Những vấn đề chính liên quan đến sức khoẻ của phụ nữ trên toàn cầu Sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái chịu ảnh hưởng bởi sinh học của giới tính và nhiều yếu tố xã hội khác. Phụ nữ sống lâu hơn nam giới, tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 74,2 tuổi, trong khi nam giới là 69,8 tuổi (năm 2015). Tuy nhiên, phụ nữ bị bệnh nhiều hơn và có nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, đặc biệt là nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các bệnh không lây nhiễm vẫn là gánh nặng lên sức khoẻ của phụ nữ trên toàn cầu, đã gây ra 18,9 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong năm 2015. Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho phụ nữ. Trong số các loại ung thư, ung thư cổ tử cung và ung thư vú là phổ biến nhất, và ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh lý ung thư ở phụ nữ. Bệnh trầm cảm ở nữ giới phổ biến hơn nam giới (5,1% so với 3,6%). Trong năm 2015, tự tử là nguyên nhân tử vong thứ hai ở phụ nữ ở độ tuổi từ 15–29. Trong suốt thời gian sống của người phụ nữ, cứ 3 người thì có 1 người có khả năng bị bạo lực về thể chất và/hoặc tình dục. Phụ nữ và trẻ em gái sống trong các khu vực có xung đột chiến tranh làm gián đoạn hệ thống y tế và làm trầm trọng thêm các rào cản trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người phụ nữ, ngược lại làm gia tăng tình trạng bị hãm hiếp và các hình thức bạo lực khác. Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 830 phụ nữ tử vong vì các nguyên nhân có thể phòng ngừa liên quan đến thai kỳ và sinh con. Phụ nữ, đặc biệt là những người trẻ tuổi từ 15-24 tuổi, chiếm đa số trong những người sống chung với HIV. Trong các hộ gia đình và cộng đồng, phụ nữ là người chăm sóc chính. Nhân viên y tế nữ chiếm 70% lực lượng lao động trong ngành y tế trên toàn thế giới, một nửa số đóng góp của phụ nữ đối với sức khỏe toàn cầu với vai trò là người chăm sóc chính của gia đình (không được trả tiền) tương đương 3 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Các nguy cơ bệnh tật theo từng giai đoạn trong cuộc sống của người phụ nữ Giai đoạn: Bé gái sơ sinh và tuổi thiếu niên (0–9 tuổi) Sinh non, ngạt sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây tử vong trong tháng đầu đời. Nguyên nhân tử vong ở lứa tuổi này thì giống nhau cho cả bé trai và bé gái. Tuy nhiên, trong một số nền văn hóa của một số khu vực trên thế giới, phân biệt đối xử giới tính đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của bé gái, vẫn còn tình trạng phá thai có chọn lọc theo giới tính và thậm chí giết chết bé gái khi được sinh ra. Khoảng 18% trẻ em bị lạm dụng tình dục vào một thời điểm nào đó trong tuổi thiếu niên (trẻ em trai: 8%). Ở một số nơi, các bé gái bị hạn chế tiếp cận với tiêm chủng, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng. "Sở thích con trai" có thể dẫn đến thực hành cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ngắn hơn ở bé gái so với bé trai. Giai đoạn: Trẻ em nữ ở tuổi vị thành niên (10–19 tuổi) Tuổi vị thành niên là giai đoạn mà sự khác biệt giới tính trở nên rõ ràng hơn và các chuẩn mực về giới tính bắt đầu hình thành. Nguyên nhân chính gây tử vong ở lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn là tai nạn giao thông đường bộ, tự tử, chết đuối, và các bệnh lý nhiễm trùng. Rối loạn trầm cảm dẫn đến tự tử là nguyên nhân bệnh tật và tử vong hàng đầu ở trẻ em nữ vị thành niên. Ở lứa tuổi này, trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục nhiều hơn, ngoài ra, ở một vài khu vực trên thế giới, còn phải đối mặt với hôn nhân trẻ em và phong tục cắt xén bộ phận sinh dục nữ, thường bị ép buộc phải quan hệ tình dục và phải chịu các hình thức bạo lực khác. Mỗi năm, có khoảng 15 triệu cô gái trẻ kết hôn trước 18 tuổi. Hôn nhân ở lứa tuổi vị thành niên gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với việc học tập của chính bản thân và của con cái họ. Có khoảng 16 triệu trẻ em gái từ 15–19 tuổi và khoảng 1 triệu trẻ dưới 15 tuổi sinh con hàng năm, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Ước tính có 3 triệu trường hợp phá thai không an toàn mỗi năm trong nhóm tuổi này. Trên toàn cầu, trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ chiếm 2 trong số 3 trường hợp nhiễm HIV mới. Thiếu máu do thiếu sắt cũng phổ biến ở độ tuổi này. Thừa cân và béo phì do dinh dưỡng không hợp lý dẫn đến nguy cơ tử vong và bị khuyết tật sớm hơn ở tuổi trưởng thành. Chán ăn do nguyên nhân thần kinh là loại rối loạn ăn uống phổ biến nhất và tình trạng rối loạn tâm thần ở lứa tuổi này có tỷ lệ tử vong cao nhất. Các cô gái vị thành niên đang ngày càng sử dụng thuốc lá, rượu và các loại thuốc kích thích khác, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ và sức khỏe của con cái họ. Giai đoạn: Tuổi sinh sản (15-49 tuổi) và trưởng thành (20-59 tuổi) Đối với phụ nữ trong độ tuổi 15–49, HIV và lao là 2 bệnh lý đe dọa lớn nhất về sức khỏe. Bệnh tật và tử vong liên quan đến mang thai, sinh đẻ và thời kỳ hậu sản là vấn đề sức khoẻ đáng lo ngại nhất. Mỗi ngày có khoảng 830 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chết vì biến chứng sản khoa. Các bệnh lý của bà mẹ, bao gồm trầm cảm chu sinh, lỗ rò sản khoa và các biến chứng khác từ thủ thuật sản khoa, thường phổ biến hơn 20 lần so với tử vong mẹ. Đây là độ tuổi của người phụ nữ cần được tiếp cận và kiểm soát các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả ngăn ngừa thai ngoài ý muốn. Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật cho phụ nữ trưởng thành. Phụ nữ có nhiều nguy cơ bị trầm cảm hơn nam giới, trầm cảm chu sinh và sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ và con cái của họ. 5 loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày. Đau lưng thấp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ và rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến số năm sống hiệu chỉnh theo mức độ tàn tật (DALYS) đối với phụ nữ trong độ tuổi 45–59. Có bằng chứng cho thấy phụ nữ bị bệnh tim mạch có xu hướng được chẩn đoán và điều trị muộn hơn và kém tích cực hơn so với nam giới. Giai đoạn: Từ 60 tuổi trở lên Tuổi sống khỏe được xác định bởi chất lượng của sức khỏe và hạnh phúc, không có sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử. Kẻ giết người lớn nhất của phụ nữ ở giai đoạn này là bệnh tim, đột quỵ và bệnh phổi mãn tính. Phụ nữ ở độ tuổi trên 65 có tỷ lệ thương tích cao hơn nhiều so với nam giới - có thể liên quan đến bệnh loãng xương và cơ địa đã mắc các bệnh mạn tính khác. Chứng mất trí thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông ở nhóm tuổi này. Với tuổi thọ dài hơn, phụ nữ thường đảm nhận vai trò chăm sóc cho các thành viên khác trong gia đình vào cuối đời. Sở Y tế TP.HCM Tìm kiếm theo từ khóa :TCYTTG Xem thêm...