SỞ Y TẾ Tìm hiểu tình hình triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử (EHR) tại các nước Châu Âu - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 3/7/19.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Dưới đây là tóm lược một số đặc điểm về triển khai EHR tại một số nước Châu Âu (theo “The electronic health record: a comparison of some European countries”, 1/2016):



    Tại Châu Âu, mức độ thành công khi triển khai EHR giữa các nước có khác nhau, thành công nhất là các nước khu vực Bắc Âu. Tuy nhiên do tính tự chủ cao của chính quyền địa phương, như trong trường hợp của Phần Lan, lại là một trong những lý do dẫn đến việc áp dụng các hệ thống EHR liên vùng thường không tương thích với nhau. Bên cạnh đó, các nước cũng gặp tình trạng thiếu sự tương thích giữa bệnh án điện tử tại các bệnh viện (EMR) với hồ sơ sức khoẻ điện tử (EHR).



    Một điểm chung đó là các nước Châu Âu đều công nhận lợi ích mang lại kể từ khi triển khai EHR, bao gồm:

    - Các bác sĩ dễ dàng truy cập vào hồ sơ sức khoẻ với thông tin lâm sàng chi tiết trong quá khứ và hiện tại bất kể không gian hoặc thời gian để hỗ trợ cho việc ra quyết định sáng suốt hơn;

    - Cải thiện an toàn: EHR giảm được các lỗi có thể xảy ra và ngăn chặn được tình trạng mất tài liệu hoặc đọc sai dữ liệu;

    - Tiếp cận thông tin trong quá khứ và hiện tại do đó tham chiếu đến số lượng dữ liệu lớn hơn, tạo điều kiện cho việc ra quyết định và thúc đẩy cải tiến chất lượng dịch vụ;

    - Cải thiện công tác chăm sóc sức khoẻ: tối ưu hóa các phương pháp điều trị, củng cố và chuẩn hóa thông tin, và liên kết các lĩnh vực khác nhau của hệ thống y tế và giảm chi phí hành chính và quản lý. Dữ liệu sức khoẻ được tự động cập nhật và dễ dàng có ngay lập tức những thông tin cần thiết trong công tác quản lý nhà nước về y tế.



    Tại Ý:



    Triển khai EHR là một trong những mục tiêu của chương trình “Kỹ thuật số của nước Ý”, có nguồn gốc từ một trong những chỉ thị chiến lược của Liên minh Châu Âu nằm trong “Kế hoạch hành động Châu Âu 2020”. Năm 2010, Bộ Y tế Ý đã thiết lập các hướng dẫn triển khai EHR nhằm giới thiệu một hệ thống y tế kỹ thuật số tích hợp và bảo vệ sức khỏe của công dân Ý. Mục đích của chiến lược thông tin y tế là phát triển một hệ thống thông tin địa phương hài hòa, mạch lạc và bền vững để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân bằng cách tăng mức độ hợp tác.



    Ở Ý, có 3 cấp độ trong hệ thống y tế: quốc gia, khu vực và địa phương; EHR chỉ được sử dụng một cách hiệu quả ở 5 vùng (Bologna, Emilia Romagna, Tuscany, Sardinia và tỉnh Trento tự trị) trong khi nó vẫn đang được thử nghiệm và trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc thực hiện ở các khu vực khác (Piemonte, Liguria, Marche, Veneto , Abruzzo, Campania Basilicata).



    Tại các nước thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland:



    Tại Anh, năm 1997, chính phủ Anh bắt đầu cải tổ dịch vụ y tế quốc gia (NHS) với mục đích tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm. Người dân là trung tâm của hệ thống y tế công cộng và được tham gia ra quyết định liên quan đến sức khoẻ của mình. Vì lý do này, EHR trở thành một công cụ cơ bản; hỗ trợ cho việc giao tiếp, gia tăng lượng thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và liên quan đến việc thu thập dữ liệu của người dân.



    Năm 2002, Chương trình Công nghệ Thông tin quốc gia (NPfIT) đã được khởi xướng triển khai dịch vụ hồ sơ chăm sóc NHS, đó là việc tạo ra một hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân từ các cơ sở chăm sóc ban đầu chuyển đến.



    Năm 2010, nhiều khó khăn đã nảy sinh; nhiều vấn đề về phần mềm bắt đầu xuất hiện, chương trình không đưa ra thời hạn hoàn thành và các vấn đề khác như: các nhà phân tích, người tham gia dự án không phải là chuyên gia chăm sóc sức khỏe và do đó không hiểu hết được các vấn đề và quy trình của bệnh viện, những khó khăn này làm cho chương trình sức khỏe điện tử bị dừng lại.



    Năm 2011, để tiết kiệm một phần tiền đầu tư lên tới hơn 10 tỷ bảng, thay vì triển khai đầy đủ EHR như ban đầu chuyển sang chỉ còn hồ sơ tóm tắt điều trị và duy trì dịch vụ kê đơn điện tử để cải thiện tính bảo mật và hiệu quả của chăm sóc sức khỏe sử dụng cho khoảng 24 triệu người vào năm 2013. Bộ Y tế đã đàm phán một thỏa thuận mới với các nhà cung cấp phần mềm, vào tháng 8/2012, một thỏa thuận mới đã thiết lập thời hạn đến cuối tháng 7/2016 cho phép sự linh hoạt lớn hơn và khả năng cung cấp các giải pháp mới để cung cấp hồ sơ chăm sóc sức khỏe.



    Tại Xứ Wales, cũng triển khai các hệ thống công nghệ thông tin nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe. Trong thực tế, những thay đổi nhanh chóng, liên tục và vẫn đang được tiếp tục thực hiện cho đến hiện nay. Từ năm 2010, người dân đã có thể sử dụng dịch vụ trực tuyến để đăng ký các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ như đặt lịch hẹn, yêu cầu được nhập viện và kiểm tra X quang.



    Tuy nhiên, EHR chỉ hữu ích ở cấp y tế địa phương; các bác sĩ không thể truy cập vào hồ sơ sức khoẻ điện tử nếu bệnh nhân sử dụng dịch vụ của bệnh viện ngoài khu vực cư trú. Các bác sĩ đa khoa có thể gửi thông tin của họ đến bệnh viện bằng cách giới thiệu điện tử theo cách an toàn và chuẩn mực.



    Scotland triển khai tóm tắt chăm sóc cấp cứu vào EHR từ năm 2004; các bác sĩ sẽ nhập dữ liệu cá nhân, thuốc được kê đơn, dị ứng,… Các cơ sở y tế có thể liên lạc và trao đổi thông tin bằng cách sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia, được gọi là Cổng Thông tin Chăm sóc Scotland (Scottish Care Information - SCI).



    Năm 2012, bệnh án tóm tắt đã được triển khai cho phép chia sẻ thông tin giữa các nhân viên y tế, bác sĩ, đội cấp cứu ngoài bệnh viện, bác sĩ ngoài giờ, bệnh viện, nhà thuốc và các cơ sở điều trị. Vào tháng 10/2013, Scotland đã giành được giải xuất sắc về lĩnh vực phát triển ứng dụng CNTT trong công tác chăm sóc sức khoẻ tại Giải thưởng “Health Insider 2013”.



    Bắc Ireland có hồ sơ tóm tắt chăm sóc cấp cứu, đây là một hệ thống có các đặc điểm và chức năng tương tự như hồ sơ bệnh án điện tử của Scotland. Sau nhiều dự án thí điểm khác nhau, dự án này đã được hoàn thành vào năm 2009 và được sử dụng tại Bệnh viện thành phố Belfast, Bệnh viện Ulster và khắp Bắc Ireland trong năm 2010.



    Các nước Bắc Âu:



    Tại các nước Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển, ngân sách nhà nước là nền tảng cho các hệ thống công nghệ thông tin, trái ngược với các quốc gia khác là đóng góp hỗn hợp. Các quốc gia này đã thúc đẩy các chiến lược và kế hoạch hành động triển khai EHR kể từ đầu những năm 1990; có thể nói đây là những nước đầu tiên sử dụng EHR thành công ở Châu Âu.



    Tại Đan Mạch, từ những năm 1990, đã xác định 4 tiêu chuẩn để số hóa các dịch vụ y tế. Đan Mạch triển khai "Kế hoạch hành động EHR" với mục đích nhằm hỗ trợ việc áp dụng EHR và ban hành các quy định, hướng dẫn về thông tin, an toàn, tổ chức và thực hiện. Trong những năm 2000, Bộ Y tế tiếp tục triển khai "Chiến lược quốc gia về CNTT trong lĩnh vực bệnh viện", nhằm ưu tiên các hành động và hướng dẫn chung cho sự phát triển của Hồ sơ sức khỏe điện tử cơ bản, xác định mô hình tham chiếu của EHR. Vào cuối năm 2010, có 5 hệ thống EHR, tương ứng các vùng của Đan Mạch nhưng EHR giữa các vùng chưa tương thích nhau.



    Tại Phần Lan, không có dịch vụ y tế tập trung do đó cần phải kết nối khung của các khu vực khác nhau. Phần Lan triển khai thực hiện EHR từ năm 2007. Để giải quyết các vấn đề của người bệnh về quyền tự chủ, quyền riêng tư, sự tham gia và tiếp cận thông tin cá nhân và cung cấp cho bác sĩ dữ liệu đầy đủ và có thể truy cập, Phần Lan triển khai dự án “Kiến trúc điện tử” nhằm làm giảm tính không đồng nhất giữa hệ thống bệnh án điện tử của các bệnh viện và EHR. Tại Phần Lan, các hội đồng quận chịu trách nhiệm triển khai EHR. Năm 2008, Phần Lan triển khai hồ sơ tóm tắt cấp quốc gia (National Patient Summary - NPO), đây là một hệ thống cho phép nhân viên y tế, có thể truy cập thông tin y tế ở mọi nơi với sự đồng ý của bệnh nhân.

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này