SỞ Y TẾ TPHCM: tăng cường giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) trong các nhóm nguy cơ - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 18/11/23.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    Tất cả các khách hàng đang sử dụng dịch vụ phòng chống HIV (bao gồm cả tư vấn xét nghiệm, điều trị methadon, điều trị ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm) đều được sàng lọc các triệu chứng nghi ngờ Mpox. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán, những trường hợp đã có xét nghiệm xác định sẽ được đánh giá tình trạng lâm sàng và phân tuyến điều trị phù hợp. Đây là nội dung chính của Kế hoạch số 4802/KH-TTKSBT của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) về Tăng cường giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11 và 12 năm 2023 với sự hỗ trợ của các chuyên gia của US CDC tại Việt Nam.

    HCDC phối hợp với Hội phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động tư vấn, sàng lọc và chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân mpox tại tất cả các Khoa tư vấn, điều trị nghiện chất và HIV/AIDS của các Trung tâm Y tế quận huyện và thành phố Thủ Đức, các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS và các tổ chức dựa vào cộng đồng.

    Kể từ tháng 9 năm 2023, khi ca Mpox nội địa đầu tiên được phát hiện, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh hàng loạt hoạt động phòng chống bệnh như truyền thông đại chúng đồng thời truyền thông trong các nhóm cộng đồng nguy cơ, tập huấn kỹ năng chẩn đoán và điều trị cho các phòng khám da liễu, phụ khoa công lập và ngoài công lập, tập huấn kỹ năng kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng cho các trung tâm y tế, trạm y tế.

    Từ trung tuần tháng 9/2023 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 63 trường hợp Mpox, tất cả là nam giới, trong đó ghi nhận có 70% có quan hệ tình dục đồng giới và 60% là người có nhiễm HIV. Đã có 35 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và hết thời gian cách ly điều trị, 02 trường hợp nặng tử vong trong bệnh cảnh suy giảm miễn dịch. Theo thống kê của viện Pasteur TPHCM thì khu vực phía Nam đã phát hiện 74 ca Mpox.

    Mpox được xem là một bệnh truyền nhiễm tái nổi, trước đây chỉ lưu hành tại Châu Phi. Tuy nhiên từ tháng 4/2022, bệnh bùng phát ở châu Âu và Mỹ, sau đó được ghi nhận trên toàn thế giới. Đến hết tháng 9 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận có 91.123 ca xác định tại 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, 96% người mắc là nam giới, hơn 50% là người sống chung với HIV.

    Mpox là bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua các tiếp xúc gần như tiếp xúc da – da (bao gồm sờ trên da có sang thương, quan hệ tình dục đường miệng hoặc hậu môn), tiếp xúc miệng – miệng (bao gồm hôn), tiếp xúc miệng – da (như quan hệ tình dục đường miệng hoặc hôn trên da); nói chuyện gần với người đang phát tán virus qua giọt bắn hô hấp hoặc sử dụng chung đồ dùng (chăn màn, quần áo… với người đang bị Mpox cũng có thể bị lây).

    Tuy nhiên khi phân tích đặc điểm dịch tễ của đợt dịch Mpox trên thế giới từ năm 2022 đến nay, WHO nhận định rằng virus Mpox phát tán hầu hết qua quan hệ tình dục. Mọi người đều có thể mắc Mpox nếu có những hành vi tình dục nguy cơ; việc sử dụng thuốc ARV trong điều trị nhiễm HIV hoặc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm không thay thế được các biện pháp tình dục an toàn để dự phòng lây nhiễm Mpox.

    Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ 2 đến 4 tuần; trừ một số trường hợp bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, trẻ em… thì bệnh có thể nặng hơn. Vì vậy người bệnh mpox hoặc nghi ngờ mắc mpox cần được bác sỹ thăm khám, đánh giá tình trạng lâm sàng để có chỉ định điều trị phù hợp.

    Sau 2 tháng triển khai Kế hoạch Tăng cường giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Y tế TPHCM sẽ đánh giá kết quả và kỳ vọng sẽ chủ động kiểm soát sự lây lan bệnh Mpox trên địa bàn Thành phố. Với việc tăng cường chủ động sàng lọc, số ca bệnh Mpox được phát hiện báo cáo có thể tăng cao trong khoảng thời gian tới; tuy nhiên nếu người bệnh được phát hiện sớm và được tư vấn kịp thời để không lây cho người khác thì sẽ góp phần cắt đứt chuỗi lây nhiễm, qua đó kiểm soát được dịch bệnh.

    Kế hoạch này chỉ có thể đạt kết quả cao khi có sự tham gia tích cực của các tổ chức dựa vào cộng đồng và sự hợp tác của mỗi người bệnh và những người liên quan. Truyền thông tạo sự thấu hiểu và đồng thuận hợp tác của người bệnh, những người thuộc nhóm nguy cơ và cộng đồng là mấu chốt của sự thành công của kiểm soát dịch bệnh Mpox.

    [​IMG]

    HCDC tổ chức tập huấn về phòng chống Mpox cho nhóm tiếp cận cộng đồng, phòng khám, các Trung tâm y tế quận huyện, thành phố Thủ Đức (tháng 10/2023)

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Adblock test (Why?)

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này