Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tính đến nay đã có 15 ngày TP.HCM không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, không có nhân viên y tế bị nhiễm chéo và không có trường hợp nào tử vong. Giải tán đám đông quá 30 người Trong thời gian tới, ông Phong đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện cần hết sức lưu ý và không được phép lơ là, mất cảnh giác vì hiện nay dịch từ Đà Nẵng đã lây lan ra 15 tỉnh, thành trên cả nước. “Cần quyết liệt hơn nữa, bởi nếu TP để một ca nhiễm phát sinh trong cộng đồng thì lây lan rất nhanh, vì mật độ người rất đông và hoạt động kinh tế nhộn nhịp” - ông Phong nói. Ông Phong cũng yêu cầu các cấp, các ngành xác định tâm thế sống chung với dịch bệnh, chống dịch dài hơi và căn cơ hơn để cùng với các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, giữ thế chủ động trong phòng, chống dịch. Đối với các cơ sở y tế, ông Phong đề nghị cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, trang bị đầy đủ và kịp thời đồ bảo hộ y tế cho lực lượng chống dịch, đặc biệt là cán bộ y tế, không để lây nhiễm chéo, không để bùng phát dịch từ cơ sở y tế... Ngành y tế TP cần thực hiện giãn cách xã hội cho người nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch và người có bệnh lý mạn tính khác. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các bệnh viện đều phải xây dựng kịch bản và chuẩn bị mọi cơ sở vật chất, nhân lực để phòng, chống dịch. “Nếu có ca nhiễm phải thực hiện ngay việc khoanh vùng, cách ly theo quy mô phạm vi, thời gian phù hợp, nhanh chóng triển khai truy vết lịch sử tiếp xúc, xét nghiệm đồng loạt và cách ly tập trung” - ông Phong nói. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị bố trí các lực lượng tại các khu vực thường tập trung đông người để giải tán việc tập trung quá 30 người, ngoài các khu vực bệnh viện và trường học. “Làm việc hết sức linh hoạt, không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người khi chưa cần thiết, không để công việc có thời hạn, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp bị đình trệ” - ông Phong nói. Về hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch, ông Phong giao Sở KH&ĐT và Sở LĐ-TB&XH TP tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ lần hai cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Một nam thanh niên (áo đen) nhập cảnh trái phép được Việt Nam trao trả cho cơ quan chức năng Trung Quốc. Ảnh: CACC Đã có 110 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TP Liên quan đến người nhập cảnh trái phép, ông Phong cho biết qua kiểm tra, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện 115 người nhập cảnh trái phép vào TP.HCM, trong đó 110 người là người Trung Quốc. Tất cả đều được đưa đi xét nghiệm và cách ly theo quy định. Để quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, ông Phong đề nghị Công an TP.HCM chú ý tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, rà soát người nhập cảnh trái phép. UBND các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu có người nhập cảnh trái phép trên địa bàn mình quản lý. Đồng thời, phát huy vai trò cơ sở, nhất là công an phường, xã, cảnh sát khu vực trong việc phát hiện người nhập cảnh trái phép trên địa bàn. Hơn 50 công an tiếp xúc gần ca bệnh người Trung Quốc Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hồng Tiến, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết quận đã phát hiện một trường hợp bệnh nhân là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Bệnh nhân được Bộ Y tế công bố là ca bệnh thứ 912. Liên quan đến ca bệnh này, qua khai thác điều tra dịch tễ, có tất cả 13 nhân viên y tế và hơn 50 chiến sĩ công an thuộc phường 1 và phường 2 của quận Tân Bình tiếp xúc gần với ca bệnh. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị Công an TP phối hợp với VKS, TAND TP chọn một số án điểm về nhập cảnh trái phép, thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm kịp thời đưa ra truy tố, xét xử. Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ tám ca mắc bệnh phát hiện trong cộng đồng của TP có liên quan đến ổ dịch ở Đà Nẵng, TP đã điều tra và tiếp cận được 891 người tiếp xúc gần hoặc có liên quan đến các ca bệnh để tổ chức cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm, tất cả đều đã có kết quả âm tính. Về tình hình điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, hiện TP đang cách ly, điều trị 15 bệnh nhân gồm tám trường hợp phát hiện trong cộng đồng (liên quan tâm dịch tại Đà Nẵng) và bảy trường hợp người nhập cảnh, trong đó một người nhập cảnh trái phép là BN912 người Trung Quốc. Tất cả bệnh nhân đang có sức khỏe ổn định. Cả nước có thêm 14 ca nhiễm mới, chín ca tại Đà Nẵng khỏi bệnh Bản tin chiều 17-8 thông tin về 12 ca mắc mới, trong đó 11 ca trong cộng đồng (Đà Nẵng: sáu, Hải Dương: bốn và Hà Nội: một) và một ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Hà Nội (đoàn Guinea Xích đạo). Cụ thể,BN965-968 và BN 974-975tại Đà Nẵng: Có độ tuổi 33-59 tuổi, gồm: ba ca là người nhà bệnh nhân, một ca là nhân viên y tế tại BV Đà Nẵng, một ca là bảo vệ tại BV Đà Nẵng, một ca tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng;BN969tại Hà Nội là bệnh nhân nữ, 25 tuổi, có địa chỉ tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là F1 của BN962;BN970-973tại Hải Dương: Có độ tuổi 13-41, liên quan đến ổ dịch đường Ngô Quyền, Hải Dương (trước đó đã ghi nhận năm ca tại ổ dịch này);BN976được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hà Nội: Bệnh nhân nam, 42 tuổi, địa chỉ tại Thạch Sơn, Thạch Thành, Thanh Hóa. Sáng cùng ngày, Bộ Y tế thông báo thêm hai ca mắc COVID-19 mới, một ca mắc ghi nhận tại TP Hải Dương và một ca mắc tại tỉnh Quảng Nam. Cụ thể,BN963là nam, 30 tuổi, ngụ phường Tân Bình, TP Hải Dương;BN964là nữ, 49 tuổi, Tam Kỳ, Quảng Nam. Cùng sáng 17-8, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã trao giấy ra viện cho chín bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi và hơn ba lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Chín bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó BV Phổi Đà Nẵng có sáu bệnh nhân, gồm:BN435,BN455;BN571, BN610, BN611vàBN712. BV dã chiến Hòa Vang có ba bệnh nhân, gồm:BN492, BN555, BN819(đều trú tại Quảng Nam). Tính đến trưa 17-8, các bệnh viện điều trị COVID-19 tại Đà Nẵng đã công bố khỏi bệnh và cho ra viện 53 bệnh nhân. HÀ PHƯỢNG -HÀHẢI TÁ LÂM - HOÀNG LAN Nguồn tin : Báo PHÁP LUẬT TP.HCM Xem thêm...