Xe cứu thương MSU Một nghiên cứu mới đây đã chứng minh đơn vị đột quỵ di động MSU – phương tiện được trang bị để điều trị đột quỵ trước khi đến bệnh viện – có thể chăm sóc và cứu sống bệnh nhân đột quỵ nhanh hơn khoảng 30 phút so với điều trị tiêu chuẩn tại bệnh viện. Nhóm nghiên cứu đã phân tích 66 bệnh nhân có các triệu chứng đột quỵ được đưa đến bệnh viện bằng thiết bị đột quỵ di động MSU, so với 19 bệnh nhân nghi đột quỵ được đưa bằng xe cấp cứu truyền thống ở quận Manhattan của Thành phố New York từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2017. Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh thuộc đơn vị đột quỵ MSU đã chẩn đoán đột quỵ ở 29 bệnh nhân và điều trị ngay lập tức, có 9 trong số 19 bệnh nhân được vận chuyển bằng xe cấp cứu truyền thống được chẩn đoán đột quỵ và được điều trị tại bệnh viện. Trung bình, các bệnh nhân điều trị tại đơn vị đột quỵ di động MSU được chăm sóc nhanh hơn nửa giờ so với các bệnh nhân được chẩn đoán tại bệnh viện sau khi vào khoa cấp cứu. Tiến sĩ Matthew E, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Khi nói đến điều trị đột quỵ, 30 phút là thời gian có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc hồi phục hoàn toàn sau cơn đột quỵ và sống độc lập, hoặc trở nên bị tàn tật và cần giúp đỡ trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày”. Công trình nghiên cứu đã sử dụng các thiết bị di động của Bệnh viện NewYork-Presbyterian với máy quét CT di động cho phép các bác sĩ chuyên khoa thần kinh ngồi trong xe cứu thương MSU đánh giá bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi một mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn bởi một cục máu đông. Nếu được chẩn đoán đột quỵ, các kỹ thuật viên có thể sử dụng ngay alteplase, một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị tình trạng do cục máu đông gây ra. Khả năng cung cấp điều trị đột quỵ nhanh hơn bằng cách sử dụng các thiết bị đột quỵ di động đã được thử nghiệm trong các nghiên cứu trước đây ở Cleveland, Houston, Berlin và Hamburg, Đức. Nhưng nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên đánh giá liệu chúng có thể được sử dụng để điều trị bệnh nhân nhanh hơn so với phương pháp điều trị thông thường ở một khu vực đông đúc như thành phố New York hay không. Mặc dù kết quả cho biết một tiềm năng của các thiết bị di động, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng có những hạn chế đối với nghiên cứu này. Ví dụ, nó sử dụng cỡ mẫu tương đối nhỏ và có các yếu tố gây nhiễu như giao thông, ngày trong tuần và thời gian trong ngày khi bệnh nhân được vận chuyển. Ngoài ra còn có các yếu tố bên ngoài khác cần xem xét, bao gồm nhu cầu về quỹ lương để chi trả cho nhân viên của đơn vị MSU. Cần nghiên cứu thêm để xác định xem các đơn vị đột quỵ di động có cải thiện kết quả sức khỏe lâu dài hay không và là giải pháp hiệu quả về chi phí trong các hệ thống chăm sóc đột quỵ ở các thành phố lớn, vì chúng cần một khoản đầu tư tài chính đáng kể cho trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện của thành phố. Xe cứu thương MSU với máy CT scan di động đặt bên trong xe (Tài liệu tham khảo: “Mobile stroke units might be the answer to quicker treatment”, American Heart Association News, 2019) SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...