Tại Đức, trước đây chính phủ là nhà đầu tư duy nhất cho các cơ sở công cộng thiết yếu. Tuy nhiên, do khó khăn ngày càng tăng trong việc đảm bảo nguồn lực cần thiết để mở rộng và phục hồi các cơ sở công lập cũng như sự thất bại ngày càng tăng của phương pháp phân phối dự án theo cách truyền thống đã khơi dậy mối quan tâm về nhu cầu lựa chọn đầu tư thay thế. Sự xuất hiện của hình thức đối tác công tư (PPP) đã giải quyết vấn đề cung cấp cơ sở hạ tầng và làm nhẹ ngân sách chính phủ. Do đó, Đối tác công tư (PPP) tìm cách đạt được bước tiến tốt nhất đối với việc cung cấp cơ sở hạ tầng, bằng cách sử dụng đổi mới lĩnh vực tư nhân, hiệu quả và sự nhạy bén trong kinh doanh khi thích hợp, đồng thời cho phép sự giám sát và chức năng điều tiết của chính phủ đối với cơ sở. Cơ sở để áp dụng PPP trong lĩnh vực y tế tại Đức cũng không khác gì so với bất kỳ lĩnh vực nào, trong bối cảnh ngành y tế nước Đức bị thâm hụt tài chính lớn, cùng với suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng đến toàn bộ Châu Âu (những năm 1998). Điều này đòi hỏi chính phủ phải cắt giảm hơn một nửa ngân sách cung cấp cho các bệnh công lập, do đó làm cho khả năng xây dựng, hiện đại hóa và duy trì các bệnh viện của khu vực công bị hạn chế rất nhiều. Điều này đã dẫn đến việc các bệnh viện tại Đức xuống cấp, số lượng bác sĩ không đủ và tình trạng thiếu điều dưỡng. Đây là lý do chính để nước Đức đi tìm các hình thức tài chính thay thế cho những khó khăn về đầu tư ảnh hưởng đến bệnh viện công. PPP là hình thức đầu tư được quảng bá sẽ đáp ứng cho các cơ sở y tế thông qua các nguồn lực tư nhân thay vì thanh toán trực tiếp thông qua chi tiêu công để làm nhẹ ngân sách chính phủ. Về ưu điểm của PPP trong y tế Sự kết hợp công và tư trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng đã cung cấp một số lợi điểm mà không thể đạt được nếu không có sự tham gia của cả 2 phía. PPP làm giảm ngân sách đầu tư công và cho phép trải đều chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng theo thời gian sử dụng của cơ sở, do đó cung cấp cơ sở hạ tầng tại thời điểm cần thiết mà không thể sớm hơn do hạn chế ngân sách. Các nghiên cứu tại Đức đã chứng minh chất lượng của các bệnh viện công đã tăng đáng kể sau khi tư nhân hóa, hơn nữa, với các bệnh viện PPP ở Đức đã chứng kiến số lượng bác sĩ trên giường bệnh tăng hơn so với bệnh viện công. Ngoài ra, một nghiên cứu phân tích tất cả bệnh viện PPP ở Đức trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2007 cho thấy hiệu quả bệnh viện tăng từ 3,2% đến 5,4% so với các bệnh viện công. Điều này dẫn đến kết luận rằng các bệnh viện PPP cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng tốt hơn, hiệu quả được cải thiện hơn so với các bệnh viện công. Ngoài ra, các bệnh viện PPP có nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại hơn và các thiết bị y tế mới hơn so với các bệnh viện công đang bị quá tải. Về nhược điểm của PPP trong y tế Bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn những lo ngại việc áp dụng hình thức PPP trong lĩnh vực nhạy cảm như bệnh viện sẽ dẫn đến phải tăng chi phí để có được dịch vụ chăm sóc chất lượng tốt so với khả năng chi trả của người dân, hoặc khi được yêu cầu cung cấp ở mức giá phải chăng sẽ khiến các bệnh viện cắt giảm chất lượng dịch vụ của họ để giảm chi phí. Hơn nữa, nếu giá vượt quá khả năng chi trả của người bệnh, thì có khả năng bệnh nhân từ bỏ điều trị, điều này sẽ gây hậu quả bất lợi cho cộng đồng như lây lan bệnh truyền nhiễm. Mối quan tâm lớn đối với việc áp dụng PPP trong bệnh viện là lo ngại rằng các khu vực tư nhân sẽ chỉ cung cấp dịch vụ chất lượng tốt nhất cho những người trong nhóm sẵn sàng chi trả, trong khi nhóm có khả năng chi trả thấp hơn sẽ không cung cấp đủ, dẫn đến việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe không công bằng. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra khoảng cách về tình trạng sức khỏe ngày càng tăng do sự tiếp cận không đồng đều về chăm sóc sức khỏe giữa các tầng lớp xã hội khác nhau ở hầu hết các nước châu Âu. Một nghiên cứu khác cho thấy bằng chứng việc cắt giảm chi phí và tăng cường khối lượng công việc của nhân viên trong các bệnh viện PPP vì lý do lợi nhuận, khẳng định rằng các bệnh viện mới theo hình thức PPP có xu hướng đắt hơn so với đầu tư bằng ngân sách theo phương pháp truyền thống, do chi phí đấu thầu PPP cao hơn, chi phí tài chính cao hơn và nhu cầu lợi nhuận. Các loại hình bệnh viện PPP Có nhiều loại hình bệnh viện PPP tại nước Đức, như: Build Own Operate Transfer (BOOT); Build Own Operate (BOO); Lease Own Operate (LOO); Build Operate Transfer (BOT); Build Transfer Operate (BTO); Build Lease Transfer (BLT); Design Build Finance Operate (DBFO) and finally Private Finance Initiative (PFI). Các loại hình PPP trên có bản chất tương tự nhau ở chỗ khu vực tư nhân sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, tài chính, xây dựng, vận hành và bảo trì cơ sở trong thời gian thỏa thuận (thường là 25-30 năm). Tuy nhiên, sự khác biệt duy nhất của họ nằm ở quyền sở hữu của cơ sở trong thời kỳ nhượng quyền và liệu quyền sở hữu có được chuyển lại cho chính phủ sau thời gian nhượng quyền và mức độ giả định rủi ro giữa khu vực công và tư như hình dưới đây: Ví dụ, trong BOT và BOOT, khu vực tư nhân vẫn giữ quyền sở hữu trong thời gian nhượng quyền nhưng chuyển lại cho chính phủ vào cuối thời kỳ nhượng quyền. Tuy nhiên, trong BTO, quyền sở hữu của cơ sở được chuyển giao cho chính phủ ngay sau khi xây dựng cơ sở, khu vực tư nhân sau đó sẽ tìm kiếm một hợp đồng để vận hành cơ sở. Nhưng trong BOO, quyền sở hữu của cơ sở được giữ lại bởi khu vực tư nhân mà không chuyển giao cho chính phủ ngay cả sau thời gian nhượng quyền. Mặc dù LOO tương tự như BOO, nhưng theo loại hình LOO, chính phủ cho khu vực tư nhân thuê một cơ sở sẵn có, khu vực tư nhân sẽ cải tạo nâng cấp hoặc mở rộng cơ sở và vận hành nó trong thời gian quy định. Trong khi ở BLT, khu vực tư nhân cho chính phủ thuê lại cơ sở ngay sau khi xây dựng nhưng cơ sở sẽ được chuyển giao cho chính phủ sau thời gian thỏa thuận miễn phí. Tuy nhiên, trong DBFO và PFI, khu vực công mua dịch vụ từ khu vực tư nhân, những người phải thiết kế, tài chính, xây dựng, vận hành và bảo trì cơ sở trong thời gian thỏa thuận sau đó cơ sở được hoàn trả lại cho chính phủ. SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...