SỞ Y TẾ Tìm hiểu những giải pháp cho những khó khăn gặp phải tại các khoa Cấp cứu của các bệnh viện Châu Âu - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 1/11/20.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    Khác với các chuyên khoa khác, hoạt động của khoa Cấp cứu tại các bệnh viện ở các nước Châu Âu cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó thiếu nhân lực chuyên khoa Cấp cứu và quá tải bệnh nhân được các dịch vụ EMS ngoài bệnh viện chuyển đến. Dưới đây là nhận định của 2 tác giả Anna Sagan và Erica Richardson qua công trình nghiên cứu về những thách thức trong cung ứng hoạt động cấp cứu người bệnh tại các nước Châu Âu (“The challenge of providing emergency medical care”).

    Khó khăn 1: Thiếu nhân lực chuyên khoa Cấp cứu

    Từ những năm đầu thế kỷ 20, các bệnh viện tại Châu Âu đã bắt đầu chú trọng đến hình thành các khoa Cấp cứu tại bệnh viện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tiếp nhận và điều trị các bệnh nặng có xu hướng ngày càng tăng. Ở thời điểm này, khoa Cấp cứu là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong cấu trúc của một bệnh viện ở Châu Âu, và trở thành một thành phần bắt buộc về mặt pháp lý về tổ chức hoạt động của các bệnh viện.

    Tuy nhiên, thiếu nhân lực bác sĩ chuyên trách cấp cứu lại là vấn đề đáng lo ngại. Trong quá khứ, khi một bệnh nhân trong tình trạng nặng được đưa đến khoa Cấp cứu, nhưng bác sĩ tiếp nhận và điều trị cấp cứu thường là một bác sĩ chuyên khoa về hồi sức hoặc một bác sĩ thực tập (nhưng không có người giám sát).

    Ngày nay, phần lớn bác sĩ chuyên trách ở khoa Cấp cứu tại các bệnh viện lớn thường là các bác sĩ chuyên khoa có thâm niên (senior). Ở hầu hết các nước thuộc Khối liên minh Châu Âu, các bác sĩ tham gia đào tạo các chuyên khoa đều phải luân phiên thực hành tại khoa Cấp cứu như một phần đào tạo bắt buộc sau đại học, mặc dù sự giám sát của họ chủ yếu là các bác sĩ không phải chuyên khoa cấp cứu. Hiện nay, hầu hết nhân lực chính của khoa Cấp cứu tại các bệnh viện đều là các bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu và các bác sĩ học chuyên khoa và trong giai đoạn thực hành về chuyên khoa Cấp cứu.

    Tuy nhiên, do chuyên khoa Cấp cứu thuộc nhóm các chuyên khoa khó thu hút được nhiều sinh viên ở giai đoạn chọn lựa chuyên khoa để tiếp tục chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa, do đó thiếu bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu hiện nay vẫn là tình huống khá thường gặp tại một số nước (Bulgaria, Hungary). Trước tình hình thiếu bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu, các bệnh viện đã thực hiện chính sách luân phiên các bác sĩ chuyên khoa khác xuống các khoa Cấp cứu, về kiến thức và thực hành căn bản về cấp cứu của các bác sĩ này đều đã được trang bị trong thời gian học chuyên khoa.

    Như vậy, nguồn nhân lực chính tại các khoa Cấp cứu của các bệnh viện các nước Châu Âu bao gồm các bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu, các bác sĩ thực hành trong chương trình đào tạo các chuyên khoa và các bác sĩ chuyên khoa khác luân phiên xuống khoa Cấp cứu.

    Ngoài ra, khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân viên y tế ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa đã tác động đến tất cả các chuyên khoa, trong đó nhân lực chuyên khoa Cấp cứu lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Vì lý do này, để cấp cứu người bệnh nặng ở vùng sâu vùng xa, một số nước đã ưu tiên triển khai dịch vụ máy bay cứu thương (Ireland), tuy nhiên dịch vụ này sẽ tiêu tốn những chi phí không nhỏ.

    Khó khăn 2: Quá tải bệnh nhân tại khoa Cấp cứu do dịch vụ EMS phát triển khá mạnh

    Tại các nước Châu Âu, dịch vụ EMS phát triển khá mạnh, đã giải quyết được nhu cầu cấp cứu ngoài bệnh viện với cả 2 loại hình SAMU (còn gọi là mô hình Franco-German) và mô hình Paramedic (còn gọi là mô hình Anglo-American) tuỳ theo tình trạng nguy kịch của bệnh nhân. Số lượt gọi đến trung tâm điều phối cấp cứu quốc gia hàng năm dao động từ 4 đến 33 cuộc gọi/100 người dân mỗi năm, tại Anh: trung bình có 23.216 cuộc gọi mỗi ngày (tương đương 16.1 cuộc gọi mỗi phút). Xe cứu thương sẽ vận chuyển bệnh nhân nặng về các khoa Cấp cứu hoặc các khoa chuyên khoa để điều trị, kết quả là đã xuất hiện quá tải bệnh nhân nặng tại khoa Cấp cứu ở một số bệnh viện lớn.

    Trước tình hình đó, giải pháp lọc bệnh cấp cứu, thuật ngữ là “triage”, đã được triển khai nhằm hạn chế số bệnh nhân chưa thật sự cần thiết đưa vào khoa Cấp cứu để điều trị. Hoạt động này nhằm đảm bảo việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn, như nhân sự, vật tư, thiết bị, phương tiện vận chuyển và khả năng của các cơ sở y tế. Hầu như tất cả các nước thành viên thuộc Khối liên minh Châu Âu đều sử dụng hướng dẫn (protocol) sàng lọc bệnh nhân cấp cứu ở bệnh viện của họ, trong khi đó, có 21 quốc gia cũng đã sử dụng hướng dẫn sàng lọc cho dịch vụ xe cứu thương giúp phân loại bệnh và chuyển bệnh nhân.

    Các hướng dẫn chi tiết và cụ thể có thể giúp cải thiện hoạt động điều phối của trung tâm cấp cứu. Tuy nhiên, việc sử dụng các hướng dẫn sàng lọc khác nhau trong cùng một hệ thống EMS có thể gây ra rủi ro về an toàn cho bệnh nhân. Tại Châu Âu, chỉ có 11 nước thành viên EU thống nhất thực hiện các hướng dẫn sàng lọc theo tiêu chuẩn quốc gia. Ngoài ra, hầu hết các khoa Cấp cứu tại các bệnh viện sử dụng các hướng dẫn sàng lọc riêng của họ, không có sự phối hợp hoặc chuẩn hóa thành hướng dẫn thống nhất trong nước và cả với dịch vụ cứu thương EMS ngoài bệnh viện.

    [​IMG]

    Nhân viên cấp cứu ngoài bệnh viện và bác sĩ tại các khoa Cấp cứu sử dụng hướng dẫn sàng lọc bệnh tại các nước Châu Âu (Công trình nghiên cứu “Ambulance care in Europe Organization and practices of ambulance services in 14 European countries” - Nanne Bos, Maarten Krol, Charlotte Veenvliet, Anne Marie Plass)

    Gần đây, một số nước đã sử dụng công nghệ thông tin để hướng dẫn sàng lọc và phân loại cấp cứu và chia sẻ trên toàn hệ thống EMS ngoài bệnh viện và trong các bệnh viện, hoạt động này được xem như một phương thức để cải thiện mạng lưới các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu được xe cứu thương chuyển đến và tăng hiệu quả trong toàn hệ thống cấp cứu. Thông tin mới và công nghệ máy tính có thể giúp quản lý hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tốt hơn ở mọi cấp độ. Đặc biệt, sàng lọc và phân loại bệnh nhân cấp cứu do điều dưỡng điều hành hiện nay đã phổ biến ở một số nước (Anh) và đã chứng minh là một phương pháp xác định chính xác các bệnh nhân có nguy cơ cao (sử dụng phần mềm ProQA (của Mỹ) hoặc các phần mềm tương tự giúp sàng lọc và phân loại bệnh nhân cấp cứu).

    Thách thức: Triển khai hoạt động cấp cứu tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu hoạt động ngoài giờ

    Thay đổi xu hướng sức khỏe dân số, đặc biệt là số người cao tuổi mắc đa bệnh, đã gây áp lực lên các dịch vụ cấp cứu bệnh nhân nặng, đặc biệt là khoa Cấp cứu của các bệnh viện và dịch vụ xe cứu thương EMS. Dự báo các dịch vụ cấp cứu này sẽ quá tải bệnh nhân, các nước Châu Âu đang nghiên cứu các chiến lược mới tập trung vào việc thiết lập thêm đường đi khác cho người bệnh khi có nhu cầu cấp cứu, bên cạnh dịch vụ EMS và các khoa Cấp cứu của các bệnh viện. Trong đó, nghiên cứu triển khai hoạt động cấp cứu người bệnh cho các cơ sở y tế cung ứng chăm sóc sức khoẻ ban đầu, các phòng khám của các bác sĩ thực hành tổng quát (GP) làm ngoài giờ và cả ngày nghỉ để tham gia hoạt động sơ cấp cứu, còn gọi là OOH (OUT-OF-HOURS primary care).

    Sở Y tế TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này