Các loại hình cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Singapore: phòng khám đa khoa, phòng khám tư, phòng khám y học gia đình, trung tâm y tế cộng đồng tại Singapore Trong nhiều năm qua, kết quả chăm sóc sức khỏe của Singapore tương đương với các quốc gia phát triển khác, chi tiêu cho y tế tại Singapore chỉ chiếm 4% GDP trong khi ở Mỹ là 17,9% và Anh là 9,6%. Tuổi thọ của người dân Singapore là 82 tuổi đối với cả hai giới, so với mức trung bình trong khu vực là 75 tuổi và trung bình trên toàn cầu là 68 tuổi (năm 2011). Dưới đây là tóm lược đặc điểm của hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Singapore (theo “Primary healthcare system and practice characteristics in Singapore” - Asia Pacific Family Medicine 2014): Dân số ngày càng tăng về số lượng và già hoá về độ tuổi ngày càng trở nên thách thức đối với hệ thống y tế Singapore (dân số Singapore đã tăng 25% trong thập kỷ qua). Ước tính 20% dân số Singapore sẽ có độ tuổi từ 65 trở lên vào năm 2030, và đến năm 2100, dự báo dân số Singapore có độ tuổi trung vị (median age) là 56,4 tuổi - là quốc gia có độ tuổi cao nhất trong dân số thế giới. Trong khi độ tuổi trung vị của dân số Nhật Bản là 45,9 tuổi vào năm 2013, và dự báo vào năm 2100 sẽ có độ tuổi trung vị là 51,8 - đứng thứ 8 trong các nước có độ tuổi cao nhất thế giới. Điều này cho thấy nhu cầu đang gia tăng và tính cấp thiết về chuẩn bị hệ thống các cơ sở y tế cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là các bệnh lý không lây nhiễm mạn tính cho người cao tuổi tại Singapore. Tại Singapore, dịch vụ chăm sóc ban đầu được cung ứng thông qua mạng lưới các phòng khám đa khoa và các phòng khám tư nhân. Phòng khám đa khoa cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Singapore với nhiều dịch vụ chăm sóc cho cả bệnh cấp tính và bệnh mạn tính. Các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe khá toàn diện như: khám và điều trị ngoại trú, khám sức khỏe và sàng lọc bệnh, giáo dục sức khoẻ, tiêm chủng và các dịch vụ xét nghiệm. Hoạt động của các phòng khám đa khoa tại Singapore đều theo nguyên tắc “1 điểm dừng”, người bệnh không phải đến cơ sở y tế khác để làm xét nghiệm, mua thuốc hoặc thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán. Do các phòng khám đa khoa được chính phủ trợ giá nên thu hút đông bệnh nhân, trung bình khoảng 58 bệnh nhân mỗi ngày, dẫn đến thời gian chờ đợi lâu hơn (so với phòng khám tư nhân khoảng 30 bệnh nhân mỗi ngày). Tại các phòng khám đa khoa, công dân Singapore dưới 18 tuổi và trên 65 tuổi được giảm giá tới 75% phí tham vấn và điều trị, trong khi tất cả các công dân Singapore khác được giảm 50%. Singapore có 20 phòng khám đa khoa cung cấp cho khoảng 20% số lượt chăm sóc sức khỏe ban đầu; và 2.000 phòng khám tư nhân cung cấp cho 80% còn lại. Tuy nhiên, có một sự mất cân đối trong quản lý bệnh không lây nhiễm: các phòng khám tư nhân chiếm khoảng 80% tổng số lượt khám nhưng chỉ quản lý 55% bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, trong khi phòng khám đa khoa phải quản lý 45% bệnh nhân mạn tính còn lại. Do dân số già và tần suất các bệnh mạn tính không lây nhiễm gia tăng, Bộ Y tế Singapore đã xây dựng kế hoạch tổng thể về chăm sóc sức khoẻ ban đầu (Primary Care Masterplan) nhằm làm tăng sự tiếp cận, khả năng chi trả, và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân Singapore. Theo đó, vào năm 2010, một loại hình mới ra đời là Trung tâm sức khoẻ cộng đồng – CHC (Community Health Centre) có chức năng cung ứng các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ như chụp võng mạc bệnh nhân bị tiểu đường, tập vật lý trị liệu đối với những bệnh nhân đang được theo dõi và chăm sóc tại các phòng khám tư. Từ năm 2013, một loại hình mới thứ hai là Phòng khám Y học gia đình - FMC (Family Medicine Clinic) bao gồm các bác sĩ GP cùng làm việc với nhau và với các chuyên gia các chuyên ngành khác hướng đến cung ứng dịch vụ chăm sóc theo nhóm bác sĩ và toàn diện. Sự phối hợp giữa các phòng khám của các bác sĩ thực hành tổng quát (GP) và Trung tâm y tế cộng đồng (CHC) trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Singapore Như vậy, mặc dù Singapore có hệ thống y tế vào loại tốt nhất thế giới, nhiều bệnh viện hiện đại triển khai nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến nhất thu hút nhiều khách du lịch y tế đến khám chữa bệnh, nhưng mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại quốc gia này vẫn đang trên lộ trình hoàn thiện với tầm nhìn xa, đó là các bệnh mạn tính không lây nhiễm có xu hướng sẽ gia tăng ở người cao tuổi. Hầu hết là các phòng khám tư nhân sẽ tham gia chăm sóc sức khoẻ ban đầu, không đơn giản là mở rộng quy mô số phòng khám bác sĩ GP, Singapore còn có phòng khám đa khoa, phòng khám y học gia đình theo mô hình phối hợp nhiều bác sĩ GP, và nhất là Trung tâm sức khoẻ cộng đồng (Community Health Center – CHC) nhằm hỗ trợ cho các loại hình phòng khám trong cung ứng các dịch vụ hỗ trợ về xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán, vật lý trị liệu hướng đến nâng cao chất lượng chăm sóc. Mô hình Trung tâm sức khoẻ cộng đồng (CHC) tại Singapore SỞ Y TẾ TP.HCM Xem thêm...