợi. Vào giữa những năm 1990, những người có nhiều kinh nghiệm hơn về y tế và là bác sĩ lâm sàng đã được đưa trở lại vai trò quản lý, mặc dù không có yêu cầu nào quy định giám đốc điều hành bệnh viện phải là bác sĩ. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện lúc bấy giờ đều có một Giám đốc chuyên môn (Chief Medical Officer: CMO) là bác sĩ thực hành, và là thành viên của nhóm điều hành bệnh viện.


    Nhiều cơ hội đào tạo quản lý cho các bác sĩ lâm sàng bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1990. Năm 1998, New Zealand đã gia nhập Trường Quản trị Y khoa Hoàng gia Úc, nơi cung cấp chương trình đào tạo sau đại học 3 năm về quản trị y tế. Hơn nữa, một số trường đại học ở New Zealand bắt đầu cung cấp các chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý y tế công cộng và quản lý dịch vụ y tế. Từ năm 2001, việc quản lý các bệnh viện công đã được giám sát bởi các DHB.


    [​IMG]

    Sơ đồ tổ chức của hệ thống y tế ở New Zealand

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này