SỞ Y TẾ Tìm hiểu mô hình thiết kế bệnh viện tích hợp logistics vận hành theo nguyên lý “just-in-time” tại các nước phát triển - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 21/5/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Mô hình bệnh viện New Odense, Đan Mạch thiết kế vận hành theo nguyên lý “Just-in-time” sẽ đi vào hoạt động vào năm 2015



    Just-In-Time (JIT) là một khái niệm trong sản xuất hiện đại, có thể tóm lược ngắn gọn về nguyên lý của JIT là: “đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết”. Một tổ chức vận hành theo nguyên lý JIT là nếu một quy trình không tạo ra giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất hay cung ứng dịch vụ thì phải bị bãi bỏ. Nói cách khác, JIT là hệ thống điều hành sản xuất trong đó các luồng nguyên, vật liệu, hàng hóa và sản phẩm lưu hành trong quá trình sản xuất và phân phối được lập kế hoạch chi tiết trong từng bước sao cho quy trình tiếp theo có thể thực hiện ngay khi quy trình trước đó vừa chấm dứt. Qua đó, không có hạng mục nào trong quá trình sản xuất bị rơi vào tình trạng để không, chờ xử lý, không có nhân viên hay thiết bị nào phải đợi để có đầu vào vận hành.



    Nguyên lý JIT đã được vận dụng vào lĩnh vực y tế tại nhiều nước phát triển, nhất là các quy trình cung ứng hậu cần trong bệnh viện. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy tính hiệu quả của nguyên lý này khi được vận dụng vào bệnh viện, rõ nhất là tiết kiệm được chi phí, nghiên cứu về quản lý logistics tại các bệnh viện ở Singapore cho thấy chi phí hậu cần có thể chiếm 30% tổng kinh phí hoạt động của bệnh viện, nhưng nếu quản lý logistics tốt có thể tiết kiệm được 50% chi phí hậu cần cho bệnh viện. Một thực tế cho thấy kết quả vận dụng nguyên lý JIT sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi bệnh viện, trong đó thiết kế và cấu trúc bệnh viện giữ vai trò quan trọng.



    Mới đây, bệnh viện Đại học New Odense tại Đan Mạch đã có ý tưởng thiết kế xây dựng bệnh viện mới hướng vào cấu trúc hạ tầng tạo thuận lợi nhất để bệnh viện triển khai vận hành quản lý logistics theo nguyên lý JIT. Bệnh viện được thiết kế và xây dựng với một tầm nhìn đầy tham vọng cho dịch vụ hậu cần của bệnh viện, chính logistics mới là giải pháp quan trọng sẽ làm giảm đáng kể chi phí vận hành của bệnh viện, việc giảm bố cục vật lý của bệnh viện sẽ đảm bảo các khu vực lâm sàng rộng rãi hơn với khoảng cách đi bộ ngắn và diện tích các khoa ưu tiên cho các chức năng liên quan đến hoạt động lâm sàng và chăm sóc bệnh nhân.



    Đặc điểm nổi bật nhất trong cấu trúc thiết kế của Bệnh viện Đại học New Odense là hiện thực hoá một khái niệm mới về kho lưu trữ hàng hoá của bệnh viện, đó là loại bỏ các kho phi tập trung tại các khoa lâm sàng bằng cách tích hợp không gian lưu trữ trong các bức tường của bệnh viện mới. Khái niệm này được cụ thể hoá bằng cách triển khai một mạng lưới băng tải và thang máy kết nối các chức năng hỗ trợ phân phát hàng hoá từ các kho trung tâm của bệnh viện như nhà thuốc, khoa xét nghiệm, khoa tiệt khuẩn trung tâm, kho hàng hoá, khoa dinh dưỡng với trục lưu trữ hàng hoá tự động tại mỗi khoa lâm sàng. Các trục này được đặt trong mỗi 25 mét tường của tòa nhà và mạng vật lý này được kết hợp với một đội xe vận chuyển hàng hoá tự động (Automated Guided Vehicles - AGV) cũng như hệ thống ống khí nén.

    [​IMG]

    Xe vận chuyển hàng hoá AGV sẽ vận chuyển hàng hoá từ trục lưu trữ hàng hoá tự động phân bổ trên mỗi 25 mét tường của toà nhà đến các khoa



    Giải pháp trục lưu trữ hàng hoá hoàn toàn tự động này có thể khiến việc cung cấp hàng hoá đến các khoa kịp thời, nhân viên bệnh viện có thể đặt hàng trên máy tính bảng của họ để nhận hàng ngay tại trục lưu trữ gần nhất. Theo thiết kế, các mặt hàng được đặt hàng thường xuyên sẽ đến trong vòng 1 phút và các mặt hàng hiếm khi được sử dụng sẽ được giao từ các bộ phận khác của bệnh viện trong vòng 5 phút.



    Hệ thống có thể giải quyết tới 90% của các nhiệm vụ hậu cần nội bộ của bệnh viện. Vật tư, hàng hóa và thiết bị sẽ không còn chiếm không gian lưu trữ tại các khoa, phòng trong bệnh viện; thay vào đó, nguồn cung cấp sẽ có sẵn trên khắp bệnh viện từ bất kỳ khu vực nào, khi cần sẽ được cung cấp đến nơi cần thiết. Nhân viên không còn phải giữ hàng tồn kho tại các khoa và quản lý các cơ số lưu trữ. Thời gian lấy, đặt hàng, vận chuyển và xử lý vật tư có thể được giảm đáng kể, điều này giúp nhân viên y tế có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các nhiệm vụ chăm sóc người bệnh.



    Khái niệm mới này sẽ làm giảm đáng kể mức tồn kho vì toàn bộ hàng hoá lưu trữ tại các không gian lưu trữ trong các bức tường của bệnh viện có thể liên thông nhau và dễ dàng chia sẻ lẫn nhau giữa các khoa, phòng trong bệnh viện. Việc tiếp cận ngắn và dễ dàng đến các cửa hàng vật tư sẽ rút ngắn khoảng cách đi bộ và tiết kiệm thời gian cho nhân viên của các khoa lâm sàng.



    Như vậy, khái niệm một bệnh viện hiện đại không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp bên ngoài về kiến trúc của toà nhà, không chỉ là không gian xanh,… mà chính là cấu trúc bên trong của bệnh viện được thiết kế đảm bảo cho công tác quản lý theo “dòng chảy lâm sàng”, với quy trình cung ứng các dịch vụ hậu cần (logistics) cho các khoa, phòng vận hành theo nguyên lý “just-in-time”, chắc chắn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ khi vận hành bệnh viện.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này