Dưới đây là tóm lược những đặc điểm về nguồn lực và cung ứng dịch vụ y tế tại New Zealand (theo “New Zealand Health System Review” – WHO, 2014): Đặc điểm nguồn lực y tế New Zealand: Tính tại thời điểm năm 2010, New Zealand có 2,6 bác sĩ trên 1.000 dân (dưới mức trung bình của các nước thuộc tổ chức OECD là 3,1) và 10 điều dưỡng trên 1.000 dân (trên mức trung bình của các nước thuộc tổ chức OECD là 8,7). New Zealand có tỷ lệ bác sĩ di cư (bác sĩ nước ngoài đến làm việc tại New Zealand) cao nhất trong số các quốc gia OECD, có đến 52% bác sĩ và 29% điều dưỡng là người nước ngoài; trong đó 36% bác sĩ và 23% điều dưỡng được đào tạo ở nước ngoài. Đồng thời, New Zealand cũng có tỷ lệ người làm việc ở nước ngoài cao (các chuyên gia y tế sinh ra ở New Zealand và làm việc ở nước ngoài): tỷ lệ bác sĩ làm việc ở nước ngoài cao đứng thứ ba trong số các nước OECD (28,5%) và tỷ lệ điều dưỡng làm việc ở nước ngoài cao thứ hai (23%). Ở thời điểm năm 2013, New Zealand vẫn có sự thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa tâm thần, thiếu nhân viên y tế ở khu vực nông thôn. Tại New Zealand có hai trường đại học đào tạo bác sĩ y khoa (học 6 năm). Điều dưỡng được đào tạo 3 năm tại các trường đại học y khoa và bách khoa. Điều dưỡng có thể tham gia các khoá đào tạo nâng cao và có quyền kê đơn theo phạm vi chuyên môn cho phép. New Zealand cũng có loại hình điều dưỡng trung cấp với chương trình đào tạo 18 tháng và phải thực hành dưới sự giám sát và uỷ quyền của một điều dưỡng đã đăng ký (registered nurse). Trong năm 2010, New Zealand có 10,5 máy chụp cộng hưởng từ (MRI) trên một triệu dân và 15,6 máy, chụp cắt lớp vi tính (CT) trên một triệu dân (cả hai đều thấp hơn mức trung bình của các nước OECD). Các bệnh viện ở New Zealand có hệ thống CNTT phát triển tốt, các bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử và các phòng khám của các bác sĩ chăm sóc ban đầu (GP) cũng được vi tính hóa cao. Tin nhắn điện tử được sử dụng rộng rãi, bao gồm gửi thư giới thiệu, yêu cầu thanh toán, kết quả xét nghiệm và giải phẫu bệnh và tổng kết xuất viện. Quy hoạch cơ sở hạ tầng về CNTT thuộc về trách nhiệm của Hội đồng y tế quốc gia NHB (National Health Board). Năm 2010, Ủy ban CNTT y tế quốc gia (một tiểu ban của NHB) đã ban hành Kế hoạch CNTT Y tế Quốc gia, hướng đến mục tiêu hồ sơ sức khỏe điện tử vào năm 2014. Cơ quan quản lý dược phẩm (Pharmaceutical Management Agency - PHARMAC) chịu trách nhiệm quản lý cung ứng dược phẩm và đàm phán mua thuốc từ các nhà cung cấp cho tất cả các bệnh viện trên cả nước. Cơ quan An toàn thuốc và thiết bị y tế (Medsafe) quản lý các quy định về thuốc và sản phẩm trị liệu. Đặc điểm về cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại New Zealand: Các dịch vụ y tế công cộng ở New Zealand chủ yếu được cung cấp bởi Hội đồng y tế quận DHB (District Health Board) thông qua 12 đơn vị y tế công cộng thuộc trực thuộc DHB, bao gồm các dịch vụ kiểm soát bệnh truyền nhiễm và môi trường, tăng cường sức khỏe và các dịch vụ phòng ngừa. Từ năm 2001, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (PHC) đã được các tổ chức chăm sóc sức khoẻ ban đầu (PHOs) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, các tổ chức này nhận kinh phí từ DHB theo số dân đã đăng ký với họ, ký hợp đồng với các bác sĩ chăm sóc ban đầu (GP) và các nhà cung cấp khác để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Bác sĩ GP cũng có thể tính phí đồng thanh toán cho bệnh nhân. Các bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ phẫu thuật tham gia chăm sóc ban đầu tại các phòng khám dựa vào cộng đồng hoặc phòng khám tư nhân hoặc tại các khoa khám bệnh của các bệnh viện. Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa được tuyển dụng bởi các bệnh viện khu vực công, nhưng nhiều người cũng duy trì các thực hành tư nhân của riêng họ (thực hành kép). Các dịch vụ ngoại trú và nội trú tại bệnh viện chủ yếu được cung cấp bởi các bệnh viện công trực thuộc DHB. Người dân không phải chi trả các chi phí điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các bệnh viện công. Chăm sóc sức khỏe tâm thần chủ yếu dựa vào chăm sóc tại cộng đồng và chăm sóc ngoại trú. Các dịch vụ chăm sóc thai sản được cung cấp thông qua loại hình “Lead Maternity Carer”, 75% trong số họ là nữ hộ sinh. Chăm sóc nha khoa cơ bản miễn phí cho trẻ em dưới 18 tuổi. Có hai cơ sở chính cung cấp dịch vụ xe cứu thương với nhân viên Paramedic và các tình nguyện viên. New Zealand còn có tổ chức ACC (Accident Compensation Corporation) do chính phủ tài trợ toàn diện để chi trả cho việc điều trị, phục hồi và bồi thường cho những người bị tai nạn và thương tích (không do lỗi cá nhân). Hệ thống y tế tại New Zealand cũng chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật. Bộ Y tế chịu trách nhiệm tài trợ kinh phí các dịch vụ cho những người dưới 65 tuổi, trong khi DHB chịu trách nhiệm tài trợ kinh phí cho những người từ 65 tuổi trở lên. Có nhiều nhà cung cấp tư nhân vì lợi nhuận và phi lợi nhuận cung cấp các dịch vụ này. SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...