SỞ Y TẾ Tìm hiểu mô hình đối tác công – tư (PPP) cung ứng dịch vụ chạy thận tại Bangladesh - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 31/3/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    Trong buổi toạ đàm về đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế vừa qua, chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu các mô hình PPP đang được triển khai, trong đó mô hình PPP cung cấp dịch vụ lâm sàng hoặc cận lâm sàng chuyên khoa là đáng được quan tâm và nghiên cứu. Dưới đây là một mô hình khá điển hình về PPP trong cung ứng dịch vụ chạy thận tại Bangladesh được tổ chức tư vấn về PPP (IFC Advisory Services in Public-Private Partnerships thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) giới thiệu qua bài viết: “Public-Private Partnership Stories: Bangladesh Dialysis Centers”.

    Ước tính có khoảng 1,6 triệu người dân Bangladesh bị suy thận mạn, với khoảng 40.000 bệnh nhân tử vong mỗi năm do bệnh thận. Tỷ lệ bị suy thận cao ở quốc gia này do nhiều yếu tố liên quan đến nghề nghiệp, môi trường và nhân khẩu học. Các lựa chọn điều trị duy nhất cho bệnh nhân suy thận là ghép thận hoặc lọc máu. Trong khi ghép thận phải đối mặt với nhiều hạn chế về kỹ thuật và tài chính, thì lọc máu là một kỹ thuật khá đơn giản giúp bệnh nhân có thể sống một cuộc sống bình thường trong nhiều năm. Tuy nhiên, tại quốc gia này, khả năng kết hợp cả nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe công lập và tư nhân chỉ có thể cung cấp dưới 10% bệnh nhân có chỉ định lọc máu. Bệnh nhân suy thận thường phải chạy thận 2 đến 3 lần một tuần trong suốt quãng đời còn lại, có nghĩa là rất cần cung ứng dịch vụ chạy thận cho người bệnh dễ dàng tiếp cận, đặc biệt là bệnh nhân thuộc các thành phần yếu thế trong xã hội.



    Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Bangladesh đã khởi động một dự án thí điểm đối tác công tư (PPP) về cung ứng dịch vụ chạy thận trong các bệnh viện tại 2 thành phố lớn nhất của Bangladesh là Dhaka and Chittagong - 2 thành phố đông dân nhất ở Bangladesh. Các cơ sở lọc máu hiện có tại các bệnh viện thuộc 2 thành phố này được chọn, bao gồm: Viện Bệnh thận và Tiết niệu Quốc gia (NIKDU) và Bệnh viện Chittagong (CMCH), cả 2 bệnh viện này không đủ thiết bị chạy thận trong thời gian dài trước đó với các thiết bị lạc hậu và cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng.



    Nhóm tư vấn giao dịch PPP của IFC (International Finance Corporation) thuộc Ngân hàng Thế giới phối hợp với Văn phòng PPP của Chính phủ Bangladesh tham gia hỗ trợ xây dựng cấu trúc giao dịch PPP cho dự án này, chuẩn bị hồ sơ mời thầu và tiến hành đấu thầu để chọn nhà điều hành tư nhân thông qua quy trình cạnh tranh và minh bạch. Một bản ghi nhớ ba bên đã được ký kết giữa IFC, văn phòng PPP và Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình. Đối tác tư nhân sẽ chịu trách nhiệm kinh phí, cải tạo cơ sở hạ tầng, nhân sự, vận hành và duy trì các trung tâm lọc máu tại 2 bệnh viện NIKDU và CMCH. IFC đã tiến hành thẩm định chi tiết về kỹ thuật, tài chính, môi trường, và pháp lý và đưa ra các khuyến nghị về cơ chế tài chính, phân bổ rủi ro và thiết kế quy trình đấu thầu bao gồm chuẩn bị hồ sơ mời thầu. Cuộc đấu thầu dự án PPP đã được thực hiện theo kế hoạch và chọn được một công ty có chuyên môn trong việc cung cấp dịch vụ lọc máu làm đối tác tư nhân.



    Dự án bao gồm lắp đặt 110 trạm lọc máu tại hai bệnh viện, trong đó, 70 trạm đặt tại bệnh viện NIKDU và 40 trạm đặt tại bệnh viện CMCH. 2 bệnh viện này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp không gian, tiện ích và bác sĩ chuyên khoa thận tại hai trung tâm lọc máu của bệnh viện. Đối tác tư nhân sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, cải tạo cơ sở hạ tầng, mua sắm và lắp đặt thiết bị, tài chính và duy trì hoạt động của các trung tâm lọc máu trong thời gian 10 năm. Nhà điều hành tư nhân cũng sẽ sử dụng và duy trì tất cả các nhân viên không phải là bác sĩ chuyên khoa thận của bệnh viện.



    Dự án sử dụng mô hình “trợ cấp chéo với giá cả kép”, có nghĩa là bệnh nhân nghèo được cung cấp dịch vụ với mức trợ cấp cao, trong khi bệnh nhân không thuộc diện nghèo phải trả phí cao hơn. Để hỗ trợ mức thuế thấp cho người dùng, Chính phủ Bangladesh sẽ trả số tiền khoảng 700.000 USD mỗi năm cho nhà điều hành tư nhân. Tổng chi phí vốn ước tính của dự án là khoảng 2 triệu USD.



    Sau một quá trình đấu thầu minh bạch và cạnh tranh, một công ty tư nhân là Sandor Medicaids Private Limited - Ấn Độ, chuyên điều hành một mạng lưới các trung tâm lọc máu trên khắp nước Ấn Độ, đã được chọn thực hiện dự án. Công ty Sandor Medicaid cam kết cung cấp một đợt lọc máu với giá khoảng 28 USD, ít hơn một nửa so với giá lọc máu tại các bệnh viện tư nhân trong nước có chất lượng tương đương. Thỏa thuận nhượng quyền đã được ký giữa Công ty Sandor Medicaids Private Limited và Chính phủ Bangladesh vào tháng 1/2015.



    [​IMG]

    Ký kết hợp đồng triển khai dự án PPP cung ứng dịch vụ chạy thận tại Bangladesh (1/2015)



    Kết quả đạt được của dự án PPP cung ứng dịch vụ chạy thận tại Bangladesh: nhà nước đã huy động ít nhất 2 triệu đô la từ đầu tư tư nhân cho chạy thận, cải thiện cung ứng dịch vụ chạy thận cho người dân Bangladesh, tăng 8 lần công suất cho các dịch vụ chạy thận tại 2 bệnh viện NIKDU và CMCH, tăng 13% trong tổng số máy chạy thận trong nước.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Tìm kiếm theo từ khóa :PPP

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này