Xe cứu thương thô sơ tại California (Mỹ) - năm 1915 Trong các tình huống người bệnh bị đe doạ tính mạng như ngừng tim, nhồi máu cơ tim, bệnh hô hấp nặng và đa chấn thương,… thì việc tiếp cận dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện là rất quan trọng và phương tiện vận chuyển nhanh nhất để tiếp cận bệnh nhân phải được chọn lựa phù hợp với tình hình giao thông và địa hình. Gần đây, tại nhiều quốc gia do mật độ giao thông đô thị ngày càng tăng, phải mất thời gian tương đối dài cho xe cứu thương truyền thống mới có thể tiếp cận được bệnh nhân, việc sử dụng xe máy 2 bánh cấp cứu đã được sự đồng tình và triển khai tại nhiều nước. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai xe cấp cứu 2 bánh như: Mỹ, Anh, Úc, Brasil, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nam Phi, Đài Loan - Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ,…Tại Úc và một số nước phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo mô hình Anglo-American, “Paramedic motocycle” là thuật ngữ dùng để chỉ loại hình xe cấp cứu 2 bánh do chính các chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedics) sử dụng. Không phải lúc nào xe cứu thương cũng tiếp cận được hiện trường nếu không có xe cấp cứu 2 bánh (hình ảnh tại Hà Lan) Dưới đây là tóm lược hiệu quả của loại hình “Paramedic motocycle” qua các công trình nghiên cứu trên thế giới như “Motorcycles in EMS” của tác giả Francis Mencl - Professor of Emergency Medicine NEOMED, “Medical emergency motorcycle – is it useful in a Scandinavian Emergency Medical Service?” của tác giả Anders Rostrup Nakstad - The Air Ambulance department, Oslo University Hospital – Ullevål, Oslo, Norway. Tại Na Uy, một nghiên cứu về hiệu quả của dịch vụ xe cứu thương tại thành phố Oslo và Akershus ở Na Uy, nhằm đánh giá xe cấp cứu 2 bánh có tiếp cận được những bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm tiềm ẩn nhanh hơn so với xe hơi cứu thương truyền thống hay không. Tổng cộng có 703 lần xe cấp cứu 2 bánh thực hiện nhiệm vụ, các tác giả ghi nhận thời gian lái xe khẩn cấp trung bình ngắn hơn đáng kể so với xe cứu thương truyền thống. Ngoài yêu cầu về thời gian, xe cấp cứu 2 bánh còn giúp nhân viên y tế đánh giá những bệnh nhân khi yêu cầu hỗ trợ y tế khẩn cấp nhưng không rõ và không chắc chắn, hoạt động này đã giúp làm giảm số lần xuất xe hơi cấp cứu không cần thiết. Không có tai nạn liên quan đến xe cấp cứu 2 bánh trong thời gian nghiên cứu. Chi phí chạy xe cấp cứu 2 bánh mỗi giờ là 29 bảng so với 75 bảng đối với xe hơi cứu thương. Phân bố các tình huống điều phối xe cấp cứu 2 bánh như sau: xe cấp cứu 2 bánh đang ở vị trí gần người bệnh cần cấp cứu (33,8%), xác định nhu cầu có cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện (33,4%), điều đi để hỗ trợ xe hơi cứu thương (17,2%), hiện chỉ còn xe cấp cứu 2 bánh trong khu vực người bệnh cần cấp cứu (5,3%), xe 2 bánh là phù hợp nhất để tiếp cận người bệnh (3,1%) và những lý do khác (7,2%). Phân bố các tình huống xử trí khi đi cấp cứu bằng xe bánh là: các vấn đề nội khoa (13,8%), ngộ độc heroin (10,4%), nghi ngờ đột quỵ (9,7%), gãy cổ xương đùi (9,1%), chấn thương do tai nạn giao thông hoặc do té, ấu đả (8,4%), nghi nhồi máu cơ tim (7%), co giật (6,7%), ngưng tim (6,7%), đau bụng (4,7%), bệnh phổi (4,7%), ngộ độc (4%), bệnh tâm thần (3,7%), vết thương nhỏ (2,3%) Xe cấp cứu 2 bánh tại Na Uy Tại Hà Lan, trong khoảng cách bán kính 7 km, xe cấp cứu 2 bánh đáp ứng yêu cầu cấp cứu nhanh hơn 2 phút so với xe cứu thương 4 bánh. Xe cấp cứu 2 bánh tại Hà Lan Tại Bồ Đào Nha, nhóm nghiên cứu đã mô tả việc sử dụng xe cấp cứu 2 bánh đã chứng minh tính hiệu quả của nó trong việc rút ngắn thời gian tiếp cận bệnh nhân khi không cần sự trợ giúp của xe cứu thương 4 bánh ngay lập tức. Trong số 3.626 lần thực hiện nhiệm vụ đã có một chấn thương nghiêm trọng và hai thương tích nhỏ đối với các nhân viên y tế khi lái xe mô tô phân khối lớn đi cấp cứu người bị nạn. Đội xe cấp cứu 2 bánh tại Bồ Đào Nha Tại Úc, thời gian tiếp cận hiện trường của xe mô tô cấp cứu chỉ mất trung bình 3,5 phút so với 8 phút của xe cứu thương truyền thống. “Paramedic motocycle” tại Úc Tại Hong Kong, với hiệu quả thiết thực của “Paramedic Motocycle”, số lượng xe cấp cứu 2 bánh đã tăng từ 15 (năm 2000) chiếc lên 30 chiếc vào năm 2008. Hong Kong sử dụng mô-tô phân khối lớn phục vụ cho cấp cứu ngoại viện Tại Singapore, nghiên cứu cho thấy nếu xuất phát cùng lúc thì xe hơi cứu thương tiếp cận hiện trường chậm hơn hơn xe máy 4.96 phút (p <0,001, KTC 95% 2,61- 7,31), qua công trình nghiên cứu “Improved Response Times with Motorcycle Based Fast Response Paramedics in an Urban Setting” của các tác giả Marcus Ong, Yiong Huak Chan, Venkataraman Anantharaman. Mô tô 3 bánh cấp cứu của Singapore Tại Đài Loan, một nghiên cứu đã chứng minh rằng một chiếc xe máy có thời gian phản ứng ngắn hơn đáng kể so với xe cứu thương thông thường. Trong giờ cao điểm, xe máy tiếp cận hiện trường nhanh hơn xe hơi cứu thương 1,4 phút và 0,9 phút trong giờ giao thông cao điểm. Xe cấp cứu 2 bánh đơn giản tại Đài Loan SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...